A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trường Sa hôm nay

Với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, sự đồng hành của đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước cùng tinh thần nỗ lực, cố gắng vươn lên của quân và dân trên các đảo, huyện đảo Trường Sa hôm nay đã có những bước phát triển mạnh mẽ, toàn diện.

Trở lại Trường Sa sau gần 8 năm, cảm nhận rõ nhất của chúng tôi chính là huyện đảo đã mang diện mạo mới, đời sống của Nhân dân, cán bộ, chiến sĩ ngày càng tốt hơn. Được biết, những năm qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Quân đội và chính quyền địa phương, nhiều công trình động lực, trọng điểm của huyện đảo Trường Sa đã được quan tâm đầu tư xây dựng. Đến nay, nhìn chung hệ thống cơ sở vật chất - kỹ thuật, hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện đảo Trường Sa cơ bản đã được xây dựng khang trang, hiện đại, tạo môi trường sống và làm việc tốt cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, nhân dân địa phương.

Điển hình như ở thị trấn Trường Sa, nếu như trước đây, đời sống quân dân còn nhiều khó khăn, ít cây xanh, thì hiện nay, nhà ở và trường học, bệnh xá, các thiết chế văn hóa đã được đầu tư xây dựng khang trang, hiện đại. Các xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa đã thay đổi nhiều, mọi công trình đều được xây kiên cố, sạch, đẹp; nhu cầu sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ và người dân như: điện, nước, truyền hình... đều có đầy đủ.

  Đường đến trường của các em học sinh trên đảo Trường Sa.

Theo đồng chí Lê Đình Hải, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, nhờ được quan tâm đầu tư, hiện nay, huyện Trường Sa đã có các công trình văn hóa, tâm linh, như: Nhà tưởng niệm Bác Hồ, Nhà truyền thống Trường Sa,  Công viên Đại tướng Võ Nguyên Giáp, 10 ngôi chùa (9 chùa tại các đảo, 1 chùa tại trung tâm hành chính huyện); các công trình dân sinh phục vụ sinh hoạt cho người dân, cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ các xã và thị trấn, như: Nhà khách Thủ đô, hệ thống điện mặt trời, hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt công suất lớn... cùng hệ thống cây xanh bao phủ, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp. 

Đặc biệt hiện nay, 3 trường tiểu học tại thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây và xã Sinh Tồn đều đảm nhiệm giảng dạy cho học sinh từ mẫu giáo đến lớp 5. Công tác giáo dục và đào tạo của huyện đạt được nhiều kết quả tích cực: Từng bước đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; chất lượng giáo dục toàn diện được duy trì, giáo viên đạt chuẩn; tỷ lệ học sinh đạt khá và giỏi hàng năm đạt 100%; 100% học sinh vào đất liền học tiếp lên các cấp cao hơn đều theo kịp chương trình và đạt lực học khá, giỏi.

Cùng với đó, phát huy vị trí đặc thù, các xã, thị trấn của huyện đảo Trường Sa còn luôn là “điểm tựa vững chắc” cho ngư dân vươn khơi bám biển. Hiện nay, Trường Sa có các âu tàu, làng chài, trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật ở các đảo, như: Đá Tây, Song Tử Tây, Sinh Tồn, Tốc Tan, Trường Sa... Các âu tàu ở Trường Sa có thể tiếp nhận sửa chữa tàu công suất 2.000DWT, đủ sức cho các tàu có trọng tải từ 1.000 đến 2.000 tấn ra vào, neo đậu, tránh bão. Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá đảo Đá Tây đảm nhiệm cung cấp nhiên liệu, lương thực, thực phẩm với giá như ở trong đất liền nên tiết kiệm được nhiều chi phí cho ngư dân. Tại đây còn có bể chứa nước ngọt, kho hàng hóa và xưởng cơ khí phục vụ sửa chữa cho các tàu thuyền; xưởng sản xuất và cung ứng nước đá cây; hệ thống lọc nước biển thành nước ngọt; kho lạnh và kho cấp đông bảo quản hải sản; hệ thống máy phát điện, nhà nghỉ cho ngư dân...

Bên cạnh công tác hậu cần, kỹ thuật, các cán bộ, chiến sĩ trên các đảo còn thực hiện công tác dân vận, thường xuyên tuyên truyền hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển đánh bắt hải sản trong khu vực và giúp đỡ ngư dân trong lúc hoạn nạn, gặp khó khăn...

 Cuộc sống thường nhật của người dân ở huyện đảo Trường Sa. 

Với vai trò là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, công tác xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân trên biển và xây dựng khu vực phòng thủ xã, thị trấn cũng luôn được chú trọng. Các đơn vị, địa phương duy trì nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu; phòng, chống giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ cứu nạn và phòng, chống cháy nổ; cùng với Lữ đoàn 146, các lực lượng phối hợp đã tổ chức thành công các cuộc diễn tập phòng thủ bảo vệ đảo. Huyện Trường Sa cùng Lữ đoàn 146 luôn chú trọng xây dựng lực lượng vũ trang mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức, có sức chiến đấu cao, giữ vững vùng biển, đảo được giao.

Với nhiều hình thức đa dạng, công tác tuyên truyền, giáo dục cũng được thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Quân và dân huyện đảo thường xuyên học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, nhiệm vụ, đối sách trên không, trên biển; giáo dục tinh thần cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của đối tượng tác chiến. Qua đó bảo đảm giúp cho quân, dân luôn nhận thức đúng tình hình, xác định rõ nhiệm vụ, trách nhiệm xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày một phát triển, xứng đáng là pháo đài tiền tiêu, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng.

Một mùa xuân mới đang về với mọi miền của Tổ quốc. Phát huy những thành quả đạt được, thời gian tới, huyện đảo Trường Sa sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội. Từng bước xây dựng Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; là pháo đài vững chắc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc./.

Bài, ảnh: Phạm Như Quỳnh


Nguồn: Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 219
Hôm qua : 2.171
Tháng 10 : 15.008
Năm 2024 : 817.985