A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

95 năm có Đảng dẫn đường: Phát triển văn hóa hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế

CTTBTG- 95 năm lãnh đạo cách mạng, một trong những dấu ấn nổi bật là Đảng ta luôn chú trọng phát triển văn hóa hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế.

Con đường của những người mở đường mới mẻ trong lịch sử

10 năm sau Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1975 - 1985), trước tình trạng nền kinh tế lạc hậu và chậm phát triển, Đảng ta đã thể hiện vai trò lãnh đạo của mình bằng sự phát triển và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lênin vào thực tiễn Việt Nam.

Đó là nhận thức về đổi mới tư duy kinh tế, là sự từ bỏ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa một cách sáng suốt. Vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được thể hiện xuyên suốt qua các kỳ đại hội của Đảng.

Tư duy về kinh tế của Đảng được đổi mới bắt đầu từ khi chấp nhận phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước ở Đại hội VI và qua các kỳ đại hội Đảng tiếp theo được liên tục đổi mới. Khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được khẳng định tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng Cộng sản Việt Nam (tháng 4-2001). Đây là kết quả của quá trình 15 năm đổi mới tư duy của Đảng và thực tiễn vận hành ở Việt Nam, được đúc kết trên cơ sở đánh giá và rút ra các bài học qua Đại hội VII và Đại hội VIII của Đảng.

Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) xác định: “Phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[1].

Đồng chí U-ê-đa Côi-chi-rô, Trưởng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Nhật Bản, trong bài phát biểu chào mừng Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhấn mạnh: “Đường lối đổi mới, trong đó kết hợp kinh tế thị trường với kế hoạch, tiến lên chủ nghĩa xã hội, trên cơ sở công nhận sự tồn tại của nhiều thành phần kinh tế, là con đường của những người mở đường mới mẻ trong lịch sử,… “mà”… chưa một ai đi qua”[2].

Bắt đầu từ đây, đổi mới tư duy về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam được đẩy mạnh hơn, ngày càng toàn diện hơn. Đại hội XI (tháng 4-2011) của Đảng làm rõ nội hàm, mục tiêu của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta là nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Đây là một hình thái kinh tế thị trường vừa tuân theo những quy luật của thị trường, vừa dựa trên cơ sở và được dẫn dắt, chi phối bởi các nguyên tắc và bản chất của chủ nghĩa xã hội”[3].

Đại hội XII (tháng 1-2016) của Đảng làm rõ hơn khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa về cả nội hàm, mục tiêu và cách thức thực hiện: “Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của nền kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước. Đó là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”[4].

Tiếp theo đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XII ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3-6-2017 Về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó chỉ rõ “Xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một nhiệm vụ chiến lược, là khâu đột phá quan trọng, tạo động lực để phát triển nhanh và bền vững” [5] và Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3-6-2017 Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trong đó khẳng định kinh tế tư nhân là động lực phát triển nền kinh tế.

95 năm có Đảng dẫn đường: Phát triển văn hóa hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế
Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một hướng đi đúng của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Ảnh: tuyengiao.vn

Những năm trước đổi mới (trước 1986), tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam hầu như không đáng kể, có năm kinh tế tăng trưởng âm. Những năm đầu đổi mới, tốc độ tăng trưởng kinh tế có sự tăng khá, lúc đầu khoảng 2%, sau đó lên 4,5% và đạt 6% vào năm 1991. Đặc biệt, vào năm 1995, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lên đến 9,5% và năm 1996 ở mức 9,34%. Năm 1999, tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ là 4,77%, đến 2009 là 5,32%; 10 năm sau, vào năm 2019 là 7,02%.

Tính đến hết năm 2024, Việt Nam tiếp tục là điểm sáng về tăng trưởng và thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Tăng trưởng GDP cả năm ước đạt khoảng 7%; quy mô kinh tế đạt khoảng 470 tỷ USD; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp còn khoảng 11%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện; tăng năng suất lao động ước đạt 5,7%, vượt mục tiêu đề ra; chỉ số tự do kinh tế tăng 13 bậc, lên vị trí 59/176 quốc gia, vùng lãnh thổ [6]

Đặc biệt, Việt Nam được đánh giá cao về kiểm soát lạm phát, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô trong bối cảnh thế giới biến động mạnh, nhiều khó khăn. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu ghi nhận kỷ lục, cùng với kỷ lục xuất khẩu nông sản trên 62 tỷ USD; thặng dư thương mại ước đạt khoảng 24 tỷ USD, góp phần cải thiện cán cân thanh toán quốc tế. Nhờ nền kinh tế phục hồi tích cực và tăng cường, nâng cao hiệu quả quản lý thuế, tổng thu ngân sách nhà nước vượt hơn 19% dự toán (khoảng 320.000 tỷ đồng), góp phần bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi ngân sách nhà nước thấp hơn giới hạn quy định [7]

Việt Nam tiếp tục là điểm đến an toàn, hấp dẫn của các doanh nghiệp, đối tác, nhà đầu tư quốc tế; thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất thế giới, đạt khoảng 40 tỷ USD, trong đó vốn FDI thực hiện khoảng 25 tỷ USD; là một trong 20 nền kinh tế có quy mô thương mại lớn nhất thế giới, trở thành một mắt xích quan trọng trong các chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu.

Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi mạnh mẽ sang nền kinh tế số, kinh tế xanh, công nghệ cao, thân thiện với môi trường; đặc biệt đã xác lập được vị thế quan trọng trong chuỗi công nghiệp bán dẫn toàn cầu, thu hút được nhiều tập đoàn công nghệ lớn. Giá trị thương hiệu quốc gia năm 2024 đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, tăng 1 bậc so với năm 2023. Đây là những thành quả và minh chứng cho sự đúng đắn đổi mới tư duy kinh tế và vai trò lãnh đạo, chỉ đạo đổi mới nền kinh tế của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc

Cùng với tập trung xây dựng và phát triển kinh tế, Đảng ta không ngừng đổi mới tư duy lý luận và đường lối văn hóa, với việc xác định xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Về vấn đề này, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa VIII đã chỉ rõ đặc điểm của nền văn hóa mà đất nước ta đang xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc [8]. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội năm 1991 và Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng ta xác định xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là một trong những đặc trưng cơ bản của chế độ xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng.

Tiếp đó, nhân kỷ niệm 131 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, trong đó nhấn mạnh: “Nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, một nền văn hóa thống nhất trong đa dạng, dựa trên các giá trị tiến bộ, nhân văn; Chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần xã hội, kế thừa và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của tất cả các dân tộc trong nước, tiếp thu những thành tựu, tinh hoa văn hóa nhân loại, phấn đấu xây dựng một xã hội văn minh, lành mạnh vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực, lối sống và thẩm mỹ ngày càng cao... Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới” [9].

95 năm có Đảng dẫn đường: Phát triển văn hóa hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế
Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: bqllang.gov.vn

Nhìn chung, sự nghiệp xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc được Đảng ta rất quan tâm.

Việc lãnh đạo và thực hiện chủ trương của Đảng về xây dựng con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế có bước chuyển quan trọng, đã gắn nhiệm vụ xây dựng văn hóa, con người với nhiệm vụ xây dựng, phát triển bền vững đất nước, gắn xây dựng môi trường văn hóa với xây dựng con người với các phẩm chất về trách nhiệm xã hội, ý thức công dân, về tính chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên. Hệ thống thể chế và thiết chế văn hóa từng bước được tăng cường.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống và di sản văn hóa của dân tộc được kế thừa, bảo tồn và tôn tạo. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng mở rộng. Đời sống văn hóa của nhân dân được cải thiện, việc xây dựng môi trường văn hóa được chú trọng hơn. Công tác quản lý Nhà nước về văn hóa được tăng cường. Giao lưu hợp tác quốc tế về văn hóa có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. 

Các sự kiện văn hóa, nghệ thuật cấp quốc gia, cấp vùng tiếp tục được tổ chức gắn kết chặt chẽ với các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ xây dựng môi trường văn hóa cơ sở. Đặc biệt, công nghiệp văn hóa từ sau Hội nghị toàn quốc lần thứ nhất do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 12-2023 đã có những dấu ấn đột phá với các chương trình có tầm vóc, sức thu hút và hiệu ứng xã hội lớn. Trong lĩnh vực điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn, đã có nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc.

Với những thành tựu đã đạt được trong phát triển kinh tế và văn hóa, thời gian tới, khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, bài học về phát triển văn hóa hài hòa, ngang tầm với phát triển kinh tế cần tiếp tục được vận dụng, phát huy, để Việt Nam không chỉ là quốc gia giàu mạnh về kinh tế, mà còn có nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc!

Đại tá, PGS, TS NGUYỄN VĂN SÁU,  Phó viện trưởng Viện Lịch sử quân sự


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.86.

[2] Lời chào mừng Đại hội IX Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb CTQG, Hà Nội, 2001, tr.53.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, Hà Nội, 2011, tr.204 -205.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ  XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016. tr.102.

[5] Nghị quyết số 11-NQ/TW, Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về hoàn thiện thế chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, ngày 3-6-2017, lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

[6] Theo xếp hạng Quỹ di sản (Heritage Foundation).

[7] Trong đó, dư nợ công khoảng 36-37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 33-34% GDP.

[8] Xem thêm Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 16/7/1998, của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, lưu Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

[9] Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, số 966, tháng 5-2021, tr.9.


Nguồn: Báo Quân đội nhân dân
Thống kê truy cập
Hôm nay : 749
Hôm qua : 838
Tháng 02 : 749
Năm 2025 : 46.412