A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tráng A Chu thắp lửa du lịch cộng đồng tại Hua Tạt

Cổng thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy trân trọng giới thiệu bài viết về điển hình Tráng A Chu trong xây dựng du lịch cộng đồng bền vững ở Việt Nam, cách làm mang tính truyền cảm hứng được chuyên gia du lịch Dương Minh Bình hỗ trợ, tư vấn gây dựng.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trò chuyện với anh Tráng A Chu tháng 5.2022

Nằm cách Thủ đô Hà Nội hơn 130km, bản Hua Tạt (xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La) là điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn du khách bởi cảnh đẹp thiên nhiên hoang sơ cùng với nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông.

Đến Hua Tạt những ngày cuối tháng 11-2021, ngoài trải nghiệm hoạt động văn hóa đặc sắc, chúng tôi có dịp trò chuyện với anh Tráng A Chu, người Mông tiên phong phát triển du lịch cộng đồng tại bản Hua Tạt, góp phần đưa Hua Tạt trở thành điểm sáng du lịch của huyện Vân Hồ.

Khát vọng làm giàu tại quê hương

Buổi tối cuối cùng tháng 11-2021, có mặt tại ngôi nhà sàn mang tên A Chu Homestay, đoàn khách chúng tôi được thưởng thức những tiết mục văn nghệ vô cùng đặc sắc, mang đậm bản sắc văn hóa đồng bào Mông, như: Múa khèn, thổi sáo, đàn môi... do chính bà con bản Hua Tạt biểu diễn.

Những giai điệu nối tiếp nhau ngân lên, vang vọng cả núi rừng, hòa vào tiếng vỗ tay, reo hò cổ vũ của du khách, khiến không khí trở nên vui nhộn, xua tan cái lạnh nơi vùng cao Tây Bắc. Sau khi kết thúc màn biểu diễn đôi, vợ chồng anh Tráng A Chu và chị Hoàng Thị Sua (chủ A Chu Homestay) trở lại chỗ ngồi và kể cho chúng tôi nghe hành trình 5 năm đầy gian truân mà ý nghĩa cùng dân bản Hua Tạt xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế từ làm du lịch cộng đồng.

Sinh ra và lớn lên tại Hua Tạt, chứng kiến người dân trong bản quanh năm lam lũ, nghèo đói, sống “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chàng thanh niên Tráng A Chu (sinh năm 1983) luôn đau đáu một ngày giúp bà con thay đổi cuộc sống. Với tình yêu quê hương cũng như văn hóa dân tộc Mông, sau khi cầm trên tay tấm bằng cử nhân công nghệ thực phẩm (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), Tráng A Chu quyết tâm trở về kiếm sống và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Người thắp lửa du lịch cộng đồng tại Hua Tạt
Thiếu nữ Hua Tạt biểu diễn phục vụ du khách. 

Nhận thấy sự phát triển của du lịch Mộc Châu (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La), Tráng A Chu tham gia nhiều hội thảo du lịch của tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Nhờ ham học và cầu tiến, chàng trai Mông được chuyên gia du lịch Dương Minh Bình nhận làm học trò và tận tình chỉ dạy. Sau khi trở về bản, Tráng A Chu cùng vợ Hoàng Thị Sua phá bỏ vườn mận, vay vốn xây dựng ngôi nhà sàn to nhất bản, cải tạo cảnh quan xung quanh để làm du lịch cộng đồng.

Hành trình thắp lửa du lịch cộng đồng tại Hua Tạt

Thời gian đầu khởi nghiệp, Tráng A Chu nhận được rất nhiều lời khuyên răn, ngăn cản từ bạn bè và người dân trong bản vốn đã quen nếp sống cũ. Nhiều ý kiến cho rằng, với địa hình đồi núi hiểm trở, cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn, ý thức chấp hành quy định pháp luật còn hạn chế, rất khó để phát triển du lịch tại địa phương cũng như kết nối với các công ty lữ hành...

Bên cạnh đó, nguồn vốn eo hẹp cũng là thách thức lớn đối với đôi vợ chồng trẻ. Không nản lòng, Tráng A Chu vẫn quyết tâm lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương. “Khi ấy, bố tôi bị suy thận phải chạy thận thường xuyên, gia đình lại đang nuôi hai em học đại học. Dù điều kiện kinh tế khó khăn nhưng gia đình vẫn luôn ủng hộ tôi. Bố cho tôi mượn sổ đỏ để thế chấp vay ngân hàng, vợ chồng em gái cho vay 200 triệu đồng. Ngoài ra, vợ chồng tôi phải vay mượn thêm ở khắp nơi mới đủ vốn làm ăn”, Tráng A Chu bộc bạch.

