A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Những loại quả giải nhiệt, trị say nắng

Dưa hấu, dưa gang 90% trọng lượng là nước, còn xoài, cam chanh bưởi giàu vitamin C, có thể giải nhiệt, trị say nắng nóng hiệu quả. Bác sĩ Huỳnh Tấn Vũ, Khoa Y học Cổ truyền, Đại học Y Dược TP HCM, cho biết mùa nắng nóng oi bức khiến cơ thể dễ mất nước, khô miệng, mệt mỏi.

Bác sĩ giới thiệu những loại trái cây giải nhiệt ngày hè hiệu quả, bao gồm:

Dưa hấu

Theo Đông y, dưa hấu vị ngọt nhạt, tính hàn, có tác dụng thanh nhiệt giải khát, trị say nắng, say nóng hiệu quả. Theo y học hiện đại, dưa hấu hàm lượng nước cao, là nguồn hydrat hóa tốt nhất, cung cấp nước giải nhiệt cho cơ thể. Dưa hấu còn chứa các chất dinh dưỡng, vitamin, khoáng chất có đặc tính chống viêm, chống ung thư, chất chống oxy hóa.

Dưa hấu có thể sử dụng tươi hoặc ép lấy nước uống. Tuy nhiên, bác sĩ lưu ý không nên ăn quá nhiều, hoặc ăn nhiều lần trong ngày, nhất là người rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, người có vấn đề về thận.

Bảo quản dưa trong môi trường thoáng mát nhiệt độ phòng. Dưa hấu đã cắt ra mà chưa sử dụng hết thì nên bọc bằng màng bọc thực phẩm hoặc hộp kín, bảo quản trong môi trường lạnh để chống nhiễm khuẩn và giữ được độ tươi ngon.

Dưa gang

Theo Đông y, dưa gang tính lạnh, tác dụng giải khát, thông khí, lợi tiểu, có thể ngừa cảm nắng trong những ngày nóng bức. Dưa gang chứa 90% là nước, có các chất điện giải như kali, magie, natri và canxi, giúp cung cấp nước, làm mát cho cơ thể. Dưa cũng rất giàu chất dinh dưỡng, chất xơ và các hợp chất thực vật tốt, giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, hỗ trợ cải thiện đường huyết, duy trì xương và răng chắc khỏe.

Nên chọn dưa gang vỏ mỏng, to, tròn, cầm nặng tay, ấn nhẹ thấy dưa mềm và có mùi thơm thoang thoảng là dưa ngon. Những quả chín và có dấu hiệu rạn trên vỏ thường ngon và ngọt nhất. Không nên chọn quả đã nứt vỡ, dễ bị úng, hỏng bên trong.

Ăn nhiều dưa gang dễ gây đau bụng. Vì vậy người mới khỏi bệnh và tỳ vị hư hàn nên kiêng ăn.

Dưa hấu, dưa gang chứa hàm lượng nước cao, giúp giải khát, trị say nắng, say nóng. Ảnh: Health.harvard

Dưa hấu, dưa gang chứa hàm lượng nước cao, giúp giải khát, trị say nắng, say nóng. Ảnh: Health.harvard

Xoài

Theo Đông y, quả xoài chín vị ngọt, chua, tác dụng có ích dạ dày, thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu. Xoài chứa nhiều chất xơ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa, lượng vitamin C dồi dào giúp tăng cường hệ miễn dịch, giảm viêm và giúp duy trì làn da khỏe mạnh. Đặc tính chống oxy hóa và chống viêm mạnh của xoài có thể giúp cơ thể giảm nguy cơ mắc bệnh lý mùa nóng.

Không nên ăn quá nhiều xoài, nhất là người có vấn đề về tiêu hóa, người mắc bệnh tiêu chảy. Không nên ăn xoài khi đói vì lượng vitamin C cao có thể gây kích thích dạ dày, làm tăng tiết dịch vị. Người bị đái tháo đường cần hạn chế ăn xoài. Người bị nóng trong, cơ địa mẫn cảm hay dị ứng, nổi mụn, nên uống nhiều nước và tăng cường rau xanh khi ăn xoài.

Cam, bưởi, chanh

Cam, chanh, bưởi, quýt là các loại quả có múi, tính mát, hàm lượng nước cao và lượng vitamin C dồi dào giúp giảm cảm giác khát và tăng cường khả năng miễn dịch. Chúng được chế biến thành nhiều thức uống thanh mát dưới dạng sinh tố, nước ép để giữ cho cơ thể mát mẻ, tràn đầy năng lượng và khỏe mạnh trong mùa hè.

Cam vị ngọt, tính mát, tác dụng thanh nhiệt. Nước cam thơm ngon, bổ dưỡng, có thể kết hợp với các loại củ, trái cây khác để pha chế thành nước ép, thêm đường để dễ uống và không hại dạ dày.

Chỉ nên uống một cốc mỗi ngày, tương ứng khoảng 200 ml. Phụ nữ có thai có thể uống nhiều hơn nhưng nên chia ra nhiều lần uống. Trẻ em uống nửa quả cam một ngày là đủ. Người bị viêm loét dạ dày, tá tràng, viêm tuyến tụy, hay bệnh thận nên hạn chế ăn cam. Không nên ăn cam khi đói, ngay khi ăn no hoặc ngay trước và sau khi uống sữa.

Bưởi chứa lượng vitamin C dồi dào. Ăn nửa quả bưởi có thể cung cấp 50% lượng vitamin khuyến nghị hàng ngày cho cơ thể. Quả cũng giàu vitamin A, chất xơ và các chất chống oxy hóa, giúp nâng cao sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch, phục hồi cơ thể nhanh hơn sau khi bị cảm.

Có thể ăn trực tiếp hoặc làm nước ép bưởi, mang lại cảm giác thanh mát cho ngày hè. Nước ép bưởi có thể tương tác với một số thuốc như kháng sinh, thuốc ức chế miễn dịch, benzodiazepines, thuốc chống lo âu, một số thuốc statin, nên lưu ý không dùng chung nước ép bưởi với các thuốc này.

Chanh vị chua ngọt, tính bình, tác dụng thanh nhiệt, giải khát, có thể dùng trong các trường hợp cảm nắng, mất nước, khát nước, vật vã kích động, bị nhiệt miệng, ăn kém.

Quả chanh là nguồn vitamin dồi dào, chứa hàm lượng lớn vitamin C, chất chống oxy hóa và các chất dinh dưỡng, giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa, giảm tình trạng mệt mỏi, cân bằng nước và điện giải, duy trì độ ẩm và tính đàn hồi cho da trong những ngày nắng nóng. Nước chanh là loại nước giải khát rẻ tiền, dễ mua lại dễ làm.

Thúy Quỳnh


Nguồn: Vnexpress
Thống kê truy cập
Hôm nay : 838
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 25.668
Năm 2025 : 25.668