Thường trực HĐND tỉnh Hà Giang dự thính Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV
Ngày 29 đến ngày 30/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Dự thính phiên họp Quốc hội có 58 đại biểu là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, lãnh đạo các Ban của Hội đồng nhân dân của 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang có đồng chí Hầu Minh Lợi, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, cùng tham gia có lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND tỉnh và một số đồng chí lãnh đạo HĐND huyện.
Toàn cảnh phiên họp
Tại các phiên họp thảo luận về tình hình phát triển KT-XH, các ĐBQH đã tập trung thảo luận sôi nổi về giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; giải pháp cải thiện thị trường tiền tệ, trái phiếu, bất động sản, chứng khoán, khôi phục sản xuất kinh doanh, các giải pháp để khơi thông nguồn vốn tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đảm bảo công khai, minh bạch và tăng cường thanh tra kiểm tra hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn cho doanh nghiệp; tích cực hơn nữa trong phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; đề nghị Chính phủ cần đánh giá sơ kết thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp; đề nghị mạnh dạn đưa ra khỏi Chương trình những dự án triển khai không hiệu quả để dành nguồn vốn cho những dự án, chương trình có nhu cầu vốn. Đồng thời, Chính phủ cũng cần chỉ đạo quyết liệt các bộ, ngành tăng cường công tác hướng dẫn tháo gỡ khó khăn cho các địa phương…..
Đoàn ĐBQH và Đoàn đại biểu HĐND tỉnh Hà Giang chụp ảnh lưu niệm với Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bên lề phiên họp.
Quốc hội cũng đã thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2025; dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024: Các đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát và có chính sách hỗ trợ phù hợp về nguồn lực cho các cơ quan của Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội để các cơ quan của Quốc hội và các đoàn đại biểu Quốc hội đủ sức thực hiện tốt công tác giám sát theo chức trách nhiệm vụ cùng với đó là hỗ trợ để các Đoàn ĐBQH các tỉnh, thành phố chủ động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở địa phương; đề nghị xem xét sửa đổi quy định của Luật Hoạt động giám sát theo hướng mở rộng đối tượng giám sát văn bản ra cả văn bản, không phải văn bản quy phạm pháp luật; về việc phân bổ thời gian để thực hiện các chuyên đề giám sát các đại biểu cho rằng, khoảng cách phân bổ thời gian các cuộc giám sát cần đảm bảo hơn. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị cần tiếp tục giám sát việc thực hiện các nghị quyết chất vấn, giám sát các chuyên đề của Quốc hội trong nhiệm kỳ qua.
Về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024: Các đại biểu tham gia nhiều ý kiến thiết thực, phân tích, đánh giá sâu sắc hơn về kết quả tồn tại, hạn chế nguyên nhân trong công tác xây dựng pháp luật 2023, 2024, 2025, đầu nhiệm kỳ đến nay và nhìn đến cuối nhiệm kỳ. Đồng thời, đề xuất thêm các biện pháp, giải pháp cụ thể để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật.
Quốc hội cũng đã thảo luận về dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, các ĐBQH đã thảo luận sôi nổi, dân chủ, tâm huyết, trách nhiệm, thẳng thắn, tập trung vào các nội dung trọng tâm và đi sâu vào nhiều vấn đề thiết thực của dự thảo Luật.