A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cẩn trọng với các dịch vụ đổi tiền mới, tiền lẻ trên các trang mạng xã hội vào dịp Tết

CTTBTG - Vào mỗi dịp Tết, nhu cầu đổi tiền mới, tiền lẻ của người dân tăng cao. Nếu không cảnh giác, người dân dễ bị lừa trên mạng xã hội, rơi vào “bẫy” đổi tiền.

Trên mạng xã hội, người dùng dễ dàng tìm được hàng loạt hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới với số lượng thành viên đông đảo. Bên cạnh những lời mời chào hết sức hấp dẫn như phí đổi thấp, cam kết tiền thật, tiền nguyên seri, các đối tượng còn sẵn sàng giao hàng tận nơi, người đổi tiền được yêu cầu kiểm tra trước khi nhận hàng. Để cạnh tranh, mức phí dịch vụ cho việc đổi tiền cũng dao động linh hoạt tùy vào từng thời điểm. Theo đó, đối với các loại tiền mới với mệnh giá cao như: 100.000 đồng, 200.000 đồng, mức phí đổi từ 3-6%. Đối với các loại tiền lẻ như 1.000 đồng, 2.000 đồng, mức phí cao hơn, từ 10-14%,...

Để thu hút khách hàng, hầu hết các chủ shop đều quảng cáo như: Tiền thật 100%, tiền nguyên cọc, nguyên seri, nói không với tiền lướt, giao hàng nhanh, đổi càng sớm phí càng rẻ…. Không chỉ các website, nhiều fanpage, hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới trên Facebook, Zalo… cũng xuất hiện với cả nghìn thành viên.  Thậm chí, một số chủ shop online còn "phá giá" để mức phí đổi chỉ có 3-5% cho các mệnh giá nhưng yêu cầu khách phải đặt cọc, chuyển khoản trước 10% giá trị tiền đổi và nhận hàng qua một bên thứ ba và khi nhận đủ hàng thì giao nốt số tiền còn lại. Càng đổi với số lượng lớn, mức phí dịch vụ này càng được chiết khấu “phải chăng”. Đáng nói, hành vi đổi tiền đã được cảnh báo là trái pháp luật với những quy định cụ thể. Tuy nhiên, đến hẹn lại lên, năm nào tình trạng này cũng nở rộ vào dịp cuối năm, công khai trên các trang xã hội.

Các hội nhóm đổi tiền lẻ, đổi tiền mới trong dịp Tết có hàng nghìn thành viên trên mạng xã hội.

 Theo Thông tư 25/2013/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định chỉ có những tổ chức được Nhà nước cho phép mới được hoạt động đổi tiền, bao gồm: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Kho bạc Nhà nước. Ngoài các đơn vị này, mọi hoạt động đổi tiền của cá nhân, tổ chức khác đều là bất hợp pháp. Bất kỳ hành vi đổi tiền mới, tiền lẻ nhằm hưởng % chênh lệch, đổi tiền để thu lời đều là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử phạt. Việc thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt lên đến 40.000.000 đồng theo Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Trường hợp tổ chức có hành vi đổi tiền không đúng quy định của pháp luật sẽ bị xử phạt gấp 2 lần, từ 40.000.000 đồng đến 80.000.0000 đồng. Việc đổi tiền lẻ trên mạng như vậy mang tính rủi ro rất cao. Nhiều đối tượng có thể lợi dụng nhu cầu của người dân thực hiện việc đổi thiếu tiền, sử dụng tiền bất hợp pháp, không rõ nguồn gốc hay thậm chí là tiền giả.

Do vậy, người dân cần nâng cao cảnh giác, cẩn trọng để tránh bị thiệt hại. Việc giao dịch, trao đổi tiền lẻ, an toàn nhất là vào ngân hàng để thực hiện đổi tiền tránh rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo./.

Lê Thanh Quỳnh


Tác giả: Lê Thanh Quỳnh
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 844
Hôm qua : 3.796
Tháng 04 : 93.425
Năm 2024 : 281.765