Đi xe máy vượt 700km thăm chồng
CTTBTG - Chúng tôi đã đi, đã đến và kiểm chứng câu chuyện mà cán bộ, chiến sĩ Cục Tác chiến Điện tử (TCĐT), Bộ Tổng Tham mưu (BTTM) vẫn kể về một cô giáo vùng cao địu con đi xe máy vượt gần 700km đường mòn ven núi qua nhiều tỉnh phía Tây Bắc Tổ quốc tới thăm, động viên chồng là bộ đội TCĐT đóng quân nơi rừng thẳm, heo hút gió...
“Cách mặt, không cách lòng”Trạm ACOS số 3, Trung tâm 95, Cục TCĐT, BTTM nằm ở độ cao 1.300m so với mực nước biển. Khi chúng tôi tới nơi này trời vừa sẩm tối. Cơn mưa rừng bất chợt ập đến và kéo dài tới khuya. Mọi người quây quần bên bếp lửa hồng. Đại tá Huỳnh Văn Đại, Chỉ huy trưởng Trung tâm 95 giới thiệu với mọi người khá tỉ mỉ về hoàn cảnh gia đình của từng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ đang công tác tại trạm. Câu chuyện vượt khó để được ở gần nhau cùng vun đắp hạnh phúc của vợ chồng Đại úy Trần Văn Tý, Trạm trưởng và cô giáo Trần Thị Liên, giáo viên Trường Tiểu học Tỏa Tình (xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) qua lời kể mộc mạc, dung dị của anh Đại và anh Tý đã để lại cho chúng tôi những ấn tượng khó phai.Anh Tý và chị Liên yêu nhau từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Chàng là học viên chuyên ngành TCĐT, Học viện Kỹ thuật Quân sự, nàng là sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Tháng 7-2009, đôi bạn ấy tốt nghiệp ra trường. Trần Văn Tý về nhận công tác tại Tổng trạm 3, Đoàn 87 (nay là Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn 87), Cục TCĐT. Còn cô giáo Trần Thị Liên nhận công tác tại trường Tiểu học Chí Cà (xã Chí Cà, huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang). Sau hai tháng ổn định công tác, họ quyết định cùng nhau xây hạnh phúc dài lâu. Đám cưới của người chồng bộ đội với người vợ giáo viên diễn ra trong mùa hoa tam giác mạch vùng biên Xín Mần nở rộ. Vợ chồng Đại úy Trần Văn Tý và cô giáo Trần Thị Liên . Nên duyên vợ chồng nhưng anh Tý, chị Liên vẫn ở cách xa nhau hơn 400km. Đơn vị anh Tý đóng quân ở Hà Nội, lại thường xuyên phải trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) nên hằng tháng chị Liên tranh thủ ngày nghỉ về Thủ đô thăm chồng. Vì thời gian ở bên nhau không nhiều nên 3 năm sau (vào năm 2012) chị mới sinh cháu trai đầu lòng. Anh vui mừng xin ý kiến bên nội, bên ngoại và đặt tên con là Trần Phúc An với mong muốn con sau này luôn được hưởng hạnh phúc và sự an nhàn.Cuối tháng 12-2012, Cục TCĐT có kế hoạch xây dựng Trạm định hướng sóng ngắn ở tỉnh Điện Biên. Vì sự phát triển chung của ngành TCĐT toàn quân, cục rất cần cán bộ, nhân viên trạm có chuyên môn vững, nhiệt tình, trách nhiệm với nghề. Anh Tý đã viết đơn xung phong lên đường thực hiện nhiệm vụ mới. Tuy nhiên, anh nghĩ tới khoảng cách của hai vợ chồng đã xa sẽ càng xa hơn nên đành để gọn lá đơn vào ngăn tủ. Khi anh Tý trao đổi với vợ, chị Liên ủng hộ ngay. Chị nói với anh: “Có xa cách mặt, nhưng đâu xa cách lòng, anh cứ xung phong đi, vì Tổ quốc, vì quân đội em luôn ủng hộ”. Được lời động viên của vợ, ngay hôm đó, anh Tý đã nộp đơn xung phong lên Điện Biên công tác.Trần Văn Tý nhận nhiệm vụ Trạm trưởng Trạm ACOS số 3 tháng 3-2013. Đơn vị đứng chân trên địa bàn huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên. Vào dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm 2013, do đơn vị phải trực SSCĐ nên anh Tý không về Hà Giang thăm vợ và con trai. Anh đã gọi điện cho vợ trước đó mấy hôm. Chị động viên anh cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ. 8 giờ tối 30-4, hết ca trực, anh ra cổng đơn vị ngóng về hướng Hà Giang thầm nghĩ: “Không biết giờ này hai mẹ con đã ngủ chưa, khu tập thể Trường Tiểu học Chí Cà có ai còn ở lại...”. Chợt ánh đèn xe máy loang loáng xuyên qua màn sương mờ của núi cao đi lên trạm. Anh Tý không tin nổi, vợ anh và con trai anh đã vượt qua chặng đường gần 700km bằng xe máy tới thăm, động viên mình. Vợ chồng gặp nhau nước mắt lăn dài trong hạnh phúc hân hoan. Chị vui vẻ nói với anh: “Em và con đi thăm anh phải bí mật đến phút chót. Vì sợ nói ra anh ngăn cản, không hay chút nào...”