A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

“Đánh thức” Cát Bà

HQVN - Niềm vui lớn đến với TP. Hải Phòng khi mới đây, lần đầu tiên quần đảo Cát Bà (huyện Cát Hải) được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới. Việc được UNESCO công nhận đã đưa vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh)-quần đảo Cát Bà trở thành Di sản thiên nhiên thế giới liên tỉnh-thành phố đầu tiên của Việt Nam. Sự kiện này mở ra cơ hội đồng thời cũng là thách thức trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản…

Kỳ vĩ đảo ngọc Cát Bà

Dù đã nhiều lần trở lại Cát Bà, anh Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Đông Hải vẫn say mê vẻ đẹp kỳ vĩ với sắc xanh của rừng hòa quyện màu cẩm thạch của đá, màu cát vàng và trắng xanh của biển… Anh Nguyễn Văn Hải cho biết: Lần này ra đảo Công ty phối hợp với Cục Chính trị Hải quân tổ chức tuyên truyền biển, đảo và tặng 1.000 lá cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân huyện đảo. Mỗi lần đến với Cát Bà, tôi rất thích khám phá Vườn Quốc gia Cát Bà nguyên sơ, rộng lớn và các hang động có cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, độc đáo. Tôi và bạn bè cũng thường đi du thuyền ngắm các dãy núi trùng điệp trên vịnh Lan Hạ và tham quan làng bè nuôi trồng hải sản…

Chị Lê Ngọc Hà, quận Từ Liêm, Hà Nội cũng không ít lần cùng gia đình và bạn bè đến với Cát Bà nhưng vẫn xúc cảm trước những bãi biển nhỏ xinh, thơ mộng nép mình bên vách núi; thích lặn biển ngắm san hô hay dạo chơi bằng thuyền kayak và thưởng thức hải sản…

Du khách quốc tế tham quan làng Việt Hải. Ảnh: Trọng Luân

Với quần thể 388 đảo lớn nhỏ, diện tích trên 300km2, Cát Bà là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ các danh hiệu quốc gia và quốc tế như: Di tích Quốc gia đặc biệt, Vườn Quốc gia Cát Bà, Khu bảo tồn biển, Khu dự trữ sinh quyển thế giới và vịnh Lan Hạ được Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới (MBBW) công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.

Cát Bà có đặc trưng với các hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới, rừng ngập mặn, hang động, rạn san hô, hồ nước mặn... Nơi đây còn đa dạng sinh học với trên 4.900 loài động, thực vật. Trong đó có 130 loài được Việt Nam và thế giới đưa vào sách Đỏ cần phải bảo vệ. Đặc biệt, Voọc Cát Bà là loài đặc hữu, quý hiếm, nằm trong danh sách các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất. Đến nay, chỉ còn một quần thể gần 70 cá thể phân bố duy nhất tại Cát Bà…

Ông Phạm Trí Tuyến, Trưởng phòng Văn hoá-Thể thao-Du lịch huyện Cát Hải cho hay: Năm 2023, huyện đảo Cát Hải đã đón trên 3 triệu lượt khách du lịch, đạt 102% kế hoạch, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước; đưa nhóm ngành kinh tế du lịch-dịch vụ chiếm tới 75,5% cơ cấu giá trị sản xuất của huyện. Vừa qua, vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới, dự kiến thời gian tới, lượng du khách đến đây sẽ tăng mạnh hơn nữa. Huyện đảo ước đón sẽ có khoảng 3 triệu 600 nghìn lượt khách du lịch trong năm 2024…

Hành trình trở thành di sản liên vùng

Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000 nhờ những giá trị cảnh quan tự nhiên độc đáo cũng như giá trị địa chất, địa mạo đặc trưng.

Năm 2012, TP. Hải Phòng bắt đầu triển khai xây dựng hồ sơ đề cử quần đảo Cát Bà là một Di sản thiên nhiên thế giới độc lập theo tiêu chí các hệ sinh thái và đa dạng sinh học. Tuy nhiên, UNESCO khuyến nghị nên nối dài quần đảo Cát Bà với vịnh Hạ Long thành một quần thể di sản.

Đến năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản giao cho UBND TP. Hải Phòng chủ trì phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh lập hồ sơ đề cử Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà mở rộng với 4 tiêu chí: Cảnh quan-thẩm mỹ; địa chất, địa mạo; các hệ sinh thái đảo đá vôi nhiệt đới, cận nhiệt đới và đa dạng sinh học. Hồ sơ được xây dựng công phu; nghiên cứu một cách nghiêm túc, chặt chẽ dưới sự giám sát, tư vấn của các chuyên gia trong nước, các nhà khoa học quốc tế và các tổ chức quốc tế có liên quan.

