A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác phối hợp - vai trò then chốt trong đảm bảo công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe Nhân dân

Những năm qua, với vai trò là cơ quan chủ trì tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT, BHXH Việt Nam đã thường xuyên, chủ động tham gia, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, các cấp ủy, chính quyền; đặc biệt là phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế các cấp từ Trung ương đến địa phương để triển khai kịp thời và hiệu quả nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Diện bao phủ, quyền lợi người tham gia không ngừng được mở rộng

Năm 2022, việc phát triển người tham gia BHYT được triển khai trong nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19 và những thay đổi về chính sách đã ảnh hưởng đến khoảng 4,9 triệu người không tiếp tục tham BHYT so với thời điểm cuối năm 2021 (trong đó: 1,7 triệu người tham gia BHYT hộ gia đình do gặp khó khăn sau đại dịch Covid-19 nên không tiếp tục tham gia; hơn 1,13 triệu người thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển theo Quyết định số 353/QĐ-TTg ngày 15/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ nên không được Ngân sách Nhà nước đóng BHYT; hơn 2,1 triệu người dân tộc thiểu số không thuộc đối tượng được Ngân sách Nhà nước đóng BHYT theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ).

Với mục tiêu đặt quyền và lợi ích của người tham gia BHYT lên hàng đầu, đảm bảo sự bền vững của chính sách, BHXH Việt Nam đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp.

BHXH Việt Nam đã phối hợp nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật BHYT để mở rộng đối tượng tham gia, bổ sung đối tượng thuộc các nhóm chưa quy định trong Luật BHYT hiện hành; phối hợp giao chỉ tiêu thực hiện bao phủ BHYT cho từng địa phương. UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT; xây dựng kế hoạch và giải pháp triển khai thực hiện để đạt chỉ tiêu được giao, trình HĐND để bố trí ngân sách địa phương và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ thêm cho người dân tham gia BHYT…

Công tác phối hợp đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong tăng nhanh, bền vững độ bao phủ BHYT. Đến hết năm 2022, toàn quốc đã có 91,074 triệu người tham gia BHYT; đạt tỷ lệ 92,04% dân số (vượt 0,04% so với chỉ tiêu tại Nghị quyết 01/NQ-CP); tăng 2,237 triệu người so với năm 2021, là 1 trong 7 chỉ tiêu kinh tế-xã hội vượt kế hoạch năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao.

Những năm qua, quyền lợi khám chữa bệnh BHYT ngày càng được đảm bảo và mở rộng; người dân được tiếp cận nhiều dịch vụ y tế hiện đại, thuốc mới, hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau bệnh tật. Giai đoạn 2016 - 2022, trung bình mỗi năm có khoảng 160 triệu lượt người khám chữa bệnh (KCB) BHYT, tương ứng gần 50 triệu người KCB BHYT.

Năm 2022, sau đại dịch, việc KCB của người dân đã trở lại tương đối bình thường: có 150,6 triệu lượt KCB BHYT (tăng trên 25 triệu lượt tương ứng 19% so với năm 2021); 36,8 triệu người sử dụng thẻ BHYT để KCB; số tiền KCB BHYT tăng trên 20.000 tỷ so với năm 2021.

BHXH Việt Nam cũng đang phối hợp cùng Bộ Y tế thí điểm KCB BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giảm thời gian khi làm thủ tục KCB vừa giúp cơ quan BHXH quản lý chặt chẽ, hiệu quả của người tham gia BHYT khi KCB (đảm bảo đúng người, đúng thẻ); góp phần kiểm soát chi phí KCB và quỹ BHYT và đảm bảo kịp thời quyền lợi chính đáng và hợp pháp của người tham gia.

Tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc

Hai năm qua, do tác động của đại dịch Covid-19, cùng một số thay đổi về kinh tế - xã hội khiến xuất hiện không ít khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB. Thời gian qua, BHXH Việt Nam đã luôn đồng hành cùng ngành y tế, các cơ sở KCB tích cực chủ động để tìm các giải pháp, từng bước giải quyết.

Trên cơ sở đồng thuận, thống nhất, hai Ngành đã rất tích cực, chủ động trong việc đề xuất với Chính phủ ban hành và triển khai các giải pháp nhằm kịp thời tháo gỡ, đảm bảo nguồn kinh phí khám chữa bệnh (KCB) BHYT cho các cơ sở KCB thực hiện cung ứng các dịch vụ y tế đem lại quyền lợi tối đa cho người tham gia BHYT theo quy định.

Trong đó, đã giải quyết được tình trạng các chi phí KCB tồn đọng, chưa được thanh toán từ năm 2020 trở về trước. Đến thời điểm này, các chi phí chưa đủ điều kiện quyết toán trước năm 2020 đã được cơ bản giải quyết, tháo gỡ rất nhiều khó khăn về kinh phí cho các cơ sở KCB.

