A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “công việc gốc của Đảng” qua 10 lần thăm Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc

CTTBTG - Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm sâu sắc đến công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ, coi đây là “công việc gốc của Đảng”. Tầm nhìn chiến lược của Người về huấn luyện cán bộ thể hiện rõ nét, sâu sắc và sinh động qua nhiều lần Người đến thăm, làm việc và phát biểu tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc - nay là Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 

bac-ho-tham-truong.png

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các học viên tại làng Luông, xã Bình Thành, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, năm 1949 _ Ảnh tư liệu

1. Mười lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, làm việc và phát biểu tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc

Trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh luôn đặc biệt quan tâm công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ cách mạng. Sau khi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, tìm thấy con đường giải phóng dân tộc theo cách mạng vô sản, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã ra sức truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam. Người mở đầu quá trình đó bằng việc tổ chức huấn luyện cán bộ với những lớp học được tổ chức bài bản, có có địa điểm cố định, có chương trình học tập thống nhất, nội dung học tập phong phú. Các lớp huấn luyện đã trang bị lý luận, phương pháp hoạt động cho những chiến sĩ cách mạng đầu tiên; qua đó, gieo những hạt giống đỏ vào thực tiễn để tạo dựng tổ chức và phong trào cách mạng.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự chỉ dẫn của Người, công tác huấn luyện cán bộ được thực hiện ở nhiều môi trường khác nhau, đào tạo ra lớp cán bộ kiên trung, lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc giành thắng lợi, mở ra kỷ nguyên độc lập, tự do cho Tổ quốc.

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trước yêu cầu của cuộc kháng chiến, kiến quốc, vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người đã dành nhiều thời gian, trí tuệ và tâm huyết để dày công chăm lo huấn luyện cán bộ, có nhiều bài nói, bài viết về công tác này, đặt cơ sở, nền tảng để Đảng tổ chức ngày càng có hiệu quả công tác huấn luyện cán bộ. Người xác định “cán bộ là gốc của công việc” và “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”.

Cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn quyết liệt, công tác đào tạo, huấn luyện, bổ sung nguồn cán bộ trở thành nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết cả trước mắt và lâu dài.

Trước yêu cầu đó, Trung ương Đảng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng nhằm tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ. Đầu năm 1949, Trung ương Đảng đã quyết định thành lập Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc để đào tạo, huấn luyện cán bộ của Đảng. Từ khi ra đời, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc đã vinh dự nhận được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người luôn dõi theo sự trưởng thành của Trường Đảng Trung ương, nhiều lần đến thăm, làm việc và phát biểu tại Trường. Đến nay vẫn ghi rõ dấu ấn sâu sắc hình ảnh 10 lần Người đến thăm trường.

Lần thứ nhất, tháng 9-1949, giữa bộn bề công việc, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành thời gian đến thăm Nhà trường ở Làng Luông, xã Quảng Nạp (nay là xã Bình Thành) huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, dự lễ Khai giảng khóa huấn luyện cán bộ (khóa II) và viết lời huấn thị trên trang đầu Sổ vàng của Nhà trường.

Lần thứ hai, ngày 24-4-1950, từ 18 giờ đến 21 giờ 30 phút, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với học viên Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc.

Lần thứ ba, tháng 2-1951, tại xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, diễn ra Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc vinh dự được chọn làm nơi tổ chức và được giao nhiệm vụ phục vụ Đại hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh dự, chủ trì Đại hội và làm việc trong thời gian Đại hội tại Trường.

Lần thứ tư, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng, ngày 31-5-1951, Trường mở khóa học mới. Khóa học này vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm. Người đã giải đáp cho học viên về việc đổi tên Đảng thành Đảng Lao động Việt Nam và những nhiệm vụ về xây dựng Đảng.

Lần thứ năm, Lớp chỉnh huấn đầu tiên của Trung ương dành cho cán bộ Trung ương và cán bộ chủ chốt các khu, tỉnh được tiến hành từ ngày 11-5-1952 đến tháng 8-1952, tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến dự và phát biểu khai giảng.

Lần thứ sáu, ngày 6-2-1953, Nhà trường khai giảng Lớp chỉnh huấn cán bộ Đảng, dân, chính của các cơ quan trung ương. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự và nói chuyện với lớp học.

Lần thứ bảy, tháng 7-1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với cán bộ, học viên Phân hiệu II, Trường Nguyễn Ái Quốc.

Lần thứ tám, ngày 7-9-1957, Trường Nguyễn Ái Quốc khai giảng Khóa học lý luận dài hạn đầu tiên (khóa I), thời gian đào tạo là 18 tháng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự lễ khai giảng và phát biểu khai mạc khóa học.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công trường xây dựng Trường Nguyễn Ái Quốc năm 1958 _ Ảnh tư liệu

Lần thứ chín, ngày 15-12-1958, Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện với công nhân công trường xây dựng Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc. Người động viên, tặng quà cho công nhân và con em cán bộ Nhà trường.

