Nguy hại của “bè phái và lợi ích nhóm”
(ĐCSVN) – Nguy hại của hiện tượng “bè phái và lợi ích nhóm” không nhỏ, nó là nguyên nhân đẻ ra những căn bệnh “thao túng, lạm quyền, lộng quyền, xu nịnh…" của cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không ít lần cảnh báo về những nguy hại của hiện tượng này.
Hình minh họa. (Nguồn: thanhtra.com.vn) |
Có lần, trong câu chuyện trà dư, tửu hậu, sau những chuyện trên trời, dưới biển…, ấy thế rồi chẳng hiểu đầu đuôi thế nào mà câu chuyện “bè phái và lợi ích nhóm” liên quan đến cán bộ, đảng viên lại rôm rả đến thế. Anh bạn tôi được thể “chém gió phần phật”: “Ui trời, tưởng gì to tát chứ chuyện “chia bè, kết cánh” hay “bè phái và lợi ích nhóm” có gì mới lạ đâu, ở đâu chả có. Để tôi chỉ cho các ông xem nhé, anh bạn tôi thao thao bất tuyệt: Các ông cứ nhớ lại xem, nhìn từ các vụ án, vụ việc liên quan đến cán bộ, đảng viên được báo chí truyền thông nói ra rả lâu nay, nhất là các vụ án tiêu cực, tham ô, tham nhũng… vụ nào ít nhiều chả liên quan đến “bè phái và lợi ích nhóm”, “cánh hẩu”, chả thế mà hễ có sai phạm là cả “nhóm lợi ích”, “cả dây” đều bị xử lý đấy thôi, có ông nào thoát đâu, có ông nào “ăn” được một mình đâu..., các ông cứ soi lại mà xem nhé!
Ừ nhỉ, ông bạn tôi nói cũng có cái lý của nó đấy chứ! Nếu chúng ta theo dõi thông tin báo chí, truyền thông thì không khó để nhận biết về những biểu hiện câu kết, móc nối, móc ngoặc của các “nhóm lợi ích” từ các đại án tham nhũng điển hình sai phạm trong các lĩnh vực như: Việt Á, AIC, Cục Đăng kiểm Việt Nam, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB… kéo theo số lượng không nhỏ cán bộ, đảng viên bị kỷ luật, khởi tố, bắt giam.
Cụ thể, vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đây là vụ án điển hình sai phạm trong lĩnh vực y tế. Cơ quan chức năng đã khởi tố, điều tra 33 vụ án, 133 bị can. Trong đó, có 3 Ủy viên Trung ương Đảng là bộ trưởng, nguyên bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy; 1 thứ trưởng, 1 trợ lý Phó Thủ tướng Chính phủ và nhiều cán bộ cấp vụ, cục, lãnh đạo các tổ chức, cơ sở y tế địa phương…
Vụ án liên quan đến Công ty AIC - điển hình sai phạm trong thao túng đấu thầu, đấu giá, vụ án này, đã khởi tố 04 vụ án, 71 bị can, trong đó đã xử lý hình sự 2 nguyên bí thư tỉnh ủy, 2 nguyên chủ tịch tỉnh và nhiều cán bộ diện tỉnh ủy quản lý và cơ quan chức năng vẫn đang tiếp tục mở rộng điều tra.
Vụ án Vạn Thịnh Phát là vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB - điển hình sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng, dùng ngân hàng để làm sân sau cho doanh nghiệp, trong hệ sinh thái. Trong đại án này, đã khởi tố 3 vụ án, 108 bị can, trong đó có 23 bị can là lãnh đạo cấp vụ, cục, cán bộ các cơ quan thanh tra, kiểm toán, thanh tra giám sát ngân hàng và lãnh đạo thanh tra, ngân hàng một số địa phương.
Vụ án xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam và các trung tâm đăng kiểm địa phương - điển hình cho sai phạm có tính hệ thống, kéo dài, các cơ quan đã khởi tố 114 vụ án/808 bị can tại 49 địa phương, nhiều cán bộ, đảng viên liên quan bị bắt giam…
Qua những vụ án điển hình trên, phần nào cũng nói lên những biểu hiện “bè phái và lợi ích nhóm” trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên. Tất nhiên không hẳn cán bộ, đảng viên hễ cứ sai phạm thì đều liên quan đến “bè phái và lợi ích nhóm”. Nhưng nhìn vào các vụ án với số lượng cán bộ, đảng viên bị xử lý cho thấy khá rõ việc câu kết, móc nối, móc ngoặc của các phần tử trên - dưới, trong - ngoài để chia chác lợi ích do tiêu cực mà có. Không phải là tất cả, nhưng có lẽ những mảnh đất màu mỡ mà đám sâu mọt đục khoét tiền của của Nhà nước, của Nhân dân không dễ để hành động một mình, chúng phải có bầy đàn, câu kết thành “bè phái và lợi ích nhóm”. Xâu chuỗi từ các vụ án, cơ bản các hành vi tiêu cực, tham ô, tham nhũng đều được phân chia bởi “bè phái và nhóm lợi ích”. Đây là một thực tế hiện hữu và có nguy cơ biến tướng với thủ đoạn ngày càng tinh vi hơn.
