A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đoàn ĐBQH tỉnh ta thảo luận tổ về một số Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội

CTTBTG - Chiều 30.5, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV thảo luận tại tổ về Dự thảo Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi); Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Thảo luận tại tổ 10 gồm các Đoàn ĐBQH: Hà Giang, Đồng Tháp và Thái Bình. Đại biểu Phạm Thúy Chính và Vương Thị Hương, Đoàn ĐBQH tỉnh ta tham gia một số ý kiến.

Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận

Đại biểu Phạm Thúy Chinh tham gia thảo luận

Tham gia vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Phạm Thúy Chinh đánh giá cao chính sách dành cho các Công ty đầu tư tài chính Thành phố Hồ Chí Minh. Đại biểu cho rằng nếu chính sách này đủ mở và mạnh sẽ tạo nguồn lực cho Thành phố phát triển, nhất là các ngành định hướng phát triển trong tương lai. Tuy nhiên đại biểu cho rằng đây là mô hình tổ chức bộ máy mới như một quỹ đầu tư của địa phương nhưng hoạt động như một doanh nghiệp và sở hữu vốn Nhà nước; vì vậy cần điều chỉnh lại các quy định về bố trí vốn, tăng vốn cho Công ty đầu tư tài chính Thành phố Hồ Chí Minh để phát huy hiệu quả mô hình hoạt động của đơn vị này.

Góp ý vào Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu, phê chuẩn (sửa đổi). Đại biểu Vương Thị Hương nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và đồng tình với việc trình Quốc hội xem xét thông qua tại Kỳ họp này theo trình tự, thủ tục rút gọn nhằm bảo đảm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội, HĐND theo quy định mới sẽ được thực hiện tại kỳ họp cuối năm, đáp ứng yêu cầu tại Quy định số 96-QĐ/TW, góp phần quan trọng tham mưu cho Đảng, Nhà nước đánh giá chính xác, hiệu quả hơn năng lực trình độ của người giữ chức vụ quyền hạn, kịp thời đưa ra khỏi hàng ngũ những người không đủ đức, đủ tài, kiện toàn đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp.

Đại biểu Vương Thị Hương tham gia thảo luận

Đại biểu Vương Thị Hương tham gia thảo luận

Đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm đối tượng là Phó Trưởng ban của các Ban HĐND vào quy định về đối tượng lấy phiếu tín nhiệm của HĐND vì đây là một trong những chức danh do HĐND bầu. Vì thực tế hiện nay có nhiều địa phương đang bố trí Trưởng ban HĐND hoạt động kiêm nhiệm còn Phó Trưởng ban hoạt động chuyên trách.

Đại biểu Vương Thị Hương cũng đề nghị quy định thống nhất đơn vị tỷ lệ % cụ thể làm cơ sở xác định các trường hợp bỏ phiếu tín nhiệm. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng từ thực tế thực hiện quy định về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm cũng cần quy định rõ tổng số đại biểu Quốc hội, tổng số đại biểu HĐND được sử dụng làm căn cứ để tính tỷ lệ phiếu là số ĐBQH, HĐND tại thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là theo số đại biểu được triệu tập hay số đại biểu có mặt tham gia bỏ phiếu, để tránh lúng túng, thiếu thống nhất khi tính tỷ lệ phiếu. Đại biểu cũng góp ý vào các quy định khi người được lấy phiếu tín nhiệm được đánh giá tín nhiệm thấp thì quy định miễn nhiệm, từ chức như thế nào? Cần có các quy định cụ thể, rõ ràng để tổ chức thực hiện.

Đối với dự thảo hướng dẫn một số nội dung về việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, theo đại biểu để thực hiện thống nhất các văn bản trong việc tổ chức thực hiện lấy phiếu tín nhiệm giữa các địa phương trong cả nước đề nghị xem xét bổ sung mẫu dự thảo Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và Biên bản kiểm phiếu để các địa phương thống nhất thực hiện.

Duy Tuấn (tổng hợp)


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 983
Hôm qua : 1.689
Tháng 06 : 92.235
Năm 2024 : 504.621