Đồng chí Bùi Tuấn Mạnh, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải cho biết: Các cơ quan quốc tế đã đến thẩm định thực địa và đối chiếu với hồ sơ, có một số giá trị trong hồ sơ họ yêu cầu làm rõ. Để các cơ quan quốc tế hiểu rõ các giá trị của quần đảo Cát Bà, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu, từ đó lập luận, phân tích, giải trình, thậm chí là cam kết khẳng định rõ giá trị hồ sơ với các nước thành viên của Ủy ban Di sản thế giới (thuộc UNESCO).

Kết quả, ngày 16/9/2023, 21/21 quốc gia thành viên của Ủy ban Di sản thế giới đã nhất trí vinh danh vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới. Như vậy, sau 10 năm chuẩn bị, phần lớn quần đảo Cát Bà chính thức được công nhận thuộc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà. Phần còn lại của quần đảo trở thành vùng đệm để phát triển và bảo vệ vùng lõi của di sản.

Di sản thiên nhiên thế giới mới có tổng cộng 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình muôn vẻ. Việc mở rộng Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà đã làm tăng thêm giá trị vốn có của di sản. Trong đó, ngoài giá trị về thẩm mỹ, về địa chất, địa mạo tương đồng như vịnh Hạ Long thì quần đảo Cát Bà còn giá trị mang tính bổ sung ý nghĩa cho di sản đó là giá trị về các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Phát triển Cát Bà-xứng tầm di sản

Sự kiện vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà được vinh danh Di sản thiên nhiên thế giới mở ra cơ hội lớn đồng thời cũng là thách thức đối với TP. Hải Phòng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.

Để phát huy những lợi thế mà thiên nhiên mang lại, huyện Cát Hải đã tổ chức các tuyến tham quan du lịch có lộ trình đi theo cung đường đèo ven biển và đường xuyên rừng đến Vườn Quốc gia Cát Bà như: Tuyến rừng kim Giao-dinh Ngự Lâm; Trung tâm Vườn Quốc gia Cát Bà-Ao Ếch-làng Việt Hải-vịnh Lan Hạ. 4 hang động trên quần đảo như: Động Đá Hoa, động Trung Trang, động Quân y, động Thiên Long và hệ sinh thái hồ nước mặn như: Áng Vẹm, áng Thảm, hang Tối, hang Sáng... cũng được đưa vào khai thác. Huyện đảo còn quy hoạch 9 tuyến leo núi phục vụ du khách ưa thích mạo hiểm…

Quần đảo Cát Bà nhìn từ trên cao. Ảnh: CTV

Để gìn giữ giá trị thiên nhiên của di sản, TP. Hải Phòng đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực. Trong đó, thành phố hỗ trợ tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà; xử lý dứt điểm công trình xây dựng vi phạm trên các đảo… Đồng chí Trịnh Văn Tú, Chánh Văn phòng kiêm Ủy viên thường trực Ban Quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà cho biết: TP. Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh đang phối hợp hoàn thiện Kế hoạch quản lý Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà và Quy chế bảo vệ Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà… Trong Lễ kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng TP. Hải Phòng (tháng 5/2024), thành phố dự định sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà.

Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP. Hải Phòng xác định du lịch-thương mại là một trong ba trụ cột kinh tế của thành phố. Bên cạnh đó, theo dự thảo quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố xác định du lịch biển Hải Phòng (với Cát Bà, Đồ Sơn) có sức hấp dẫn cao, thu hút mạnh mẽ du khách quốc tế và trong nước; liên kết với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, đặc biệt là Quảng Ninh và các tỉnh Duyên hải Đông Bắc trở thành trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới.

Từ những định hướng này, các nhiệm vụ, giải pháp đang được TP. Hải Phòng xây dựng, triển khai để phát triển Cát Bà xứng tầm với danh hiệu Di sản thiên nhiên thế giới và góp phần thúc đẩy du lịch Hải Phòng phát triển lên tầm cao mới.

Thùy Liên

 

Sau 10 năm chuẩn bị, ngày 16/9/2023, UNESCO chính thức công nhận quần đảo Cát Bà, huyện Cát Hải (TP. Hải Phòng) thuộc Di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long-quần đảo Cát Bà. Phần di sản quần đảo Cát Bà bao gồm: Toàn bộ vịnh Lan Hạ, Vườn quốc gia Cát Bà, Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cát Bà, một phần diện tích thuộc các xã: Gia Luận, Xuân Đám. Toàn bộ thị trấn Cát Bà, khu Bến Bèo xã Hiền Hào, xã Phù Long… không nằm trong chỉ giới công nhận là di sản thiên nhiên thế giới bởi đây là khu vực đã được quy hoạch phát triển kinh tế, phát triển khu dân cư, khu thương mại, du lịch và dịch vụ.

(Đồng chí Trịnh Văn Tú, Chánh Văn phòng kiêm Ủy viên thường trực Ban Quản lý Di sản thiên nhiên quần đảo Cát Bà)


Nguồn: Báo Hải Quân Việt Nam
Thống kê truy cập
Hôm nay : 824
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.654
Năm 2025 : 25.654