A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Định hướng tuyên truyền tháng 12 Ban Tuyên giáo Trung ương

1. Tập trung tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ Sáu, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Ban Tuyên giáo các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương, Trung ương các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng hướng dẫn, kế hoạch tuyên truyền, tham mưu với cấp ủy tổ chức các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt các nghị quyết gắn với việc triển khai chương trình hành động của cấp ủy đảm bảo thiết thực, hiệu quả. Chỉ đạo các cơ quan trong binh chủng tư tưởng đẩy mạnh tuyên truyền những nội dung cơ bản của các nghị quyết, kết luận tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội để triển khai tổ chức thực hiện thắng lợi các nghị quyết, kết luận.

2. Tuyên truyền kết quả Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV

Tập trung tuyên truyền sâu rộng kết quả Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV đến được đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Trong tuyên truyền nhấn mạnh các dự án luật khi xây dựng dự thảo còn có ý kiến băn khoăn, ý kiến khác nhau, nhưng đã được các đại biểu Quốc hội xem xét, tranh luận, phân tích và nhất trí thông qua tại Kỳ họp, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân khi triển khai thực hiện.

3. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền kết quả tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2022

- Tập trung tuyên truyền về tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; phản ánh nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và các cấp, các ngành trong việc hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2022.

- Thông tin, tuyên truyền, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá và công tác điều hành giá của Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá, nhất là diễn biến giá cả các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế gia tăng lạm phát kỳ vọng, ổn định tâm lý người tiêu dùng và doanh nghiệp.

Trong đó, nhấn mạnh các yêu cầu của Chính phủ tại Thông báo số 333/TB-VPCP, ngày 25/10/2022 của Văn phòng Chính phủ:

Trong những tháng còn lại của năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh, chú trọng tập trung theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp; cập nhật sát tình hình cung cầu trong nước để có chỉ đạo dự phòng tại địa phương đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu trong nước. Điều hành chính sách tiền tệ theo mục tiêu đề ra phối hợp với chính sách tài khóa và các chính sách khác để góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đối với những mặt hàng nhà nước quản lý, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường (như dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục, điện). Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công Thương và các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá để triển khai điều chỉnh vào thời điểm phù hợp với quy định và bối cảnh chung.

Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm tổ chức, theo dõi sát diễn biến cung - cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thuộc lĩnh vực quản lý tại từng thời điểm để có biện pháp điều hành phù hợp; chủ động tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, trong lưu thông để chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ, bình ổn giá cả thị trường nhất là dịp cuối năm 2022 và dịp Tết Nguyên đán năm 2023, ưu tiên đảm bảo nguồn cung, đảm bảo cân đối cung - cầu thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu như: xăng dầu, lương thực, thực phẩm (thịt lợn, thịt gia súc, gia cầm tươi sống), vật liệu xây dựng, dịch vụ vận tải, các hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm. Bộ Công Thương, Bộ Tài chính theo chức năng, nhiệm vụ được giao bám sát tình hình thị trường xăng dầu trong nước và quốc tế để triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành ổn định, hiệu quả; bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng của doanh nghiệp và người dân. Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá.

Các bộ, ngành, địa phương sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường; tăng cường triển khai hiệu quả và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục những điểm còn hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá; giám sát chặt chẽ biến động giá các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng vẫn có biến động tăng giá trong bối cảnh giá xăng dầu giảm để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn giá phù hợp.

4. Tuyên truyền về công tác đối ngoại các sự kiện quốc tế quan trọng

- Tuyên truyền các hoạt động đối ngoại và tham dự hội nghị quốc tế quan trọng của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước:

+ Tập trung tuyên truyền sâu rộng ý nghĩa, kết quả Chuyến thăm và công tác của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước: (1) Chuyến thăm chính thức Trung Quốc của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ ngày 30/10 - 01/11/2022; (2) Chuyến thăm chính thức Vương quốc Thái Lan và tham dự Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 29 từ ngày 16 - 19/11/2022 của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc; (3) Chuyến thăm chính thức Vương quốc Campuchia, dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 từ ngày 08 - 13/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

+ Tuyên truyền khẳng định, các chuyến thăm là sự cụ thể hóa, triển khai tích cực, mạnh mẽ đường lối đối ngoại của nước ta đã được thông quan tại Đại hội XIII của Đảng: Việt Nam tiếp tục kiên trì đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ vì hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng. Tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn và các đối tác quan trọng; xử lý hài hòa, cân bằng quan hệ giữa các nước.

