Cô gái người Mông và khát vọng đưa “hồn” lanh vươn xa
Đó là em Vàng Thị Dế, sinh năm 2002, hiện là sinh viên năm thứ 3 Trường Đại học Văn hóa Hà Nội. Là cô gái sinh ra từ một bản người Mông nghèo ở xã Thài Phìn Tủng (Đồng Văn). Không giống bạn bè cùng trang lứa lấy chồng từ sớm, Dế đã “ngược chiều” để xuống Thủ đô học đại học. Sau một lần liều mình bán tấm vải lanh là của hồi môn, không ngờ đó lại là ngã rẽ giúp em tìm được hướng đi của cuộc đời, cũng từ đó giúp em thực hiện được khát vọng mang “hồn” lanh – nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông vươn xa.
Em Vàng Thị Dế học nghề dệt lanh truyền thống. |
Với đồng bào người Mông, con gái đến tuổi thì phải lấy chồng. Nhiều bạn học của Dế chỉ học đến lớp 6, lớp 7 đã nghỉ học để làm vợ, làm mẹ. Là chị cả trong gia đình có 4 anh, chị em. Từ nhỏ, Dế đã học rất giỏi và hy vọng việc học sẽ giúp em bước ra khỏi bản làng để chạm tới thế giới rộng lớn bên ngoài kia. Thế nhưng, học hết lớp 9 mẹ em không cho đi học tiếp. Không chịu khuất phục số phận, không đồng tình với quan điểm của mẹ rằng “Học cao thì cuối cùng cũng vẫn về lấy chồng thôi”. Sau nhiều lần thuyết phục mẹ, em được đi học tiếp. Học hết cấp 3, Dế tiếp tục bị ngăn cản thi đại học. Em vẫn cương quyết thi và đỗ vào Trường Đại học Văn hóa Hà Nội.
Một lần nữa, mẹ em vẫn quyết liệt ngăn cản bởi “nhà nghèo, lo ăn còn chưa xong, tiền đâu học đại học”. Dế vẫn quyết tâm: “Nếu mẹ không cho đi, con vẫn sẽ đi, con sẽ cố gắng vừa học vừa làm, không để bố mẹ phải lo lắng”.
Tại Thủ đô, Dế làm đủ thứ việc như phát tờ rơi, phục vụ quán ăn… để có tiền trang trải học hành. Năm 2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, em mắc kẹt tại Hà Nội vì giãn cách xã hội, tháng 10.2021, cô gái trẻ trở về Hà Giang.
Em Dế chụp ảnh lưu niệm cùng khách hàng nước ngoài mua vải lanh thô. |
“Một buổi chiều muộn, khi lên gác dọn dẹp, em thấy những tấm vải lanh rất đẹp được cất một góc. Đây là loại vải truyền thống của đồng bào người Mông. Đây cũng là tấm vải lanh của hồi môn mẹ em cất giữ, dành tặng em để may váy khi cưới chồng. Thời điểm đó, kinh tế gia đình em vẫn rất khó khăn nên đã mạnh dạn hỏi mẹ để bán những tấm vải ấy. Sau đó, đăng bán trên trang Facebook cá nhân. Em rất bất ngờ khi vừa đăng thì đã có người đặt đơn hàng đầu tiên trị giá 560.000 đồng”, Dế kể. Đặc biệt, sau khi nhận được hàng Dế gửi, vị khách rất ưng và mua hết số vải lanh em có. Thuận lợi bước đầu ấy đã khiến Dế nảy ra ý định kể những câu chuyện về vải lanh truyền thống của dân tộc mình nhằm quảng bá văn hóa, đưa vải lanh của người Mông vượt ra khỏi vùng Cao nguyên đá đến mọi miền Tổ quốc và ra thế giới.
