A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mục tiêu, giải pháp đưa người lao động trong tỉnh đi làm việc ở nước ngoài

CTTBTG - Trong những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, công tác triển khai và thực hiện Chỉ thị số 16-CT/TW, ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động và chuyên gia Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Từ khi thực hiện Chỉ thị 16-CT/TW, ngày 08/5/2012 của Ban Bí thư đến nay, toàn tỉnh đã có 3.874 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó: 1.529 lao động đi theo chương trình của Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và đi thông qua các doanh nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép tuyển chọn, đi làm việc chủ yếu tại các thị trường có thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan; 2.345 lao động đi làm việc tại Trung Quốc theo Thỏa thuận quản lý lao động qua biên giới giữa tỉnh Hà Giang với phía Trung Quốc Qua đó, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ thuật và tác phong làm việc chuyên nghiệp cho lao động của tỉnh.

Lễ kí kết biên bản ghi nhớ về việc cử lao động đi làm việc thời vụ tại nước ngoài giữa chính quyền quận Boeun, tỉnh Chunggheongbuk, Hàn Quốc và Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang, Việt Nam. (Ảnh: Sưu tầm)

Phát huy kết quả đạt được, đồng thời cụ thể hóa Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 12/12/2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới; tỉnh Hà Giang xác định công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, nhất là lao động nông thôn, lao động tại các huyện nghèo, quảng bá văn hóa, hình ảnh tốt đẹp của đất nước, con người Việt Nam và tỉnh Hà Giang ra thế giới, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực địa phương, mở rộng quan hệ hợp tác đối ngoại của tỉnh Hà Giang. Đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, thực sự cần thiết và quan  trọng trong việc thúc đẩy và phát triển thị trường lao động, vì vậy cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để có biện pháp thúc đẩy tuyển dụng lao động phù hợp. Chuẩn bị nguồn lực công việc, tổ chức đào tạo, kết nối thị trường và công ty đưa người lao động đi nước ngoài đảm bảo thực sự hiệu quả và đúng mục đích, đúng pháp luật.

Đồng thời, tỉnh Hà Giang đặt ra mục tiêu sẽ tiếp tục tạo tiền đề vững chắc cho việc xây dựng thị trường lao động phát triển linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; từng bước được nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả tổ chức vận hành thị trường lao động. Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, chuyển dịch cơ cấu lao động, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn, đảm bảo kết nối thị trường lao động trong tỉnh với các tỉnh, thành phố trong nước và thị trường lao động quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025: Tỷ trọng lao động làm việc trong ngành nông lâm nghiệp dưới 68,5%; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm đạt tối thiểu 6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 22,5%; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 20% lực lượng lao động. Phấn đầu duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung ở mức thấp dưới 1%, tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 2%; tỷ lệ thất nghiệp thanh niên thành thị ở mức thấp dưới 5%, tỷ lệ thiếu việc làm của thanh niên nông thôn dưới 4%. Tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 31%, trong đó nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chiếm 12%; tỷ lệ lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 19%; chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia bảo hiểm xã hội đạt mức 85%.

Hỗ trợ tư vấn đào tạo nghề, kết nối việc làm giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo với người lao động tại huyện Xín Mần, tỉnh Hà Giang năm 2023. (Ảnh: Sưu tầm)

Để thực hiện tốt chủ trương của Đảng, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tình hình mới, tỉnh xác định tập trung vào thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp như: Hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đồng bộ, thống nhất để thị trường lao động phát triển theo hướng hiện đại. Chủ động rà soát, đánh giá cung - cầu lao động, nhất là nhu cầu nhân lực giữa các ngành, lĩnh vực để nhanh chóng bố trí lực lượng lao động. Tích cực liên kết với các doanh nghiệp ngoại tỉnh và các công ty giới thiệu việc làm tại tỉnh, thành phố để nắm bắt nhu cầu, nhanh chóng thiết lập kết nối và cung ứng lao động. Kiểm tra, đánh giá, tổ chức, đầu tư nâng cao tiềm lực của các cơ sở dạy nghề theo chủ trương, hướng dẫn của Trung ương phù hợp với điều kiện của tỉnh; khuyến khích đào tạo lao động có trình độ, ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Thực hiện các biện pháp để kết nối thông tin cung cầu lao động trong hoạt động hướng nghiệp và đào tạo nghề cho người lao động. Tích cực triển khai và tổ chức thực hiện các chính sách của Trung ương và của tỉnh nhằm hỗ trợ, khuyến khích người lao động và các đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, tăng cường đầu tư, phát triển các ngành kinh tế để tạo nhiều việc làm bền vững. Triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của thị trường việc làm năng động. Tổ chức đào tạo và cung ứng kịp thời nguồn nhân lực cho các công ty, đặc biệt là các công ty có vốn nước ngoài. Phát triển hệ thống kết nối cung cầu lao động. Hỗ trợ phát triển mạng lưới an sinh và bảo hiểm cho người lao động. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của chính quyền đối với công tác đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Coi phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài là nhiệm vụ chính trị, tích cực tham mưu và thực hiện đồng bộ các giải pháp đáp ứng giai đoạn chuyển đổi tiếp theo về lượng và chất. Tổ chức tuyên truyền, quán triệt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp, doanh nghiệp, tổ chức, người dân và người lao động về vai trò, tầm quan trọng của việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về lao động, đặc biệt liên quan đến việc ký kết hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội, các chế độ an sinh xã hội khác và các phúc lợi xã hội khác cho người lao động…


Tác giả: Hoàng Bảo
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.668
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.920
Năm 2024 : 505.306