Hợp tác xã Bánh chưng gù cô Thấm bước đầu đưa thương hiệu đến với thị trường trong và ngoài tỉnh
CTTBTG - Hợp tác xã sản xuất và phân phối sản phẩm bánh chưng gù truyền thống của cô Thấm tại thôn Chang, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang, với nghề được lưu truyền từ lâu đời, sản phẩm "Bánh chưng gù cô Thấm" đang được duy trì và ngày càng phát triển, tham gia thúc đẩy kinh tế, xã hội của địa phương.
Bánh chưng gù cô Thấm thôn Chang, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang
Hợp tác xã sản xuất và phân phối sản phẩm bánh chưng gù truyền thống thôn Chang có 07 thành viên do chị Trần Thị Thấm làm Chủ nhiệm Hợp tác xã với sản phẩm mang tên “Bánh chưng gù cô Thấm”. Theo bảng quảng cáo chỉ dẫn, chúng tôi đến thăm địa chỉ gói bánh chưng gù cô Thấm vào lúc mọi người đang bận rộn gói bánh theo đơn khách đặt, không khí làm việc tất bật để chuẩn bị cho ra lò những mẻ bánh chất lượng gửi tới khách hàng.
Nguyên liệu để làm bánh được lựa chọn rất kỹ, gạo nếp được chị Thấm thu mua từ lúa nếp cum của dân trên địa bàn xã tự trồng về chị tự xát lấy gạo, sàng sẩy kỹ để loại bỏ gạo vỡ, gạo tấm, chỉ chọn những hạt gạo to mẩy. Lá dong được chọn những lá bánh tẻ, rửa sạch, lau khô rồi mới gói, lá phải không bị sâu, rách, màu xanh mướt, lá phải bản to, bầu thì khi gói mới thành bánh gù. Gạo được đãi sạch, để ráo nước được trộn với nước cốt lá giềng và lá dứa thơm đã được xay nhuyễn lọc lấy nước. Nhân bánh được làm từ đậu xanh đãi sạch, để ráo nước rồi trộn bột canh, hạt tiêu cùng với thịt lợn đen địa phương được chọn lựa kỹ loại thịt sấn và ba chỉ nửa nạc nửa mỡ, rửa sạch rồi được định lượng thái từng miếng đều đặn, ướp gia vị kĩ càng vừa đủ. Bí quyết để bánh thơm ngon là không ngâm gạo, vì nếu ngâm gạo tuy luộc bánh sẽ nhanh, tiết kiệm được củi nhưng bánh sẽ không chắc, ăn bị nhão không ngon. Đặc biệt lạt bánh không được buộc bằng lạt cây giang, cây nứa như các cơ sở bánh khác mà được tước từ thân cây sẹ được lấy ở rừng. Lạt cây sẹ có ưu điểm là dây dài, không phải nối, khi buộc bánh rất đẹp và chắc bánh, làm cho bánh thơm hơn. Bánh sau khi gói xong sẽ được luộc bằng lò củi từ 6 - 8 tiếng tùy theo nhiệt độ từng mùa.
Nhìn các công đoạn chị Thấm làm bánh rất cẩn thận, tỉ mỉ. Với chị Thấm thì công đoạn nào trong việc tạo nên một chiếc bánh chưng gù cũng đều quan trọng cả, không coi nhẹ khâu nào. Chiếc bánh chưng gồm thịt, gạo, đậu xanh với gia vị trộn ướp vừa vặn ăn sẽ ngon và không bị ngấy. Công đoạn gói cần chặt tay để khi luộc chín bánh không bị nhão, nhạt bánh, không ngon, khi gói xong lá thừa được cắt tỉa gọn gàng để bánh đẹp mắt. Kể cả khâu luộc bánh cũng rất quan trọng, xếp bánh để luộc cũng cần cẩn thận, để bánh không bị bẹp, lửa phải đều để bánh và nhân chín đều hòa quyện thơm ngon.
Chị Thấm chia sẻ làm nghề gói bánh chưng gù truyền thống này này vất vả nhưng khi ra lò những chiếc bánh được khách hàng khen ngợi và ưa chuộng thì chị cùng gia đình và chị em trong Hợp tác xã lại có động lực và tâm huyết với nghề. Công việc chị làm thuần thục đến độ vừa nói chuyện với chúng tôi chị vừa làm, tay nhanh thoăn thoắt, khéo léo. Chị Thấm cho biết thêm, trung bình mỗi ngày chị gói khoảng 50kg gạo, vào dịp tết mỗi ngày khách cả trong tỉnh và ngoài tỉnh đặt từ 1.000 – 5.000 chiếc bánh. Từ công việc làm bánh chưng gù truyền thống, trung bình mỗi tháng sau khi trừ các chi phí, chị Thấm thu nhập từ 15 – 20 triệu đồng, ổn định được cuộc sống và có tiền tích lũy.
Với sản phẩm bánh chưng gù uy tín, chất lượng, tháng 8/2022, Hợp tác xã sản xuất và phân phối Bánh chưng gù truyền thống thôn Chang của chị Thấm được Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản chứng nhận là cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm để sản xuất kinh doanh; tháng 11/2022, sản phẩm “Bánh chưng gù cô Thấm” được Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang quyết định chứng nhận là sản phẩm OCOP đạt 3 sao tại Cuộc thi đánh giá, phân hạng sản phẩm năm 2022.
Có thể thấy rằng, Hợp tác xã sản xuất và phân phối Bánh chưng gù truyền thống thôn Chang đã từng bước khẳng định và đưa thương hiệu đến với khách hàng trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy nghề truyền thống, đồng thời quảng bá bản sắc văn hóa ẩm thực dân tộc Tày của thành phố Hà Giang với khách mọi miền, giúp người dân nâng cao thu nhập, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.
Bài, ảnh: Minh Phượng, Ngọc Mỷ - Thành phố Hà Giang