A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đọc sách để thấy mình quá nhỏ bé trong xã hội

Kết thúc cuộc điện thoại trao đổi về câu chuyện sách nông thôn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói “đang làm nhưng rất khó”. Ông mong rằng sách sẽ gợi mở tư duy mới, khuyến khích ứng dụng cách thức làm nông nghiệp mới. Đọc sách để đừng biến mình thành "ốc đảo", để thấy còn nhiều điều chưa biết, phải học thêm, học mãi…

Trong cuộc trò chuyện với VietNamNet về đọc sách, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan nhắc tới nhiều quyển mình tâm đắc. Có những tựa sách ông mua liền mấy chục cuốn và trở thành khách quen của nhà xuất bản. Trong các cuộc gặp gỡ với những người nông dân, doanh nhân hay bạn trẻ khởi nghiệp… ông thường xuyên giới thiệu và tặng sách. Niềm vui giản dị là lúc đi túi nặng trĩu sách, lúc về túi đã trống không.

Nhà báo Tâm An: Tại sao ông hay giới thiệu sách cho mọi người?

Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan: Không chỉ với bản thân tôi mà ai cũng vậy, khi bắt tay làm một điều gì đó cần phải chuẩn bị tâm thế, thấu hiểu ý nghĩa công việc và xây dựng thái độ đúng đắn.

Kiến thức và kỹ năng chỉ góp 20% trong thành công của mỗi con người. Quan trọng là thái độ và niềm đam mê với công việc, với cuộc sống. Điều này không trường lớp nào dạy cả, thầy cô cũng không thể theo suốt cuộc đời. Chúng ta cần học lẫn nhau, tích luỹ dần qua từng trang sách đã đọc.

Có những kiến thức tưởng như ít có dịp cần đến, không dính dáng gì đến nghề nghiệp của mình nhưng lại tác động trực tiếp. Ví như lòng đam mê. Không có đam mê rất khó có được thành công. Không có đam mê, khi thất bại sẽ không thể làm tiếp.

Tôi hay khuyên mọi người phải đọc sách. Đọc sách không chỉ để làm việc, đọc sách còn để thay đổi suy nghĩ, để làm người. Chúng ta càng đọc, càng nghiền ngẫm sẽ phát hiện nhiều điều hay, nhiều tri thức bổ ích, nhiều điều mới mẻ, thú vị làm tâm hồn thư thái, bớt tẻ nhạt hơn. 

Thế giới thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Nếu cứ giữ nguyên những điều đã học trong trường, chúng ta khó lòng theo kịp sự vận động của xã hội. Đọc để suy ngẫm vì lý do gì mà người ta phát triển nhanh chóng, còn mình cứ "loay hoay". Đọc để thấy bản thân quá nhỏ bé trong thế giới rộng lớn, để đừng tự biến mình thành "ốc đảo". Đọc để thấy còn nhiều điều chưa biết, phải học thêm, học mãi…

- Ở từng giai đoạn trong cuộc đời, sách đã ngấm dần vào ông như thế nào?

Tôi đọc sách từ hồi nhỏ. Ông ngoại có rất nhiều sách, tôi cứ thế lấy đọc, dần dần thấm vào người mình lúc nào không hay. 

Hành trình của mỗi con người là hành trình lớn lên. Khi còn trẻ có bầu máu nóng, sự háo hức. Lớn tuổi sống chậm lại một chút, chậm lại để ngẫm nghĩ làm cái gì, làm như thế nào, có cách làm khác hay không? Xuyên suốt quá trình đó là học làm người. Học nghề có thể học một giai đoạn nào đó, nhưng học làm người là học suốt đời. Những quyển sách cũng đi theo hành trình như vậy. 

Tuổi nhỏ đọc sách của lứa tuổi thiếu niên, bước vào tuổi thanh niên đọc sách của lứa tuổi thanh niên…Tuy nhiên, nhiều khi cũng đọc ngược lại. Lớn tuổi như này rồi nhưng tôi vẫn đọc sách của trẻ em. Đơn giản là đọc để hiểu được con cháu trong nhà, tìm tiếng nói chung trong gia đình. Hay như đọc sách về các ngành nghề, lĩnh vực khác nhau để mở rộng góc nhìn đa chiều, thấu hiểu nhiều hơn.

