A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Hiệu quả chuỗi liên kết trồng gừng Trâu ở xã Nàn Ma

Gần 20 ha gừng Trâu của bà con nhân dân xã Nàn Ma (Xín Mần) đang bước vào vụ thu hoạch. Đây là năm đầu tiên gừng Trâu ở xã được trồng theo mô hình liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thu nhập cho người dân.

Người dân xã Nàn Ma thu hoạch gừng Trâu.
Người dân xã Nàn Ma thu hoạch gừng Trâu.

Những ngày này, người dân trên địa bàn xã Nàn Ma đang tích cực thu hoạch gừng Trâu. Dưới nắng vàng của mùa Thu, mùi hương đặc trưng của cây gừng hòa quyện trong làn gió nhẹ phảng phất trên mảnh ruộng, vạt đồi, những vùng đất đã từng bỏ hoang và canh tác trồng ngô kém hiệu quả… Anh Giàng Seo Sùng, thôn Nàn Ma chia sẻ: Thực hiện theo chủ trương của xã về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở những diện tích đất canh tác trồng ngô kém hiệu quả sang trồng cây gừng Trâu theo mô hình liên kết bao tiêu nông sản gia đình tôi mạnh dạn đăng ký và trồng hơn 1 ha gừng Trâu. Quá trình triển khai, tôi được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn trồng theo phương pháp hữu cơ hiệu quả, năng suất cao, chất lượng tốt, đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Giống gừng đưa vào trồng tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, chịu hạn, chịu rét và giảm thiểu dùng thuốc trừ sâu, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, việc liên kết với Hợp tác xã trên địa bàn xã để bao tiêu sản phẩm đã tạo điều kiện để người dân yên tâm hơn trong quá trình sản xuất, chúng tôi rất vui mừng.

Nàn Ma là xã thuần nông với các loại cây trồng truyền thống như ngô, lạc, đậu… Gừng trâu là cây trồng có khả năng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh, có thể trồng trên đất nương, đồi cao, rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của địa phương, vì vậy, diện tích gừng trồng của xã năm sau cao hơn năm trước. Năm nay, toàn xã Nàn Ma có gần 20 ha diện tích gừng Trâu với 28 hộ dân tham gia liên kết với HTX, chủ yếu tập trung tại các thôn Nàn Ma, Nàn Lũng, La Chí Chải, Cốc Pú. Củ gừng Trâu là nguyên liệu dùng để chế biến làm gia vị, làm mứt, kẹo và làm thuốc, chưng cất tinh dầu. Đây là sản phẩm của chuỗi liên kết giá trị nông sản trong Chương trình mục tiêu Quốc gia. Anh Lục Sơn Bách, Giám đốc HTX Nông sản Xín Mần - Misaki cho biết: Nhờ được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, mở rộng diện tích trồng trọt, đồng thời cam kết hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, nhiều hộ dân đã vượt qua tâm lý lo ngại về đầu ra, cùng với đó tích cực tham gia học hỏi kỹ thuật, áp dụng vào sản xuất. Bà con cũng thay đổi tư duy, thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học bằng cách sử dụng phân chuồng ủ, phân xanh chăm bón cây trồng. Nhờ đó, cây gừng trồng theo hướng hữu cơ đã phát triển tốt, cho năng suất khá cao, đạt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Ước năng suất vụ gừng trâu năm nay có thể đạt từ 20 - 25 tấn/ha, hiệu quả kinh tế đạt khoảng từ 100 - 120 triệu đồng/ha.

Chủ tịch UBND xã Nàn Ma, Nông Hữu Chi chia sẻ: Cây gừng được bà con trồng thường xuyên từ những năm trước đây. Tuy nhiên, diện tích nhỏ lẻ chủ yếu phục vụ cho đời sống hàng ngày và chưa thể trở thành hàng hóa… Xác định sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Năm nay, tận dụng lợi thế về quỹ đất nông nghiệp cùng với đó đẩy mạnh liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp với các HTX, doanh nghiệp, bà con đã mở rộng diện tích trồng gừng và năng suất tăng lên. Qua đó, từng bước mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người nông dân trên địa bàn xã.

Bài, ảnh: Văn Long


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 94
Hôm qua : 2.119
Tháng 05 : 67.569
Năm 2024 : 366.983