Khai mạc phiên họp thứ 17 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Diễn ra trong thời gian 1 ngày, tại Phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.
Sáng 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 17 (phiên họp thường kỳ tháng 11/2022).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp (Ảnh: Nghĩa Đức) |
Phát biểu khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp thường kỳ thứ 17 (tháng 11/2022) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp dự kiến diễn ra trong 1 ngày để xem xét cho ý kiến một số nội dung.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về tổng kết Kỳ họp thứ 4; cho ý kiến bước đầu về chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5 vào đầu năm 2023; cho ý kiến về nội dung và khả năng chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội cho biết Kỳ họp thứ 4 đã thành công tốt đẹp. Theo thường lệ, sau khi kết thúc kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội căn cứ vào báo cáo đánh giá của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, thông tin, dư luận của Nhân dân sẽ có đánh giá tổng kết kỳ họp nhằm tiếp tục rút kinh nghiệm cho kỳ họp sau. Đồng thời, với tinh thần chuẩn bị từ sớm, từ xa Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải cho ý kiến ngay để chuẩn bị cho kỳ họp thường kỳ lần thứ 5 (tháng 5/2023).
Chủ tịch Quốc hội cho biết thêm, trên cơ sở một số các nhiệm vụ cấp bách, cụ thể, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến, trình Quốc hội giải quyết sớm 7 nội dung. Trong đó, có nội dung về quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu để đến Kỳ họp tháng 5 thì các quy hoạch khác, nhất là quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh sẽ có những khó khăn. Vì vậy, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến để trình Quốc hội xem xét, phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia là việc hết sức cấp thiết. Đây là nội dung quan trọng nhất phải giải quyết sớm, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Một nội dung khác dự kiến trình xem xét tại kỳ họp bất thường là dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Đây là nội dung đã được Quốc hội cho ý kiến tại 2 kỳ họp. Quốc hội và Chính phủ cũng thống nhất sẽ dành thêm thời gian để chuẩn bị, nhất là về một số nội dung quan trọng thuộc tài chính, y tế, cơ chế tự chủ tài chính của cơ sở khám, chữa bệnh… Nếu để đến tháng 5 thì thời gian còn lại để ban hành các văn bản hướng dẫn sẽ rất hạn hẹp. Mục tiêu là ngày 1/1/2024 có hiệu lực. Nếu dự án luật này chuẩn bị tốt thì có thể xem xét thông qua được sớm hơn.
Ngoài ra, còn có một số việc liên quan đến tài chính, ngân sách như vấn đề xử lý các vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông theo hình thức BOT; việc tổng kết đánh giá Nghị quyết 30/2021/QH15 liên quan đến quy định về cơ chế đặc thù, đặc biệt, đặc cách trong công tác phòng chữa bệnh, chống dịch; một số các vấn đề liên quan đến bổ sung dự toán ngân sách nhà nước; nguồn vốn viện trợ không hoàn lại; điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại của các địa phương; điều chỉnh dự toán kinh phí đảm bảo hoạt động chưa sử dụng hết của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, những nội dung này Chính phủ mới có Tờ trình, chưa có điều kiện để thẩm tra theo quy trình quy định. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ rà soát cho ý kiến về những nội dung này và xem xét khả năng tổ chức kỳ họp bất thường.
Các đại biểu tham dự phiên họp (Ảnh: Nghĩa Đức) |
Theo chương trình, tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét cho ý kiến một số nội dung thuộc thẩm quyền về tài chính và ngân sách. Cụ thể: xem xét việc phân bổ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách trung ương giai đoạn 2021 - 2025 còn lại của 03 chương trình mục tiêu quốc gia và bổ sung vốn nước ngoài cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025; xem xét việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ký Thỏa thuận giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Hoa Kỳ về các điều kiện cải tạo, xây dựng và bảo trì các tòa nhà có liên quan đến các cơ quan ngoại giao và lãnh sự 02 bên (Thỏa thuận Coca); xem xét, phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm miễn nhiệm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Nêu rõ với 4 nhóm nội dung chính như trên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu nghiên cứu kỹ lưỡng và phát biểu sôi nổi, liên tục để bảo đảm hoàn thành chương trình đề ra./.
Theo dangcongsan.vn