Nhiều khi do khoảng cách tuổi tác làm đứt gãy mối quan hệ trong xã hội hay gia đình. Đọc sách giúp người lớn tuổi hiểu được người trẻ tuổi, người trẻ tuổi hiểu được vì sao người lớn tuổi lại vậy. Để mọi người, dù còn nhiều khác biệt vẫn có thể chia sẻ, thấu hiểu và đến gần nhau hơn.

Người trẻ có sức mạnh của tuổi trẻ, người lớn tuổi giàu kinh nghiệm và vốn sống. Sách sẽ làm dung hoà những xung đột và cho thấy ai cũng có giá trị riêng. Sách khơi gợi rằng mỗi việc, mỗi ngành nghề đều có giá trị, đều có đóng góp hữu ích. 

Đọc sách không phải sự lấp đầy như kiểu nhồi nhét kiến thức, mà hướng đến tư duy mở để dung nạp điều mới.

- Là tư lệnh ngành Nông nghiệp, công việc luôn bề bộn và áp lực, ông thường đọc sách vào lúc nào?

Nhiều người nói rằng cũng ham mê đọc sách, nhưng không có thời gian. Còn tôi thường nghĩ đơn giản: Mỗi người một ngày đều có 24 tiếng đồng hồ như nhau, không ai được ưu ái có đến 25-26 tiếng, cũng không ai cắt bớt của bạn còn 22-23 tiếng. Thế nên, cần biết cân đối và phân chia thời gian hợp lý, khi có đam mê sẽ làm được. Nhưng muốn có đam mê thì phải hiểu được giá trị của sách, không phải cầm cuốn sách để chứng minh rằng tôi đọc rất nhiều. 

Đọc sách vì thấy bản thân thiếu hụt nhiều điều và cần bổ sung. Không nhất thiết phải đọc một mạch từ đầu tới cuối, mỗi ngày đọc vài trang trước khi ngủ, nghiền ngẫm những đoạn tâm đắc trước, sau đó xem tiếp phần khác cũng được.

Trong lúc ngồi chờ xe đò, chờ chuyến bay thì làm gì, có thể tán gẫu nhưng cũng có thể đọc vài trang sách. Tôi vẫn thường làm như thế. 

Khi chưa tạo thành thói quen, thành đam mê thì dễ đổ thừa cho sự bận rộn. Nếu ép buộc đọc, cầm sách lên dễ buồn ngủ, cảm giác như cực hình.

Tại sao có người cầm quyển sách thấy nặng, người khác lại thấy nhẹ. Có người mở trang sách sột soạt cảm nhận mùi giấy thơm, nhưng vẫn là thế mà có người thấy khó chịu. Đó là do chúng ta chưa tìm thấy giá trị của sách.

- Cuốn sách nào làm thay đổi suy nghĩ của ông?

Tôi may mắn được tiếp cận nhiều cuốn sách hay, ý nghĩa. Tôi nghĩ đến Đường Kách mệnh và các tác phẩm khác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tôi nghĩ đến những tựa sách thể hiện nét đẹp sinh động của nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Lời nhắn gửi mộc mạc, chân tình trong một truyện ngắn: “Mẹ tôi là nông dân, tôi sinh ra ở nông thôn” gợi lên cho người đọc bao cảm xúc trăn trở, gắn bó.

Tôi cũng hay nhắc về cuốn sách Khuyến học của tác giả Fukuzawa Yukichi - Nhật Bản. Hồi xưa vì quan tâm đến phong trào khuyến học nên đến nhà sách, thấy cuốn này tôi liền mua về đọc, tưởng sách nói về khuyến học nhưng hóa ra không phải vậy.

