A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Công tác tuyên giáo cơ sở với việc phòng, chống tác hại thuốc lá

Thời gian qua, những kết quả đạt được, việc triển khai Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá tại địa phương cũng gặp một số khó khăn, đó là vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ về những tác hại của việc hút thuốc lá trong nhà, nơi công cộng và địa điểm cấm hút thuốc lá hoàn toàn. Kiến thức về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của người dân còn chưa cao...

Thuốc lá là một trong những nguyên nhân của nhiều loại bệnh tật nguy hiểm đối với con người, trong đó có ung thư phổi, nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch và các bệnh về hô hấp... Xây dựng môi trường không khói thuốc sẽ đem lại rất nhiều lợi ích nhằm bảo vệ người không hút thuốc lá và cả người hút thuốc lá.

Khói thuốc lá chứa 7.000 chất hoá học trong đó có khoảng 69 chất gây ung thư, đặc biệt nguy hiểm nhất là nicotin. Nicotin dưới dạng tinh khiết đó là một chất lỏng trong suốt, có mùi khó chịu và vị đắng, dễ tan trong nước và dễ dàng xâm nhập vào cơ thể qua đường miệng, hô hấp, thậm chí qua cả da.

Có thể khẳng định rằng, hút thuốc lá có hại cho sức khoẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ người hút thuốc lá đang có xu hướng tăng lên, đặc biệt ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Thuốc lá gây ra nhiều thảm họa về môi trường

Đầu lọc thuốc lá gây ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo các chuyên gia, công tác phòng, chống thuốc lá ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn vì thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, giá thuốc lá còn rẻ, tỷ lệ hút thuốc trong nam giới còn rất cao, ý thức tuân thủ quy định cấm hút thuốc lá của người dân còn hạn chế; đặc biệt, sự hiểu biết một cách cụ thể về tác hại của khói thuốc lá còn hạn chế, kiến thức chưa đầy đủ… Do đó, công tác tuyên truyền đóng vai trò rất quan trọng và cần được đẩy mạnh. Thực tế tại một số địa phương cho thấy, các nội dung tuyên truyền phòng, chống tác hại thuốc lá đi vào nền nếp đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá đối với bản thân người hút thuốc và những người xung quanh, từ đó, giảm thiểu bệnh tật, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.

Để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong phòng, chống tác hại của thuốc lá và hưởng ứng thông điệp, chủ đề ngày thế giới và tuần lễ quốc gia không thuốc lá, cùng với sự nỗ lực, sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trong hoạt động phòng, chống tác hại của thuốc lá, cần quán triệt các nguyên tắc trong Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Công tác tuyên giáo cơ sở cần tiếp tục triển khai thực hiện các nhiệm vụ: tăng cường công tác tuyên truyền về tác hại của việc sử dụng sản phẩm thuốc lá và các quy định của Luật phòng, chống tác hại thuốc lá, đặc biệt là những nội dung liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của người đứng đầu, trách nhiệm của người hút thuốc, những nơi cấm hút thuốc… cơ quan đơn vị, trường học; tiếp tục đưa nội dung phòng, chống tác hại của thuốc lá vào kế hoạch hoạt động hằng năm, đưa quy định không hút thuốc lá tại nơi làm việc vào quy chế nội bộ của các cơ quan, đơn vị. Trong đó, công tác tuyên truyền cần tập trung một số nội dung sau:

 (1) Tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các văn bản của Chính phủ, ngành chức năng trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá để mọi người nắm chắc, thực hiện nghiêm túc, không vi phạm. Chú trọng tập trung tuyên truyền nội dung: chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá; tác hại của thuốc lá đối với sức khoẻ của người sử dụng, trẻ em, phụ nữ mang thai, người khác chịu ảnh hưởng của khói thuốc lá, môi trường sống và kinh tế - xã hội; tác hại của việc sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá giả và mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng thuốc lá nhập lậu đối với sức khỏe người sử dụng và kinh tế - xã hội; các biện pháp cai nghiện thuốc lá, lợi ích của việc cai nghiện thuốc lá và môi trường sống không có khói thuốc lá; quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong phòng, chống tác hại của thuốc lá.

(2) Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về tác hại thuốc lá đến các tầng lớp nhân dân; nhấn mạnh khi sử dụng thuốc lá sẽ gây ra rất nhiều bệnh cho con người, đặc biệt nguy hiểm trong bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, giảm tỷ lệ người hút thuốc lá.

(3) Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống tác hại của thuốc lá đến các tầng lớp nhân dân. Nhấn mạnh về các giải pháp hướng đến mục tiêu xây dựng một môi trường không khói thuốc trong gia đình, ở các cơ quan, công sở, trường học và ở nơi công cộng.

Nguồn: Ban Tuyên giáo Trung ương


Thống kê truy cập
Hôm nay : 4.112
Hôm qua : 2.987
Tháng 04 : 106.033
Năm 2024 : 294.373