Thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
Chiều 9.1, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với tỷ lệ 449/489 tổng số ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (tương đương 90,52% số đại biểu Quốc hội).
Phấn đấu đến 2030 hình thành các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng
Nghị quyết của Quốc hội nêu, Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được thông qua tại Nghị quyết này là cơ sở, căn cứ để lập quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên cả nước. Việc triển khai các chương trình, dự án quan trọng quốc gia phải bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn phát triển của đất nước và mục tiêu, định hướng đã được xác định tại Nghị quyết này. Các quy hoạch trong hệ thống quy hoạch quốc gia đã được cấp có thẩm quyền quyết định hoặc phê duyệt theo quy định của Luật Quy hoạch phải được rà soát, điều chỉnh phù hợp, bảo đảm thống nhất với Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Theo Nghị quyết của Quốc hội, giai đoạn 2031 - 2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70 - 75%; Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về mục tiêu tổng quát phát triển đến năm 2030, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, tăng trưởng kinh tế dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng động lực, hành lang kinh tế, cực tăng trưởng, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.
Nghị quyết giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu, tài liệu, hệ thống sơ đồ, bản đồ và cơ sở dữ liệu trong Hồ sơ Quy hoạch tổng thể quốc gia, bảo đảm thống nhất với nội dung của Nghị quyết này.
Tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia gắn với chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo đúng quy định của pháp luật; ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong quy hoạch; tổ chức đánh giá Quy hoạch tổng thể quốc gia theo đúng quy định của Luật Quy hoạch. Chỉ đạo tổ chức công bố Quy hoạch tổng thể quốc gia theo quy định của pháp luật về quy hoạch; triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách, giải pháp thu hút đầu tư, bảo đảm nguồn lực tài chính, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh, phát triển nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, bảo vệ môi trường để triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng đã được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia.
Xây dựng mô hình tổ chức, cơ chế điều phối vùng; nâng cao hiệu quả hoạt động điều phối vùng; nghiên cứu việc xây dựng cơ chế về phối hợp nguồn lực giữa các địa phương. Xây dựng nguyên tắc ưu tiên sử dụng không gian biển cho các ngành, lĩnh vực trong Quy hoạch không gian biển quốc gia.
Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quy hoạch; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy hoạch tổng thể quốc gia đã được Quốc hội quyết định.
Theo Nghị quyết của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác được thành lập theo quy định của pháp luật, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát và tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện Nghị quyết này.
Phát huy tối đa lợi thế của vùng miền và địa phương
Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Quy hoạch tổng thể quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, về Hồ sơ, trình tự, thủ tục và sự phù hợp của Quy hoạch tổng thể quốc gia với các Chiến lược, Nghị quyết của Đảng, đa số ý kiến của các đại biểu tán thành sự cần thiết và tính cấp bách cần sớm thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc thời gian Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Năm.
Giải trình vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo, căn cứ các chủ trương, định hướng của Đảng, Chính phủ chuẩn bị Hồ sơ Quy hoạch công phu, bài bản, khoa học để trình Quốc hội. Trong quá trình hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc, cầu thị tiếp thu tối đa các ý kiến hợp lý để nâng cao chất lượng. Việc sớm thông qua Quy hoạch sẽ là căn cứ để lập các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, tạo thuận lợi cho Chính phủ, các bộ, ngành địa phương lập, phê duyệt, quyết định các quy hoạch cấp dưới đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cũng cho biết, có ý kiến đề nghị rà soát nhằm bảo đảm cụ thể hóa và có sự thống nhất giữa Quy hoạch tổng thể quốc gia với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, các Nghị quyết về phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và địa phương đã được ban hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, bảo đảm phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các Nghị quyết đã phát triển ngành, lĩnh vực, vùng lãnh thổ và địa phương đã được ban hành theo quy định.
Về quan điểm phát triển thời kỳ 2021 - 2030, một số ý kiến đề nghị bổ sung quan điểm về nguồn lực; kết nối quốc tế; phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển bền vững trên nền tảng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số...; phát huy tối đa lợi thế của vùng miền và địa phương; phát triển kinh tế biển.
Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung một số nội dung về văn hóa kinh tế biển, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế biển xanh, kinh tế số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số... tại dự thảo Nghị quyết.
Có ý kiến đề nghị bổ sung nội dung lợi thế so sánh của quốc gia vào điểm a khoản 1 Điều 2 dự thảo Nghị quyết cho đầy đủ. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý và thể hiện tại điểm a và điểm b khoản 1, Điều 2 của dự thảo Nghị quyết. Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa quan điểm, mục tiêu phát triển và nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh, sắp xếp lại các nội dung để làm rõ hơn các nội dung này.
Theo Đại biểu nhân dân