Đó là cuốn sách khai sáng tinh thần và làm thay đổi cuộc sống người Nhật. Trong đó đề cập tới tự lực, tự cường, tự chủ, biết nghĩa vụ… chứ không phải là đòi hỏi quyền lợi, trông chờ ỷ lại. Tác giả chứng minh phương Tây có nhiều thứ hay vô cùng nhưng không phải tuyệt đối. Ông chỉ ra cái gì của người ta hay và không hay, đồng thời chỉ ra người Nhật có gì hay và không hay.

Đọc xong cuốn sách này tôi ngộ ra nhiều điều về cuộc sống và công việc.

Tuy nhiên, không phải chỉ một cuốn sách mà khiến ta thay đổi tất cả. Qua mỗi tác phẩm lại rút ra đôi điều, cứ thế kết nối để thấy mình phải có cách tư duy khác, cách làm khác, cách nhìn khác chứ không thể nghĩ như vậy là đủ rồi.

- Ông chọn mua sách vì…?

Ngày xưa tôi hay sa đà vào sách chuyên môn vì nghĩ nó phục vụ công việc. Dần dần thì lựa chọn đó chỉ là một điều kiện cần chứ không phải điều kiện đủ. 

Với tôi, quan trọng nhất là những cuốn sách dạy cách sống, dạy làm người. Tôi thường tiếp cận những cuốn hướng con người ta tới sự tích cực, dạy cho mình biết nhường nhịn, bao dung.

- Có khi nào ông chọn mua vì cuốn sách đó đang là hot trend? 

Đôi khi thấy tác phẩm nào nổi nổi trên mạng tôi cũng tìm đọc. Thời đại công nghệ số, tiếp cận sách dễ hơn, đặt mua online cũng tiện. 

Có những quyển mua đọc và dường như không có nhiều giá trị, nhưng không nên vội phê phán. Vì mỗi người một góc nhìn, có thể hay với người này và không hay với người khác. Đôi khi chỉ vài dòng trong trang sách mình đọc được có thể vỡ lẽ, khám phá ra vấn đề gì đó hay hơn, mới hơn, khác hơn. Và chỉ như thế thôi đã đem lại giá trị rất lớn cho mình rồi. 

- Nhiều người đọc xong một cuốn sách sẽ chuyển tặng, nhưng một số khác thích giữ làm của riêng. Với ông thì sao? 

Mọi người lên phòng làm việc sẽ thấy ngay, cùng một tựa sách tôi mua liền mấy chục cuốn. Tôi mua để tặng đấy!

Tôi hay phân chia nhóm sách để tặng cho những người tôi biết có sở thích đọc, cho các viện, trường, cho các nhà khoa học, các bạn khởi nghiệp hay bà con nông dân trồng trọt, chăn nuôi… 

Sách hay mà chỉ giữ riêng cho bản thân mình thì uổng lắm. Sách hay là để chia sẻ. Để 10 hay 100 người cùng đọc mới lan toả được giá trị. Cần có sự chia sẻ để cuối cùng cả cộng đồng đều thay đổi theo hướng tích cực. Tôi nghĩ vậy nên thường tặng sách cho những người xung quanh nếu thấy phù hợp. 

Nhiều khi tôi lên mạng tìm hiểu, đọc bài đánh giá về sách thấy hay sẽ chia sẻ cho gia đình, bạn bè, doanh nghiệp, anh em đồng nghiệp… cùng đọc và bàn luận.

- Thế hệ gen Z có nhiều cách lựa chọn để giải trí như: mạng xã hội, chơi game… và đọc sách chưa phải là lựa chọn ưu tiên, quan điểm của ông thế nào?

Mạng xã hội là câu chuyện của cả thế giới chứ không chỉ riêng nước ta. Không nên đánh giá cảm tính quá, cần biết để dung hoà. Đừng phê phán sẽ tạo ra sự xung đột. Hãy tham gia, mạng xã hội cũng có nhiều cái hay lắm chứ!

Chúng ta có thể dùng mạng xã hội lan toả thông điệp từ sách, tạo ra diễn đàn về sách thì càng hiệu quả hơn.