Trong thời gian xây dựng căn nhà, vợ chồng Tráng A Chu cùng nhau học làm dịch vụ. May mắn, gia đình anh được thầy Dương Minh Bình hướng dẫn, chỉ dạy tận tình. Chị Hoàng Thị Sua chia sẻ: “Ngoài gia đình, họ hàng thì thầy Dương Minh Bình là người có công lớn nhất đối với vợ chồng tôi.

Thầy dạy chúng tôi nhiều kiến thức, kỹ năng làm du lịch, như: Tiếp đón, dọn dẹp, thu ngân, tổ chức các hoạt động trải nghiệm, nấu ăn từ những món đơn giản nhất như thịt kho, cơm rang thập cẩm... đến những món cầu kỳ tại khách sạn 5 sao; hay đặc sản các vùng miền để phục vụ du khách trong nước và quốc tế. Đặc biệt, thầy Dương Minh Bình đã kết nối A Chu Homestay với nhiều công ty lữ hành trong nước, góp phần mở rộng mạng lưới khách du lịch đến nghỉ dưỡng”.

Để tạo nên dấu ấn khó phai trong lòng du khách khi đến Hua Tạt, Tráng A Chu đã vận động họ hàng, bà con trong bản cùng xây dựng nhiều tiết mục văn nghệ, các hoạt động trải nghiệm mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Mông. Vốn am hiểu các nhạc cụ dân tộc và thường xuyên tham gia văn nghệ tại trường đại học, Tráng A Chu đã dạy cho nhiều em trai những bản sáo, bản khèn, giúp các em tự tin biểu diễn trên sân khấu. 

Tráng A Chu cũng cùng vợ và chị em trong bản Hua Tạt biên tập những bài múa đôi nam-nữ, múa nhóm để phục vụ du khách. Bên cạnh đó, các hoạt động trải nghiệm văn hóa đồng bào dân tộc Mông của du khách cũng được Tráng A Chu lên kế hoạch, xây dựng kịch bản chi tiết và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho bà con trong bản.

Cuối năm 2014, A Chu Homestay chính thức mở cửa đón khách. Thời gian đầu hoạt động, vì chưa có kinh nghiệm nên gia đình Tráng A Chu bị du khách phàn nàn rất nhiều. Dù vậy, anh vẫn luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến đóng góp của khách du lịch, bạn bè, người có kinh nghiệm, không ngừng học hỏi để hoàn thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ.

“Ngoài thời gian làm việc, vợ chồng tôi tự học tiếng Anh để giao tiếp và phục vụ khách nước ngoài tốt hơn. Tôi cũng không ngừng tìm tòi, sáng tạo, làm phong phú thực đơn với nhiều món ăn mới mẻ và hấp dẫn, đáp ứng nhu cầu của du khách trong nước và quốc tế”, chị Hoàng Thị Sua chia sẻ.

Cho đến nay, ngoài phòng ở cộng đồng, gia đình Tráng A Chu đã xây dựng thêm khu vực tắm thuốc, 10 phòng đơn và có thể đón tiếp 120 khách/ngày.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, sau một năm hoạt động, du khách đến với gia đình Tráng A Chu ngày một nhiều.

Ai đã tới A Chu Homestay chắc chắn không thể quên những buổi trải nghiệm văn hóa, tập quán cùng người dân Hua Tạt như: Vẽ sáp ong trên vải, giã bánh giày, giã gạo, chơi các trò chơi truyền thống... Chúng tôi vô cùng thích thú khi được đắm mình trong không gian văn hóa đặc sắc, hài lòng với sự sạch sẽ từ thức ăn, đồ uống đến phòng nghỉ. Những món ăn đặc sản của người Mông như: Xôi ngũ sắc, gà xương đen, lợn bản, rau củ Tây Bắc... do chính tay chị Hoàng Thị Sua chế biến mang lại những bữa ăn ngon miệng và ấm cúng.

