A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

12 tỉnh, thành phố góp ý cụ thể vào Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi

CTTBTG - Lãnh đạo của 12 tỉnh, thành phố góp ý cụ thể vào từng chương mục của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), kiến nghị sửa đổi đến Ban soạn thảo dự án luật; khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Ngày 24/2, tại Quảng Bình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì Hội nghị Lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan; đại diện Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Pháp luật, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo các tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Phú Yên.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương, 236 điều với 10 điểm mới.

Thứ nhất là đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Các quy hoạch quốc gia cũng như quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch ngành, lĩnh vực có sử dụng đất phải bảo đảm phù hợp, thống nhất, đồng bộ, gắn kết chặt chẽ, thúc đẩy lẫn nhau để phát triển.

Thứ hai là hoàn thiện các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Quy định chặt chẽ các trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Thứ ba là quy định cụ thể hơn về thẩm quyền, mục đích, phạm vi thu hồi đất, điều kiện, tiêu chí cụ thể thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Thứ tư, Dự thảo Luật hoàn thiện cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường, các cơ chế kiểm tra, giám sát của Trung ương và Hội đồng nhân dân trong việc xây dựng bảng giá đất; bổ sung, hoàn thiện các quy định bảo đảm công khai, minh bạch như công khai giá đất, giao dịch qua các sàn giao dịch đối với các dự án khu dân cư, khu đô thị, nhà ở thương mại.

Thứ năm là hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính về đất đai bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; có cơ chế điều tiết hợp lý, hiệu quả nguồn thu từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất giữa Trung ương và địa phương; điều tiết chênh lệch địa tô, bảo đảm công khai, minh bạch.

Thứ sáu là hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất.

Điểm mới thứ bảy là hoàn thiện cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp theo hướng mở rộng đối tượng, hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp, quy định để người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi mục đích sản xuất cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp theo quy hoạch.

Thứ tám là quy định về quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích, đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất nông nghiệp kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với kinh tế; đất dự án du lịch có yếu tố tâm linh; đất xây dựng công trình trên không, công trình ngầm, đất hình thành từ hoạt động lấn biển.

Thứ chín là đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất; bảo đảm quản lý, vận hành, kết nối và chia sẻ thông tin tập trung, thống nhất từ Trung ương đến địa phương.

Thứ mười là đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai.

Hội nghị nghe báo cáo của 12 tỉnh, thành phố về kết quả lấy ý kiến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), một số ý kiến đóng góp dự thảo luật của các tầng lớp nhân dân, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Lãnh đạo các địa phương góp ý cụ thể vào từng chương mục, kiến nghị sửa đổi đến Ban soạn thảo dự án luật; khó khăn vướng mắc từ thực tế địa phương.

Các đại biểu dự hội nghị đã phát biểu làm rõ 4 vấn đề lớn, như khái niệm Nhà nước là đại diện cho “sở hữu toàn dân;" quy hoạch; giá đất, phương pháp xác định giá đất; thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm nêu ý kiến, Luật Đất đai 2013 quy định thời điểm định giá đất là ngay tại thời điểm giao đất. Quy định như vậy sẽ không ai dám làm. Bây giờ quy định thời hạn hoàn thành thủ tục giao đất 30 ngày hay 60 ngày là vấn đề phải tính toán. Hiện nay tỉnh mời các đơn vị tư vấn thẩm định giá đất nhưng họ không dám làm bởi vì có quá nhiều rủi ro. Vấn đề thứ hai là đấu giá đất, đấu thầu đất, để tránh rủi ro, cần tạo ra quỹ đất sạch và các dự án dịch vụ thương mại phải đấu giá nhằm minh bạch giá đất tham gia phát triển kinh tế-xã hội.

12 tinh, thanh pho gop y cu the vao Du thao Luat Dat dai sua doi hinh anh 2

Đại diện tỉnh Hà Tỉnh phát biểu tại Hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)

Hầu hết các đại biểu nêu lên việc nên bỏ thời điểm xác định giá đất, bỏ giá đất cụ thể. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến cho rằng, theo Dự thảo Luật vẫn còn tồn tại 2 loại giá: Bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp tại khoản 1, Điều 155 của dự thảo, do đó cần nghiên cứu bỏ giá đất cụ thể. Nguyên nhân, theo dự thảo Luật, nguyên tắc xác định giá là phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường quyền sử dụng đất trong điều kiện bình thường; mặt khác giá đất được xây dựng hàng năm và áp dụng từ ngày 1 tháng 1 hàng năm. Bên cạnh đó, hiện nay đa số thông tin về giá trên hợp đồng chuyển nhượng khác với giá chuyển nhượng thực tế (thường thấp hơn nhiều), do đó thiếu cơ sở pháp lý để thẩm định giá đất cụ thể, tại một thời điểm cụ thể…

Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định việc sửa đổi Luật Đất đai là rất cần thiết nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế, phát huy nguồn lực đất đai đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Luật Đất đai sửa đổi nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện hội nhập quốc tế; giải quyết chồng chéo, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn; tăng cường quản lý đất đai về diện tích, chất lượng, giá trị kinh tế... hài hòa quyền, lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư; thúc đẩy thương mại hóa quyền sử dụng đất, phát triển thị trường bất động sản lành mạnh; phát huy nguồn lực đất đai, tạo động lực để nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao…

Đánh giá cao sự chủ động của các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung trong việc hướng dẫn, tổ chức các hội nghị lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) thời gian qua, Phó Thủ tướng cho rằng thời gian đóng góp còn lại không nhiều nên các địa phương cần làm tốt hơn nữa việc truyền thông rộng rãi để người dân biết, nắm bắt, góp ý nhằm hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi của hệ thống pháp luật.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao cơ quan soạn thảo dự án luật tiếp thu, nghiên cứu, tổng hợp các nội dung đóng góp phù hợp thực tiễn và được đông đảo nhân dân quan tâm để trình cấp có thẩm quyền xem xét, bổ sung vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)…./.

TTXVN


Nguồn: Tạp chí Tuyên giáo
Thống kê truy cập
Hôm nay : 44
Hôm qua : 1.467
Tháng 10 : 34.388
Năm 2024 : 837.365