+ Tuyên truyền nhấn mạnh, Việt Nam tham gia chủ động, tích cực, đóng góp có trách nhiệm tại Hội nghị cấp cao ASEAN và các hội nghị liên quan; đề cao cách tiếp cận cân bằng, hài hòa trong các vấn đề khu vực và quốc tế, củng cố vai trò trung tâm và phát huy trách nhiệm, tiếng nói của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và phát triển. Việt Nam được nhìn nhận đóng vai trò cầu nối, giúp thu hẹp khác biệt và gia tăng điểm đồng thuận nội bộ Hiệp hội, cũng như giữa ASEAN với các đối tác. Tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, kể từ năm 1997, ASEAN+3 từng bước trở thành một động lực trong hợp tác của ASEAN với các Đối tác, hướng tới một Đông Á hòa bình, ổn định, phát triển bền vững và thịnh vượng. Trong bối cảnh hiện nay, ASEAN+3 cần đi đầu, kiên định với chủ nghĩa đa phương, tự do hoá thương mại, mở cửa cho tất cả mọi cơ hội, kết nối ở mọi khía cạnh và cân bằng về mọi lĩnh vực. Thủ tướng đánh giá cao sự hợp tác chống dịch hiệu quả của ASEAN+3 trong hơn 2 năm qua, nhất là sự hỗ trợ vaccine và các trang thiết bị y tế của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đối với các nước ASEAN…

+ Trong tuyên truyền, cần tăng cường công tác đấu tranh phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về mục đích, ý nghĩa, kết quả Chuyến thăm làm ảnh hưởng đến mối quan hệ láng giềng hữu nghị truyền thống Việt Nam - Trung Quốc; quan hệ láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài Việt Nam - Campuchia.

- Về quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ, trong tuyên truyền cần nhấn mạnh, trên tinh thần gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần khẳng định, hai nước đã rất nỗ lực thúc đẩy quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Hoa Kỳ phát triển năng động và ngày càng sâu rộng trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Hợp tác trong các lĩnh vực ngày càng thực chất và hiệu quả.

- Tuyên truyền về Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Đại hội XX Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện chính trị trọng đại đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, có tác động to lớn đến cục diện thế giới, khu vực và quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, công tác tuyên truyền cần làm nổi bật sự coi trọng của Đảng ta đối với Đại hội XX và đối với quan hệ Việt Nam - Trung Quốc.

5. Tuyên truyền kỷ niệm các ngày lễ lớn, sự kiện chính trị quan trọng

- Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Võ Văn Kiệt, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (23/11/1922 - 23/11/2022): Tuyên truyền nhấn mạnh những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Văn Kiệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là tư duy chiến lược, quyết tâm đổi mới, tác phong sâu sát, quyết đoán, luôn tìm tòi, trăn trở trong quá trình hoạch định và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo.

- Tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Tây Bắc 1952 (10/12/1952 - 10/12/2022), nhấn mạnh: Chiến thắng Tây Bắc là một sự kiện quan trọng trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự chỉ đạo sáng suốt, tài tình của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, là cơ sở để Đảng ta tiếp tục đề ra những chủ trương chiến lược, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta ngày càng phát triển và đi đến thành công.

- Tuyên truyền kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (tháng 12/1972 - 12/2022), nhằm góp phần giáo dục, nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và Nhân dân về tầm vóc, ý nghĩa lịch sử, bài học kinh nghiệm của Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; qua đó cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phát huy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, ý chí kiên cường, sáng tạo, tự lực tự cường, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, chung sức, đồng lòng, góp phần sớm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

- Kỷ niệm 202 năm Ngày sinh Ph. Ăng-ghen (28/11/1820 - 28/11/2022):  Tập trung tuyên truyền tôn vinh, tri ân công lao, đóng góp vĩ đại của Ph. Ăng-ghen đối với kho tàng lý luận của nhân loại và phong trào công nhân, cách mạng vô sản thế giới; khẳng định sự kiên định vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương


Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.680
Hôm qua : 3.447
Tháng 05 : 16.434
Năm 2024 : 315.848