A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: 'Không có tư duy nhiệm kỳ'

Chiều 9/6, đại biểu hỏi tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở ngành giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể trả lời "không" vì là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài.

 

 

Tiếp tục phiên chất vấn chiều 9/6, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai hỏi, trước áp lực về tiến độ và chất lượng các công trình giao thông, với các cơ chế đặc thù mà Quốc hội đã cho phép, Bộ có cam kết giải ngân số vốn 50.000 tỷ đồng của giai đoạn kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025 hay không?

Một số công trình xây dựng của Việt Nam còn mang tư duy nhiệm kỳ, nhất là khâu lập, thẩm định, sắp xếp thứ tự ưu tiên dự án. Tình trạng tư duy nhiệm kỳ có tồn tại ở lĩnh vực giao thông hay không?

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói, tất cả danh mục đăng ký đầu tư đều được rà soát kỹ. Hơn nữa hai năm qua, mỗi năm Bộ giải ngân được 95-95% vốn đầu tư công. Số còn lại chưa giải ngân được đều do yếu tố bất khả kháng về giải phóng mặt bằng, thời tiết, khí hậu bất thường... Bộ sẽ tích cực chỉ đạo để không gây lãng phí do không giải ngân được vốn.

Ông Thể khẳng định "ngành giao thông không có tư duy nhiệm kỳ". Tất cả quốc lộ, cao tốc đều nằm trong quy hoạch, được định hướng nhiều chục năm, chứ không phải bộc phát đưa vào. Các dự án lớn thường nằm trong các Nghị quyết đại hội Đảng, Nghị quyết Bộ Chính trị về phát triển vùng.

"Những căn cứ này đảm bảo sự khách quan, minh bạch. Giao thông là ngành phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch lâu dài, công trình mang tính liên vùng đột phá nên không có tư duy nhiệm kỳ", ông giải thích.

Đồng thời, ông Thể cũng nói thêm các dự án giao thông được Bộ tham mưu Chính phủ, Chính phủ trình Quốc hội. Quốc hội rà soát bấm nút thông qua và cũng giám sát cuối cùng về các dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Đinh Ngọc Minh đặt vấn đề, hiện cả nước dồn sức làm cao tốc, nhưng chất lượng đường vừa qua có nhiều vấn đề. Nguyên nhân là thiết kế, thi công hay giám sát? Để giảm tải đường bộ thì phải phát triển đường sắt. Nhưng đường sắt chỉ chiếm 0,2% thị phần hành khách, 1,2% thị phần vận tải. "Hướng cơ cấu lại ngành đường sắt thế nào?", ông Minh hỏi.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng cao tốc chất lượng kém thường rơi vào đường cấp thấp. Còn đường chất lượng cao "có nhưng không tới mức dự án cao tốc nào cũng không đảm bảo chất lượng". Xây dựng cơ bản hiện phải làm thật tốt, dự án cao tốc hiện nay và sắp tới sẽ bám theo các tiêu chí này.

Ông nhắc lại các khâu thanh, kiểm tra trong quá trình thi công, xây dựng cao tốc hiện khá chặt chẽ, ngoài thanh tra ngành giao thông còn có sự tham gia của công an, thanh tra Chính phủ để hạn chế những vấn đề nhạy cảm. "Ngành giao thông hiện nay không ai dám làm sai. Ký tá cũng cân đong đo đếm, đảm bảo quy định pháp luật", Bộ trưởng Thể khẳng định.

Về định hướng phát triển đường sắt, Bộ trưởng Thể cho biết, Chính phủ đang giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, thẩm định dự án đường sắt Bắc Nam tốc độ cao. Kế hoạch là sẽ báo cáo Bộ Chính trị và phấn đấu trong nhiệm kỳ này báo cáo Quốc hội để xin chủ trương đầu tư. Khi có chủ trương đầu tư còn lập dự án, 3-4 năm sau mới có thể triển khai.

Hệ thống đường sắt hiện hữu sẽ định hướng thành vận chuyển hàng hoá, kết nối xuống các cảng cùng đường biển. Còn đường sắt Bắc Nam tốc độ cao sẽ vận chuyển hành khách để đảm bảo giao thông Bắc Nam thông suốt, nhất là vào dịp lễ Tết.

Tham gia tranh luận với Bộ trưởng Thể về vấn đề BOT, đại biểu Lê Minh Nam nói, Bộ trưởng nêu khó khăn khi làm dự án theo hình thức PPP; dự án BOT triển khai chưa đảm bảo phương án tài chính nên phải xử lý bằng cơ chế riêng; việc tăng giảm thu phí tại một số dự án.

Nhưng thống kê của Kiểm toán Nhà nước giai đoạn 2016-2020 cho thấy, qua kiểm soát 83 dự án BOT và BT, cơ quan này đã kiến nghị giảm thời gian thu phí so với phương án ban đầu là 302 năm. Trong đó, có dự án giảm thời gian thu phí lên đến 10 năm. Điều có chứng tỏ có khó khăn trong việc giám sát quy trình thực hiện các dự án BOT để đảm bảo dự án triển khai đạt hiệu quả. Đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm thực trạng này?

