A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Xây dựng văn hóa kiểm tra giúp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phát triển bền vững

Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Đảng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất ở Thủ đô Hà Nội (24/11/1946), tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Tư tưởng này của Người đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Văn hoá còn thì dân tộc còn; văn hóa - con người Việt Nam là nền tảng, sức mạnh nội sinh quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng ta qua các kỳ Đại hội luôn kiên trì, nhất quán nhiệm vụ xây dựng giá trị văn hóa.

Văn hoá và vai trò "soi đường" của văn hoá

Hiện nay có hàng trăm định nghĩa và cách hiểu về văn hoá khác nhau, bởi vì đây là phạm trù rất đa dạng, phong phú. Vào năm 1998, Tổng Giám đốc Tổ chức UNESCO Federico Mayor khẳng định rằng: “Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo (của các cá nhân và các cộng đồng) trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Qua các thế kỷ, hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, các truyền thống và các thị hiếu - những yếu tố xác định đặc tính riêng của mỗi dân tộc”. Trước đó 45 năm, vào năm 1943, trong bản thảo cuốn "Nhật ký trong tù", Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã viết "nghĩa của văn hoá" là: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hoá". Ý nghĩa văn hoá mà Bác Hồ đưa ra ở đây rất trùng hợp với tư tưởng của Các Mác: Người ta phải có khả năng sống đã rồi mới có thể “làm ra lịch sử”. Nhưng muốn sống được thì trước hết cần phải có thức ăn, thức uống, nhà ở, quần áo và một vài thứ khác nữa. Như vậy, hành vi lịch sử đầu tiên là việc sản xuất ra những tư liệu để thỏa mãn nhu cầu ấy, việc sản xuất ra bản thân đời sống vật chất. Cũng trong bản thảo này, Bác Hồ đã đưa ra định nghĩa: "Văn hoá là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời và đòi hỏi của sự sinh tồn". Cuối bài viết, Người đề ra: "Năm điểm lớn xây dựng nền văn hoá dân tộc: (1) Xây dựng tâm lý: Tinh thần độc lập tự cường; (2) Xây dựng luân lý: Biết hy sinh mình, làm lợi cho quần chúng; (3) Xây dựng xã hội: Mọi sự nghiệp có liên quan đến phúc lợi của nhân dân trong xã hội; (4) Xây dựng chính trị dân quyền; (5) Xây dựng kinh tế".

Đây là những quan điểm cơ bản, nòng cốt để sau này Bác Hồ và Đảng ta phát triển thành đường lối, quan điểm, nghị quyết về văn hoá nói chung. Ngày 24/11/1946, tại Hội nghị văn hoá toàn quốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói một câu nói rất nổi tiếng và trở thành kim chỉ nam cho vai trò, vị trí của văn hoá nước nhà: "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”. Cho đến nay, không nhiều bài viết phân tích ý nghĩa sâu sắc, biểu hiện cụ thể của việc "văn hoá soi đường cho quốc dân đi" như thế nào. Phải chăng ý nghĩa "soi đường" được hiểu như sau: (1) Quốc dân, toàn thể đồng bào cần phải được xoá nạn mù chữ, được học hành, nâng cao trình độ, được làm chủ đất nước, xã hội và bản thân để tiến bộ không ngừng, V.I Lênin rất có cơ sở khi nói: "Dốt nát là kẻ thù của chủ nghĩa xã hội" và "Người mù chữ đứng ngoài chính trị"; Bác Hồ đã từng nhấn mạnh: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu"; 2) Văn hoá thuộc kiến trúc thượng tầng của xã hội, tuy nhiên, văn hóa không "đứng ngoài" mà nó "ngấm" vào "trong" kinh tế, chính trị, xã hội, thậm chí nhiều khi văn hoá tư tưởng lại "đi trước, mở đường" là động lực cho chính trị, kinh tế - xã hội phát triển; 3) Muốn quốc gia, dân tộc phát triển ắt phải có lực lượng tiên phong về tư tưởng chính trị, trí tuệ, đạo đức, vì lợi ích quốc gia, dân tộc, một lực lượng được "giác ngộ trước", lãnh đạo, tổ chức nhân dân, đất nước đi lên, ở ta đó là Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng tiên phong cách mạng duy nhất lãnh đạo quốc gia, dân tộc Việt Nam; 4) Đạo đức cách mạng, một biểu hiện kết tinh những tinh hoa văn hoá, đạo đức, nét đẹp truyền thống dân tộc kết hợp với những chuẩn mực của người cán bộ trong thời đại mới, dưới sự lãnh đạo của Đảng, tổ chức, cá nhân có vai trò, trách nhiệm nêu gương để quốc dân, đồng bào noi theo; 5) Đến lượt mình, Đảng Cộng sản Việt Nam phấn đấu, rèn luyện, hy sinh để trở thành "đạo đức, văn minh" là một phần của văn hoá quốc gia, dân tộc.

Trong quá trình đổi mới đất nước 36 năm qua, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hoá, Đảng ta ngày càng xác định rõ và phấn đấu để: Văn hóa trở thành "nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước"; phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội, công bằng xã hội, là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Trong tình hình hiện nay, trọng tâm xây dựng và phát triển văn hóa là xây dựng con người có nhân cách và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; chú trọng mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, văn hóa và kinh tế; xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị; xây dựng văn hóa công chức, văn hóa công vụ, đặc biệt là đạo đức công vụ, chú trọng sự nêu gương của cán bộ, đảng viên...

