A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Trách nhiệm chính trị người đứng đầu

CTTBTG - Ngày 18-1-2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về việc miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 và cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Nguyễn Xuân Phúc. Trước đó, ngày 17-1-2023, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã họp đồng ý về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Chủ tịch nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026. 

Kỳ họp bất thường lần thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước. Đồng chí được Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị các khoá tín nhiệm phân công giữ nhiều chức vụ lãnh đạo quan trọng của Đảng và Nhà nước. Trên cương vị Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, đồng chí đã có nhiều nỗ lực trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành công tác phòng, chống dịch Covid-19 đạt kết quả quan trọng. Tuy vậy, đồng chí chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để nhiều cán bộ, trong đó có 2 đồng chí phó thủ tướng, 3 bộ trưởng có vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, 2 đồng chí phó thủ tướng đã xin thôi giữ các chức vụ, 2 bộ trưởng và nhiều cán bộ bị xử lý hình sự. Nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân, đồng chí đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu.

 Vậy trách nhiệm chính trị là gì?

Trách nhiệm chính trị là trách nhiệm trước cử tri. Trách nhiệm chính trị được xác lập dựa trên sự tín nhiệm. Và bất tín nhiệm là chế tài duy nhất được thực hiện thông qua hoạt động của cơ quan đại diện cho cử tri - Quốc hội và ở địa phương là hội đồng nhân dân các cấp. Trách nhiệm chính trị là chế độ trách nhiệm đòi hỏi các cán bộ phải được sự tín nhiệm của nhân dân hoặc của những người đại diện cho nhân dân. Sự tín nhiệm của nhân dân là điều kiện quan trọng nhất đối với chế độ trách nhiệm chính trị. Không còn sự tín nhiệm của nhân dân đồng nghĩa với không còn được giữ cương vị người đứng đầu. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc với trách nhiệm người đứng đầu Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021, khi có nhiệm vụ và quyền hạn lãnh đạo công tác của Chính phủ, các thành viên Chính phủ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ liệu có vô can trước những sai phạm nghiêm trọng của cấp dưới? Liệu có còn đủ tín nhiệm với cử tri?

Việc đồng chí Nguyễn Xuân Phúc có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công, nghỉ công tác và nghỉ hưu, được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đồng ý và Quốc hội ra nghị quyết miễn nhiệm thể hiện Đảng ta là đảng chân chính, không giấu giếm khuyết điểm, nói đi đôi với làm, nhìn thẳng vào sự thật để khắc phục. Đồng thời có tính cảnh tỉnh, răn đe cao, thực hiện đúng quy định của Đảng về miễn nhiệm cán bộ khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm do không đáp ứng được yêu cầu công việc, uy tín giảm sút, có vi phạm nhưng chưa đến mức xử lý kỷ luật cách chức.

Việc cán bộ lãnh đạo cao cấp, nhất là những cán bộ giữ cương vị là người đứng đầu nhận trách nhiệm chính trị trước Đảng, trước Nhân dân khi để cấp dưới có vi phạm rất nghiêm trọng và tự nguyện xin thôi giữ các chức vụ được phân công là việc làm đúng đắn, cần thiết, được dư luận ủng hộ. Tinh thần này cần tiếp tục được lan tỏa trong hệ thống chính trị, củng cố niềm tin của Nhân dân với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Đặng Thu Nga


Thống kê truy cập
Hôm nay : 223
Hôm qua : 3.474
Tháng 03 : 81.713
Năm 2024 : 180.379