A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Dự báo tăng trưởng GDP năm 2023 đạt trên 5%

Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực.

Sáng 16/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế - xã hội, gồm: đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra

Theo báo cáo của Chính phủ, nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Trên cơ sở kết quả 9 tháng, ước cả năm 2023 ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội. 

Dự báo cả năm 2023, tăng trưởng GDP đạt khoảng trên 5%, dù thấp hơn chỉ tiêu đề ra (khoảng 6,5%) nhưng vẫn là mức khá cao so với nhiều nước trên thế giới và khu vực. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ước khoảng 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu khoảng 4,5%. Thu NSNN phấn đấu đạt hoặc vượt dự toán được giao trong khi miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất (đến hết tháng 9 đã miễn, giảm, gia hạn khoảng 152,5 nghìn tỷ đồng). Cả năm 2023 ước xuất siêu khoảng 15 tỷ USD.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp (Ảnh: QH)

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Uỷ ban Kinh tế đề nghị quan tâm, tập trung đánh giá kỹ hơn dự kiến 05/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế chậm lại, thậm chí suy giảm và đang chịu áp lực rất lớn từ bên ngoài. Xuất khẩu hàng hóa 9 tháng giảm 8,2% cùng kỳ. Xuất siêu tăng do nhập khẩu nguyên liệu đầu vào giảm (13,9%), cho thấy nhu cầu đầu vào sản xuất trong nước tiếp tục chậm lại. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm dần qua các quý (Quý I tăng 13,9% đến Quý III chỉ tăng 7,3%).

Một số ý kiến cho rằng cả 3 động lực về đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể kịp thời, khả thi theo hướng chuyển đổi xanh, giảm thiểu thâm dụng năng lượng, phát thải các bon và kinh tế tuần hoàn.

Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị đánh giá một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả. Thủ tục hành chính tuy đã được cắt giảm nhưng trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp, việc ban hành Thông tư, Quy chuẩn kỹ thuật còn bất cập gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Tiến độ lập, triển khai các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia còn chậm.

Nền kinh tế khát vốn nhưng khó hấp thụ vốn, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động, lãi suất cho vay giảm nhưng dư nợ tín dụng đến ngày 21/9/2023 chỉ tăng 5,91% so với cuối năm 2022. Lãi suất điều hành đã được điều chỉnh giảm 4 lần với mức giảm 0,5-2,0%/năm nhưng lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở thời điểm cuối tháng 8/2023 chỉ giảm khoảng 1,0% so với cuối năm 2022. Lạm phát đã có dấu hiệu đảo chiều tăng trong 3 tháng gần đây, tỷ giá cũng có những biến động mạnh trong tháng 8, tháng 9. Lạm phát cơ bản 9 tháng là 4,49%, cao hơn nhiều so với lạm phát tổng thể sẽ ảnh hưởng đến không gian chính sách tiền tệ, hạn chế việc tăng cung tiền, tăng dư nợ tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng. 

Giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Cùng một hệ thống pháp luật nhưng một số cơ quan trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung (có 17 Bộ, cơ quan trung ương chỉ giải ngân dưới 10%). Các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm trễ do một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

Có biện pháp xử lý cán bộ đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý cân đối các nội dung trong báo cáo, đề nghị các cơ quan tiếp tục rà soát, “gạn đục khơi trong” để làm nổi bật các kết quả đạt được để thấy được nỗ lực của các cơ quan trong năm 2023; nhấn mạnh công tác đối ngoại bao gồm đối ngoại Đảng, Quốc hội, Chính phủ, giao lưu Nhân dân được đẩy mạnh, chủ động triển khai đồng bộ, phối hợp nhịp nhàng và sôi động các đoàn ra, đoàn vào góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp (Ảnh: QH) 

Chủ tịch Quốc hội lưu ý trong thời gian tới, tinh thần phải phấn đấu quyết liệt hoàn thành cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu của năm 2023, hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024 để góp phần cho hoàn thành nhiệm vụ của cả nhiệm kỳ. Tiếp thu ý kiến tại Hội nghị trung ương, cần tập trung giải quyết vấn đề ngắn hạn, những vấn đề cấp bách trước mặt mà Nghị quyết Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV hay trong các kết luận của Trung ương của Bộ Chính trị đã chỉ rõ. Đồng thời phải gắn với các mục tiêu dài hạn như cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả cạnh tranh nền kinh tế… cũng như các mục tiêu phát triển lâu dài. 

