A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tọa đàm khoa học đánh giá những tác động đến công tác tuyên giáo

CTTBTG  - Ngày 20/7, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi tọa đàm khoa học “Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 tác động đến công tác tuyên giáo”.

 

Đồng chí Lại Xuân Môn phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm.

Đồng chí Lại Xuân  Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Phùng Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương đồng chủ trì buổi tọa đàm.

Phát biểu chỉ đạo buổi tọa đàm, đồng chí Lại Xuân Môn nhấn mạnh, để hoàn thành tốt vai trò, sứ mệnh và nhiệm vụ của mình, một trong những bài học rút ra của công tác tuyên giáo là luôn luôn đổi mới tư duy, nội dung, hình thức, phương pháp, tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ, coi trọng công tác dự báo đúng, nhận diện trúng, nắm chắc tình hình thực tiễn thế giới, khu vực và trong nước, những vấn đề đặt ra với công tác tuyên giáo để xây dựng chiến lược công tác tuyên giáo.

Theo đồng chí Lại Xuân Môn, hiện nay, bối cảnh tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự báo, tranh chấp chủ quyền, lãnh thổ; đảo chính, khủng bố, tấn công mạng; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp…; xung đột quân sự Nga - Ukraine; Biển Đông chứa đựng nhiều bất chắc, các nước lớn gia tăng hoạt động ngăn chặn, kiềm chế lẫn nhau; một số nước trong khu vực Biển Đông gia tăng ảnh hưởng, yêu sách chủ quyền, thay đổi lập trường về Biển Đông.

Ở trong nước, sau 35 năm đổi mới, thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tình hình dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, có bước phục hồi và phát triển trong trạng thái mới. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên sai phạm được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh, độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại không ngừng được mở rộng. Các lĩnh vực giáo dục, đào tạo, văn hóa, xã hội… cơ bản trở lại hoạt động bình thường; an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng.

Từ khi Đảng ra đời cho đến nay,  công tác tuyên giáo luôn giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng Đảng. Qua hơn 35 năm đổi mới, công tác tuyên giáo đã đạt được những thành tựu quan trọng, tiếp tục khẳng định là một trong những mặt công tác trọng yếu của công tác xây dựngĐảng, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những thành tựu đó là kết quả sự nỗ lực cống hiến, tâm huyết, trí tuệ của lớp lớp các thế hệ những người làm công tác tuyên giáo, các chuyên gia, nhà khoa học trong đó có sự đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học. 

Bên cạnh đó, vẫn tồn tại những khó khăn, thách thức và hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế chưa xứng với tiềm năng, chưa bền vững; khả năng chống chịu của nền kinh tế chưa cao; các khu vực kinh tế phát triển nhanh nhưng chưa thật bền vững; cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn. Công tác lãnh đạo, quản lý, bảo đảm an ninh con người, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, gây bức xúc xã hội. Giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc và con người Việt Nam chưa được phát huy đầy đủ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, quan liêu, lãng phí, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên vẫn còn diễn biến phức tạp. Các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị ráo riết đẩy mạnh hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ. Đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều thách thức. Quá trình mở cửa, hợp tác với các nước trên thế giới, sự phát triển của công nghệ thông tin, truyền thông, giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa… dẫn đến việc tiếp nhận thông tin dễ dàng hơn, nhanh hơn, tạo không gian mở, nhu cầu mở rộng dân chủ song cũng dẫn đến tình trạng cá nhân hóa, dân chủ quá đà… Sự biến đổi các giai tầng trong xã hội, sự phân hóa giàu nghèo, khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa… tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội, ảnh hưởng đến khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định, bối cảnh thế giới, khu vực và trong nước nêu trên đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới, ngày càng cao đối với công tác tuyên giáo như: Thứ nhất, yêu cầu cụ thể hóa, vận dụng và bổ sung, phát triển nền tảng tư tưởng của Đảng với việc tiếp thu tri thức, tinh hoa văn hóa của nhân loại. Thứ hai, giữa bảo đảm tính kiên định, tính nguyên tắc, tính chiến đấu với xu thế dân chủ hóa, cá thể hóa. Thứ ba, giữa đảm bảo tính hiệu quả, tính thuyết phục của công tác tuyên giáo với yêu cầu giữ vững kỷ luật, kỷ cương, tiếp thu góp ý, phản biện có tính xây dựng. Thứ tư, giữa ứng dụng các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với phương thức hoạt động truyền thống của các lực lượng, loại hình, các binh chủng làm công tác tuyên giáo. Thứ năm, yêu cầu kết hợp hài hòa các trang thiết bị hiện đại với trang thiết bị hiện có để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo.

“Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2030 nước ta là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao; đồng thời cũng đưa ra quan điểm chỉ đạo đối với công tác tư tưởng: “Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng theo hướng chủ động, thiết thực, kịp thời và hiệu quả;… Nắm chắc, dự báo đúng, kịp thời các vấn đề tư tưởng trong Đảng, trong xã hội. Chú trọng định hướng, nắm bắt dư luận xã hội…”. Để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới hiện nay và những năm tiếp theo với tầm nhìn 2045, đòi hỏi công tác tuyên giáo phải nâng cao tính dự báo, xây dựng được phương hướng, chiến lược trung hạn, dài hạn, đổi mới toàn diện cả về nội dung, hình thức, phương pháp, tổ chức bộ máy, phát triển đội ngũ cán bộ, kết nối được các mặt, các lĩnh vực để phát huy tốt hơn nữa vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của công tác tuyên giáo” - Đồng chí Lại Xuân Môn bày tỏ.

Đồng chí Phùng Hữu Phú phát biểu tại buổi tọa đàm.

Đồng chí Phùng Hữu Phú phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, các nhà khoa học, các đại biểu phân tích, dự báo, đánh giá tình hình quốc tế, khu vực và trong nước từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, những tác động, vấn đề đặt ra và các yêu cầu, đòi hỏi phải xây dựng Chiến lược công tác tuyên giáo với tầm nhìn trung hạn, dài hạn trên các lĩnh vực cả về quan điểm, mục tiêu, định hướng và các giải pháp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Các ý kiến tại tọa đàm tập trung làm rõ một số nội dung như:

Một là, bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực và trong nước đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy, nhận thức, hoàn thiện hệ thống lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam; về mô hình, các mối quan hệ và tác động của các yếu tố bên trong, sự tương thích với các yếu tố bên ngoài của hệ thống chính trị; nhiệm vụ tổng kết lớn như 100 năm Đảng ta ra đời lãnh đạo Cách mạng Việt Nam; 100 năm thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đồng thời tạo cơ sở và những định hướng lớn cho sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới sau khi nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.

Hai là, cạnh tranh địa - chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xu hướng phân cực… sẽ ảnh hưởng như thế nào đến độc lập, tự chủ của nước ta. Điều đó sẽ tác động đến công tác tuyên giáo như thế nào.

Ba là, sự phát triển của cuộc Cách mạng lần thứ Tư, nhất là cách mạng số, mạng xã hội, của truyền thông hiện đại từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ đặt ra yêu cầu đổi mới ngành Tuyên giáo như thế nào để bắt kịp, thích ứng với sự phát triển đó?

Bốn là, tranh chấp về ảnh hưởng và quyền lực, về biên giới, lãnh thổ, biển đảo, vùng lãnh hải, nguồn tài nguyên thiên nhiên ở Biển Đông, nhất là khi Trung Quốc trong tham vọng kiểm soát Biển Đông, sẵn sàng đe dọa sử dụng vũ lực sẽ ra sao, tác động đến công tác tuyên giáo như thế nào?

Năm là, những yếu tố tác động tới nhận thức mới về bốn nguy cơ từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đánh giá về sự phát triển kinh tế - xã hội, phân hóa giàu nghèo, khoảng cách phát triển giữa đô thị và nông thôn, giữa đồng bằng, miền núi, vùng sâu, vùng xa; sự biến đổi các giai tầng xã hội; “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống và sự tác động đến công tác tuyên giáo ở Việt Nam.

Sáu là, sự xuất hiện của các trào lưu tư tưởng mới và các khuynh hướng chính trị mới trên thế giới từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ tác động đến công tác tuyên giáo ở Việt Nam ra sao?

Bảy là, sự chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 sẽ diễn biến như thế nào? Công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng và công tác tuyên giáo nói chung trong bối cảnh đó phải tập trung vào những nhiệm vụ gì, cần thay đổi nội dung, phương pháp, giải pháp để công tác tuyên giáo thực sự đáp ứng yêu cầu tình hình mới?

Tám là, phân tích, dự báo thẳng thắn, khoa học về những biến đổi của tình hình quốc tế, khu vực, trong nước sẽ tác động và đặt ra những yêu cầu mới như thế nào, đòi hỏi công tác tuyên giáo phải đổi mới về nội dung, phương thức, mô hình tổ chức bộ máy, nguồn lực, mối quan hệ phối hợp… ra sao để bảo đảm chất lượng, hiệu quả tham mưu, lãnh đạo, chỉ đạo. Đây là những hoạch định, định hướng chiến lược công tác từ nay đến 2030, tầm nhìn 2045.

Những ý kiến tham luận tại buổi tọa đàm đóng góp tích cực cho công tác tuyên giáo để phát triển ngày càng bền vững, có nhiều cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, khơi dậy, hiện thực hóa ý chí, khát vọng xây dựng đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.

Thu Hằng


Thống kê truy cập
Hôm nay : 863
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.693
Năm 2025 : 25.693