A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ trưởng Lê Minh Hoan: 'Chúng ta phải thay đổi'

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định nông nghiệp, nông dân phải thay đổi vì xu thế tất yếu chuyển từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang xanh, sinh thái, giá trị cao.

  • Năm giải pháp phát triển nông nghiệp

    Phó thủ tướng Lê Văn Thành cho biết, trong 5 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu nông sản đạt 23,2 tỷ USD, tăng 16,8%. Các mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực tiếp tục duy trì được vị trí, thương hiệu trên thị trường quốc tế như: Xuất khẩu hồ tiêu đứng đầu thế giới, tăng 25,7%; xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, đạt gần 2 tỷ USD, tăng 54%; xuất khẩu gạo đạt gần 3 triệu tấn, tăng 10,3%; xuất khẩu rau quả đạt 1,47 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt 4,79 tỷ USD, tăng 46,3%; xuất khẩu sản phẩm gỗ đạt 7,2 tỷ USD, tăng 6,9%. "Đây là những kết quả rất đáng khích lệ, tiếp tục khẳng định nông nghiệp luôn là trụ đỡ của nền kinh tế", ông Thành nói.

    Tuy vậy, Phó thủ tướng thừa nhận ngành nông nghiệp cũng còn tồn tại. Với đặc thù sản phẩm đa dạng, phong phú như lúa gạo, trái cây, sản phẩm chăn nuôi, thủy hải sản..., nhưng việc xuất khẩu nông sản Việt gặp nhiều khó khăn, nhất là tại các thị trường lớn, đòi hỏi chất lượng cao. Nguyên nhân chủ yếu là chưa có nhiều vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với quy mô lớn, công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường. Còn nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, do sản xuất còn manh mún, tự phát.

    Là nước nông nghiệp nhưng Việt Nam chưa chủ động được các yếu tố đầu vào quan trọng cho sản xuất nông nghiệp như giống cây trồng, vật nuôi, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phân bón, vật tư nông nghiệp, ảnh hưởng lớn tới chi phí sản xuất. Năng suất lao động của ngành nông nghiệp còn thấp, chỉ bằng 50-60% của các nước tiên tiến trong khu vực.

    Cụ thể, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi phải nhập khẩu 60%. Năm 2021, nhập khẩu 22,3 triệu tấn nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, giá trị nhập khẩu gần 10 tỷ USD (trong đó có hơn 10 triệu tấn ngô, 5 triệu tấn khô dầu đậu tương); phân bón nhập khẩu khoảng 42% nhu cầu, năm 2021 nhập khẩu khoảng 4,54 triệu tấn, giá trị 1,45 tỷ USD; giống cây trồng vật nuôi nhập khẩu là chủ yếu.

    Các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp còn hạn chế. Nông sản nhất là rau quả, vẫn chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch. Tình trạng "được mùa mất giá", ùn ứ nông sản tại các cửa khẩu biên giới phía Bắc xảy ra thường xuyên hàng năm, gây thiệt hại nhiều mặt về kinh tế xã hội.

    Vì vậy, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành thực hiện thật tốt các nghị quyết mà Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã thông qua về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về đổi mới nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể - hợp tác xã; về hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý và sử dụng đất đai. Đây là những chủ trương, định hướng lớn để khắc phục các tồn tại, tạo động lực mới cho phát triển ngành nông nghiệp.

    202203161618531716-DSC-7149-8372-1654652

    Phó thủ tướng Lê Văn Thành tại nghị trường. Ảnh: Media Quốc hội

    Phó thủ tướng cho hay, trên cơ sở các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, định hướng lớn trong Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và tình hình thực tiễn, Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

    Thứ nhất là đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh trong nông nghiệp, từ khâu đầu tư nghiên cứu chọn tạo giống đến quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu đạt chuẩn; hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để có sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và đặc biệt là các tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu.

    Thứ hai là đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán các điều kiện về hàng rào kỹ thuật, hàng rào thương mại để sản phẩm nông nghiệp chưa có thị trường sớm được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc... với phương châm đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, góp phần từng bước giảm xuất khẩu tiểu ngạch qua biên giới phía Bắc, hạn chế tình trạng ùn ứ hàng hóa diễn ra tại các cửa khẩu như giai đoạn vừa qua.

    Thứ ba là có cơ chế mạnh mẽ hơn nữa hỗ trợ tín dụng, miễn giảm các loại phí, thuế... để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất vật tư nông nghiệp, phân bón, nhất là khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, khắc phục tình trạng dư thừa sản phẩm nông nghiệp theo mùa vụ nhằm hỗ trợ tiêu thụ, gia tăng giá trị sản phẩm cho nông dân.