Đóng góp ý kiến, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. 

Đề cập đến nội dung cải cách tiền lương, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định lưu ý, theo kế hoạch, từ ngày 1/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

“Lần điều chỉnh này mang tính chất cải cách, không chỉ điều chỉnh tăng lương, tăng thu nhập mà trong Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu rõ cải cách tiền lương gắn với nâng cao chất lượng trách nhiệm đội ngũ cán bộ, công chức. Hai việc này đi liền với nhau, điều chỉnh tiền lương gắn với vị trí việc làm, tăng cường trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương nên cần rà soát, sắp xếp lại cán bộ, công chức; có biện pháp xử lý đối với những người thiếu tinh thần trách nhiệm, làm việc cầm chừng, đùn đẩy, né tránh”, Phó Chủ tịch Quốc hội nói.

Cùng với đó, Phó Chủ tịch Nguyễn Khắc Định cũng đề cập đến một nhiệm vụ quan trọng của năm 2024 là tiếp tục sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp xã theo nghị quyết của Trung ương. Dự kiến, có 35 huyện và trên 1.000 xã thuộc diện sắp xếp, sáp nhập. 

Về vấn đề này, Bộ Chính trị đã có kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết, Chính phủ đã có kế hoạch triển khai trên toàn quốc nhưng qua báo cáo cho thấy một số địa phương đang chậm. Do đó, cần đôn đốc, đẩy mạnh, giám sát, quán triệt, bảo đảm trong Quý 3 phải hoàn thành thủ tục để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để bắt đầu thực hiện từ Quý 4/2023.

Về giám sát tình hình thực hiện chính sách pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập, nhấn mạnh đây là nội dung lớn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế chính sách đối với đơn vị sự nghiệp công lập để phục vụ cho công tác giám sát và thực hiện nghị quyết của Trung ương.

Nêu ý kiến tại phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga đề cập tới các vấn đề liên quan an ninh trật tự. 

Cụ thể, theo bà, tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp, thể hiện vẫn còn sơ sở trong phòng cháy. “Mỗi một vụ cháy xảy ra thì lại tiến hành rà soát như cháy karaoke thì sau đó có hàng loạt chỉ thị về rà soát các tụ điểm karaoke, cháy chung cư mini thì lại rà soát chung cư mini” - bà nói. 

Nhắc lại Quốc hội khoá XIV đã có cuộc giám sát rất lớn về phòng cháy chữa cháy, bà đề nghị Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội kiểm tra lại Nghị quyết về giám sát phòng cháy chữa cháy, đề xuất Chính phủ tăng cường thực hiện các giải pháp mà Quốc hội đã để ra trong Nghị quyết.

Đề cập đến tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cho biết, số người bị lừa đảo rất lớn và đề nghị Chính phủ tăng cường quản lý mạng xã hội, cảnh báo những trường hợp lừa đảo qua mạng xã hội để người dân được biết và phòng ngừa.

Cũng theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, tình trạng tham nhũng tiêu cực trong một số lĩnh vực còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Tình trạng thông đồng, móc ngoặc, cấu kết, tiếp tay của cán bộ nhà nước với doanh nghiệp để tham nhũng, trục lợi, chiếm đoạt tài sản của nhà nước còn diễn ra ở một số lĩnh vực. Nổi lên là các sai phạm trong lĩnh vực đăng kiểm về đất đai, y tế, giáo dục, quản lý tài sản công, đấu thầu đấu giá, trái phiếu, rửa tiền… gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính dịch vụ công chậm được khắc phục… Vì vậy đề nghị Chính phủ tăng cường hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng tăng cường hơn để đảm bảo các lĩnh vực thường xuyên xảy ra tham nhũng được kiểm soát chặt chẽ.../.

Kim Thanh


Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.699
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 26.529
Năm 2025 : 26.529