Đại biểu Lê Minh Nam. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Lê Minh Nam. Ảnh: Media Quốc hội

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói "phải nghiên cứu thật kỹ vấn đề này". Dự án BOT khi chưa có Luật Đầu tư công, theo Nghị định của Chính phủ, việc đấu thầu dự án là khi dự án đầu tư được duyệt, chưa phải là thiết kế kỹ thuật, dự toán được duyệt. Dự án đầu tư có nghiên cứu, có phần dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá...

Theo ông Thể, theo quy định là hợp đồng nguyên tắc, ký theo dự án được duyệt. Trong hợp đồng có đưa điều khoản sau khi dự án hoàn thành, căn cứ vào kết quả quyết toán của dự án thì Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư điều chỉnh thời gian thu phí theo số liệu thực mà dự án được triển khai.

"Vì vậy chúng ta có hai con số, con số kiểm toán nêu ra, chúng tôi đã báo cáo là số liệu này đúng, nhưng chưa đúng bản chất, bởi chỉ đúng theo hợp đồng nguyên tắc, khi chưa có hồ sơ thiết kế, chưa triển khai, chưa giám sát, chưa điều chỉnh hợp đồng. Chứ nếu Bộ Giao thông mà ký hợp đồng như thế thì chắc chắn anh em Bộ chúng tôi không thể ngồi ở đây. Không thể làm sai như thế được", ông Thể phân tích.

Con số thứ hai, theo ông Thể là từng dự án BOT, sau khi hoàn thành, được kiểm toán, quyết toán và ký hợp đồng điều chỉnh thời gian thu phí. "Nên số liệu kiểm toán và số liệu chúng tôi ký là không khác nhau mà chỉ khác với hợp đồng nguyên tắc. Chứ không thể làm sai, vi phạm pháp luật nghiêm trọng được", ông Thể tái khẳng định và đề nghị đại biểu kiểm tra lại thông tin.

Đại biểu Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, hỏi vì sao hiện nay nhà đầu tư không mặn mà với các dự án BOT, nhất là lĩnh vực cầu đường?

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể một lần nữa nhắc lại sự khác nhau giữa dự án BOT trước đây khi thực hiện theo Nghị định 108 và hiện nay (dự án BOT theo hình thức PPP). Các dự án PPP hiện nay làm trên đường song hành, tuyến cao tốc. Còn BOT trước đây thực hiện trên đường hiện hữu, theo Nghị định 108 nên có một số vướng mắc, nhà đầu tư bức xúc.

Thực tế các bức xức chủ yếu là nhà đầu tư, ngân hàng lo ngại nợ xấu, hụt doanh thu. "Chúng ta cần giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đó có quyền lợi nhà đầu tư, ngân hàng. Bộ Giao thông sẽ cố gắng cùng các bộ, ngành rà soát kỹ, nhưng cũng cần nguồn lực để xử lý dứt điểm vấn đề này", ông nói.

Đại biểu Lê Hoàng Anh nhắc lại lời Bộ trưởng các dự án lớn mới chậm tiến độ và hiện chưa khắc phục được. Tuy nhiên, Bộ lại trình 5 dự án lớn tiếp theo, nếu thời gian tới cùng lúc có 9 dự án thực hiện thì khả năng chậm tiến độ là hiện hữu. Trong khi Luật đầu tư công quy định thời hạn cho các loại dự án.

"Đề nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải cho biết hiện có bao nhiêu nhà thầu thi công đủ năng lực thực hiện dự án này? Có bao nhiêu máy móc cùng thi công 9 dự án trên? Nếu không đảm bảo tiến độ thì trách nhiệm tham mưu của Bộ trưởng thế nào?", ông Hoàng Anh chất vấn.

Đại biểu Lê Hoàng Anh. Ảnh: Media Quốc hội

Đại biểu Lê Hoàng Anh. Ảnh: Media Quốc hội

Trả lời đại biểu Lê Hoàng Anh, Bộ trưởng Thể nói có 48 nhà thầu từng làm công trình giao thông cấp 1 (làm được cao tốc), có thể đảm nhận dự án từ 1.000 tới 5.000 tỷ đồng. Trong đó có 2 nhà thầu có thể làm dự án hơn 5.000 tỷ đồng. "Với lực lượng đông đảo như vậy, chúng ta có thể đấu thầu lựa chọn nhà thầu", ông Thể nói.

Quá trình triển khai dự án, không phải nhà thầu chính sẽ làm 100% mà thường thuê 30% để nhà thầu nhỏ tham gia cùng. Vì vậy, theo ông Thể, có hàng trăm nhà thầu nhỏ có thể tham gia cùng 48 nhà thầu lớn để đảm bảo tiến độ các dự án.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.164
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.948
Năm 2024 : 513.294