Hoạt động trải nghiệm không gian văn hóa dân tộc Mông càng trở nên đặc sắc, thú vị hơn bởi những đêm nhạc do gia đình Tráng A Chu phối hợp với bà con Hua Tạt biểu diễn. Tại đây, chúng tôi được thưởng thức tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng hát của các chàng trai, cùng say đắm trước những điệu dân ca, múa xòe của các cô gái Hua Tạt. Qua những buổi cùng Tráng A Chu lên đồi thông, rừng tự nhiên xã Vân Hồ... chúng tôi càng thấu hiểu và yêu mến sự mộc mạc, giản dị của con người cũng như thiên nhiên vùng cao Tây Bắc.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm của bà con 

Sau hơn bảy năm hoạt động, A Chu Homestay không những thu hút nhiều đoàn khách trong nước mà còn là điểm đến yêu thích của rất nhiều tổ chức và khách du lịch trên thế giới, như: Đức, Anh, Hà Lan, Pháp... Thời điểm chưa bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, bình quân gia đình Tráng A Chu đón khoảng 250-300 lượt khách/tháng; riêng từ năm 2017 đến 2019 đón khoảng 3.700 lượt khách/năm. Đặc biệt, mô hình du lịch của gia đình Tráng A Chu không những tạo ra sinh kế mà còn thay đổi nếp nghĩ, cách làm giàu của nhiều người dân trong bản.

Nhờ sự động viên, hướng dẫn nhiệt tình của Tráng A Chu, đến nay bản Hua Tạt đã có 5 hộ gia đình làm du lịch cộng đồng. Trong thời gian tới, anh tiếp tục thành lập hợp tác xã du lịch để hoạt động du lịch cộng đồng tại Hua Tạt có quy mô, bài bản và đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cho người dân. Bên cạnh đó, gia đình anh đang tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, 6 lao động tăng cường vào cuối tuần, trong đó chu cấp toàn bộ chi phí sinh hoạt, nơi ở hằng ngày cho vợ chồng chị Tráng Thị Dụ và hai con nhỏ. “Tôi vốn sinh ra và lớn lên tại Hua Tạt. Sau hai năm theo chồng về sinh sống tại tỉnh Hòa Bình, gia đình tôi quyết định trở về bản và xin làm việc tại A Chu Homestay.

Trước kia, cả gia đình quanh năm làm nương vất vả nhưng thu nhập chỉ đạt 40-50 triệu đồng/năm. Sau khi làm việc tại A Chu Homestay, bình quân mỗi tháng vợ chồng tôi kiếm được 12 triệu đồng; chưa kể dẫn du khách tham gia hoạt động trải nghiệm thì có thể kiếm thêm khoảng 200.000-300.000 đồng/hoạt động. Công việc không những nhẹ nhàng hơn làm nương mà còn có cơ hội học thêm ngoại ngữ từ du khách nước ngoài”, chị Tráng Thị Dụ cho biết.

Theo Bí thư Chi bộ bản Hua Tạt Tráng A Cao, gia đình Tráng A Chu sống chan hòa với mọi người, luôn đóng góp và tham gia tích cực các phong trào của bản. Đơn cử như hiến 2.000m2 đất cho bản để làm đường và xây dựng nhà văn hóa; kêu gọi doanh nghiệp đầu tư kinh phí xây dựng các công trình phụ cho Điểm trường Hua Tạt (Trường Tiểu học Vân Hồ)...

Sự nhanh nhẹn, nhạy bén với thời cuộc, dám nghĩ, dám làm của Tráng A Chu chính là tấm gương sáng có sức lan tỏa và truyền cảm hứng cho bà con Hua Tạt thay đổi cách nghĩ, bắt tay làm du lịch cộng đồng để xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Với những đóng góp của mình, Tráng A Chu nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh Sơn La, Hiệp hội Du lịch tỉnh Sơn La... Đặc biệt, A Chu Homestay được Hiệp hội du lịch Việt Nam vinh danh là điểm du lịch sinh thái tiêu biểu năm 2018; Là một trong 15 đơn vị của Việt Nam vinh dự nhận Giải thưởng Du lịch ASEAN 2019.

Trong cuốn sách “Tourism Stories-The Vietnam Edition”-“Câu chuyện du lịch Việt Nam” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Tổ chức Du lịch thế giới xuất bản, A Chu Homestay được kể đến là một địa điểm du lịch không những giữ gìn được giá trị văn hóa, lịch sử, tự nhiên của địa phương mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho cộng đồng, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời tạo cảm hứng lan tỏa rộng rãi trong xã hội. Đây cũng chính là động lực để Tráng A Chu cùng đồng bào các dân tộc nơi đây nỗ lực vươn lên, góp phần đưa du lịch Sơn La ngày càng khởi sắc.

Bài và ảnh: ĐOÀN THU THẢO


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.193
Hôm qua : 3.447
Tháng 05 : 15.947
Năm 2024 : 315.361