A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Toàn văn Tuyên bố chung Vientiane

CTTBTG - Kết thúc Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra ngày 5/4 tại Lào, các nước thành viên Ủy hội  thông qua Tuyên bố chung Vientiane. Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ trân trọng giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung Vientiane.

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào. (Ảnh TTXVN)

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 diễn ra tại thủ đô Vientiane, Lào. (Ảnh TTXVN)

Tuyên bố chung Vientiane

Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư

Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, ngày 5 tháng 4 năm 2023

Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong

Lời mở đầu

Chúng tôi, những người đứng đầu Chính phủ của Vương quốc Campuchia, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (CHDCND Lào), Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, nhóm họp tại Vientiane, CHDCND Lào, tham dự Hội nghị cấp cao lần thứ 4 của Ủy hội sông Mekong quốc tế (MRC) và:

Nhắc lại Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong ký kết năm 1995 (gọi tắt là Hiệp định Mekong năm 1995) và việc thành lập Ủy hội sông Mekong quốc tế của đại diện các Chính phủ hạ lưu vực Sông Mekong, với tầm nhìn toàn lưu vực và dựa trên lịch sử hợp tác Mekong từ năm 1957 cùng với sự thành lập của Ủy ban Điều phối Nghiên cứu khảo sát hạ lưu vực sông Mekong.

Ghi nhận các hành động và cam kết ưu tiên từ các Hội nghị cấp cao trước đây của MRC và tính xác đáng của những nội dung này đối với các quốc gia thành viên MRC, kể từ Hội nghị cấp cao lần thứ nhất tổ chức vào năm 2010 tại Hua Hin, Thái Lan, với chủ đề “Đáp ứng nhu cầu, duy trì cân bằng: hướng tới phát triển bền vững”, Hội nghị cấp cao lần thứ hai tổ chức vào năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam với chủ đề “An ninh nguồn nước, lương thực và năng lượng trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, và Hội nghị cấp cao lần thứ ba tổ chức năm 2018 tại Siem Reap, Campuchia với chủ đề “Tăng cường các nỗ lực chung và mở rộng quan hệ đối tác nhằm đạt được các Mục tiêu phát triển bền vững trên lưu vực sông Mekong”;

Nhận thức được tầm quan trọng của những đóng góp của lưu vực sông Mekong đối với các lĩnh vực liên quan đến nước trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Chương trình Khung Sendai về giảm nhẹ rủi ro thiên tai 2015-2030, Chương trình nghị sự ASEAN về hội nhập, kết nối khu vực thu hẹp khoảng cách phát triển trong cộng đồng ASEAN và nhu cầu phục hồi mạnh mẽ sau Covid-19 trong bối cảnh các thách thức quốc tế và khu vực đang thay đổi và ngày càng phức tạp, từ đó tiếp tục khẳng định giá trị của hợp tác đa phương;

Nhận thức được tính cấp bách ngày một lớn từ những thách thức, rủi ro và cơ hội mà các quốc gia hạ lưu vực sông Mekong hiện nay và trong tương lai phải đối mặt do tác động của các hoạt động phát triển cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, do đó việc quản lý tài nguyên nước tối ưu nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho lưu vực sông Mekong là vô cùng quan trọng để đạt được sự ổn định về môi trường và kinh tế xã hội cho các cộng đồng sống trong lưu vực, nhưng cũng cần phải tìm ra những ý tưởng mới và phương thức hợp tác sáng tạo để xử lý một cách thỏa đáng các rủi ro và đánh đổi ngày càng tăng liên quan đến phát triển và quản lý lưu vực;

Ghi nhận rằng các cơ hội đảm bảo an ninh nguồn nước, lương thực và năng lượng cho tất cả các quốc gia Mekong có thể gia tăng thông qua hợp tác khu vực cùng với các nỗ lực phối hợp của tất cả các quốc gia;

Nhấn mạnh tầm quan trọng của một tổ chức lưu vực sông dựa trên hiệp ước, mạnh mẽ, bền vững về tài chính trước tình hình thể chế tổ chức vẫn đang tiếp tục thay đổi trong lưu vực sông Mekong để quản lý hiệu quả tài nguyên nước và các nguồn tài nguyên liên quan;

Hoan nghênh sự tham gia nhiều hơn nữa của tất cả các quốc gia ven sông trong quản lý và phát triển bền vững lưu vực sông Mekong dựa trên tinh thần hữu nghị và hợp tác;

Trân trọng sự tham gia và cam kết hợp tác của các Đối tác đối thoại, Đối tác phát triển và các đối tác khác của Ủy hội;

Tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của chúng tôi đối với việc thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong 1995 và vai trò của Ủy hội như là một cơ quan ngoại giao và hợp tác về tài nguyên nước hàng đầu trong khu vực và là một trung tâm tri thức trong tăng cường thực hiện các chiến lược, thủ tục, hướng dẫn kỹ thuật cũng như chia sẻ dữ liệu và thông tin trên toàn lưu vực, qua đó thúc đẩy hợp tác hòa bình và cùng có lợi để đạt được tầm nhìn chung về một lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành tựu kể từ Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ ba

Với tư cách là những người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia thành viên Ủy hội, chúng tôi:

1Ghi nhận những thành tựu và sự phát triển quan trọng của Ủy hội trong những năm gần đây, bao gồm việc không ngừng đóng góp cho hợp tác hòa bình, cùng có lợi và phát triển bền vững ở khu vực Mekong thông qua đối thoại và hợp tác giữa các quốc gia thành viên và với các đối tác, đặc biệt là:

· Việc tăng cường tạo lập và chia sẻ kiến thức đã hỗ trợ hiệu quả hơn quá trình xây dựng kế hoạch và ra quyết định như đã được thể hiện trong Báo cáo hiện trạng lưu vực năm 2018, cũng như trong các nghiên cứu và đánh giá kỹ thuật bao gồm nghiên cứu chung với Trung Quốc, Myanmar, Viện Quản lý Nước quốc tế, Liên hợp quốc và các đối tác khác;

· Hướng dẫn của vùng đối với các quy hoạch quốc gia để phát triển lưu vực, quản lý tài nguyên nước và các tài nguyên liên quan một cách bền vững hơn, thông qua Chiến lược Phát triển lưu vực giai đoạn 2021-2030, hoàn thiện và triển khai bước đầu các chiến lược ngành về thủy điện bền vững, quản lý môi trường và quản lý hạn hán, hướng dẫn cập nhật về thiết kế đập dòng chính, và hướng dẫn đánh giá tác động môi trường xuyên biên giới;

· Tăng cường quan hệ đối tác quan trọng trong đó bao gồm quan hệ với các Đối tác đối thoại, Đối tác phát triển của Ủy hội và các cơ chế hợp tác vùng khác, bao gồm ASEAN, Hợp tác Mekong-Lan Thương, Quan hệ đối tác Mekong-Mỹ, hợp tác Mekong-Nhật Bản, hợp tác Mekong-Hàn Quốc, và các bên liên quan khác với những thỏa thuận cụ thể; cải thiện quy trình tham vấn và tiếp cận công chúng, các diễn đàn và đối thoại vùng; tăng cường chia sẻ dữ liệu và thông tin giữa các quốc gia thành viên, của Trung Quốc; và tăng cường các hoạt động chung;

· Chuyển hướng sang chủ động xác định các giải pháp đầu tư trong khu vực và chủ động ứng phó với các thách thức của lưu vực bao gồm phối hợp trong phát triển thủy điện, thủy lợi, giao thông thủy và các hoạt động phát triển tài nguyên nước bền vững khác, phối hợp trong quản lý các công trình khai thác sử dụng nước, và cải thiện việc thực hiện các Thủ tục của Ủy hội để giải quyết các tác động xuyên biên giới và các vấn đề liên quan đến vận hành công trình;

· Hỗ trợ giảm tác động bất lợi đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương do lũ lụt và hạn hán thông qua thiết lập hệ thống dự báo lũ lụt và hạn hán chính xác hơn với các công cụ hiện đại, cùng với sự hợp tác trong cảnh báo sớm và chuẩn bị sẵn sàng cho ứng phó với thảm họa thông qua quản lý tổng hợp về lũ lụt và hạn hán;

· Tăng cường hỗ trợ cho quá trình lập kế hoạch và ra quyết định của quốc gia thông qua công tác quản lý thông tin và dữ liệu được cải thiện bao gồm xây dựng một Mạng lưới Giám sát sông Mekong bền vững hơn để hỗ trợ giám sát sông ở cấp vùng và cấp quốc gia, các hệ thống mô hình và truyền thông, hệ thống hỗ trợ ra quyết định cấp vùng và cấp quốc gia được thiết kế sát với yêu cầu, sáng tạo và kịp thời, giúp giải quyết các nhu cầu hiện tại và cấp bách; và

· Xây dựng một Ủy hội sông Mekong quốc tế do các quốc gia thành viên làm chủ và dẫn dắt, với sự hướng dẫn chặt chẽ của Hội đồng và Ủy ban Liên hợp, có Giám đốc điều hành Ban Thư ký và chuyên gia là người của các quốc gia thành viên, với trụ sở chính đặt tại Vientiane và Trung tâm Quản lý lũ và hạn vùng đặt tại Phnom Penh, và việc tăng cường đóng góp về tài chính từ tất cả các quốc gia thành viên đã đưa tổ chức đi đúng hướng, tiến tới tự chủ về năng lực và tài chính trong thực hiện các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông vào năm 2030.

