Hội thảo khoa học “Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”
Sáng ngày 30/8, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức hội thảo khoa học "Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045". Đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì Hội thảo.
Đồng chí Lại Xuân Môn chủ trì Hội thảo.
Phát biểu đề dẫn Hội thảo, đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định, trong suốt tiến trình lịch sử từ khi Đảng ra đời đến nay, bất cứ giai đoạn cách mạng nào, công tác tuyên giáo cũng luôn là một phần đặc biệt quan trọng trong hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu xây dựng, bồi đắp, bảo vệ nền tảng chính trị của chế độ; tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về lý luận, chính trị, trí tuệ, văn hoá và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tuy nhiên, công tác tuyên giáo đang có chiều hướng tập trung xử lý những vấn đề cụ thể, ngắn hạn, chưa giải quyết tốt mối quan hệ biện chứng giữa thực hiện những nhiệm vụ ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Triển khai mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng trong bối cảnh tình tình thế giới, khu vực và trong nước luôn có sự thay đổi nhanh chóng, khó dự báo, ngày càng phức tạp đặt ra những yêu cầu ngày càng cao đối với công tác tuyên giáo. Trong bối cảnh đó, nếu không kịp thời xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, định hình, định hướng hoạt động và xử lý hiệu quả những vấn đề tư tưởng phát sinh sẽ ảnh hưởng lớn đến sự ổn định chính trị và sự phát triển bền vững của đất nước. Vì thế, việc nghiên cứu cơ sở lý luận, thực tiễn để định hướng xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 là yêu cầu cấp thiết, tất yếu, khách quan.
Theo đồng chí Lại Xuân Môn, nhận thức tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chủ động nghiên cứu Đề tài “Cơ sở lý luận, thực tiễn và định hướng chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Để hoàn thành bộ sản phẩm, Ban Chủ nhiệm đề tài đã hoàn thành các công việc như đặt hàng 50 chuyên đề khoa học; tổ chức khảo sát thực tiễn ở 9 tỉnh, thành phố (Lào Cai, Yên Bái, Hà Tĩnh, Sơn La, Điện Biên, Hà Giang, Hậu Giang, An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu…); tổ chức điều tra xã hội học ở 17 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 9 cơ quan Trung ương; tổ chức tọa đàm tại Ban Tuyên giáo Trung ương và các tỉnh, thành ủy; đã nghiệm thu đề tài cấp cơ sở và nhận được nhiều ý kiến góp ý quan trọng, tâm huyết của các nhà khoa học.
PGS. TS. Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương phát biểu ý kiến tại Hội thảo. |
Tại Hội thảo, các ý kiến đã tập trung phân tích và làm rõ một số nội dung trên những phương diện chủ yếu như sau:
Một là, làm rõ vai trò, tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo. Đa số các ý kiến đều cho rằng cần thiết phải xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo nhằm nâng cao tính dự báo, đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức, phương pháp, tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ cán bộ, xây dựng tầm nhìn trung hạn, dài hạn, kết nối được các mặt, các lĩnh vực để phát huy tốt hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo.
Hai là, làm rõ được những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo.
Nhiều ý kiến thống nhất cho rằng, đề tài đã làm rõ được những vấn đề lý luận của xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo như: Khái niệm công tác tuyên giáo, chiến lược công tác tuyên giáo; đặc tính, cấu trúc, nguyên tắc, quan điểm xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo. Làm rõ được một số nhận thức mới của công tác tuyên giáo về cả nội dung, phương thức, tổ chức bộ máy và tiêu chí đánh giá hiệu quả.
Các ý kiến cũng cơ bản thống nhất đánh giá: Bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác tuyên giáo của Đảng vẫn còn những hạn chế, trong đó có những tồn tại, hạn chế kéo dài, chậm được khắc phục. Vị trí, vai trò công tác tuyên giáo có lúc, có nơi chưa thực sự được cấp ủy coi trọng. Thực tiễn gần đây cho thấy, công tác tuyên giáo có chiều hướng tập trung xử lý những vấn đề cụ thể, ngắn hạn, tính dự báo thấp, lúng túng trong xử lý những vấn đề phát sinh; chưa thực hiện tốt phương châm đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết, chưa kết nối được các mặt, các lĩnh vực để tạo nên sức mạnh tổng hợp của công tác tuyên giáo.
Ba là, về dự báo bối cảnh tác động đến công tác tuyên giáo trong thời gian tới
Đa số các các ý kiến cho rằng, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có nhiều thuận lợi, khó khăn, thách thức và xuất hiện những vấn đề mới trong đó có những vấn đề chưa có tiền lệ, đặt ra yêu cầu trong định hướng chiến lược công tác tuyên giáo phải nhận thức rõ và dự báo chính xác tình hình và sự tác động của nó đến công tác tuyên giáo.
Bốn là, về quan điểm, mục tiêu, định hướng của chiến lược công tác tuyên giáo.
Về quan điểm chiến lược công tác tuyên giáo, các ý kiến đều thống nhất cho rằng, công tác tuyên giáo phải xây dựng một hệ thống quan điểm làm cơ sở cho việc xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược công tác tuyên giáo, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Hệ thống quan điểm công tác tuyên giáo phải thể hiện những nội dung, nguyên tắc mang tính ổn định, phải kiên định, bảo vệ và phát triển; phải thể hiện tính linh hoạt, khả năng ứng phó và xử lý hiệu quả trước những thay đổi, biến cố xảy ra.
Về mục tiêu chiến lược công tác tuyên giáo, các ý kiến đều cho rằng, mục tiêu chung phải thể hiện những nhiệm vụ xuyên suốt của công tác tuyên giáo. Mục tiêu cụ thể cần phân định hai giai đoạn, trong đó giai đoạn thứ nhất chuẩn bị cơ sở, nền tảng cho giai đoạn phát triển tiếp theo.
Về định hướng chiến lược công tác tuyên giáo, các ý kiến đều cho rằng: định hướng chiến lược công tác tuyên giáo phải thể hiện các nội dung định hướng chung và định hướng cụ thể trong từng lĩnh vực của hoạt động tuyên giáo, như: (1) Công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; (2) Công tác lý luận chính trị; (3) Công tác tuyên truyền, cổ động, báo chí, xuất bản; (4) Công tác văn hóa, văn nghệ; (5) Công tác khoa giáo; (6) Công tác bảo vệ tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh với các quan điểm sai trái, thù địch; (7) Xây dựng mô hình tổ chức, công tác cán bộ và các mối quan hệ phối hợp.
Năm là, về các giải pháp thực hiện chiến lược công tác tuyên giáo đến năm 2030, tầm nhìn 2045
Các ý kiến đều nhất trí cho rằng từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những giải pháp thực hiện chiến lược công tác tuyên giáo cần tập trung vào một số nội dung lớn như: (1) Giải pháp tạo sự thống nhất trong Đảng, hệ thống chính trị và trong Nhân dân về những nhận thức mới đối với công tác tuyên giáo; (2) Giải pháp xây dựng cơ chế, năng cao năng lực phản ứng, điều chỉnh, khả năng thích ứng và tương thích của công tác tuyên giáo trong tình hình mới; (3) Giải pháp xây dựng và hoàn thiện các quy định, quy chế, quy trình của hoạt động tuyên giáo và công tác phối hợp giữa Ban Tuyên giáo các cấp với các ban đảng, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị, xã hội cùng cấp; (4) Giải pháp đối với từng vực của công tác tuyên giáo; đổi mới phương thức công tác tuyên giáo; xây dựng và hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ, sơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn cách mạng mới.
Thu Hằng