A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ấm áp, yên lòng khi ra khơi

Thời gian qua, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị Vùng 5 Hải quân đã triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”.

Tháng 4/2022, Lữ đoàn 127, Vùng 5 đã tổ chức lễ trao quyết định nhận đỡ đầu con ngư dân ở phường An Thới, TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Người được lựa chọn là cháu Trần Ngọc Huyền, con của ngư dân Trần Hạnh, trú tại phường An Thới, TP Phú Quốc. Cháu Huyền có hoàn cảnh gia đình khó khăn nhưng đã nỗ lực vượt khó vươn lên, đạt nhiều thành tích cao trong học tập. Gia đình anh Trần Hạnh hiện có 2 người con đang đi học, kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề đi biển, bản thân tuổi đã cao… nên có phần thiếu thốn. Cháu Trần Ngọc Huyền chia sẻ: Khi được biết tin cháu được chọn đỡ đầu, cháu rất vui và xúc động. Cháu sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng ba mẹ, phụ lòng các chú bộ đội Hải quân đã hỗ trợ gia đình cháu trong lúc khó khăn này. Còn ông Trần Hạnh thì khẳng định: Mặc dù số tiền không nhiều, nhưng đây cũng là động lực để tôi vươn khơi, bám biển, cố gắng cho con học hành đầy đủ, nên người.

Trao giấy chứng nhận đỡ đầu con ngư dân cho cháu Trần Ngọc Huyền. Ảnh: Văn Định

Là đơn vị đầu tiên trong Quân chủng thực hiện mô hình “Hải quân Việt Nam nhận đỡ đầu con ngư dân” nhằm hiện thực hóa Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển”. Đại tá Phạm Hồng Soi, Phó Chính ủy Lữ đoàn 127 cho biết: Đây không chỉ là nhiệm vụ trong công tác dân vận mà còn là việc làm mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc; niềm khích lệ, động viên đối với gia đình cháu Huyền. Chúng tôi hy vọng, cán bộ, chiến sĩ Vùng 5 nói chung, Lữ đoàn 127 nói riêng thực sự là một điểm tựa cho gia đình ngư dân cả khi trên biển lẫn trên đất liền.

Hiện nay, Chương trình “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển” tập trung vào 4 nhóm hoạt động chủ yếu, trong đó Vùng 5 được giao nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa trực tuần tra, kiểm soát, quản lý, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo với bảo vệ tài sản, tính mạng, hoạt động hợp pháp của ngư dân; tạo điều kiện cho ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển khai thác thủy sản, phát triển kinh tế...

Từ năm 2018 đến nay, Vùng đã tổ chức tuyên truyền 58 buổi cho hơn 60 nghìn lượt người nghe về Luật Biển Việt Nam, các hiệp định phân định ranh giới trên biển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực; các quy định về khai thác, đánh bắt hải sản an toàn, bền vững gắn với bảo vệ môi trường, chống khai thác bất hợp pháp... Thông qua chương trình góp phần nâng cao kiến thức về đánh bắt hải sản an toàn, đúng pháp luật cho ngư dân và gia tăng sự tin cậy giữa ngư dân với bộ đội hải quân. Chương trình cũng khuyến khích, động viên ngư dân cùng các lực lượng thực thi pháp luật trên biển bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ ngư trường truyền thống.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 127, Vùng 5 Hải quân tặng cờ Tổ quốc cho ngư dân

Cơ quan chức năng của Vùng tổ chức nhiều đợt thăm hỏi, động viên tặng các thuyền trưởng, chủ tàu 100 bộ đề cương, tài liệu; đĩa CD có clip bộ câu hỏi-đáp về tình hình biển, đảo và hơn 16 ngàn tài liệu các loại ở cảng cá tỉnh Cà Mau, Kiên Giang… Qua từng năm, tài liệu được in mới, bổ sung nhiều nội dung, với thiết kế đơn giản, dễ đọc, dễ nhớ, dễ hiểu và dễ cập nhật, giúp ngư dân thấy ngay thông tin cần thiết. Trong các hoạt động hỗ trợ, các món quà của những người lính biển như: Phao cứu sinh, cờ Tổ quốc, túi thuốc chữa bệnh và đồ dùng thiết yếu… cũng trở thành nguồn động viên thiết thực với những tàu cá đi biển dài ngày. Ngư dân Lương Minh Dũng, chủ tàu cá CM 91645 TS cho biết: Bộ đội Hải quân rất nhiệt tình hỗ trợ ngư dân kể cả khi đi biển hay tại bến. Ra khơi với những món quà ý nghĩa của các anh, chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp và yên lòng. 

Cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền biển, đảo trên thực địa, lực lượng của Vùng đã thực sự trở thành điểm tựa tin cậy cho ngư dân khi đánh bắt xa bờ. Đại tá Phạm Quang Vinh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Vùng 5 cho biết: Cứu giúp, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân là mệnh lệnh từ trái tim. Do vậy chúng tôi thường xuyên duy trì tốt mạng đài canh dân sự sóng ngắn liên tục 24/24 giờ, đài canh sóng cực ngắn trên kênh 16 UHF và phối hợp chặt chẽ với các lực lượng có liên quan để chủ động kết nối thông tin liên lạc cho các phương tiện, sẵn sàng ứng cứu, giúp đỡ ngư dân khi gặp sự cố trên biển.

Trong 3 năm qua, Vùng đã điều động 29 lượt tàu, ca nô, 23 lượt xe chuyên dụng, hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia cứu hộ, cứu nạn hàng trăm tàu cá ngư dân gặp nạn trên biển. Ông Nguyễn Văn Tài, xã Bình An, huyện Châu Thành, Kiên Giang, cho biết: Mỗi lúc gặp khó khăn, nhất là có người, phương tiện gặp nạn chỉ cần gọi Hải quân Vùng 5 là các anh luôn có mặt kịp thời để hỗ trợ… Chúng tôi hoàn toàn yên tâm, vững lòng khi vươn khơi khai thác hải sản, phát triển kinh tế góp phần khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển.

Xuân Hương


Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.154
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 7.938
Năm 2024 : 513.284