Diễn đàn điều phối "Thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân tạo cơ hội cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái”
Với mục tiêu tăng cường điều phối, thúc đẩy hợp tác phát triển vùng DTTS và miền núi, trọng tâm là thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân (KVTN), tạo cơ hội cho đồng bào DTTS, sáng 23.6, tại tỉnh Yên Bái, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn điều phối lần thứ 1 “Thúc đẩy phát triển KVTN tạo cơ hội cho đồng bào DTTS tại Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái”. Đồng chủ trì diễn đàn có: Đồng chí Y Thông, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Ngô Hạnh Phúc; bà Ramla Khalidi - Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc tại Việt Nam; bà Cherie Russel - Tham tán về phát triển của Đại sứ quán Úc tại Việt Nam. Tham dự diễn đàn có đại diện một số bộ, ngành T.Ư; lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành của 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái; đại diện các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp…
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông phát biểu tại diễn đàn. |
Những năm qua, Chính phủ, các cấp chính quyền địa phương với sự hợp tác của cộng đồng quốc tế đã có nhiều chính sách và biện pháp thúc đẩy phát triển KT - XH tại Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái, nhưng theo đánh giá, đồng bào DTTS tại 3 tỉnh còn có tỷ lệ nghèo cao, cuộc sống còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Các doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn còn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng, chưa nắm bắt được cơ hội phát triển và chưa đuổi kịp sự phát triển của KVTN nói chung. Sản xuất kinh doanh còn hạn chế cả về quy mô, trình độ phát triển và trình độ công nghệ… Trước những khó khăn đó, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với các đơn vị tổ chức Diễn đàn điều phối lần thứ 1 nhằm tạo cơ hội trao đổi ý kiến và thảo luận giữa các cơ quan Chính phủ, các nhà tài trợ, tổ chức quốc tế, KVTN và đại diện cộng đồng DTTS về những biện pháp thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.
Toàn cảnh diễn đàn diễn ra tại tỉnh Yên Bái. |
Tại diễn đàn, Ngân hàng ADB và các tổ chuyên gia, tư vấn đã có đánh giá cụ thể về hiện trạng KVTN trong các ngành chè, dược liệu, quế, gỗ rừng trồng và du lịch. Tham gia thảo luận, tỉnh Hà Giang đề xuất giải pháp thúc đẩy hoạt động đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch, như: Tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân và bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực của doanh nghiệp. Thu hút đầu tư vào du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và bản sắc văn hóa các dân tộc. Thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến, sản xuất các sản phẩm chủ lực của tỉnh, đặc biệt các sản phẩm làm từ cam và dược liệu... Thực hiện tốt các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo từng lĩnh vực đơn vị đã đề xuất. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện các thủ tục đăng ký doanh nghiệp, đầu tư qua mạng điện tử, qua kênh Zalo hỗ trợ doanh nghiệp Hà Giang, thực hiện trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích nhằm giảm thời gian, chi phí đi lại của doanh nghiệp...
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Giang Vũ Văn Hồng tham luận đề xuất các giải pháp thúc đẩy hoạt động đầu tư, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và du lịch trên địa bàn tỉnh. |
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông nhấn mạnh: Từ thực tiễn và các số liệu thống kê cho thấy, nhiều đối tác phát triển, các doanh nghiệp lớn và trung bình ở trong và ngoài nước còn ít quan tâm tới đầu tư ở Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái do nhiều nguyên nhân khác nhau. Đến nay, tổng số doanh nghiệp tư nhân ở 3 tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái chỉ chiếm khoảng 0,5% số doanh nghiệp tư nhân toàn quốc. Thu hút đầu tư tư nhân vào vùng DTTS và miền núi của 3 tỉnh này còn nhỏ lẻ. Tổng đầu tư tư nhân vào 3 tỉnh trên chỉ bằng 1,4% tổng đầu tư tư nhân toàn quốc năm 2020… Các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái là nơi sinh sống của nhiều đồng bào DTTS, có bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú; là các địa phương giàu tiềm năng phát triển nông lâm nghiệp và dịch vụ. Do đó, Thứ trưởng đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức quốc tế, địa phương quan tâm đến xây dựng cơ chế chính sách hiệu quả và phù hợp với thực tiễn của địa phương. Qua đó, tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế cho đồng bào DTTS tại Hà Giang, Tuyên Quang và Yên Bái.
Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Y Thông tham quan gian hàng trưng bày sản phẩm đặc trưng của tỉnh Hà Giang. |
Tin, ảnh: Văn Long