Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang giám sát UBND tỉnh về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông
Sáng ngày 23/12, Đoàn ĐBQH khoá XV tỉnh Hà Giang do đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh làm Trưởng đoàn đã thực hiện giám sát chuyên đề đối với UBND tỉnh về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tham dự buổi giám sát có đồng chí: Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội; Tráng A Dương, Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ngành của tỉnh.
Toàn cảnh buổi giám sát tại UBND tỉnh.
Được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các bộ, ngành trung ương, tạo điều kiện về chủ trương, chính sách, nguồn lực con người, tài chính cho sự nghiệp phát triển giáo dục đào tạo, nhất là các tỉnh miền núi như Hà Giang, nên ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Giang có điều kiện triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hoàn thành các chương trình, đề án, kế hoạch đúng tiến độ, đạt kết quả mục tiêu đề ra. Công tác lãnh, chỉ đạo của UBND tỉnh quyết liệt, kịp thời, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương về chương trình, sách giáo khoa mới, phát triển giáo dục, nhất là trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.
Đồng chí Hà Thị Minh Hạnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết tại tỉnh Hà Giang.
Kết quả thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh Hà Giang bước đầu đã tạo được những chuyển biến tích cực, trang thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư, từng bước đã đáp ứng yêu cầu, nhu cầu học tập của con em nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh và góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; môi trường học tập, điều kiện học tập của học sinh được cải thiện; trình độ giáo viên và chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn do đội ngũ giáo viên còn thiếu, để đáp ứng nhu cầu tối thiểu giáo viên giảng dạy năm học 2022-2023 toàn ngành Giáo dục và Đào tạo còn thiếu khoảng 1.384 giáo viên; trình độ ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy của một số bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn hạn chế; tỉ lệ số lượng thiết bị, bộ thiết bị so với danh mục thiết bị dạy học tối thiểu còn thấp so với quy định; chất lượng một số sách giáo khoa có nội dung dài và nặng, chưa phù hợp với đa số năng lực học sinh vùng dân tộc thiểu số; giá thành sách giáo khoa khá cao so với người dân có mức sống, mức thu nhập thấp, người dân vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn.
Đồng chí Hoàng Văn Vịnh, Tỉnh uỷ viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu ý kiến.
Qua giám sát trực tiếp tại các huyện, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Nội vụ về tình hình thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Tại buổi làm việc với UBND tỉnh, Đoàn giám sát khẳng định, đây là cuộc giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá toàn diện những kết quả đã đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc và các bài học kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện. Trên cơ sở đó sẽ kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa trong thời gian tới. Vì vậy, đề nghị các đơn vị liên quan tập trung làm rõ một số vấn đề về công tác chỉ đạo và triển khai tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa; tiếp tục tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tổ chức lựa chọn sách giáo khoa các cấp học đối với các năm học tiếp theo đảm bảo khách quan, đúng quy trình, thủ tục, phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương; tiếp tục rà soát đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên ở từng cấp học, môn học, căn cứ vào thực trạng của tỉnh, đề xuất các giải pháp giải quyết tình trạng thiếu biên chế giáo viên; quan tâm đầu tư kinh phí phát triển nguồn nhân lực giáo dục, chú trọng công tác đào tạo lại và bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ nhà giáo đảm bảo đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo; cân đối ngân sách địa phương và có các biện pháp xã hội hóa các nguồn lực đầu tư đảm bảo cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến giáo viên, phụ huynh và học sinh trong việc triển khai thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông.
Đồng chí Lý Thị Lan, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh phát biểu kết luận.
Phát biểu kết luận giám sát, đồng chí Lý Thị Lan, Uỷ viên BTV Tỉnh uỷ, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh đề nghị các sở, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các đề xuất, kiến nghị của đoàn giám sát; chủ động tham mưu cho UBND tỉnh bổ sung số liệu, hoàn thiện báo cáo tổng thể gửi Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp.
Đại diện lãnh đạo 2 Văn phòng nhận quà và chụp ảnh lưu niệm cùng đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội.
Kết thúc buổi giám sát, trước thềm năm mới 2023, đồng chí Phạm Thúy Chinh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội đã đến thăm và tặng quà cho cán bộ, công chức, viên chức Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh, Văn phòng UBND tỉnh.
Theo dbnd.hagiang.gov.vn