    Thứ tư là rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi, từ đó quy hoạch, xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp thức ăn chăn nuôi, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không bị phụ thuộc quá nhiều vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất nông nghiệp.

    Thứ năm là tập trung chỉ đạo tổng kết, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai; xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy nguồn lực đất đai; hình thành, phát triển thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân khai thác, sử dụng hiệu quả đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp; khắc phục tình trạng người dân bỏ ruộng tại một số địa phương. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia theo nghị quyết của Quốc hội.

    Cách nào hút thêm vốn đầu tư vào nông nghiệp?
  • Giải trình thêm về giải pháp thu hút đầu tư vào ngành nông nghiệp, nông thôn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng, trách nhiệm trước hết từ các bộ ngành, địa phương, trong đó trách nhiệm chính là của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông nghiệp trong việc đưa ra các sách lược phát triển cho ngành. Ông nhìn nhận, ngành nông nghiệp đã làm tốt nhưng cần làm tốt hơn nữa.

    "Phải thay đổi ngay tư duy trong phát triển nông nghiệp, là chuyển sang kinh tế nông nghiệp, hướng tới hiệu quả cao, và công nghệ là công cụ đạt mục tiêu này. Không tối đa sản lượng mà phải tối ưu hóa giá trị, vì sản xuất nhiều không bán được trong khi dùng nhiều đất đai, thuốc trừ sâu, ảnh hưởng môi trường sẽ không bền vững. Ngoài ra cần xây dựng nền kinh tế tự chủ", ông Dũng nói.

    Nguyen-Chi-Dung-jpeg-9975-1654652599.jpg

    Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP

    Phần giải trình của Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư khá dài, nên Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc "nói gọn lại, vì sắp hết thời gian".

    Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói thêm, các chính sách hỗ trợ thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã có nhiều, nhưng chưa sát, đúng tình hình thực tế.

    Một lần nữa Chủ tịch Quốc hội ngắt lời Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, và hỏi: "Bộ trưởng cho biết bao giờ sửa được Nghị định 57, có xây dựng được luật về thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn không, hay chỉ sửa nghị định này?".

    Bộ trưởng Dũng trả lời, "việc sửa luật cơ quan quản lý chưa tính đến nên trước mắt sẽ chỉ sửa Nghị định 57 theo hướng mở rộng đối tượng hỗ trợ, bổ sung chính sách lồng ghép và bố trí nguồn lực để thực hiện các chính sách này".

    Theo ông, thực tế chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp đã đủ, nhưng vừa rồi chưa bố trí nguồn lực song song nên chưa đạt mục tiêu. Ông nhận "có phần trách nhiệm của Bộ Kế hoạch trong tham mưu vấn đề này" và cho biết Bộ sẽ trình Thủ tướng dự thảo nghị định sửa đổi Nghị định 57 để thúc đẩy phát triển, thu hút đầu tư vào nông nghiệp.

  • Nguồn vốn ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp 'mang lại hiệu quả nhất định'

    Đại biểu Nguyễn Quang Huân hỏi, giai đoạn 2016-2020, ngân sách nhà nước phân bổ sử dụng cho chương trình công nghệ sinh học nông nghiệp thủy sản là hơn 350 tỷ đồng, hơn 349 tỷ đồng cho chương trình khoa học, công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới và hơn 99 tỷ đồng cho chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

    Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thế nào về hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho các chương trình khoa học, công nghệ này? Việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu thuộc 3 chương trình này trong thực tế như thế nào? Đề nghị Bộ trưởng cho biết trong năm 2022-2023, Bộ có kế hoạch gì để phát huy các kết quả đạt được của 3 chương trình này và các chương trình nghiên cứu khoa học, công nghệ khác mà Bộ đang triển khai?

    Bộ trưởng Hoan nói, thời gian qua Việt Nam xác định khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số là ba trụ cột nâng cao tiềm lực kinh tế nước nhà. Nông nghiệp đang đi theo hướng đó. Con số cụ thể về kết quả về ba chương trình này ông Hoan sẽ chuyển trực tiếp cho đại biểu để kiểm chứng. "Nhìn chung là đã mang lại hiệu quả nhất định như kích hoạt chương trình nông thôn mới, nông nghiệp sinh học, từ đó có nhiều giống mới", ông Hoan nói.

    Giai đoạn sắp tới, ông Hoan bày tỏ kỳ vọng làm sao xã hội hóa, phối hợp với các viện nghiên cứu của Bộ để nhanh chóng thương mại hóa đề tài nghiên cứu, mang lại hiệu quả rõ hơn trong đời sống.

  • Doanh nghiệp không mặn mà đầu tư nông nghiệp

    Đại biểu Huỳnh Thanh Phương đặt vấn đề, doanh nghiệp được xác định là mắt xích quan trọng trong thúc đẩy nông nghiệp sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản.

