A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông

Tài liệu phục vụ sinh hoạt chuyên đề tháng 8,9/2023

I- MỘT SỐ QUY ĐỊNH KHI THAM GIA GIAO THÔNG

1. Trách nhiệm chung của cán bộ, đảng viên

- Cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu trước nhân dân trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; hiện nghiêm quy định tại Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia; gương mẫu thực hiện nghiêm quy định đã uống rượu, bia không lái xe; xử lý nghiêm cá nhân, tập thể vi phạm và trách nhiệm của người đứng đầu, tập thể liên quan. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông, nhất là đối với cán bộ, đảng viên, cán bộ được giao trách nhiệm trực tiếp. Cán bộ giữ vị trí càng cao phải càng gương mẫu.

- Chấp hành nghiêm chỉnh Luật giao thông đường bộ, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, quy định của Nhà nước về đảm bảo trật tự an toàn giao thông; Tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.

2. Quy định khi tham gia giao thông bằng xe ôtô (Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ, ngày 30/12/2019 (Sửa đổi bổ sung một số điều tại Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2021):

- Phải nghiêm chỉnh chấp hành hướng dẫn của người điều khiển giao thông, hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, hiệu lệnh của người kiểm soát giao thông. Đặc biệt khi đi qua khu vực ùn tắc giao thông các phương tiện phải chấp hành theo hướng dẫn của người điều khiển giao thông, không được dừng, đỗ xe trái quy định làm cản trở giao thông.

- Điều khiển phương tiện đi đúng phần đường, làn đường quy định; chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và phải đảm bảo an toàn.

- Khi chuyển hướng rẽ hoặc vượt xe phải có tín hiệu báo trước, chỉ được vượt, chuyển hướng khi có đủ điều kiện an toàn.

- Chấp hành các quy định về dừng, đỗ xe và quay đầu xe.

- Đã uống rượu, bia thì không lái xe.

- Chấp hành nghiêm các quy định về tốc độ xe chạy trên đường và phải giữ khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước của mình.

- Tuân thủ các nguyên tắc an toàn, không chở quá khổ, quá tải và quá số lượng người theo quy định.

3. Quy định khi tham gia giao thông bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện  (Nghị định 100/2019, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2021):

- Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện phải có đăng ký và gắn biển kiểm soát theo quy định.

- Chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và người điều khiển giao thông.

- Phải đội mũ bảo hiểm và cài quai đúng quy cách.

- Điều khiển xe đi đúng phần đường, làn đường quy định, không đi vào đường cấm.

- Không dừng, đỗ xe, tụ tập dưới lòng đường, hè phố sai quy định.

- Phải có tín hiệu báo hướng rẽ khi chuyển hướng, chú ý quan sát để đảm bảo an toàn.

- Không chở quá số người sai quy định.

- Không lạng lách đánh võng trên đường.

4. Quy định đi bộ khi tham gia giao thông (Nghị định 100/2019, Nghị định 123/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 28/12/2021):

- Phải đi bộ trên hè phố, lề đường, nếu không có hè phố, lề đường thì đi sát mép đường.

- Không vượt qua dải phân cách.

- Không chạy đột ngột qua đường gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông khác.

5. Quy định khi tham gia giao thông đường thủy (Luật giao thông đường thuỷ nội địa năm 2004, sửa đổi bổ sung năm 2014; Nghị định 139/2021/NĐ-CP, ngày 31/12/2021 của Chính phủ), cụ thể:

- Trước khi phương tiện đường thủy di chuyển cần mặc áo phao đúng quy định.

- Chỉ lên tàu, thuyền khi có đủ chỗ cho mình ngồi. Không chen lấn, xô đẩy, đùa nghịch gây mất cân bằng của phương tiện đường thủy khi đang di chuyển.

- Ngồi trật tự tại chỗ của mình, nghiêm túc và tuyệt đối tuân thủ theo những quy định an toàn trên phương tiện đường thuỷ, không thò tay, chân ra ngoài cửa sổ, không nghịch các thiết bị trên phương tiện đường thuỷ.

- Trong trường hợp phát sinh các sự cố cần phải sử dụng các dụng cụ nổi hoặc dụng cụ hỗ trợ cứu sinh, tuyệt đối tuân theo hướng dẫn của thuyền trưởng, không được hoảng loạn cũng như làm mất bình tĩnh của người đi cùng.

- Chỉ rời phương tiện đường thuỷ khi có hướng dẫn của thuyền trưởng hoặc thành viên khác được giao nhiệm vụ.

II- CHẾ TÀI XỬ LÝ KHI VI PHẠM GIAO THÔNG

1. Quy định mức xử phạt đối với một số lỗi vi phạm thường gặp (tại Nghị định 100/2019/NĐ ngày 30/12/2019 của Chính phủ).

1.1. Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự ô tô

- Hành vi chuyển hướng không nhường đường cho: Các xe đi ngược chiều; người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang qua đường tại nơi không có vạch kẻ đường cho người đi bộ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng.

- Hành vi dừng xe, đỗ xe trên phần đường xe chạy ở đoạn đường ngoài đô thị nơi có lề đường rộng; dừng xe, đỗ xe không sát mép đường phía bên phải theo chiều đi ở nơi đường có lề đường hẹp hoặc không có lề đường; dừng xe, đỗ xe ngược với chiều lưu thông của làn đường; dừng xe, đỗ xe trên dải phân cách cố định ở giữa hai phần đường xe chạy; đỗ xe trên dốc không chèn bánh; mở cửa xe, để cửa xe mở không bảo đảm an toàn bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng.Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm trên mà gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Hành vi không thắt dây an toàn khi điều khiển xe chạy trên đường; chở người trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

- Hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng.

- Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng. Ngoài ra, còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

- Hành vi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 tháng đến 24 tháng.

1.2. Xử phạt người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự

- Hành vi không có báo hiệu xin vượt trước khi vượt bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

- Hành vi chở người ngồi trên xe sử dụng ô (dù) bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, nếu gây tai nạn giao thông thì người sử dụng xe bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Hành vi không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách khi điều khiển xe tham gia giao thông trên đường bộ và chở người ngồi trên xe không đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” hoặc đội “mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy” không cài quai đúng quy cách, trừ trường hợp chở người bệnh đi cấp cứu, trẻ em dưới 06 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

- Hành vi chở theo 03 người trên xe trở lên bị phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Hành vi điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng.

- Người đang điều khiển xe sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 tháng đến 3 tháng; nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 02 tháng đến 04 tháng.

- Hành vi điều khiển xe trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 10 tháng đến 12 tháng.

1.3. Xử phạt người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện)

- Hành vi không đi bên phải theo chiều đi của mình, đi không đúng phần đường quy định; dừng xe đột ngột; chuyển hướng không báo hiệu trước bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng.

- Hành vi dùng xe đẩy làm quầy hàng lưu động trên đường, gây cản trở giao thông bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng

- Hành vi không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông; không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.

- Người điều khiển xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy hoặc đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000.

- Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện) trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng.

2. Chế tài xử lý bổ sung đối với cán bộ, đảng viên vi phạm

Ngày 19/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, trong đó chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT); cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông đều bị xử lý nghiêm. Cụ thể:

- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác đảm bảo TTATGT trên địa bàn phụ trách.

- Xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong vi phạm quản lý.

- Tất cả các vụ tai nạn giao thông gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra phải được xem xét, cá thể hóa, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan.

- Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đảm bảo TTATGT.

- Tăng cường thanh tra, điều tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, sai phạm, tiêu cực của các cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông, lực lượng thực thi pháp luật về giao thông, chính quyền địa phương và lực lượng khác có liên quan đến đầu tư xây dựng, quản lý hành lang an toàn giao thông.

- Trong quá trình xử lý các vi phạm pháp luật về giao thông phải tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, tất cả các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

- Nghiêm cấm cán bộ, đảng viên can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng; nghiêm cấm lực lượng chức năng “xuê xoa”, bỏ qua trong xử lý vi phạm dưới mọi hình thức.

- Mọi cán bộ, đảng viên vi phạm giao thông phải được thông báo về cơ quan, đơn vị để xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, của từng ngành, cơ quan, đơn vị.

- Cương quyết khởi tố, điều tra, xử lý nghiêm các vụ tai nạn giao thông có dấu hiệu tội phạm và đối tượng chống người thi hành công vụ theo đúng quy định của pháp luật.

- Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm toàn diện về công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn phụ trách.

- Yêu cầu xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương nếu để tình hình TTATGT xảy ra phức tạp trên địa bàn do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý.

III- MỘT SỐ NHIỆM VỤ CẦN QUÁN TRIỆT SÂU SẮC

Để việc gương mẫu thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông trong thời gian tới của cán bộ, đảng viên, các chi bộ đảng cần quán triệt thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, cấp ủy, chính quyền các cấp tổ chức học tập, quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới và Chỉ thị 10/CT-TTg, ngày 19/4/2023 về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới và các văn bản chỉ đạo của tỉnh về đảm bảo TTATGT tại tổ chức đảng một cách thiết thực, đạt hiệu quả.

Hai là, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, chấp hành các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước về đảm bảo TTATGT. Xem đây là nhiệm vụ quan trọng và trách nhiệm cần phải thực hiện thường xuyên, liên tục.

Ba là, nêu cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực tuyên truyền, vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm TTATGT và bản thân mỗi cá nhân chủ động, tự giác chấp hành pháp luật, ủng hộ, cổ vũ những tấm gương về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Triển khai cho cán bộ, đảng viên ký cam kết không vi phạm luật giao thông đường bộ.

Bốn là, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm pháp luật về giao thông, gây cản trở, tác động vào quá trình xử lý vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng. Kịp thời nắm bắt, xác minh, tiến hành xử lý hình thức Đảng đối với những trường hợp có dấu hiệu tội phạm theo quy định Điều lệ Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Năm là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống phương tiện truyền thông đại chúng như báo, đài, truyền thanh, truyền hình và các trang mạng xã hội… để tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó, cần tiếp tục thực hiện các hình thức truyền thống như: Tổ chức các hội thi bằng hình thức sân khấu hóa, tổ chức các lớp tập huấn, các buổi tọa đàm... để tuyên truyền.

Sáu là, cán bộ, đảng viên cần phát huy vai trò là một tuyên truyền viên ở cơ sở để truyền đạt, hướng dẫn cho người dân tại cơ sở, nhất là ở các vùng nông thôn, miền núi tham gia giao thông đúng pháp luật. Đồng thời là một tấm gương sáng trong thực hiện các quy định về trật tự an toàn giao thông để mọi người học tập, noi theo.

                           BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY HÀ GIANG


Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.083
Hôm qua : 4.812
Tháng 05 : 35.245
Năm 2024 : 334.659