2Bày tỏ sự đánh giá cao đối với những hỗ trợ không ngừng về kỹ thuật và tài chính của các Đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực tư nhân và các đối tác liên quan khác cho Ủy hội và các quốc gia thành viên, cũng như sự hợp tác của các Đối tác đối thoại của Ủy hội và tất cả các bên liên quan để đạt được những thành tựu này;

3Ghi nhận rằng những thành tựu này đã đặt nền tảng mới và tiến bộ hơn để Ủy hội thực hiện đầy đủ nhiệm vụ và chức năng chủ chốt của một tổ chức lưu vực sông thông qua:

(i) hỗ trợ phát triển tối ưu và bền vững đồng thời tăng cường an ninh nguồn nước trong khu vực và xây dựng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu,

(ii) hỗ trợ xây dựng quy hoạch quốc gia từ tầm nhìn toàn lưu vực và sự điều phối các hoạt động của lưu vực,

(iii) cung cấp thông tin liên tục và minh bạch về tình trạng lưu vực hiện tại và trong tương lai gần nhằm hỗ trợ cải thiện công tác cảnh báo sớm,

(iv) tăng cường quyền sở hữu và năng lực của quốc gia để thực hiện các chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông, và

(v) tiếp tục phát triển thể chế tổ chức của Ủy hội để đạt được mức độ hợp tác khu vực cao hơn trong giải quyết các thách thức của lưu vực.

Các cơ hội và thách thức trong khu vực

Với tư cách là những người đứng đầu Chính phủ của các quốc gia thành viên Ủy hội, chúng tôi tiếp tục:

4Ghi nhận các cơ hội đáng kể cho sự phát triển bền vững trong tất cả các lĩnh vực liên quan đến nước, bao gồm thủy điện, thủy lợi, giao thông thủy và các lĩnh vực khác, và việc đảm bảo an ninh nguồn nước để bảo vệ cộng đồng khỏi các rủi ro liên quan đến nước, đặc biệt là lũ lụt và hạn hán, cần phải đưa vào xem xét trong các lĩnh vực đầu tư khác và cũng cần được coi như là một cơ hội phát triển;

5Công nhận rằng mặc dù việc phát triển và sử dụng nguồn nước của sông Mekong đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế, nhưng cũng có thể gây ra những tác động bất lợi đến môi trường lưu vực và các cộng đồng dễ bị tổn thương, bao gồm các tác động xuyên biên giới cần phải phối hợp giải quyết, đặc biệt khi mà các tác động trở nên trầm trọng hơn do biến đổi khí hậu, chẳng hạn như lũ lụt và hạn hán nghiêm trọng, xói lở và bồi lắng lòng bờ sông, ảnh hưởng của sự dao động bất thường về mực nước và lưu lượng ở một số nơi trong lưu vực, và sự suy thoái các giá trị môi trường và suy giảm nguồn lợi thủy sản do dòng sông bị chia cắt; và

6Khẳng định rằng để giải quyết các thách thức của lưu vực vốn ngày càng trở nên phức tạp, chúng ta cần cả các giải pháp quản lý lẫn phát triển để bảo đảm tính bền vững về tài nguyên môi trường, cần xác định các giải pháp đầu tư khác nhau và xem xét thỏa đáng mối liên kết giữa các ngành sử dụng nước, bổ sung quản lý vận hành, bao gồm quản lý vận hành liên hồ chứa xuyên biên giới, đặc biệt là việc chia sẻ số liệu vận hành kịp thời và thường xuyên từ các công trình khai thác sử dụng nước, xác định các dự án đầu tư chung góp phần bảo đảm an ninh nước, lương thực và năng lượng.

Các lĩnh vực hành động ưu tiên

Chúng tôi kêu gọi Ủy hội, tất cả các đối tác và các bên liên quan phối hợp tìm ra các giải pháp sáng tạo để ứng phó với những thách thức này, đồng thời nắm bắt các cơ hội và tăng cường hợp tác vì một lưu vực sông Mekong bền vững và đảm bảo an ninh nguồn nước, đồng thời tuân thủ các nguyên tắc cởi mở, minh bạch, toàn diện, cùng có lợi, bình đẳng, tham vấn, phối hợp, hợp tác, tôn trọng chủ quyền, với trọng tâm là:

