A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Ý thức, trách nhiệm trong kỷ luật phát ngôn

CTTBTG - Hiện nay, bên cạnh phần lớn người dân luôn ý thức gương mẫu, trách nhiệm khi phát ngôn thì đang xuất hiện tình trạng một số người, trong đó có cả cán bộ, công chức có những phát ngôn tùy tiện gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của Ðảng, Nhà nước, đòi hỏi trách nhiệm cao hơn từ các cơ quan chức năng cũng như sự vào cuộc của toàn xã hội để ngăn chặn hiệu quả.

(Hình minh họa)

Cán bộ, công chức là những người làm việc trong các cơ quan của Ðảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, và thực hiện các nhiệm vụ của tổ chức giao. Hoạt động của cán bộ, công chức gắn với quyền lực công hoặc quyền hạn hành chính do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trao cho. Bởi vậy những phát ngôn của họ thường tác động không nhỏ tới đời sống xã hội, tới việc thực thi các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước trong thực tiễn.

Nhận thức được tầm quan trọng đó, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc: "Cán bộ là những người đem chính sách của Ðảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Ðồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Ðảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng".

Người đặt ra yêu cầu người cán bộ phải là người có tư cách đạo đức trong sáng, gương mẫu, miệng nói tay làm để làm gương cho nhân dân. Qua những lời nói của những cán bộ có trách nhiệm, nhân dân cũng noi gương theo Ðảng, tin tưởng và làm theo.Lời dặn dò của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được mọi người dân, cán bộ, công chức thấm nhuần và áp dụng trong thực tiễn. Tuy nhiên, bên cạnh phần lớn người dân, cán bộ, công chức gương mẫu, bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn lắng nghe dân, hết lòng phụng sự nhân dân thì vẫn còn tình trạng một số người, trong đó có cả cán bộ, công chức có những phát ngôn tùy tiện, thiếu chuẩn mực.

Ðôi khi do thiếu kinh nghiệm, do sơ suất, thiếu thông tin hay do ngộ nhận, phát ngôn của họ đã gây ra những dư luận xấu, để lại những hậu quả lâu dài, có thể trở thành "tử huyệt" để các phần tử xấu lợi dụng.

Cùng với đó đang tồn tại tình trạng một số cán bộ, công chức có biểu hiện "hai mặt": Khi ở cơ quan, đơn vị thì phát ngôn và làm theo đúng quan điểm, đường lối của Ðảng, nhưng khi bước ra khỏi cơ quan, đơn vị thì lại có phát ngôn bừa bãi, lệch lạc, đi ngược với lợi ích của quốc gia, dân tộc, của tổ chức nơi đang công tác.

Thậm chí có cá nhân có biểu hiện lợi dụng tự do, dân chủ, phát ngôn tùy tiện, không mang tính xây dựng hoặc sử dụng những thông tin không chính thống, sai sự thật để quy kết, luận bàn thiếu trách nhiệm, thiếu tính xây dựng các vấn đề của đất nước, gây bức xúc dư luận.

Theo số liệu của Ban Tổ chức Trung ương, giai đoạn 2016-2020, gần 8.300 đảng viên có biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị đã bị xử lý kỷ luật. Trong đó, có 477 đảng viên nói và viết không đúng với quan điểm, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nói không đi đôi với làm, hứa nhiều, làm ít; nói một đằng, làm một nẻo; nói trong hội nghị khác, nói ngoài hội nghị khác; nói và làm không nhất quán giữa khi đương chức với lúc về hưu...

Ðặt trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và công nghệ thông tin, mạng xã hội phát triển mạnh mẽ hiện nay, những phát ngôn thiếu chuẩn mực của những cá nhân nêu trên rất dễ có nguy cơ bị các thế lực phản động, thù địch lợi dụng bóp méo, xuyên tạc, khoét sâu vào một số bất cập, hạn chế, bé xé thành to để tấn công Ðảng, Nhà nước và chế độ, gây ra sự hoài nghi, lung lay trong tư tưởng cán bộ, đảng viên, làm giảm sút vai trò lãnh đạo của Ðảng, làm tổn thương tình cảm và suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, đặc biệt là thế hệ trẻ, trở thành một trong những nguy cơ trực tiếp đe dọa sự tồn vong của Ðảng và chế độ.

Nguyên nhân của tình trạng này là do một bộ phận công dân trong xã hội bản lĩnh chính trị không vững vàng, thiếu tu dưỡng, rèn luyện và học tập để chủ nghĩa cá nhân ích kỷ phát triển lấn lướt, nhận thức, giác ngộ về tư tưởng, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước còn yếu kém.

