A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

"Ẩn giấu" Vị Xuyên

 Nói đến Hà Giang là nói đến cao nguyên đá hùng vĩ, những mảnh ruộng bậc thang vàng óng ở Hoàng Su Phì vào mỗi dịp tháng 5 về, nhưng không mấy ai biết được Hà Giang còn có một địa phương mang tên Vị Xuyên – mảnh đất còn “ẩn giấu” nhiều khung cảnh nên thơ, hoang dã và những câu chuyện chưa được kể.

Là huyện miền núi biên giới phía Bắc thuộc tỉnh Hà Giang, Vị Xuyên là nơi khởi nguồn của dòng sông Lô, có dãy Tây Côn Lĩnh chạy qua được thiên nhiên ưu đãi với nhiều cảnh quan hùng vĩ, độc đáo. Vị Xuyên cũng nổi tiếng với “tam giác chuan thiêng” mang đậm dấu ấn phật giáo thời nhà Trần. Nhiều địa danh lịch sẻ đã gắn liền với cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.

Với 19 dân tộc anh em cùng chung sống với nhiều phong tục tập quán, văn hóa truyền thống và những lễ hội sinh động, hấp dẫn, vẻ đẹp của những ngôi nhà lợp lá cọ có rêu phong bao phủ nằm thấp thoáng giữa núi rừng hoang sơ.

Nói đến Vị Xuyên là nói đến mảnh đất “máu và lửa” bởi nơi đây hơn 4000 chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc ( năm1979 và năm 1984-1989) để bảo vệ từng tấc đất biên cương của tổ quốc, nhưng đến nay chỉ có hơn 1800 hài cốt liệt sỹ được tìm thấy và được đưa về Nghĩa Trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên để an táng.

“Ẩn dấu” Vị Xuyên

Hội thảo Phát triển du lịch huyện Vị Xuyên giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030

Tại Hội thảo Phát triển du lịch huyện Vị Xuyên giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn 2030 vừa diễn ra tại Vị Xuyên vào ngày 27/3 vừa qua, PGS.TS Dương Văn Sáu, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội- người đã có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Việt Nam và cũng là cựu chiến binh của mặt trận Vị Xuyên năm 1988 đã chia sẻ: “Tên gọi Vị Xuyên có từ năm 1833, “Vị” ở đây có thể hiểu là vị giác, còn “Xuyên” nghĩa là “ nước tiết từ trong núi ra”, nên tên gọi Vị Xuyên vốn đã mang trong mình một sứ mệnh lịch sử và cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc với hơn 4000 liệt sĩ thịt nát, xương tan cùng với máu hòa vào mảnh đất Vị Xuyên là một minh chứng rõ nét”.

Tuy nhiên cũng theo PGS.TS Dương Văn Sáu để mảnh đất Vị Xuyên không bị lãng quên để cho các thế hệ tương lai hiểu thêm về ý nghĩa của những người lính đã ngã xuống không chỉ bảo vệ biên cương, tổ quốc. Những “chiến tích” lịch sử đó phải là động lực để thế hệ tương lai tiếp tục đi lên, kiến thiết xây dựng quê hương, đất nước, những giá trị lịch sử đó phải phát triển thành những loại hình du lịch để giúp người dân địa phương xóa đói, giảm nghèo. Vị Xuyên hoàn toàn có thể phát triển du lịch theo hướng du lịch Lịch sử-Tâm linh, xây dựng “Công viên chiến trường” với điểm nhấn là Nghĩa Trang liệt sỹ Quốc gia Vị Xuyên, Làng Pinh nơi có dãy nhà hậu phẫu và cao điểm 468.

 

“Ẩn dấu” Vị Xuyên

Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vị Xuyên


Không chỉ mang trong mình giá trị lịch sử, tâm linh, Vị Xuyên còn “ẩn dấu” những vẻ đẹp của thiên nhiên hoang sơ, phong tục, tập quán, văn hóa đa dạng, phong phú và độc đáo của 19 dân tộc anh em cùng sinh sống.Nghĩa trang Liệt sỹ Vị Xuyên

Du khách sẽ được chiêm ngưỡng và khám phá những thửa ruộng bậc thang và vùng chè san tuyết cổ thụ tại xã Cao Bồ hay thác hươu – nơi phát triển nghề nuôi cá Hồi, cá Tầm cùng những ngôi nhà lợp cọ của người Dao áo dài ( Dao chàm) phủ kín rêu xanh ở thôn Xà Phìn, xã Phương Tiến hay khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Quảng Ngần…là những nơi mà du khách chưa biết khi đến với Hà Giang.

