A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Mạnh tay hơn nữa với ''ma men''!

Quy định, chế tài đã có, việc tăng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông cũng đã thực hiện. Thế nhưng tài xế “ma men” vẫn nhan nhản trên đường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và tái diễn những vụ tai nạn thương tâm… Do đó, cần “mạnh tay” hơn nữa với ''ma men''.

Hiện trường vụ tai nạn tối 7/9 tại quận Cầu Giấy. 

Đêm qua (7/9), Trịnh Văn Phương (SN 1981), hiện đang ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) và là giảng viên của một trường đại học điều khiển xe ô tô 7 chỗ mang BKS 30F-811.85 di chuyển theo hướng từ đường Trần Duy Hưng rẽ phải vào Nguyễn Chánh đi Dương Đình Nghệ đã gây ra vụ tai nạn liên hoàn.

Cụ thể, khi đi đến trước số nhà 27 Nguyễn Chánh, tài xế xảy ra va chạm với một xe máy do người phụ nữ điều khiển chở theo con gái. Sau tai nạn, lái xe tiếp tục di chuyển tông vào một ô tô và một xe máy do người đàn ông cầm lái. Kết quả cả 4 người đi trên 2 xe máy và 1 ô tô đều bị thương sau va chạm được đưa đi cấp cứu, trong đó có người bị thương nặng. Tại hiện trường, 2 xe máy, 2 ô tô hư hỏng nặng.

Kết quả xác minh ban đầu cho thấy nồng độ cồn của tài xế gây tai nạn là 0,897 mg/l khí thở - gấp 2,24 lần mức kịch khung theo quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Và ngay trong đêm 7/9, Công an quận Cầu Giấy đã tạm giữ hình sự đối tượng Trịnh Văn Phương.

Điều đáng nói sau một thời gian lắng xuống thì các vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế vi phạm nồng độ cồn thời gian gần đây lại có chiều hướng gia tăng, thậm chí xảy ra liên tục, với mức độ ngày càng nghiêm trọng, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 đã được kiểm soát tốt, mọi hoạt động vui chơi giải trí đã trở lại bình thường.

Mới đây thôi, nhiều người vẫn còn kinh hãi trước vụ tai nạn giao thông xảy ra đêm 12/8. Một chiếc ô tô đã bất ngờ lao vào một cây xăng trên đường Láng (quận Đống Đa, TP Hà Nội), lúc này đang có rất nhiều người dừng đổ xăng. Hậu quả là 8 người bị thương được đưa đi cấp cứu. Khi kiểm tra người điều khiển ô tô có nồng độ cồn vượt nhiều lần so với mức vi phạm tối đa được quy định.

Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra tai nạn giao thông.

Vì thế, khi Nghị định số 100/2019/NĐ-CP ra đời, mức xử lý đối với “ma men” điều khiển phương tiện tăng rất nặng và đủ sức răn đe. Đi cùng với đó, lực lượng chức năng liên tục kiểm tra, xử lý vi phạm nồng độ cồn, tập trung vào các tuyến đường có nhiều quán nhậu, khung giờ đông người uống rượu, bia… Do đó, nhiều quán nhậu đã chủ động nhắc nhở khách hàng không điều khiển phương tiện, bố trí nơi giữ xe cho khách. Khách hàng cũng chủ động sử dụng phương tiện công cộng thay vì đi xe riêng. Rồi nhiều hoạt động truyền thông “Đã sử dụng rượu, bia - không lái xe” được tổ chức rầm rộ. Báo chí cũng đưa tin bài đậm nét cũng làm nhiều người bỏ thói quen sau nhậu ngoài hàng quán sẽ không lái xe về.

Tuy nhiên, sau một thời gian gắt gao triển khai thực hiện công tác tuần tra kiểm soát và xử lí vi phạm, đến thời điểm hiện tại công tác này đã ít được thực hiện hơn so với giai đoạn trước, kể từ khi chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Do đó, làm cho người dân trở nên lơ là, chủ quan và nhiều người quay trở lại con đường cũ, dần “quên” mất thói quen không lái xe sau khi uống rượu bia mà trở thành tài xế “ma men”, tặc lưỡi nghĩ uống một chút vẫn có thể điều khiển phương tiện an toàn, mà không nghĩ rượu, bia có thể khiến không làm chủ tay lái, tai nạn giao thông xảy ra gây thiệt hại cho bản thân mình và cả những người xung quanh. Chưa hết, tại một số nhà hàng, bảo vệ thậm chí còn “phím” cho khách đi đường khác để tránh chốt kiểm tra nồng độ cồn…

Trong 8 tháng đầu năm 2022, cả nước xảy ra 7.488 vụ tai nạn giao thông, khiến 4.276 người thiệt mạng, 4.957 người bị thương. Bình quân mỗi ngày có tới 31 vụ tai nạn, khiến 18 người tử vong, trong đó có nhiều vụ liên quan đến sử dụng rượu, bia. Vì thế, đừng nghĩ sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện là “chuyện cũ, biết rồi, khổ lắm, nói mãi” mà chuyện này cần được nhắc đến thường xuyên, liên tục khi hằng ngày vẫn còn người chết vì tai nạn giao thông.

Theo chuyên gia giao thông, TS. Phan Lê Bình, đến thời điểm này, biện pháp và chế tài xử lý “ma men” sử dụng rượu bia lái xa đã rõ. Tuy nhiên việc tuần tra, kiểm soát và xử lý cần được triển khai thực hiện tăng cường với mật độ cao, liên tục và thường xuyên. Không chỉ dừng lại ở một vài tháng mà có thể đẩy cao điểm từ 1 đến 2 năm để người dân hình thành thói quen sau khi sử dụng rượu bia không điều khiển phương tiện giao thông…

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền với sự vào cuộc của báo chí và truyền thông nhằm tác động vào ý thức cũng như thói quen của người tham gia giao thông. Ví dụ như là đẩy mạnh tuyên truyền để hình thành ý thức và thói quen “Đã sử dụng rượu, bia - không lái xe”. Hay những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến rượu, bia cần phải được thông tin, cảnh báo rộng rãi, để gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai còn tặc lưỡi nghĩ uống một chút vẫn có thể điều khiển phương tiện an toàn.

Và khi chưa hình thành thói quen, ý thức thì kiểm tra, xử phạt nghiêm minh là cách xây dựng ý thức tốt nhất. Còn đối với những trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng khi vi phạm nồng độ cồn, nhất thiết cần xử lý hình sự theo đúng quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015. Còn về xử phạt vi phạm hành chính, cần tiếp tục sửa đổi Nghị định 100 theo hướng tiếp tục nâng mức xử phạt lên nhiều hơn nữa để tăng tính răn đe. Bên cạnh đó, cần tăng cường các biện pháp xử lý bổ sung như tạm giữ phương tiện, tạm giữ giấy phép xe, thu hồi giấy phép lái xe vĩnh viễn.... Có như vậy, mới không còn những tiếc nuối, xót xa, ân hận, không còn phải thốt lên những câu như “biết thế”..., “giá như”... không lái xe sau khi đã uống rượu bia…./.

Trung Anh


Thống kê truy cập
Hôm nay : 156
Hôm qua : 2.313
Tháng 10 : 11.014
Năm 2024 : 813.991