Các kỳ đại hội của Đảng và những dấu ấn lịch sử - Đại hội lần thứ X: Tiếp tục bổ sung đường lối đổi mới và lý luận về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội
Diễn ra từ ngày 18 đến 25-4-2006, Đại hội X của Đảng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đang có những biến chuyển sâu sắc. Với quan điểm nhìn thẳng vào sự thật, Đại hội đã kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX.
Những biến chuyển của tình hình trong nước và thế giới
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng diễn ra trong bối cảnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc có nhiều thuận lợi, cơ hội lớn, song cũng đứng trước nhiều khó khăn và thách thức.
Trên bình diện thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn; song những cuộc chiến tranh cục bộ, xung đột vũ trang, xung đột sắc tộc, tôn giáo, chạy đua vũ trang, hoạt động can thiệp, lật đổ, ly khai, hoạt động khủng bố, những tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, biển đảo và các tài nguyên thiên nhiên tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất phức tạp. Các mâu thuẫn lớn của thời đại diễn ra gay gắt. Nhiều vấn đề toàn cầu bức xúc đòi hỏi các quốc gia và các tổ chức quốc tế phối hợp giải quyết...
Ở trong nước, thế và lực của nước ta lớn mạnh lên nhiều so với thời kỳ trước. Đặc biệt, qua 20 năm thực hiện đường lối đổi mới, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Đất nước đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, có sự thay đổi cơ bản và toàn diện. Kinh tế tăng trưởng khá nhanh. Lĩnh vực văn hóa và xã hội có tiến bộ trên nhiều mặt. Công tác xóa đói giảm nghèo đạt kết quả tốt. Hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố, tăng cường. Công tác dân tộc, tôn giáo, vận động người Việt Nam ở nước ngoài có tiến bộ. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được giữ vững. Đảng đã có những bước đổi mới quan trọng trong nhận thức về mối quan hệ giữa xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Hoạt động đối ngoại phát triển mạnh, góp phần giữ vững môi trường hòa bình, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Tuy nhiên, xét trên tổng thể, Việt Nam vẫn còn những hạn chế, bất cập. Kinh tế phát triển chưa bền vững; chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội và yêu cầu phát triển của đất nước; một số chỉ tiêu được Đại hội IX đề ra không đạt. Các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, xã hội, môi trường có nhiều hạn chế, yếu kém, gây bức xúc xã hội. Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa chưa theo kịp yêu cầu phát triển kinh tế và quản lý đất nước. Sự phân hoá giàu - nghèo ngày càng gia tăng; thiên tai, dịch bệnh xảy ra thường xuyên ở nhiều nơi.
Thực tế đó đòi hỏi Việt Nam phải xây dựng được môi trường hòa bình, ổn định, một nền kinh tế phát triển, quốc phòng, an ninh vững mạnh, một chiến lược, định hướng đúng đắn để tận dụng thời cơ và thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, huy động tốt mọi nguồn lực đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững theo con đường xã hội chủ nghĩa.
Quang cảnh Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Ảnh: nhandan.vn |
Sau một thời gian chuẩn bị, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng diễn ra từ ngày 18 đến ngày 25-4-2006. Dự Đại hội có 1.176 đại biểu thay mặt cho hơn 3,1 triệu đảng viên trong toàn Đảng. Đại hội bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X gồm 160 ủy viên chính thức và 21 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu lại làm Tổng Bí thư.
Bổ sung đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam
Với chủ đề của Đại hội: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển”, Đại hội X của Đảng có nhiệm vụ nhìn thẳng vào sự thật để kiểm điểm, đánh giá khách quan, toàn diện thành tựu và những yếu kém, khuyết điểm, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm qua việc thực hiện Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2001 - 2010) và nhìn lại 20 năm đổi mới (1986 - 2006); từ đó tiếp tục phát triển và hoàn thiện đường lối, quan điểm, định ra phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước 5 năm tới (2006 - 2010); phương hướng, nhiệm vụ xây dựng Đảng; bổ sung sửa đổi một số điểm trong Điều lệ Đảng; bầu Ban Chấp hành Trung ương.
Xuất phát từ tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2001 - 2005, đồng thời dựa trên sự đánh giá toàn diện bối cảnh quốc tế, Đại hội X đề ra mục tiêu và phương hướng tổng quát 5 năm 2006 - 2010 là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, huy động và sử dụng tốt mọi nguồn lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; giữ vững ổn định chính trị - xã hội; sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển; tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại”[1].
Cùng với kiểm điểm quá trình 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội IX (2001 - 2005) và xác định mục tiêu, phương hướng của nhiệm kỳ tiếp theo, Đại hội X của Đảng đã tiến hành đánh giá tình hình đất nước sau 20 năm đổi mới (1986 - 2006). Đại hội khẳng định: “Hai mươi năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công cuộc đổi mới ở nước ta đã đạt những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử”[2].
Từ thực tiễn 20 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước ta tích luỹ thêm nhiều kinh nghiệm lãnh đạo và quản lý. Đại hội X nêu lên một số bài học lớn sau:
Một là, trong quá trình đổi mới phải kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Hai là, đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp.
Ba là, đổi mới phải vì lợi ích của nhân dân, dựa vào nhân dân, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của nhân dân, phù hợp với thực tiễn, luôn luôn nhạy bén vơi cái mới.
Bốn là, phát huy cao độ nội lực, đồng thời khai thác ngoại lực, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại trong điều kiện mới.
Năm là, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, không ngừng đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng và từng bước hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân.
Các đại biểu dự Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ X bỏ phiếu bầu Ủy viên Ban chấp hành Trung ương. |
Đặc biệt, Báo cáo chính trị khẳng định, qua 20 năm đổi mới, “nhận thức lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng sáng tỏ hơn”[3]. Trên cơ sở những đặc trưng của xã hội - xã hội chủ nghĩa mà nhân dân Việt Nam xây dựng được nêu trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991, Đại hội X nêu rõ: “Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; do nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao, dựa trên lực lượng sản xuất hiện đại và quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất; có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; con người được giải phóng khỏi áp bức, bất công, có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng tiến bộ; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản; có quan hệ hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới”[4].
Như vậy, Đại hội X đã bổ sung thêm 2 đặc trưng vào những đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng, đó là: 1- Xã hội dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh; 2- Có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Đại hội X chủ trương tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với phát triển kinh tế tri thức; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ; tăng cường quốc phòng và an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế; phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, bổ sung, sửa đổi Điều lệ Đảng.
Những nhận định và phương hướng lớn được Đại hội đề ra là cơ sở, nền tảng để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nêu cao chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy truyền thống vẻ vang, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, năng động và sáng tạo, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội; đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, sớm đưa nước ta ra khỏi tình trạng kém phát triển, thực hiện "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU, Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự
[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.76.
[2] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.67.
[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.68.
[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.68.