    Tuy nhiên, việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trong những năm qua gặp không ít khó khăn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tiềm ẩn nhiều rủi ro, thiên tai, dịch bệnh nên doanh nghiệp chưa mặn mà tham gia. Mặt khác, còn nhiều điểm nghẽn khi doanh nghiệp tham gia đầu tư, như khó tiếp cận đất đai, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, các chính sách ưu đãi còn nhiều thủ tục hành chính khiến doanh nghiệp ngại. Đây là những nguyên nhân cơ bản góp phần cho ngành sản xuất nông nghiệp nước ta còn nhiều hạn chế.

    "Xin Bộ trưởng cho biết trong phạm vi và trách nhiệm của mình. Bộ trưởng sẽ đề ra những giải pháp như thế nào để tháo gỡ những rào cản nêu trên, mở rộng không gian cho ngành nông nghiệp nước ta phát triển và hội nhập bền vững", đại biểu Phương chất vấn, đồng thời gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Nguyễn Chí Dũng.

    e124a90584f444aa1de5-3137-1654652027.jpg

    Đại biểu Huỳnh Thanh Phương. Ảnh: Hoàng Phong

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, ông đã nói về câu chuyện liên quan đến kết nối doanh nghiệp, thúc đẩy tiêu thụ nông sản rồi. Vì vậy ông chỉ nói vấn đề thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Thủ tướng đang giao các đơn vị sửa đổi nghị định thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, "được kỳ vọng sẽ thay đổi nền nông nghiệp nước nhà". Doanh nghiệp dẫn dắt, cung cấp thông tin thị trường. Các doanh nghiệp hàng ngày hàng giờ đối mặt với biến động thị trường, nên thông tin còn nhanh nhạy hơn cơ quan nhà nước.

    Nhiều chính sách cũng tương đối đầy đủ, nhưng vấn đề là nguồn lực hỗ trợ của cơ quan nhà nước cũng có điều kiện nhất định. Hơn nữa nhiều doanh nghiệp phản ánh còn khó khăn, nhiêu khê.

    "Tôi từng chia sẻ, đầu ra của nền nông nghiệp bấp bênh thì đầu vào bấp bênh, chính sách cũng bấp bênh. Những gì Bộ đã làm với một số địa phương như Gia Lai, Đăk Lăk, Lai Châu, thì nếu các địa phương cùng Bộ rà soát từng dự án thì có thể thay đổi được phần nào", ông nói.

    Muốn có nền nông nghiệp sinh thái thì cần "nông dân sinh thái"

  • Đại biểu Huỳnh Thị Hằng Nga chất vấn về cam kết của Bộ Nông nghiệp để ngành chuyển đổi sang nông nghiệp sinh thái là gì?

    Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đề án, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững tới 2030, tầm nhìn tới 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt. Bộ cũng đang xây dựng chính sách để lồng ghép vào chương trình hành động của Chính phủ trong phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong đó các chính sách này sẽ nhấn mạnh việc giúp bà con trở thành "những nông dân sinh thái".

    "Để có nền nông nghiệp sinh thái thì cần có người nông dân sinh thái", ông nói.

  • Nông nghiệp không chuyển đổi mô hình sản xuất thì sẽ 'khó khăn hơn nữa'

    Trả lời câu hỏi của đại biểu tỉnh Đồng Nai về vấn đề giá sản phẩm nông nghiệp đang tăng cao, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, hai Bộ Nông nghiệp và Công Thương đã có nhiều biện pháp siết chặt quản lý thị trường tránh hiện tượng "té nước theo mưa". Việc này góp phần giảm thiểu đà tăng giá sản phẩm nông nghiệp. Nhưng "vẫn còn khuyết điểm với bà con là còn quản lý thị trường chưa tốt". "Với trách nhiệm của Bộ trưởng Nông nghiệp, tôi xin nhận phần nào trách nhiệm trong vấn đề này", ông nói.

    Trưởng ngành nông nghiệp cũng nói, việc tăng giá cũng theo quy luật thị trường và các biện pháp quản lý của chúng ta chỉ là giảm thiểu đà tăng này.

    Quan trọng hơn, ông Hoan cho rằng, nông dân cần chuyển đổi tổ chức sản xuất; ứng dụng công nghệ và chuyển sang sử dụng các sản phẩm phân hữu cơ, thuốc bảo vệ sinh học vào sản xuất, để tiết kiệm chi phí khoảng 30-40%. Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm cung cấp các mô hình này, đánh giá so sánh giữa sản xuất theo mô hình truyền thống và mô hình mới; cũng như đề xuất cơ chế hỗ trợ bà con khi chuyển đổi sản xuất sang mô hình mới này.