Từ thành phố Hà Giang lên đến Xà Phìn chỉ khoảng 8km, đường núi quanh co khúc khuỷu, vào tháng 10 du khách sẽ được chiêm ngưỡng những mảnh ruộng bậc thang với lúa chín vàng óng, đâu đó thấp thoáng giữa lưng chừng núi những ngôi nhà lợp lá cọ xen kẽ giữa những cây chè San Tuyết cổ thụ.

Ông Đặng Văn Háu- Bí thư chi bộ thôn Xà Phìn chia sẻ, không ở đâu trên dãy Tây Côn Lĩnh này khí hậu, thiên nhiên ưu đãi cho Xà Phìn những nét độc đáo riêng có. Đó là những ngôi nhà lợp lá cọ, chỉ sau 4 năm lợp lá đều bị rêu xanh phủ kín, thời gian càng lâu rêu phủ càng dày.

“Tuy nhiên nét độc đáo đó vẫn chưa được xây dựng thành những sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, các khách du lịch lên với Xà Phìn vẫn mang tính tự phát, có khách đến là có dịch vụ, ở đây nhiều gia đình đã tham gia làm du lịch. Các gia đình mới chỉ dừng lại là đưa khách đi thăm đồi chè, cung cấp dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi nếu khách có nhu cầu”, ông Đặng Văn Háu cho biết.

Cũng theo ông Háu thì nếu Xà Phìn hình thành được các sản phẩm du lịch thì sẽ là điều kiện rất tốt để bà con nơi đây phát triển kinh tế. 53 hộ dân ở Xà Phìn đều sống dựa vào cây chè và thảo quả, lúa chỉ canh tác được một vụ từ tháng 5 đến tháng 10, nếu có du lịch người dân vừa có thể bán được các sản phẩm nông sản địa phương vừa có thêm việc làm từ cung cấp các dịch vụ cho khách du lịch. Hiện toàn thôn vẫn còn khoảng 20% hộ nghèo, do các hộ này chủ yếu là người ốm đau, bệnh tật không có sức khỏe để làm nông nghiệp.

“Ẩn dấu” Vị Xuyên

Những ngôi nhà lợp mái cọ phủ rêu xanh

Góp ý cho công tác phát triển du lịch của Vị Xuyên, ông Lương Duy Doanh- Giám đốc Công ty TNHH Fivestar Travel chia sẻ: Khách du lịch bây giờ họ cần sự mộc mạc, hoang sơ và một môi trường xanh, sạch. Cho nên các sản phẩm du lịch cũng phải đáp ứng được điều đó và Xà Phìn hiện đang có lợi thế. Điều bây giờ mà chính quyền địa phương cần làm là xây dựng một con đường lên Xà Phìn đảm bảo an toàn cho du khách đó là phải có hộ lan, nếu có điều kiện thì mở rộng đường hơn. Bên cạnh đó là nguồn nhân lực làm du lịch tại địa phương cũng cần phải phát triển và đào tạo theo hướng chuyên nghiệp. Các tuyến đường và điểm du lịch phải có những bảng, biển chỉ dẫn, phải có thuyết minh được ghi âm và phát tại một số điểm du lịch Lịch sử- Tâm linh.

Bà Dương Thị Thu Thủy- Trưởng ban nghiệp vụ- Hiệp hội du lịch TP. Hồ Chí Minh lại đề nghị phía lãnh đạo UBND huyện Vị Xuyên và Tỉnh Hà Giang cần chú ý đến phong cách phục vụ và đón khách du lịch, xây dựng các tour/tuyến, sản phẩm du lịch cho phù hợp với từng đối tượng khách. “Muốn làm du lịch và thẩm thấu được đến từng du khách thì từ cách đón, chào khách cũng phải thể hiện được đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Nói đến nghĩa trang người ta nghĩ đến sự đau thương nhưng nếu chúng ta biết cách làm thì đó lại là sự khởi đầu của niềm vui, hạnh phúc. Minh chứng là tại Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Tiền Giang đến nay đã có hơn 5000 cặp vợ chồng đã chụp ảnh cưới tại đây, nếu chúng ta quy hoạch và biến nó thành sản phẩm du lịch, trồng nhiều hoa, cây xanh, tạo không gian mới thì nghĩa trang liệt sỹ không chỉ là nơi tưởng niệm của những thế hệ trẻ mà còn là nơi khởi đầu cho hạnh phúc”.

Thời gian tới du lịch Vị Xuyên còn rất nhiều việc phải làm để có những sản phẩm du lịch chuyên nghiệp, tuy nhiên theo như lời PGS.TS Dương Văn Sáu thì để phát triển du lịch là chúng ta biến cái “nguyên bản” thành “phiên bản”. Những giá trị văn hóa phải được giữ gìn và chúng ta “tái hiện” những giá trị đó với du khách để chúng ta làm du lịch, đó chính là cách để chúng ta quảng bá văn hóa của dân tộc Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Kỳ Sơn


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.400
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 26.230
Năm 2025 : 26.230