Tiếp sức cho nông dân làm giàu
Những năm qua, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã phát huy hiệu quả, giúp hàng nghìn nông dân có vốn phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.
Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn, hiện nay tổng nguồn vốn Quỹ hỗ trợ nông dân 2 cấp trên địa bàn tỉnh đạt gần 36 tỷ đồng, với tổng dư nợ cho vay trên 32 tỷ đồng. Trong đó, người dân chủ yếu vay đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt. Theo đánh giá các dự án cho vay, người vay đã đầu tư sử dụng đúng mục đích và mang lại hiệu quả thiết thực. Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo xây dựng các dự án cho vay lồng ghép các nguồn vốn Quỹ cấp tỉnh và cấp huyện vì vậy các mô hình dự án vay vốn cũng được mở rộng về quy mô. Các cấp Hội cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nội dung, ý nghĩa, mục đích hoạt động của Quỹ trong việc tạo vốn, hỗ trợ vốn cho Hội viên nông dân vay phát triển sản xuất kinh doanh, gắn với công tác xây dựng tổ chức Hội. Chủ động phối hợp với các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kinh nghiệm sản xuất, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ vay vốn trước khi giải ngân để phát huy hiệu quả các nguồn vốn cho vay. Qua đó, hoạt động của các dự án qua nguồn vốn vay được đảm bảo, mang lại hiệu quả cao, góp phần tích cực vào hoạt động chung của Hội và công tác phát triển KT-XH tại địa phương.
Gia trại của gia đình ông Vàng Dỉ Tuyến, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Đồng Văn là huyện biên giới khó khăn của tỉnh, đời sống người dân chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp. Vì vậy, những chính sách tín dụng hỗ trợ nông dân đã tiếp sức cho hàng trăm hội viên, nông dân vươn lên thoát nghèo. Ban điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Đồng Văn thành lập từ tháng 6.2013, đến nay UBND huyện đã cấp trên 1,2 tỷ đồng để Quỹ hoạt động, nguồn vốn được sử dụng cho vay, không có tồn đọng. Hiện, Quỹ đã hỗ trợ vốn vay cho 26 lượt hội viên nông dân, thực hiện 4 dự án, doanh số cho vay lũy kế đạt 1,2 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động nông thôn, bình quân cho vay đạt khoảng 250 triệu đồng/1 dự án, dư nợ trên 50 triệu đồng/hộ.
Những năm qua, Quỹ đã thực hiện cho vay với nhiều đối tượng và nhiều hình thức. Trong đó, nổi bật nhất là cho vay theo dự án nhóm hộ (cùng sản xuất, kinh doanh một loại hình sản phẩm, ngành nghề); đối tượng vay chủ yếu là các hộ trung bình, khá, có quyết tâm khát vọng làm giàu, nòng cốt phát huy tối đa hiệu quả vốn vay, tính đoàn kết giúp đỡ giữa các hộ vay. Nhờ đó đã hình thành cách thức làm việc theo nhóm, thành lập các tổ, hội nghề nghiệp, chi hội nông dân nghề nghiệp, tạo nền móng vững mạnh cho việc thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Từ đó hình thành những mắt xích quan trọng của liên kết hợp tác sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị trong phát triển kinh tế nông nghiệp. Các dự án đều sử dụng vốn vay hiệu quả, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người vay, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, như: Dự án nuôi lợn sinh sản của hộ ông Vừ Mí Vừ tại thôn Đoàn kết, xã Sủng Là cho thu nhập 80-120 triệu đồng/năm; dự án nông dân làm du lịch của 22 hộ thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú cho thu nhập bình quân 70-100 triệu đồng/năm…
Từ nguồn vốn vay của Quỹ Hỗ trợ nông dân, ông Sình Dỉ Gai, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú (Đồng Văn) đầu tư hệ thống homestay phục vụ khách du lịch.
Ngoài ra, nguồn vốn Quỹ còn góp phần vào lan tỏa phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững, trở thành điểm sáng trong phát triển KT-XH trên địa bàn. Nhiều tấm gương hội viên nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, nông dân Việt Nam tiêu biểu xuất sắc như: Nông dân Tráng Quáng Phủ, thôn Sán Trồ, xã Phố Là với mô hình chăn nuôi lợn vỗ béo từ 10-15 con, tạo việc làm cho 3 lao động với mức thu nhập từ 4 triệu – 5 triệu đồng/tháng; hộ ông Ly Chá Tú, thôn Há Hơ, xã Sà Phìn mô hình trồng trọt, chăn nuôi tổng hợp với mức thu nhập 150 triệu đồng/năm; hộ ông Sình Dỉ Gai, thôn Lô Lô Chải, xã Lũng Cú với mô hình nhà nông làm du lịch gắn với dịch vụ nhà nghỉ homestay có thu nhập bình quân 800 triệu đồng/năm. Từ đó giúp đỡ và tạo nhiều việc làm cho người dân địa phương, góp phần vào xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn.
Có thể thấy, hiệu quả từ nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đã được khẳng định. Từ nguồn quỹ này, nhiều dự án mới, phù hợp với điều kiện kinh tế tại địa phương đã xuất hiện, hàng trăm nông dân được hỗ trợ vay vốn đã vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển địa phương ngày càng giàu đẹp.
Bài, ảnh: MY LY