A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

10 sự kiện kinh tế nổi bật năm 2022

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều diễn biến khó lường, nền kinh tế Việt Nam vẫn đạt được những thành tựu quan trọng, đạt tăng trưởng 8,02% - mức tăng trưởng cao nhất trong hơn 10 năm qua. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam bình chọn 10 sự kiện kinh tế nổi bật trong năm 2022.

1. Trung ương ban hành Nghị quyết về lĩnh vực kinh tế

Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (khoá XIII) họp từ ngày 3-9/10/2022 đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng và đã ban hành 1 nghị quyết, 1 kết luận về lĩnh vực kinh tế.

 Sáng 3/10, Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc tại Thủ đô Hà Nội (Ảnh: Phạm Cường)

Nghị quyết số 29-NQ/TW nhấn mạnh đến chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công nghiệp hóa, hiện đại hóa; kết quả thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam giai đoạn 2011-2020; quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tầm nhìn và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Nghị quyết số 29-NQ/TW cũng đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa thời gian qua.

Kết luận số 45-KL/TW được ban hành nhằm xác định rõ mô hình phát triển theo không gian lãnh thổ mang tính kết nối, đồng bộ, thống nhất cao, tạo không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới, bảo đảm phát triển nhanh, bền vững góp phần đạt được các mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra. Kết luận được ban hành cũng là cơ sở để lập các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là căn cứ để xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Kết luận cũng đã xác định những, ngành, lĩnh vực cần tập trung ưu tiên, đó là: Hình thành cơ bản bộ khung kết cấu hạ tầng quốc gia; tập trung vào hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng bảo vệ môi trường, thuỷ lợi, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, ưu tiên phát triển một số ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế và còn dư địa lớn, gắn với không gian phát triển mới. Phát triển các vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia quan trọng để hình thành các “đầu tàu” lôi cuốn sự phát triển của quốc gia. Hình thành và phát triển các hành lang kinh tế theo trục Bắc - Nam và trục Đông - Tây; kết nối các cảng biển, cửa khẩu quốc tế, đầu mối giao thương lớn, các đô thị, trung tâm kinh tế, cực tăng trưởng.

2. Bộ Chính trị ban hành các nghị quyết về phát triển 6 Vùng chiến lược

Trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

TP. Hồ Chí Minh đang hướng tới xây dựng đô thị thông minh (Nguồn: mt.gov.vn) 

Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu đến năm 2030 nước ta trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 nước ta trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đại hội cũng định hướng phát triển Vùng theo hướng: Khai thác tốt hơn và phát huy tốt nhất các lợi thế của mỗi vùng về kết cấu hạ tầng, điều kiện tự nhiên, vị trí địa kinh tế - chính trị, nguồn nhân lực và tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới...

Cụ thể hoá chủ trương của Đảng, trong năm 2022, lần đầu tiên Bộ Chính trị đã ban hành 6 Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh 6 Vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, gồm: Trung du, miền núi Bắc Bộ; đồng bằng sông Cửu Long; Vùng Tây Nguyên; Vùng Đông Nam Bộ; Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ; và Vùng đồng bằng sông Hồng.

3. Quốc hội ban hành Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023

Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 được Quốc hội thông qua vào ngày 10/11/2022 với 465/466 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành. Nghị quyết quyết nghị tiếp tục ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh.

 Ngày 10/11/2022, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 68/2022/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 (Nguồn: TTXVN)

Nghị quyết cũng yêu cầu cần đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của nền kinh tế; quyết tâm thực hiện hiệu quả với nỗ lực cao nhất Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược. Tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ. Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia. Đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh đối ngoại, hội nhập quốc tế, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, thu hút nguồn lực bên ngoài cho phát triển và củng cố, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trường quốc tế.

4. Tốc độ tăng trưởng GDP vượt mục tiêu đề ra

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2022 cho thấy, ước tính GDP năm 2022 của Việt Nam tăng 8,02% so với năm 2021 - vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%), đây là mức tăng trưởng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.

Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8,02%, vượt chỉ tiêu đề ra (Ảnh: V.H) 

Kinh tế – xã hội nước ta năm 2022 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang phải đối mặt với những thách thức lớn, biến động nhanh, khó lường và tính bất ổn cao; lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong nhiều thập kỷ buộc các quốc gia phải thắt chặt chính sách tiền tệ. Cạnh tranh chiến lược, địa chính trị giữa các nước lớn, xung đột quân sự giữa Nga và U-crai-na; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, mưa bão, hạn hán… đã làm gia tăng rủi ro đến thị trường tài chính, tiền tệ, an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu.

Mặc dù, dự báo gần đây nhất về tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2022 được các tổ chức quốc tế điều chỉnh tăng so với các dự báo đưa ra trong quý III/2022, nhưng đều ở mức thấp hơn so với năm 2021. Tuy nhiên, trong nước, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2022 và giai đoạn 2021-2025 mà Nghị quyết Đại hội XIII đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp. Đồng thời triển khai tích cực, quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội.

Nhờ đó, nền kinh tế nước ta phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

5. Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá lập kỷ lục mới

Số liệu do Tổng cục Thống kê công bố ngày 29/12/2022 cho thấy, tính chung cả năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa ước đạt 732,5 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 371,85 tỷ USD, tăng 10,6% so với năm trước; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 360,65 tỷ USD, tăng 8,4% so với năm trước.

Về cơ cấu: Trong nhóm hàng xuất khẩu, thì nhóm công nghiệp chế biến chiếm 89%; về nhóm hàng nhập khẩu, thì nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 93,5%, tỷ trọng bằng năm trước.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 109,1 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 119,3 tỷ USD.

Cán cân thương mại ghi nhận tiếp tục xuất siêu. Tính chung cả năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD (năm trước xuất siêu 3,32 tỷ USD); đã góp phần làm tích cực cho cán cân thanh toán, giúp nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô khác của nền kinh tế.

6. Thông qua chủ trương đầu tư nhiều dự án giao thông trọng điểm

Đầu tháng 1/2022, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư 12 dự án thành phần đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 với tổng kinh phí lên tới 146.990 tỷ đồng. Với kế hoạch xây mới 729 km, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 2.000 km từ Lạng Sơn đến Cà Mau sẽ được hoàn thiện.

Phối cảnh cầu Rạch Miễu 2 khi hoàn thành (Ảnh: Ban quản lý dự án Mỹ Thuận) 

12 dự án này có tổng kinh phí lên tới 146.990 tỷ đồng theo hình thức đầu tư công, giải phóng mặt bằng quy mô 6 làn xe, trong đó giai đoạn 1 làm 4 làn xe; riêng đoạn Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau có quy mô 4 làn xe. Mục tiêu đặt ra sẽ hoàn thành xây dựng vào năm 2025 để đưa vào khai thác từ năm 2026.

Triển khai chủ trương này của Quốc hội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã phê duyệt đầu tư 12 dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, đánh dấu chính thức kết thúc giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án, chuyển sang giai đoạn thực hiện. Đến nay, các khâu thiết kế, thẩm tra, báo cáo khả thi, bàn giao mốc giải phóng mặt bằng tất cả 12 dự án thành phần đã hoàn thành.

7. Khánh thành cống thủy lợi lớn nhất Việt Nam

Được mệnh danh là “siêu cống” lớn nhất Việt Nam, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 đã chính thức khánh thành vào ngày 5/3/2022 tại tỉnh Kiên Giang; vùng hưởng lợi có diện tích tự nhiên lên tới 384.120ha thuộc 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu.