7. Dựa trên một quy hoạch phát triển lưu vực chủ động và thích ứng, xác định các dự án đầu tư chung và dự án quốc gia có ý nghĩa cho toàn lưu vực, và các hoạt động hỗ trợ có liên quan nhằm tăng cường tương trợ và giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của cộng đồng ở cấp lưu vực và quốc gia, và đưa ra các giải pháp ứng phó toàn diện với biến đổi khí hậu, bao gồm các giải pháp công trình, các giải pháp thích nghi thuận tự nhiên, các giới hạn môi trường, quản lý phù sa bùn cát, hỗ trợ triển khai các quy hoạch ngành khác chẳng hạn như sản xuất năng lượng tái tạo, kết nối và nâng cấp mạng lưới truyền tải điện của khu vực, phát triển thị trường và các hoạt động thương mại về năng lượng, và các trung tâm vận tải đa phương tiện;

8. Hỗ trợ các quốc gia trong trợ giúp các cộng đồng thích ứng với các biến động của dòng sông thông qua việc đảm bảo một hệ thống thông tin liên lạc thông suốt nhằm thông báo kịp thời và hiệu quả các biến động bất thường, các vấn đề về chất lượng nước, lũ lụt và hạn hán và các trường hợp khẩn cấp khác liên quan tới nước, đồng thời hướng tới tăng cường chia sẻ dữ liệu vận hành các công trình khai thác sử dụng nước một cách kịp thời và thường xuyên để giúp cho chuẩn bị và ứng phó tốt hơn;

9. Hỗ trợ việc ra quyết định về phát triển và vận hành thông qua tăng cường sử dụng công nghệ trong thực hiện tất cả các chức năng quản lý lưu vực sông từ công tác theo dõi, giám sát và quản lý vận hành công trình tới công tác đánh giá và lập kế hoạch, chiến lược dài hạn;

10. Đảm bảo rằng các hoạt động tham vấn được thực hiện hiệu quả hơn thông qua một diễn đàn của các bên liên quan toàn lưu vực do Ủy hội và các Đối tác đối thoại phối hợp tổ chức, tăng cường và đổi mới các hoạt động chung với các Diễn đàn hợp tác vùng khác, các Đối tác phát triển, cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ, khu vực tư nhân, và các bên có liên quan khác;

11. Tăng cường quản lý toàn lưu vực trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Ủy hội thông qua đổi mới về chính sách, công nghệ và cơ chế hợp tác, đối tác với các khung hợp tác vùng khác có liên quan;

12. Duy trì và tìm kiếm nguồn tài chính mới để hỗ trợ các nỗ lực nêu trên bao gồm các nguồn từ nhà nước và tư nhân, và các cơ chế hỗ trợ tài chính toàn cầu; và

13. Đảm bảo rằng Ủy hội đang trong quá trình chuyển đổi bền vững để tự chủ vào năm 2030, thông qua việc không ngừng phát triển tổ chức nhằm tăng cường năng lực của Ủy hội và các cơ quan, bộ, ngành có liên quan của quốc gia để triển khai thực hiện chức năng chủ chốt về quản lý lưu vực sông, bao gồm việc thu thập và quan trắc các số liệu liên quan về nước do các nhóm chuyên gia chung của lưu vực thực hiện, xây dựng một Mạng lưới Giám sát sông Mekong hiệu quả về mặt tài chính, tăng cường việc triển khai các Thủ tục của Ủy hội và các cơ chế có liên quan, phương thức làm việc, và áp dụng các hướng dẫn và chiến lược của vùng.

Hướng tiếp theo

14. Chúng tôi khẳng định lại cam kết cùng nỗ lực tăng cường hơn nữa vai trò của Ủy hội nhằm đảm bảo an ninh nước, lương thực và năng lượng, và sự phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường của lưu vực sông Mekong.

15. Chúng tôi hoan nghênh sự thay đổi mang tính chiến lược về quy hoạch lưu vực chủ động và thích ứng, phối hợp trong quản lý vận hành các công trình, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia trong lưu vực, các đối tác và các bên có liên quan tiếp tục hợp tác với Ủy hội để duy trì thực hiện Hiệp định Mekong năm 1995 và các Thủ tục có liên quan, và để hỗ trợ việc triển khai Chiến lược phát triển lưu vực giai đoạn 2021-2030 phù hợp với Tuyên bố chung này và phù hợp với “Tinh thần Mekong”.

16. Chúng tôi giao nhiệm vụ cho Ủy hội điều phối và giám sát việc thực hiện Tuyên bố chung này.

17. Chúng tôi bày tỏ sự cảm ơn chân thành tới Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã tổ chức Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4, và chúng tôi mong đợi Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 5 sẽ được tổ chức vào năm 2026 tại Vương quốc Thái Lan.

Thông qua tại Vientiane, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, vào ngày 5 tháng 4 năm 2023 bằng tiếng Anh.


Nguồn: Báo Nhân dân điện tử
Thống kê truy cập
Hôm nay : 937
Hôm qua : 2.955
Tháng 09 : 40.891
Năm 2024 : 774.299