A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, ngày 14.11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ,  Quốc hội thảo luận tập trung tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Đại biểu Hoàng Ngọc Định, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Giang tham gia nhiều ý kiến vào dự thảo luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên thảo luận

Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét lại quy định về quyền và nghĩa vụ của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất, tại điểm i, khoản 2 Điều 48 dự thảo luật. Đại biểu cho rằng dự thảo luật quy định “Trường hợp đất thuộc diện thu hồi để thực hiện dự án nhà ở, dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ thì có quyền tự đầu tư trên đất thông qua việc chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư hoặc cho chủ đầu tư dự án thuê quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất với chủ đầu tư dự án để thực hiện dự án theo quy định tại Điều 138 của luật này” có thể khiến cho việc thu hồi đất bị kéo dài hoặc không thể thu hồi được đất khi người sử dụng đất có thể vận dụng quy định này để tự thực hiện dự án hoặc yêu cầu góp vốn với chủ đầu tư dự án.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận

Đại biểu Hoàng Ngọc Định thảo luận

Tại khoản 1, Điều 98 dự thảo luật quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… mà chưa được cấp”. Theo đại biểu đây là một trong những trường hợp được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích QP-AN; phát triển KT-XH vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Luật Đất đai năm 2013 và được kế thừa tại dự thảo luật sửa đổi lần này. Tuy nhiên khi áp dụng thực hiện Luật Đất đai năm 2013 do chưa có quy định rõ về “các trường hợp có đủ điều kiện nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” nên đã phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp. Đại biểu đề nghị, dự thảo luật quy định cơ quan quản lý nhà nước có trách nhiệm trong việc chứng minh lý do trường hợp đã có đủ điều kiện nhưng chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải được công khai minh bạch trong phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trước khi có quyết định thu hồi đất.

Khoản 1 Điều 106 dự thảo luật quy định: “Khi Nhà nước thu hồi đất mà chủ sở hữu tài sản hợp pháp gắn liền với đất bị thiệt hại về tài sản thì được bồi thường”. Tuy nhiên đại biểu cho rằng, thực tế đơn giá nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc do UBND cấp tỉnh quy định làm căn cứ bồi thường, hỗ trợ thường thấp hơn rất nhiều so với số tiền thực tế mà người bị thu hồi đất bỏ ra để xây dựng mới có diện tích, mục đích, chất lượng và tiêu chuẩn kỹ thuật tương tự. Trong khi quyết định về việc ban hành giá xây dựng mới nhà ở, nhà tạm, vật kiến trúc làm cơ sở xác định giá trị bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn các địa phương có nơi vẫn chưa hoặc chậm điều chỉnh đơn giá xây dựng theo thời điểm bồi thường. Mặt khác, từ việc định giá tài sản không phù hợp dẫn đến việc bồi thường hỗ trợ di chuyển không hợp lý.

Đại biểu đề nghị bổ sung xây dựng quy trình thẩm định, trình phê duyệt bảng giá chuẩn về suất vốn đầu tư xây dựng công trình cụ thể để phù hợp với giá thực tế của tài sản bị ảnh hưởng trong từng dự án.

Trong khoản 2 Điều 110 dự thảo luật quy định: “Tài sản gắn liền với đất được tạo lập trái quy định của pháp luật hoặc tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền”. Đại biểu đề nghị bổ sung vào điều khoản này nội dung: “…và không được ghi nhận trong biên bản hiện trạng khu đất thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất”.

Theo đại biểu, việc ghi nhận hiện trạng khu đất thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi thường tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là cây trồng, vật nuôi, những tài sản mà việc tạo lập không cần khai báo, đăng ký. Quy định thủ tục này sẽ tạo cơ sở pháp lý chặt chẽ ngăn chặn tình trạng đang diễn ra trong thực tế đó là cố tình tạo lập tài sản đón đầu thu hồi đất để được bồi thường và quy định thủ tục này cũng là căn cứ chặt chẽ trong giải quyết thắc mắc, khiếu nại khi giải phóng mặt bằng.

Tại khoản 2 Điều 189 dự thảo luật quy định: “Ban quản lý rừng phòng hộ, tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân khi sử dụng đất rừng phòng hộ theo quy định tại khoản 1 điều này được sử dụng kết hợp với mục đích kết hợp trồng cây hằng năm, cây dược liệu, chăn nuôi; du lịch sinh thái nghỉ dưỡng, giải trí...”. Đại biểu đánh giá, đây là quy định mới nhằm tạo sinh kế cho người dân sống gần rừng có điều kiện để sản xuất, khai thác các tiềm năng lợi thế từ rừng, tăng thu nhập bảo đảm cuộc sống, cũng như phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 18 ngày 16.6.2022 BCH T.Ư Đảng. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng về các hình thức canh tác đối với đất rừng phòng hộ, dự thảo luật quy định vẫn còn bó hẹp, chưa thực sự giải quyết được nhu cầu sản xuất của người dân ở nhiều địa phương có lợi thế, thế mạnh về trồng cây lâu năm, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Đại biểu đề nghị dự thảo luật cần có quy định mở hơn, cho phép trồng các loại cây này gắn với yêu cầu bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thực hiện đúng quy định pháp luật về lâm nghiệp.

Theo baohagiang.vn


Nguồn: Báo Hà Giang
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.799
Hôm qua : 4.526
Tháng 04 : 90.584
Năm 2024 : 278.924