Mảnh vườn trù phú của lão nông Hoàng Thế Diện
Bốn mùa trong năm, mảnh vườn trồng rau của gia đình ông Hoàng Thế Diện, thôn Nà Tiềng, xã Niêm Sơn (Mèo Vạc) luôn tốt tươi, mang lại nguồn thu cho gia đình ông mỗi năm gần 150 triệu đồng. Đây là kết quả bước đầu sau khi ông thực hiện cải tạo vườn tạp (CTVT) theo tinh thần Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy. Mô hình trồng rau của gia đình ông được đánh giá là tiêu biểu của xã Niêm Sơn đến thời điểm này.
Trồng rau an toàn mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình ông Hoàng Thế Diện (trái). Ảnh: TRẦN KẾ |
Thực hiện chương trình CTVT, ông Diện quyết định chuyển đổi hơn 2.000 m2 đất vườn kém hiệu quả sang trồng rau an toàn. Chia sẻ về quyết định này, ông Diện cho biết: Sản phẩm rau an toàn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn. Việc tiêu thụ rau trên địa bàn xã khá thuận lợi do dễ vận chuyển đến các chợ phiên. Mặt khác, với khí hậu thuận lợi, nguồn nước tưới dồi dào là những điều kiện giúp ông quyết định thực hiện mô hình trồng rau này. Theo đó, mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được 3 vụ rau, gồm các loại như: Su hào, Bắp cải, Súp lơ, Cà chua, mướp, bí…
Uy tín, chất lượng, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng là những tiêu chí hàng đầu ông Diện đặt ra khi thực hiện mô hình trồng rau an toàn. Do vậy, trong quá trình trồng, chăm sóc rau, ông Diện hoàn toàn không sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón hóa học; thay vào đó ông sử dụng các loại chế phẩm sinh học để phòng, trừ sâu bệnh hại và sử dụng phân chuồng ủ hoai mục để chăm bón rau. Cùng đó, ông đầu tư thêm máy cày để dễ dàng làm đất và lên luống, điều này giúp ông nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí nhân công.
Đối với đầu ra sản phẩm, ban đầu ông Diện đem bán tại chợ phiên của xã và các xã lân cận. Về sau, khi đã xây dựng được uy tín, nhiều thương lái đã đến trực tiếp vườn rau của gia đình ông đề thu mua. Mới đây, ông đã liên kết với 24 hộ trong thôn thành lập Tổ hợp tác chuyên canh trồng rau an toàn và cung cấp rau cho 3 trường học bán trú trên địa bàn xã Niêm Sơn. Nhờ vậy đã tạo đầu ra và thu nhập ổn định cho các thành viên Tổ hợp tác. Bên cạnh đó, việc thành lập Tổ hợp tác cũng giúp các thành viên dễ dàng học hỏi, trao đổi kinh nghiệm và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Không dừng lại ở mô hình trồng rau an toàn, ông Diện còn quy hoạch lại khu vực chăn nuôi lợn và xây dựng chuồng trại kiên cố. Hiện, gia đình ông đang duy trì nuôi từ 14 – 16 con lợn nái sinh sản và lợn thương phẩm. Ông Diện lựa chọn giống lợn đen Lũng Pù, đây là giống lợn bản địa, có chất lượng thịt ngon, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán cao hơn giống lợn thông thường. Trong quá trình chăn nuôi, ông thường xuyên vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, phun khử trùng tiêu độc để phòng tránh dịch bệnh cho đàn lợn. Nhờ vậy, đàn lợn của gia đình ông luôn được đảm bảo an toàn, lớn nhanh.
Chủ tịch UBND xã Niêm Sơn Hà Văn Thành cho biết: Sau khi Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy về CTVT được ban hành, xã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, phát động thực hiện Nghị quyết đến đông đảo người dân. Điều này có tác động lớn đến nhận thức, tư duy lao động sản xuất của hầu hết người dân, trong đó có gia đình ông Hoàng Thế Diện. Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi, ông Diện đã có thành công bước đầu trong CTVT, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho gia đình ông mà còn tạo nhiều việc làm cho các thành viên Tổ hợp tác. Đây cũng là mô hình được xã lựa chọn để duy trì và nhân rộng trong thời gian tới.
Theo baohagiang.vn