A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Gia đình-nơi trao truyền những giá trị truyền thống

CTTBTG - Gia đình là thiết chế xã hội cơ bản nhất cho sự trưởng thành của mỗi cá nhân cũng như sự phát triển bền vững của xã hội. Qua nhiều thời kỳ, dù quy mô, cấu trúc và các quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, nhưng gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng không thể thiếu được trong sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống của gia đình Việt
Từ năm 2001 đến nay, Ngày Gia đình Việt Nam được thành phố Hà Nội tổ chức, triển khai như một cuộc vận động xã hội lớn, với nhiều hoạt động thiết thực, đã phát huy vai trò của gia đình trong phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đã tổ chức gặp mặt đại diện gia đình văn hóa tiêu biểu năm 2022. Buổi lễ diễn ra trong không khí trang trọng, đầm ấm. Tại đây, đại diện các gia đình tiêu biểu của Thủ đô đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây tổ ấm và bí quyết phát huy truyền thống gia đình, góp phần xây dựng xã hội phát triển.
Chia sẻ về vấn đề xây dựng gia đình văn hóa trong ngôi nhà có 4 thế hệ đang sinh sống, bà Nguyễn Thị Thỏa, Nghệ nhân ưu tú phường múa rối nước dân gian Đào Thục, xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh bày tỏ: “Tôi và các thành viên trong gia đình gồm 4 thế hệ hiện đang sinh sống rất hạnh phúc. Gia đình tôi là một trong số những hộ gia đình trên địa bàn thành phố có nhiều thành viên cùng yêu thích và tích cực tham gia các phong trào văn hóa văn nghệ, đặc biệt là việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể”.
 
Gia đình-nơi trao truyền những giá trị truyền thống
Ảnh minh họa: Báo Nhân Dân
“Mỗi khi Tết đến, xuân về, khi hội làng, chúng tôi lại được đắm chìm trong không gian nghệ thuật múa rối nước. Niềm đam mê ấy lớn dần theo thời gian. Tôi đã vận động 6 thành viên trong gia đình cùng tham gia sinh hoạt, biểu diễn, truyền dạy, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị nghệ thuật dân gian truyền thống múa rối nước của quê hương Đào Thục. Gia đình chính là nơi khởi nguồn, là nơi nuôi dưỡng, vun đắp cho những đam mê với nghệ thuật múa rối nước, nơi trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của chúng tôi”, bà Nguyễn Thị Thỏa cho biết.
Cũng là một trong những gia đình văn hóa tiêu biểu có mặt tại buổi gặp gỡ, bà Đỗ Thị Dụ, năm nay 80 tuổi, ở số 109, ngõ 10, tổ dân phố Yên Phúc, phường Phúc La, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: "Gia đình là tế bào của xã hội, là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người, góp phần quan trọng vào quá trình xây dựng phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Thấm nhuần ý nghĩa đó, những năm qua, gia đình tôi nói riêng và gần 90 nghìn hộ gia đình trên địa bàn quận Hà Đông nói chung được thụ hưởng những giá trị nhân văn từ gia đình qua công tác lãnh đạo chỉ đạo, hướng dẫn, động viên, khích lệ từ phía Đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp".
Khẳng định giá trị cốt lõi quan trọng của mỗi gia đình, bà Trần Thị Vân Anh, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội nhấn mạnh: Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ con rồng, cháu tiên đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, mang đậm tâm hồn, cốt cách dân tộc Việt Nam. Đó là một nền văn hóa phát triển bền vững theo nguyên lý tổng hòa các mối quan hệ gia đình – làng – nước, đó là 3 trụ cột tạo nên bản sắc bền vững của nền văn hóa dân tộc mà gia đình là nơi khởi nguồn của sự hình thành, định hình, bảo lưu, bồi trúc thành các giá trị văn hóa của làng, của nước.
Gia đình văn hóa góp phần quan trọng vào thực hiện nhiệm vụ chính trị
Bà Trần Thị Vân Anh đánh giá: "Với vị thế là trung tâm văn hóa của đất nước, công tác xây dựng gia đình văn hóa, quản lý nhà nước về gia đình của thành phố Hà Nội đã có nhiều kết quả rất rõ nét. Nổi bật với những tấm gương gia đình văn hóa của Thủ đô đã được thành phố, các ban, ngành, đặc biệt là các quận, huyện, thị xã tổ chức tôn vinh, khen thưởng. Công tác gia đình, nhiều gia đình văn hóa đã góp phần quan trọng và thực hiện nhiệm vụ chính trị, thực hiện nhiệm vụ xây dựng Người Hà Nội thanh lịch, văn minh".
 
Gia đình-nơi trao truyền những giá trị truyền thống
Đại diện các gia đình văn hóa được biểu dương. 
Bà Nguyễn Thị Thỏa cho biết: “Bảo tồn và phát huy những giá trị di sản văn hóa dân tộc là một trong nhiều hoạt động của gia đình tôi cùng hướng với mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh góp phần tạo nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc, là động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Để thực hiện được mục tiêu đó, gia đình tôi cần phải cố gắng, nỗ lực nhiều hơn nữa trong bảo tồn và phát triển nghệ thuật múa rối nước dân gian Đào Thục, tích cực tham gia các hoạt động và phong trào của địa phương, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, hiện đại…”.
Tuy trong gia đình có 4 thế hệ cùng sinh sống, với những cách sống, cách suy nghĩ khác nhau nhưng gia đình bà Đỗ Thị Dụ luôn tràn ngập tiếng cười bởi các thành viên gia đình bà luôn biết nhường nhịn, thương yêu nhau, tạo không khí vui vẻ, êm ấm. Hơn nữa, mỗi thành viên đều gắn bó thương yêu, đùm bọc, hòa thuận, luôn tôn trọng giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Từ nền tảng giáo dục nền nếp nên mọi thành viên trong gia đình bà Đỗ Thị Dụ luôn ý thức tự rèn luyện, phấn đấu vươn lên về mọi mặt để có kiến thức, hiểu biết, trình độ năng lực…đáp ứng sự nghiệp đổi mới của đất nước. Đặc biệt ai cũng có quan điểm nhận thức về đạo đức, lối sống lành mạnh, tiến bộ phù hợp với truyền thống văn hoá dân tộc, thực hiện kế hoạch hoá gia đình, bảo đảm đời sống ngày một phát triển. Bên cạnh đó mọi thành viên trong gia đình luôn cổ vũ, động viên các thành viên khác tham gia các hoạt động xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, tránh xa các tệ nạn xã hội.
“Gia đình tôi luôn giữ đoàn kết trong cộng đồng tổ dân phố, giúp đỡ nhau khi hoạn nạn khó khăn và lúc cần thiết khác. Bản thân tôi luôn vận động người thân trong gia đình và nhân dân chấp hành nghiêm mọi chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi luôn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào, các cuộc vận động do địa phương phát động. Các con tôi ngoài thời gian làm việc ở cơ quan cũng thường xuyên tích cực tham gia các hoạt động do địa phương tổ chức”, bà Đỗ Thị Dụ chia sẻ.
Việc xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ, văn minh là nền tảng để mỗi cộng đồng, dòng họ, tổ dân phố, làng, xã, phường, thị trấn, quận, huyện, thành phố hạnh phúc, quốc gia hưng thịnh và phát triển.
KHÁNH HUYỀN

Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.201
Hôm qua : 1.752
Tháng 09 : 33.254
Năm 2024 : 766.662