A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Chất vấn một số vấn đề lĩnh vực tòa án, kiểm sát tại Phiên họp thứ 21 Ủy ban Thường vụ Quốc hội

CTTBTG - Sáng 20/3, tại Nhà Quốc hội, thực hiện chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực tòa án và lĩnh vực kiểm sát. Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Phiên Chất vấn lần này là dịp để các trưởng ngành cung cấp đến công chúng, cử tri những thông tin chính thống về kết quả công tác của ngành mình; tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của ngành tư pháp, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, đòi hỏi trong giai đoạn mới. Phiên họp thứ 21 trực tuyến tới Đoàn ĐBQH 62 tỉnh, thành phố; Phiên họp được phát thanh và truyền hình trực tiếp trên Đài VOV, Truyền hình VTV và Quốc hội. Dự tại điểm cầu Quốc hội có đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; các ĐBQH kiêm nhiệm ở T.Ư, Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội…

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: CTV.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: CTV.

Chủ trì tại điểm cầu Hà Giang có đồng chí Lý Thị Lan, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XV đơn vị tỉnh Hà Giang. Tham dự có đồng chí Chúng Thị Chiên, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; các ĐBQH khóa XV của tỉnh...

Phát biểu Khai mạc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, phiên họp lần này tập trung tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc hai lĩnh vực tòa án và kiểm sát.

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CTV

Quang cảnh phiên họp. Ảnh: CTV

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, ngành tòa án và kiểm sát có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm hệ thống pháp luật được thực hiện nghiêm minh, góp phần vào công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên chất vấn. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với ngành tòa án, Chủ tịch Quốc hội đánh giá, trong khi số lượng biên chế được giao không được tăng thêm, chất lượng biên chế có mặt chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành tòa án, chất lượng, hiệu quả, công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên còn một số hạn chế như: Một số vụ án giải quyết quá thời hạn luật định, tỷ lệ bản án quyết định hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội đề ra; việc đầu tư, lắp đặt trang thiết bị phục vụ xét xử trực tuyến còn hạn chế…

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: CTV

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời chất vấn. Ảnh: CTV

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu các ĐBQH tập trung chất vấn để tìm ra giải pháp phù hợp, nâng cao hơn nữa công tác tòa án trong thời gian tới để tiếp tục xây dựng nền tư pháp công bằng, nghiêm minh, liêm chính, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân.

Đối với ngành kiểm sát, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, với phương châm “Đoàn kết, đổi mới – Trách nhiệm, kỷ cương – Thực chất, hiệu quả”, “Liêm chính, vượt khó, chuyên nghiệp”, toàn ngành đã thực hiện nhiệm vụ khá toàn diện trên tất cả các mặt. Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế. Vì vậy, để khắc phục những vấn đề này, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các ĐBQH chất vấn tập trung, trách nhiệm, tìm ra giải pháp nâng cao hơn nữa hoạt động ngành kiểm sát.

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan chủ trì tại điểm cầu tỉnh

Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lý Thị Lan chủ trì tại điểm cầu tỉnh. Ảnh: baohagiang.vn

Trong phiên họp buổi sáng, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, các ĐBQH chất vấn ngành tòa án tập trung vào 4 nhóm vấn đề:

Giải pháp tiếp tục nâng cao chất lượng xét xử, giải quyết các loại vụ án, nhất là vụ án hành chính, vụ án hình sự về kinh tế, tham nhũng; việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm.

Công tác cán bộ ngành Tòa án; giải pháp nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh, trách nhiệm của thẩm phán và các công chức ngành Tòa án; việc phòng ngừa và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành Tòa án.

Công tác tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật, phát triển án lệ.

Việc triển khai thi hành Nghị quyết số 33/2021/QH15 của Quốc hội về tổ chức phiên tòa trực tuyến, nhất là việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm cho xét xử trực tuyến.

Chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Mai Thị Phương Hoa, Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị Chánh án cho biết nguyên nhân, giải pháp căn cơ của tình trạng tỷ lệ án hành chính bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan còn cao?

Tranh luận tại phiên chất vấn, Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước nêu rõ, phiên tòa trực tuyến là một nền tảng pháp lý bước đầu cho việc triển khai thực hiện tòa án điện tử. Tuy nhiên, việc xét xử trực tuyến là một phương thức mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định hoặc nếu có cũng chưa đầy đủ dẫn đến các cơ quan tố tụng còn lúng túng trong tổ chức triển khai. Đề nghị Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nêu rõ giải pháp trong thời gian tới để việc triển khai phiên tòa trực tuyến được đồng bộ hơn.

Đại biểu Nguyễn Tạo, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng nêu, theo báo cáo của Tòa án Nhân dân tối cao, từ năm 2021 đến nay có 106 trường hợp cán bộ, công chức ngành Tòa án bị xử lý kỷ luật, trong đó có 7 trường hợp tham nhũng và tiêu cực. Thực trạng hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, thẩm phán ngành Tòa án xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng. Đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm của mình về các nội dung trên, đồng thời làm rõ giải pháp về công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành Tòa án trong thời gian tới.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương, thực tế hiện nay số án lệ so với các vụ án quá ít, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn xã hội phát triển, hội nhập. Đề nghị có những giải pháp để phát triển án lệ trong thời gian tới làm cơ sở giải quyết các vụ việc tương tự.

Trong phiên buổi sáng, có 35 lượt ĐBQH đăng ký phát biểu; trong đó 29 lượt đại biểu tham gia đặt 50 câu hỏi chất vấn và 6 đại biểu tham gia tranh luận với Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao. Một số nội dung Chánh án đã trả lời trực tiếp, một số sẽ được trả lời bằng văn bản. Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao cũng thừa nhận còn nhiều vướng mắc, bất cập, hạn chế khách quan trong hoạt động của ngành và Tòa án Nhân dân tối cao đang đề xuất Quốc hội cho chủ trương giải quyết; đồng thời phối hợp với các cơ quan tư pháp khắc phục.  Tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng trả lời làm rõ một số nội dung chất vấn.


Tác giả: Nguyên Diên
Nguồn: Ban Biên tập
Thống kê truy cập
Hôm nay : 37
Hôm qua : 1.752
Tháng 09 : 31.090
Năm 2024 : 764.498