Nghĩ là làm, Dế đến từng nhà trong thôn gom vải, sau đó Dế lại cần mẫn đăng lên trang Facebook cá nhân “tìm chủ mới”. Sau một thời gian, cô gái Mông ấy đã thành công đưa vải lanh truyền thống của dân tộc mình theo chân các vị khách xuống miền xuôi, vào Nam, ra Bắc, vươn ra thế giới. Hiện, khách mua vải lanh của Dế chủ yếu là khách nước ngoài. Dế tâm sự: “Từng có khách sống ở Mỹ đặt em đơn hàng vải lanh giá trị lên tới hơn 50 triệu đồng. Em vừa mừng vừa lo vì không có vốn để nhập hàng, rồi giao hàng ra nước ngoài bằng cách nào. Rất may là sau đó chị khách chủ động nhắn tin cho em chuyển tiền cọc trước, người thân của họ ở Việt Nam cũng liên hệ trao đổi trực tiếp với em nên đơn hàng tưởng là khó khăn đó lại vô cùng thuận lợi”. Tuy nhiên, cũng có đơn hàng lớn từ nước ngoài khiến Dế lao đao. Đó là lần Dế phải vay 40 triệu đồng, rồi mất 2 tuần liền đi khắp các nhà thu mua vải gửi cho khách nhưng đơn hàng ấy bị hoàn lại. Dế phải thanh lý lỗ vốn rồi xoay xở đủ cách mới trả được khoản vay. Có thành công cũng sẽ có thất bại và động lực để Dế tiếp tục công việc của mình đó là khi nhận được lời khen từ những vị khách hàng khó tính, hay đơn giản chỉ là nhìn thấy nụ cười tươi rói của những người phụ nữ Mông khi có thêm thu nhập.
Trân quý những giá trị truyền thống của dân tộc mình, nhưng cũng lo lắng trước sự mai một của nghề dệt lanh truyền thống, Dế luôn trăn trở làm sao để vải lanh có thể trở thành hàng hóa mang lại thu nhập cải thiện đời sống cho bà con và gìn giữ nghề cho thế hệ sau. Vì thế, Dế đã “khai sinh” Dự án “Hemp Hmong Việt Nam” (Cây lanh của người Mông Việt Nam) nhằm cung cấp vải lanh thô cho các cá nhân, cửa hàng thời trang, nhà thiết kế… yêu thích loại vải đông ấm, hè mát này. Đồng thời, thiết kế những sản phẩm thời trang từ chất liệu vải lanh như túi, khăn, áo… dựa trên sự kết hợp tính truyền thống và hiện đại để ứng dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ngoài ra, Hemp Hmong Việt Nam còn nhận thiết kế sản phẩm theo yêu cầu riêng của khách hàng. Dế luôn tin rằng quảng bá vải lanh truyền thống của dân tộc mình là một sứ mệnh mà em sẽ nỗ lực thực hiện.
Nhờ những tấm vải lanh, gia đình Dế đã vượt qua giai đoạn khó khăn về kinh tế, trang trải cho việc học. Cũng chính nhờ đó mà Dế đã giúp nhiều gia đình đồng bào Mông tăng thêm thu nhập. Được biết, hiện đơn hàng mua vải khá đều, Dế đã giúp chị em phụ nữ mông tiêu thụ khoảng 10.000 m vải lanh mỗi tháng, có thêm 20-30 triệu đồng/năm. Số tiền không quá lớn nhưng lại là cả gia tài với những người phụ nữ Mông vốn chỉ quanh năm cặm cụi trên nương rẫy.
Hemp Hmong Việt Nam là dự án chứa tâm huyết lớn lao của cô gái Mông 21 tuổi. Hiện tại, đó không chỉ là một nơi để em bán hàng mà là nơi để em có thể đưa vải lanh vươn xa ra thế giới, để mọi người biết những công đoạn dệt ra tấm vải lanh và hơn cả là bề dày văn hóa của người Mông. Dế đặt ra mục tiêu sau khi tốt nghiệp đại học sẽ trở về quê hương để khởi nghiệp, thành lập một Hợp tác xã nhỏ kết hợp làm du lịch, vừa giúp quảng bá văn hoá địa phương, đặc biệt là vải lanh, vừa tạo công ăn việc làm nhiều hơn cho bà con quê hương. Mong rằng, với những nỗ lực và tâm huyết ấy, cô gái người Mông Vàng Thị Dế sẽ đạt được những khát vọng đưa “hồn lanh” vươn xa hơn.