Bên cạnh đó là những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường, cộng với các thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Lợi dụng những khó khăn, yếu kém, sự tha hóa của một số cán bộ, công chức, các thế lực thù địch tìm mọi cách khoét sâu thêm mâu thuẫn, tìm cách làm suy yếu Ðảng, lôi kéo, mua chuộc cán bộ, chia rẽ nội bộ.

Về phía tổ chức đảng, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng ở một số nơi chưa được coi trọng đúng mức, hoạt động kém hiệu quả. Việc học tập, nghiên cứu chỉ thị, nghị quyết, chủ trương, đường lối của Ðảng có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa thật nghiêm túc, chưa truyền đạt được tính khoa học, tính cách mạng, tính thiết thực tới cán bộ, công chức.

Thẳng thắn nhìn vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật, với quan điểm "xây" và "chống", thời gian qua, Ðảng, Nhà nước đã ban hành nhiều quy chế, quy định về kỷ luật phát ngôn, nhất là đối với cán bộ, công chức. Ðảng nhận định thực trạng nêu trên là một trong những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, cùng với đó là nguy cơ từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chỉ là một bước rất ngắn, khiến những đối tượng nêu trên có thể sa vào vũng lầy của người chống Ðảng. Thậm chí có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Ðảng và dân tộc.

Chính vì vậy, sau Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Ðảng; ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ, Quyết định số 37-QÐ/TW ngày 25/10/2021 về những điều đảng viên không được làm, mới đây, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XIII đã ban hành Quyết định số 69-QÐ/TW ngày 6/7/2022 về kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên vi phạm.

Trong đó, Ðiều 28 "Vi phạm quy định tuyên truyền, phát ngôn", chỉ rõ các hành vi: Viết bài, duyệt đăng bài, sao chép, tán phát bài viết, thông tin không chính xác; lợi dụng quyền bảo lưu ý kiến, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, phản biện xã hội để viết bài, trả lời phỏng vấn hoặc sử dụng các phương tiện thông tin, truyền thông, mạng xã hội và các hội, nhóm, câu lạc bộ, diễn đàn để truyền bá quan điểm trái chủ trương, quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước,...

Việc bổ sung những quy định này giúp nhận diện rõ các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức trong tuyên truyền, phát ngôn, phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Từ đó cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh, giữ vững kỷ luật kỷ cương, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Thời gian tới, để giữ vững lòng tin của nhân dân đối với Ðảng, bảo đảm kỷ luật phát ngôn, cần phải tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng, tổ chức vi phạm kỷ luật phát ngôn, Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng.

Bên cạnh việc thực hiện nghiêm các quy định pháp luật, nâng cao vai trò trách nhiệm công dân đối với xã hội, các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải đổi mới hơn nữa nội dung sinh hoạt, thường xuyên đưa cán bộ, công chức, đảng viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao trình độ lý luận chính trị, thường xuyên trau dồi kiến thức lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Kết hợp đẩy mạnh công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường phổ biến, quán triệt, nâng cao ý thức tuân thủ kỷ luật phát ngôn của Ðảng. Lấy giải pháp "xây" làm căn cơ, cần phải siết chặt quy trình công tác cán bộ, sao cho việc bầu cử, phê chuẩn, tuyển dụng, bổ nhiệm được những cán bộ, công chức vừa có đức vừa có tài, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tác phong sâu sát với quần chúng, nói đi đôi với làm, lý luận gắn với thực tiễn, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, hết lòng phụng sự Tổ quốc và nhân dân. Coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, cấp thiết để xây dựng Ðảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Ðồng thời, bản thân mọi công dân trong xã hội, nhất là các cán bộ, công chức phải nâng cao nhận thức, phát ngôn đúng chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn. Ðối với những vấn đề có tính chất phức tạp, vấn đề mới, chuyên môn sâu, được đông đảo dư luận quan tâm, cần phải cẩn trọng, suy nghĩ thấu đáo trước khi phát ngôn.

Cùng với đó cán bộ, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, có ý thức tổ chức kỷ luật, hiểu đúng dân chủ và kỷ luật trong phát ngôn. Chủ động nghiên cứu, học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị, nâng cao "sức đề kháng" trước những tư tưởng sai trái, lệch lạc, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, để không bị suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Ðẩy mạnh tự phê bình và phê bình nhằm góp phần nâng cao năng lực bản thân cũng như ý thức, trách nhiệm của mình đối với xã hội, đất nước./.

TRƯỜNG HÙNG (nhandan.vn)


Nguồn: Tap chí Tuyên giáo
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.263
Hôm qua : 1.805
Tháng 01 : 26.093
Năm 2025 : 26.093