- Để việc đọc sách không phải là phong trào của một tổ chức, cơ quan hay hành vi thể hiện nhất thời của cá nhân, theo ông cần gieo trồng văn hoá đọc và thói quen đọc sách trong xã hội Việt Nam ra sao? 

Tại sao phải phát triển văn hoá đọc? Vì chúng ta hiểu được giá trị của đọc sách, thậm chí hiểu được sự hưng thịnh của xã hội nếu văn hoá đọc phát triển hay lụi tàn. Việc đọc sách ít nhiều tác động đến các vấn đề xã hội nên từng người phải có trách nhiệm, đây không phải là chuyện của riêng ai.

Sách không chỉ mang đến tri thức, mà còn cung cấp nguồn năng lượng, động lực làm việc, tiếp thêm niềm cảm hứng, giúp cân bằng cảm xúc giữa bão giông cuộc đời. 

Sách giúp cho chúng ta nhìn cuộc sống tích cực hơn, nhân sinh quan sâu sắc hơn, thế giới quan rộng mở hơn. 

Sách giúp chúng ta biết khiêm nhường, nhờ đó biết tôn trọng người khác, biết thấu cảm và trắc ẩn với người khác, thay vì so đo, đố kỵ. 

Sách giúp chúng ta mở rộng không gian tư duy, nhờ đó kích thích đổi mới sáng tạo. 

Sách gợi mở cách nhìn đa chiều một hiện tượng trong đời sống xã hội, trong công việc, giúp chúng ta hiểu biết nhiều hơn những việc tưởng chừng chúng ta đã hiểu biết. 

Sách giúp thúc giục hành động, biến những thông tin, kiến thức trên trang sách, thành ứng dụng cụ thể, hữu ích trên thực tế.

Hãy nghĩ mình sẽ góp một phần nhỏ vào xã hội học tập này thông qua đọc sách. Nói đơn giản hơn là đọc sách để truyền đạt cho con cháu trong nhà trước, nhiều gia đình tốt thì xóm làng sẽ tốt… Sách hay quá, hãy giới thiệu cho những người khác. Cứ như vậy từ từ sẽ lan toả văn hóa đọc. 

Tôi vui mỗi khi gửi tặng sách, biết được mọi người quan tâm, muốn đọc. Ít nhất, mình cũng truyền tải được đam mê, mong muốn cùng nhau đọc, cùng nhau trở nên tốt hơn. 

Tôi không có suy nghĩ cực đoan: “Phải đọc sách bằng mọi giá, mọi cách”. Bên cạnh việc đọc sách, vẫn còn nhiều cách thức khác để cập nhật kiến thức, cải thiện chất lượng công việc và cuộc sống. Và tất nhiên đọc sách còn bổ ích nhiều mặt nữa.

Với văn hoá đọc, đôi khi chúng ta đang tiếp nhận sai cách. Hậu quả là có không ít tủ sách cộng đồng dân cư bị bỏ rơi và nhiều quyển sách “ngủ quên” trên kệ, trong thư viện. Nhìn những tủ sách thiết kế rất đẹp, cuốn nào cũng đặt ngay ngắn, bụi phủ đầy là biết không ai sờ tới rồi.  

Thư viện không phải là mục tiêu, mục tiêu là đọc sách. Hãy tạo ra không gian đọc sách thoải mái nhất cho mọi người, phù hợp nhất với nhu cầu đa dạng. Đừng làm một thư viện hoành tráng, song lặng lẽ người.

Xin dẫn lời của một danh nhân: “Nếu tôi có quyền thế, tôi sẽ đem sách mà gieo rắc khắp mặt địa cầu như người ta gieo lúa trong luống cày vậy”. Vậy chúng ta hãy cùng nhau đọc sách và chia sẻ như gieo mầm và chăm sóc từng hạt lúa!

Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Nguồn: VietNamNet
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.290
Hôm qua : 3.010
Tháng 09 : 36.353
Năm 2024 : 769.761