    "Mọi sự thay đổi đều khó khăn. Chúng ta cân nhắc quá nhiều cái giá phải trả cho sự thay đổi, nhưng lại ít cân nhắc cái giá phải trả cho sự không thay đổi. Xu thế tất yếu phải chuyển từ mô hình sản xuất truyền thống sang sản xuất xanh, sinh thái, không làm tổn hại môi trường. Chúng ta phải thay đổi", ông nhấn mạnh.

    Người dân, doanh nghiệp cần chia sẻ rủi ro thị trường
  • Tại phiên chiều qua, đại biểu Bế Trung Anh bày tỏ, bước chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp như Bộ trưởng nói liên quan đến xây dựng niềm tin, các mối quan hệ liên kết trong thị trường nông nghiệp mới. Được biết niềm tin và các mối liên kết này lại là hồn cốt của một loại vốn được gọi là vốn xã hội. Nhiều quốc gia phát triển trên thế giới đã quan tâm đến nguồn vốn này, chỉ vì trong khi các nguồn vốn truyền thống như lao động, tiền, công nghệ, tài nguyên đã tới hạn thì vốn xã hội lại tiềm tàng, tái tạo được, giàu có, đặc biệt tồn tại trù phú trong khu vực nông thôn, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số hơn là những vùng khác.

    "Với vai trò là lãnh đạo ngành, Bộ trưởng dành sự quan tâm của mình cho loại vốn này như thế nào? Nếu ở mức cao thì Bộ trưởng có giải pháp gì cho sự phát triển nguồn vốn này để nó phục vụ cho nền kinh tế nông nghiệp mà Bộ trưởng đang tiến hành?", ông Anh hỏi.

    235d49976466a438fd77-8898-1654651292.jpg

    Đại biểu Bế Trung Anh. Ảnh: Hoàng Phong

    Sáng nay, trước khi bắt đầu Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói ông còn 5 câu hỏi nữa cần trả lời, "những gì hôm qua tôi trả lời chưa rõ, thì tối về nằm suy nghĩ lại, tôi xin bổ sung một chút".

    Theo Bộ trưởng Hoan, nói tới niềm tin là nói tới điều vô hình, nhiều khi chúng ta có cảm xúc lẫn lộn. Từ niềm tin đó đại biểu đặt vấn đề "vốn xã hội", là vấn đề vô hình. Tôi nghiên cứu nhiều tài liệu, là vấn đề vô hình, nếu biết chuyển hóa thành sức mạnh sẽ cộng hưởng cho cái hữu hình. Muốn phát triển thì phải dựa trên tài sản kinh tế là nhà cửa, đất đai... nhưng các nhà kinh tế gần đây có nêu rằng xã hội và văn hóa cũng là nguồn vốn.

    Tôi đơn cử, chương trình Mục tiêu quốc gia 5 năm vừa qua, mang lại kết quả to lớn, toàn diện, mang tính lịch sử nhờ tạo ra được niềm tin xã hội, niềm tin của người dân. Vốn xã hội, sự cấu kết cộng đồng nông thôn đó mà chúng ta có thể chứng minh bằng những điều cụ thể như ngày công, sự hiến đất...

    Khi kích hoạt được niềm tin xã hội thì sẽ tạo ra được nguồn vốn và tạo ra nhiều điều mà đôi khi còn lớn hơn nguồn lực hữu hình.

    Nếu không có sự hợp tác trong xã hội ở đời thường sẽ không có hợp tác trong kinh doanh.

    Chương trình phát triển nông thôn mới sắp tới, Bộ sẽ xây dựng các thiết chế nông thôn để tạo ra mô hình mà xã hội thực sự tham gia vào câu chuyện phát triển của địa phương. Tôi cảm nhận được điều này, khi về Hà Tĩnh, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều mô hình kích hoạt được sự tham gia của doanh nghiệp. Từ đó thấy rằng tính tự chủ, tự lực của người dân cũng thông qua thiết chế đó. Nhiều khi chỉ có niềm tin chúng ta mới giải quyết được các vấn đề, như ai bảo vệ người dân, doanh nghiệp trong khi mối liên kết từng mùa vụ có sự đứt gãy. "Thị trường là rủi ro, nên cần có niềm tin, sự chia sẻ, người dân chia sẻ với doanh nghiệp, doanh nghiệp chia sẻ với người dân, thì mới thành công", Bộ trưởng Hoan nói.

     

  • Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Hoàng Phong

    Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan. Ảnh: Hoàng Phong

    Trước đó chiều 7/6, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn trước Quốc hội. 53 đại biểu đăng ký chất vấn, tập trung vào việc chi phí sản xuất nông nghiệp tăng, nông sản được mùa mất giá, quy mô sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và chất lượng nông sản.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.150
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.934
Năm 2024 : 513.280