“Bè phái và lợi ích nhóm” thật là nguy hại… Nhiều người đặt câu hỏi, liệu những cán bộ, đảng viên trước khi mắc những sai lầm, sai phạm có biết điều này? Thiết nghĩ, người ta biết thì biết cả đấy, biết là sai phạm nhưng đôi khi họ lại cứ tặc lưỡi, “ngậm miệng ăn tiền” hoặc vì những lợi ích cá nhân khác mà câu kết bè phái để chia chác… Tục ngữ có câu: “sợ người ở phải, hãi người cho ăn” để cảnh tỉnh người đời luôn phải cẩn trọng trong đối nhân xử thế, đứng trước những mối lợi, không thể không suy xét thấu đáo, cho dù đơn giản chỉ là miếng ăn. Tiếc thay, ngày nay, dường như những răn dạy của cổ nhân đã bị lãng quên với nhiều người. Vì thế mới có chuyện trớ trêu cho cán bộ, đảng viên bị rơi vào tình thế “há miệng mắc quai”, chỉ đến khi những sai phạm bị phát giác thì những cán bộ, đảng viên này mới tỏ ra ăn năn, hối hận… nhưng cũng đã quá muộn màng.
Có lẽ câu chuyện “bè phái và lợi ích nhóm” đã, đang tồn tại trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là biểu hiện không còn xa lạ với nhiều người. Theo quan điểm của anh bạn tôi: “Không nói xa xôi, ngay trong mỗi gia đình, đôi khi còn chia bè, kết cách huống chi là ở tập thể, cơ quan nọ, tổ chức kia cũng là chuyện bình thường”. Tuy nhiên, kiểu bè cánh hay nói cách khác là theo “phe này”, “cánh kia” nếu chỉ xoay quanh quan điểm, sở thích giống hoặc khác nhau mà hình thành những nhóm chung sở thích có tính chất tích cực thì nó lại không hề xấu, nó chỉ xấu và rất nguy hại khi chia bè kết cánh nhằm tạo ra “cách hẩu”, “nhóm lợi ích” để thu vén và chia chác lợi ích do tiêu cực mà có, thậm chí là đục khoét bất cứ thứ gì sơ hở của cơ quan, tổ chức, của Nhà nước và Nhân dân…
Trong bất kì tổ chức, cơ quan nào nếu tồn tại “bè phái và lợi ích nhóm” thì ở đó sẽ có nguy cơ mất đoàn kết, đấu đá, cạnh tranh ngầm, thậm chí là dùng mọi thủ đoạn để tạo sự ảnh hưởng, khẳng định vị thế của “phe nhóm lợi ích” cũng như ảo tưởng sức mạnh bản thân, ảo tưởng quyền lực một cách trơ trẽn đến thô thiển. Đây là biểu hiện khá rõ tình trạng “lợi ích nhóm”, “cánh hẩu”, “quyền anh, quyền tôi”, “quyền của phe cánh mình”. Theo đó là “bài toán lợi ích” và tất nhiên nó sẽ bao gồm tất cả những lợi ích mà “phe nhóm lợi ích” có cơ hội chiếm hữu được, từ thông tin, tiền bạc cho đến công tác tổ chức cán bộ… dùng thủ đoạn để “vận động, bao vây, cục bộ…” và những lá phiếu tín nhiệm, bình bầu, quy hoạch cán bộ… chẳng còn khách quan, vô tư, trong sáng như vốn có của bản chất dân chủ.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần lên án “bệnh” kéo bè, kéo cánh và gọi đây là căn bệnh “cánh hẩu” trong Đảng. Người đúc kết: “Bè cánh được lôi kéo từ những người có họ hàng, là bà con, cháu, chắt, thân tín, thậm chí mở rộng ra là người cùng xóm, cùng quê; rồi “chén chú, chén anh”, tung hô nhau, ủng hộ nhau, dùng số đông, lợi dụng và bóp méo nguyên tắc tập trung dân chủ, dồn những người tốt, có tài nhưng không cùng “cánh” xuống để “tiêu diệt”, để cát cứ, thao túng…”
Nguy hại của hiện tượng “bè phái và lợi ích nhóm” không nhỏ, nó là nguyên nhân đẻ ra những căn bệnh “thao túng, lạm quyền, lộng quyền, xu nịnh…” của cán bộ, đảng viên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã không ít lần cảnh báo về những nguy hại của hiện tượng này bằng những câu nói giản dị nhưng vô cùng sâu sắc: “cua cậy càng, cá cậy vây...”. Những cám dỗ về lợi ích, những “viên đạn bọc đường” đã hạ gục không ít những cán bộ, đảng viên mà trước đó họ được cho là những cán bộ, đảng viên trung kiên với những lời thề nguyện cống hiến, trung thành với lợi ích của Đảng, của Đất nước và Nhân dân.
Phải ngăn chặn kịp thời hiện tượng “bè phái và lợi ích nhóm” từ sớm, từ xa, bởi đây cũng là một trong những căn nguyên dẫn đến sự mất niềm tin của Nhân dân đối với Đảng. Hơn ai hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong các cơ quan, tổ chức phải nhận thức sâu sắc về những nguy hại của hiện tượng “bè phái và lợi ích nhóm”; nhất định không để lợi ích cá nhân chi phối, tác động để rồi chủ động hoặc vô tình biến mình thành kẻ “câu kết bè phái” lúc nào không hay; nhất định không để bản thân rơi vào vòng xoáy lợi ích mà quên đi bổn phận trách nhiệm của người đảng viên trước Đảng, trước Đất nước và Nhân dân./.
Khắc Trường