Xây dựng văn hóa kiểm tra giúp công tác kiểm tra, giám sát của Đảng phát triển bền vững

 

Chương trình nghệ thuật đặc biệt “Cung đàn đất nước” chào mừng thành công của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Khi nghiên cứu Kết luận số 34-KL/TW ngày 18/4/2022 của Bộ Chính trị "Về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030" và Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 của UBKT Trung ương thực hiện Kết luận số 34 của Bộ Chính trị, có thể thấy một trong những vấn đề "gốc" có tính quyết định nổi lên trong công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đó là vấn đề về cán bộ. Việc xây dựng văn hóa kiểm tra chính là xây dựng nền tảng vững chắc để công tác kiểm tra, giám sát của Đảng được phát triển bền vững. Có thể nói, đây là một vấn đề mới, chưa được đề cập nhiều, tuy nhiên với các lý do đã nói trên, cần thiết khơi gợi nội dung quan trọng này.

Trước hết, cán bộ, đảng viên, trong đó có những cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, đều "vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân". Vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của  nhân dân, dưới ánh sáng văn hoá, họ không những đồng hành mà còn luôn đi tiên phong, đi trước. Trước khi thành người cán bộ, người đảng viên, họ phải phấn đấu để trở thành CON NGƯỜI (viết hoa). Vì theo Bác Hồ: “Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông/ Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc/ Người có bốn đức: Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Thiếu một mùa, thì không thành trời/ Thiếu một phương, thì không thành đất/ Thiếu một đức, thì không thành người". Bác Hồ cũng có lần nói trước tiên phải học để "làm NGƯỜI" trước khi làm cán bộ. Cán bộ kiểm tra trước hết được soi xét từ những phẩm chất cao quý của một "CON NGƯỜI" bình thường.

Bên cạnh đó, một trong những yếu tố rất quan trọng của văn hoá, nhất là của các nước phương Đông, là coi trọng văn hoá đạo đức. Trong bài phát biểu tại Hội nghị văn hoá toàn quốc ngày 24/11/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phải đánh bại những tư tưởng công thần, địa vị, danh lợi của chủ nghĩa cá nhân, phát huy tinh thần cần kiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ của công, chống tham ô, lãng phí". Văn hoá đạo đức là gốc, là nền tảng, vững chắc của cán bộ, đảng viên. Văn hoá đạo đức không phải tự nhiên có được mà phải bằng việc tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu gian khổ, thường xuyên, trên cơ sở những chuẩn mực giá trị đạo đức được quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Mỗi chủ thể chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, mỗi cá nhân và nhất là cán bộ, đảng viên, người đứng đầu, phải phấn đấu, rèn luyện để có được nền tảng văn hoá đạo đức thì mới có trách nhiệm cao với nhân dân, đồng chí, đồng nghiệp và cộng đồng; "miễn dịch" những thói hư tật xấu, tránh tham ô, lãng phí, quan liêu. Cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng có trách nhiệm "trị bệnh", cứu đồng chí, đồng nghiệp của mình khỏi bị "nhiễm bệnh" thì trước hết họ cần thường xuyên được kiểm tra, "soi chiếu" bằng những tiêu chí văn hoá đạo đức. Đây cũng là một nền tảng vững chắc để cán bộ kiểm tra hội tụ được các phẩm chất cần có cùng với chuyên môn, nghiệp vụ sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ, giúp tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên được bảo vệ bền vững.  

Trong Kết luận của Bộ Chính trị "Về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030" có đề ra nhiệm vụ: "Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, dũng khí đấu tranh, gương mẫu, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, tận tuy, trách nhiệm. Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, khung năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra theo hướng chuyên nghiệp". Cụ thể hoá nhiệm vụ này, Kế hoạch số 52-KH/UBKTTW ngày 30/6/2022 của UBKT Trung ương đã đề ra yêu cầu "Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra Đảng có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, tuyệt đối trung thành, đoàn kết, liêm khiết, kỷ luật, tận tụy, trung thực, chuyên sâu, chuyên nghiệp, có kinh nghiệm thực tiễn, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác kiểm tra, giám sát theo tinh thần nghị quyết Đại hội XIII của Đảng". Như  vậy, trong khi Đảng ta đang trong quá trình cụ thể hoá, làm rõ các nội hàm về các hệ giá trị cũng như chuẩn mực con người Việt Nam thì các tiêu chí, tiêu chuẩn về cán bộ làm công tác kiểm tra, giám sát từ nay đến năm 2030 đã được xây dựng, quy định một cách đầy đủ, toàn diện, ban hành và đi vào cuộc sống. Như vậy, lĩnh vực này đã "đi trước, đón đầu". Trong quá trình Đảng ta cụ thể hoá các hệ giá trị, nhất là hệ giá trị văn hoá, hệ giá trị gia đình, chuẩn mực con người Việt Nam thì cán bộ cũng cần căn cứ vào đó để bổ sung, hoàn chỉnh vào trong công tác kiểm tra, giám sát; đồng thời cũng cần phải xây dựng Bộ tiêu chí, tiêu chuẩn đối với cán bộ kiểm tra.

Văn hoá, đạo đức là lĩnh vực rất rộng lớn. Cán bộ kiểm tra cần phải trau dồi, tu dưỡng, rèn luyện để nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng và chuyên môn nghiệp vụ mới đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Chỉ riêng vấn đề phòng, chống những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá", suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực đã rất khó khăn, phức tạp… Do vậy, cán bộ làm công tác kiểm tra của Đảng cũng cần phải xây dựng nền tảng văn hoá để thực hiện trong quá trình thực thi nhiệm vụ nhằm đạt được yêu cầu, chất lượng, hiệu quả, giúp công tác xây dựng Đảng được bảo vệ và phát triển vững chắc, bền vững./.  

Vũ Lân


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.600
Hôm qua : 3.796
Tháng 04 : 94.181
Năm 2024 : 282.521