Về việc tạm ứng, thanh quyết toán, để đảm bảo kinh phí cho các cơ sở KCB hoạt động, BHXH Việt nam đã chỉ đạo BHXH các tỉnh khẩn trương thực hiện việc quyết toán hằng quý để chuyển tiền thanh toán và tạm ứng kinh phí cho hoạt động quý sau. Giai đoạn Covid-19, nhiều cơ sở KCB khó khăn về kinh phí, BHXH Việt Nam đã chỉ đạo các địa phương thực hiện tạm ứng đầy đủ, nếu khó khăn, báo cáo BHXH Việt Nam để được giải quyết.

Từ năm 2020, BHXH Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn BHXH các tỉnh phối hợp với các cơ sở KCB thực hiện mã hoá, chuẩn hoá thông tin các danh mục dùng chung, chuẩn hoá dữ liệu; hướng dẫn giải quyết các vấn đề vướng mắc trong mã hoá danh mục, dữ liệu điện tử. Nhờ đó, chất lượng dữ liệu được nâng lên rõ rệt, hầu hết các tỉnh đã khắc phục được tình trạng gửi lại, thay thế dữ liệu.

Thời gian qua, tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xuất hiện ở nhiều bệnh viện, ở nhiều địa phương. Nguyên nhân chủ yếu là do việc chậm, vướng mắc trong công tác đấu thầu. Về vấn đề này, trong năm 2022, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế đã phối hợp chặt chẽ, quyết liệt thực hiện Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 5/11/2022 về bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí KCB BHYT; xây dựng và ban hành các hướng dẫn tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách BHYT, giảm thiểu tối đa các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện tại các địa phương.

Với tinh thần sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cơ sở KCB theo quy định, hai Ngành đã khẩn trương triển khai các giải pháp theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 144/NQ-CP. Và ngay đầu năm 2023, hai Ngành tiếp tục phối hợp đóng góp ý kiến đề xuất vào Nghị quyết số 80/2023/QH15 của Quốc hội về việc “tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch Covid-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024”. Theo đó, tình trạng thiếu thuốc tại các cơ sở KCB BHYT cơ bản được giải quyết...

Tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật

Đảm bảo cho chính sách BHYT ngày càng hoàn thiện, ưu việt, vì quyền lợi người tham gia, BHXH Việt Nam và Bộ Y tế luôn phối hợp chặt chẽ, hiệu quả trong việc xây dựng, sửa đổi bổ sung chính sách pháp luật về BHYT và các chính sách có liên quan; đánh giá tác động và đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, đạt nhiều kết quả tích cực.

Với vai trò là cơ quan tổ chức thực hiện chế độ, chính sách, BHXH Việt Nam luôn chủ động xây dựng, hoàn thiện các báo cáo chuyên đề đánh giá, tổng kết tình hình thực hiện chế độ, chính sách; đánh giá những hạn chế, vướng mắc, bất cập trong thực tiễn tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật từ Trung ương đến địa phương; đánh giá tác động của việc đề xuất sửa đổi, chính sách… gửi Bộ Y tế đề xuất sửa đổi các dự luật quan trọng trong thời gian qua gồm: Luật Khám bệnh, chữa bệnh; 2 Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; 3 Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ; 2 Thông tư của Bộ Y tế và nhiều Văn bản hướng dẫn khác. Thời gian tới, 2 ngành sẽ tiếp tục phối hợp để đề xuất sửa đổi, ban hành nhiều dự luật quan trọng khác như: Luật Dược, Luật BHYT...

Sự phối hợp chặt chẽ giữa hai Ngành đã mang lại bước tiến tích cực trong công tác xây dựng luật, để đạt được tiếng nói chung vì quyền lợi của người tham gia BHYT. Đặc biệt trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, các Dự luật lớn và quan trọng đều liên quan tới nhau. Sự phối hợp của BHXH Việt Nam và Bộ Y tế là thường xuyên và chặt chẽ ngay từ những bước đầu, khâu đầu trong công tác đánh giá, xây dựng chính sách; có sự đồng thuận giữa hai Ngành trước khi trình Chính phủ, Quốc hội. 

Sang năm 2023, hai Ngành xác định, nhiệm vụ lớn nhất là đánh giá được tình hình thực hiện Luật BHYT và các Văn bản liên quan để có những sửa đổi phù hợp, phấn đấu đồng bộ hệ thống văn bản pháp luật để Luật KCB và Luật BHYT song hành, nhịp nhàng trong triển khai.

Việc xây dựng, sửa đổi các dự Luật, đặc biệt là Luật BHYT rất cần có sự đồng thuận giữa hai Ngành về cả lĩnh vực xây dựng và thực hiện chính sách. Hai Ngành sẽ phối hợp chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo tốt nhất quyền lợi của người tham gia BHYT và khả năng cân đối, phát triển bền vững của quỹ BHYT./.

Phạm Chính


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.701
Hôm qua : 1.581
Tháng 09 : 31.002
Năm 2024 : 764.410