Hiệu quả mô hình chăn nuôi gà bản địa (gà H’Mông) thương phẩm có sử dụng đệm lót theo hướng an toàn sinh học
CTTBTG - Nhằm chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, duy trì, phát triển giống gà H’Mông bản địa hàng hoá theo hướng an toàn sinh học tạo ra sản phẩm gà có chất lượng, giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân. Đồng thời, góp phần tuyên truyền và thực hiện thành công, đáp ứng một số mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh uỷ về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Từ tháng 5 đến tháng 10 năm 2022 Trung tâm Khuyến nông phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Vị Xuyên và thành phố Hà Giang, UBND thị trấn Vị Xuyên, xã Ngọc Đường thực hiện mô hình chăn nuôi gà bản địa (gà H’Mông) thương phẩm có sử dụng đệm lót theo hướng an toàn sinh học gắn với Đề án “Cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ” năm 2022 với quy mô 3.000 con giống mang lại hiệu quả kinh tế cho 6 hộ tham gia.
Ảnh: Giám đốc Trung tâm Khuyến nông kiểm tra mô hình tại hộ gia đình chị Ngoan - Bản Cưởm 2, thành phố Hà Giang
Chị Vi Thị Ngoan, thôn Bản Cưởm 2, thành phố Hà Giang cho biết, trước khi tham gia mô hình gia đình chị đã nuôi các loại giống gà lông màu khác, tuy nhiên tỷ lệ sống, sức chống chịu điều kiện ngoại cảnh thấp (tỷ lệ sống dưới 90%). Sau khi được cán bộ Trạm Khuyến nông thành phố và UBND xã Ngọc Đường tuyên truyền chị mạnh dạn đăng ký tham gia thực hiện mô hình với quy mô 800 con gà giống theo cơ chế nhà nước đầu tư hỗ trợ 50% giống, thức ăn hỗn hợp, vắc xin, hóa chất sát trùng, chế phẩm sinh học làm đệm lót chuồng nuôi, người dân đối ứng 50% kinh phí còn lại, toàn bộ công chăm sóc nuôi dưỡng, chuồng trại, các điều kiện để đảm bảo cho đàn gà sinh trưởng phát triển và được thụ hưởng 100% sản phẩm thu được từ dự án. Đến nay, sau 4 tháng nuôi giống gà H’Mông và được các cán bộ Trạm Khuyến nông, cán bộ chỉ đạo mô hình tập huấn hướng dẫn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra hướng dẫn chị nhận thấy giống gà H’Mông bản địa dễ nuôi, ít bệnh tật, tỷ lệ nuôi sống cao đạt trên 95%, tăng trọng nhanh, thị trường tiêu thụ rộng, đã có rất nhiều thương lái đến có nhu cầu đặt cọc mua cả đàn gà khi xuất chuồng; đồng thời khi sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót chuồng nuôi đã giúp khử mùi hôi thối, tạo môi trường trong lành, không gây ô nhiễm môi trường, gà không có mò mạt ký sinh… Qua kiểm tra trọng lượng đàn gà đạt bình quân 2,5kg/con với giá bán xuất bình quân tại nhà 120.000 đồng/kg chị ước tính lứa gà này của gia đình sẽ cho thu nhập khoảng trên 220 triệu đồng sau khi trừ chi phí gia đình chị lãi trên 100 triệu đồng.
Ảnh: đàn gà của hộ gia đình Đặng Thị Yến - Tổ 17, thị trấn Vị Xuyên, huyện Vị Xuyên
Bà Phạm Thị Thoa - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông cho biết: Việc triển khai thực hiện thành công Mô hình trên địa bàn huyện Vị Xuyên và thành Phố Hà Giang đã giúp người dân thay đổi dần nhận thức, tập quán sản xuất lâu đời để áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi gà thương phẩm bản địa theo hướng an toàn sinh học tạo ra sản phẩm gà có chất lượng, giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo vươn lên làm giàu từ kinh tế vườn góp phần thực hiện thành công, đáp ứng một số mục tiêu Nghị quyết số 05-NQ/TU của tỉnh ủy về cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế vườn hộ, tạo sinh kế cho người dân, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; đồng thời giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, là điểm để các hộ lân cận được tham quan tiếp cận, học tập áp dụng các biện pháp kỹ thuật trong mô hình vào phát triển sản xuất gà của gia đình theo hướng an toàn, hàng hóa quy mô lớn, tạo vành đai an toàn thực phẩm cho thành phố và các huyện vùng công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn.
Lan Anh - Trung tâm Khuyến nông