 Công trình hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, tỉnh Kiên Giang (Nguồn: tuoitrethudo.com.vn)

Dự án được xây dựng tại huyện An Biên và Châu Thành (tỉnh Kiên Giang) theo Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long và quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án này có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 3.300 tỉ đồng, gồm nhiều công trình như các cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô, đê nối cống Cái Lớn, Cái Bé với quốc lộ 61, 8 cống hở dọc tuyến đê biển An Biên - An Minh, hệ thống quan trắc, giám sát tự động và đặc biệt còn có hợp phần mô hình sinh kế và các hoạt động phi công trình trên địa bàn tỉnh Kiên Giang. Trong cụm các công trình này, cống Cái Lớn có quy mô lớn nhất: rộng 455m với 11 cửa (mỗi cửa rộng 40m) và 2 âu thuyền (mỗi âu rộng 15m). Toàn bộ dự án này được khởi công từ tháng 10/2019 và đã hoàn thành cơ bản, đưa vào vận hành từ cuối năm 2021.

Dự án được thực hiện nhằm kiểm soát nguồn nước, tạo điều kiện sản xuất bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệsinh thái ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên cho vùng hưởng lợi với diện tích tự nhiên 384.120ha thuộc 5 tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng và Bạc Liêu, trong đó diện tích đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241ha. Ngoài ra, cụm công trình này còn kết hợp với tuyến đê Biển Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai.

8. Triển khai gói hỗ trợ thuế, phí lớn nhất từ trước tới nay

Trong năm 2022, toàn ngành Thuế tiếp tục triển khai các chính sách gia hạn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với tổng số tiền lên tới trên 186.000 tỷ đồng.

Việc thực hiện kịp thời, có hiệu quả các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được đánh giá là có tác động tích cực, được cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá cao, góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong nước.

9. Năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu

Trước tác động từ diễn biến phức tạp trên thị trường dầu mỏ thế giới, năm 2022 được coi là năm “dị biệt” của thị trường xăng dầu Việt Nam, khi trong một số tháng của nửa cuối năm xuất hiện nhiều cây xăng tại nhiều địa phương trong cả nước đồng loạt đóng cửa hoặc bán với số lượng nhỏ.

Về vấn đề này, theo Bộ Công Thương, do nguồn cung xăng, dầu thế giới ngày càng khan hiếm, châu Âu và các nền kinh tế lớn gia tăng hoạt động mua xăng dầu từ các nguồn cung chính là OPEC+ và Nga; tỷ giá ngoại tệ để có thể nhập khẩu được xăng, dầu như USD và Euro liên tục thay đổi theo hướng đều tăng. Bộ Công Thương cho rằng, đây là những khó khăn cho doanh nghiệp nhập khẩu. Ngoài ra, việc tiếp cận vốn ngoại tệ để được bảo lãnh nhập khẩu, hỗ trợ thanh toán của các doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối không đáp ứng được điều kiện cho vay và bảo lãnh của các ngân hàng; đó cũng là một nguyên nhân làm xuất hiện tình trạng “đứt gãy cục bộ” nguồn cung xăng dầu ở một số nơi, nhất là những thành phố lớn tập trung đông dân cư.

Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, quan trọng, nên việc “đứt gãy cục bộ” nguồn cung xăng dầu đã tác động trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô và sản xuất, sinh hoạt của doanh nghiệp, người dân ở nhiều địa phương.

10. Kinh tế số tăng trưởng ấn tượng

Theo Báo cáo thường niên “Nền kinh tế số Đông Nam Á” lần thứ 7 do Google, Temasek và Bain & Company thực hiện và công bố, nền kinh tế số của Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa dự kiến tăng 28%, đạt mức 23 tỷ USD trong năm 2022. Đóng góp cho tốc độ tăng trưởng nhanh này là sự phát triển ấn tượng của thương mại điện tử với mức tăng 26% so với cùng kỳ năm 2021.

 Doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD (Nguồn: haiquanonline.com.vn)

Về doanh thu, theo số liệu của Bộ Thông tin và Truyền thông, doanh thu của ngành kinh tế số năm 2022 ước đạt 148 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2021.

Về thương mại điện tử, theo số liệu của Bộ Công Thương, thương mại điện tử của Việt Nam xếp thứ 5 thế giới về tốc độ tăng trưởng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm, Việt Nam được eMarketer xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới./.


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.662
Hôm qua : 3.135
Tháng 10 : 27.397
Năm 2024 : 830.374