. Chuyến đi đó, chị Liên địu con phía trước ngực xuất phát từ Trường Tiểu học Chí Cà vào sáng 29-4. Chị đi theo đường mòn ven núi qua các huyện: Bắc Quang, Quang Bình (Hà Giang), Văn Bàn (Lào Cai); Than Uyên (Lai Châu), Quỳnh Nhai, Thuận Châu (Sơn La) rồi đến Tuần Giáo (Điện Biên). Tối 29-4, hai mẹ con dừng nghỉ và xin ngủ nhờ ở lán trông nương của nhà dân ven đường mòn quanh núi thuộc địa bàn xã Tà Hừa, huyện Than Uyên (Lai Châu). Quá trình đi, chị Liên thường hỏi người dân địa phương đường tới thị trấn của các huyện để tiếp nhiên liệu cho xe máy...Chung đôi vai sẻ chia...Nguyện vọng tha thiết được ở gần chồng, động viên anh thực hiện tốt nhiệm vụ cấp trên giao, đơn xin chuyển công tác của chị Liên đã được lãnh đạo huyện Xín Mần (Hà Giang), huyện Tuần Giáo (Điện Biên) nhất trí. Vào tháng 11-2013, khi cái rét của vùng núi cao Điện Biên làm buốt đầu ngón tay, tê sống lưng, cô giáo Trần Thị Liên đã chuyển công tác từ Trường Tiểu học Chí Cà đến Trường Tiểu học Tỏa Tình.Buổi tiếp nhận và giao nhiệm vụ cho giáo viên mới, cô giáo Nguyễn Thị Kim Hà, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học Tỏa Tình đã nhiều lần lấy khăn lau nước mắt. Chị Hà kể với Liên về những khó khăn của quá trình vận động học sinh tới trường, về nơi ở của giáo viên. Nói rồi, chị đưa Liên tới khu tập thể nhà trường đang trong giai đoạn tu sửa, tre nứa ngổn ngang... Vì đơn vị của anh Tý là đơn vị đặc thù của ngành TCĐT nên người thân cũng không được phép ở lâu chứ chưa nói tới ở qua đêm, do đó trong thời gian chờ khu tập thể nhà trường tu sửa xong, anh Tý đã mượn tạm chiếc thùng xe công-ten-nơ cũ của một đơn vị vận tải trên địa bàn huyện Tuần Giáo đang đặt cách trạm gần 1km để làm nơi ở tạm cho hai vợ chồng và con trai. Cũng chính từ "ngôi nhà" công-ten-nơ hạnh phúc đó, năm 2014 anh chị vui mừng đón thêm một thành viên mới của gia đình. Con trai thứ hai của anh chị tên là Trần Bảo Châu.Dù điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng vợ chồng anh chị luôn vui vẻ, động viên nhau vươn lên trong cuộc sống, kết quả thể hiện rõ, nhiều năm liền anh Tý luôn hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ được giao. Chị Liên luôn đạt thành tích cao trong phong trào thi đua dạy tốt và học tốt của nhà trường.Hiện nay, gia đình anh chị đang sinh sống ở khu tập thể của Trường Tiểu học Tỏa Tình. Khi chúng tôi tới nơi ở của vợ chồng anh chị, các thầy cô và học sinh nhà trường cũng vào giờ nghỉ trưa. Căn nhà hơn 10m2 có một mình chị loay hoay với bếp lửa, nồi xoong. Hỏi chuyện chúng tôi mới hay, anh chị đã gửi hai con về quê của anh ở xã Nghĩa Hưng, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An nhờ ông bà nội chăm sóc để có thời gian tập trung cho việc xây nhà đồng đội.Theo đồng chí Mùa A Dình, Bí thư Đảng ủy xã Tỏa Tình, quá trình sinh sống, công tác ở địa phương, vợ chồng anh Tý và chị Liên được người dân các bản làng rất quý mến. Biết hoàn cảnh của anh chị còn khó khăn, cấp ủy, chính quyền và người dân xã Tỏa Tình tạo điều kiện cho anh chị mượn đất ở và đất canh tác lâu dài. Vừa qua, Cục TCĐT hỗ trợ vợ chồng anh chị 70 triệu đồng xây nhà đồng đội. Đại tá Huỳnh Văn Đại cho chúng tôi biết thêm: “Dù khí hậu vùng cao hết sức phức tạp, giá vật liệu đắt đỏ nhưng Trung tâm 95 cùng địa phương quyết tâm huy động thêm nguồn lực giúp đỡ gia đình anh Tý, chị Liên hoàn thành căn nhà đồng đội vào đầu tháng 11-2017”. Tạm biệt gia đình anh Tý, chị Liên, tôi miên man nghĩ về những chuyến hành quân thăm, động viên chồng của người vợ bộ đội thời bình. Tôi nghĩ về ngôi nhà mới của anh chị sẽ vững vàng trên vùng cao bạt gió. Tình yêu anh chị dành cho nhau là sự sẻ chia, cảm thông hết mực, họ tựa vào nhau chung đôi vai gánh vác, vươn lên trong cuộc sống...Bài và ảnh: MÈ QUANG THẮNG