Lần thứ 10, tháng 9-1960, với cơ sở vật chất được tăng cường, Trường Nguyễn Ái Quốc vinh dự được chọn làm địa điểm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng. Trong thời gian dự Đại hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở tại Trường.

2. Tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “công việc gốc của Đảng”

Qua chỉ dẫn trong nhiều tác phẩm và những huấn thị khi đến thăm, làm việc với Trường Đảng Trung ương, tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ thể hiện sâu sắc ở những nội dung cốt lõi sau:

Thứ nhất, huấn luyện cán bộ góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao trình độ lý luận, năng lực lãnh đạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cách mạng

Đảng cần phải mạnh mẽ, trong sạch, kiểu mẫu, toàn Đảng phải tư tưởng nhất trí, hành động nhất trí, đoàn kết nhất trí mới làm trọn nhiệm vụ của Đảng. Huấn luyện cán bộ là góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng để lãnh đạo thực hiện thành công mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Theo Hồ Chí Minh, tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến đổi đòi hỏi Đảng phải có đường lối, phương pháp thích hợp, trong đó Đảng phải tăng cường huấn luyện cán bộ để phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trường Đảng có sứ mệnh rất cao cả, “là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”

Trong Diễn văn khai mạc Lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc ngày 7-9-1957, Người nhấn mạnh: Cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa là một cuộc biến đổi khó khăn nhất và sâu sắc nhất. “Chúng ta phải xây dựng một xã hội hoàn toàn mới xưa nay chưa từng có trong lịch sử dân tộc ta (…) Chúng ta phải biến một nước dốt nát, cực khổ thành một nước văn hóa cao và đời sống tươi vui hạnh phúc. Chúng ta lại phải tiến hành những nhiệm vụ đó trong những điều kiện đặc biệt của nước ta, nghĩa là trên cơ sở của một xã hội vừa mới thoát khỏi ách thực dân, phong kiến, hết sức lạc hậu và trong hoàn cảnh nước ta đang bị chia cắt làm hai miền”(1). Điều đó đòi hỏi Đảng phải tự nâng cao mình lên nữa, mà muốn tự nâng cao mình thì “phải nâng cao trình độ lý luận chung của Đảng, phải tổ chức học tập lý luận trong Đảng, trước hết là trong những cán bộ cốt cán của Đảng”(2). Bởi vậy, trường Đảng có sứ mệnh rất cao cả, “là một trường học để đào tạo những chiến sĩ tiên tiến phấn đấu cho sự nghiệp của giai cấp vô sản”(3).

Thứ hai, huấn luyện để nâng cao trình độ, phẩm chất, năng lực, đạo đức và sửa chữa hạn chế, khuyết điểm, sai lầm của cán bộ

Trong lần về thăm Trường Đảng Nguyễn Ái quốc tháng 9-1949, Người đã ghi trên trang đầu Sổ vàng truyền thống của Nhà trường, nhấn mạnh mục đích học tập bộ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại. Muốn đạt mục đích thì phải cần , kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”(4). Lời huấn thị của Người thể hiện sự nhất quán trong quá trình huấn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng.

75nam.hcma.vn-content-uploadfiles-thumb-2024-quy2-_untitled-804052024093511.jpg

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm và nói chuyện với công chức, trí thức thủ đô Hà Nội và thành phố Hải Phòng dự lớp nghiên cứu chính trị khóa I, trường Đại học Nhân dân, ngày 22-7-1956

Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự Đoàn thể, phụng sự giai cấp và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.

Tháng 5-1950, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc về công tác huấn luyện và học tập, để trả lời cho câu hỏi “Học để làm gì?”, Người nêu rõ: “học để sửa chữa tư tưởng”, “học để tu dưỡng đạo đức cách mạng”, “học để tin tưởng”, “học để hành”. Người nêu câu hỏi “Vì sao phải học lý luận?”, và chỉ rõ là do “Đảng ta còn có nhiều nhược điểm mà một trong những nhược điểm lớn là trình độ lý luận còn thấp kém. (…) cán bộ ta đều cảm thấy nhược điểm của mình là thiếu lý luận, cho nên đều cảm thấy sự cần thiết phải học tập lý luận và yêu cầu Đảng phải tổ chức học tập lý luận cho cán bộ”(5). Đồng thời, thông qua học tập, rèn luyện, cán bộ ngày càng hiểu sâu sắc cơ sở xã hội của Đảng, truyền thống, bản chất tốt đẹp của Đảng, để trong nhận thức và hành động luôn đấu tranh giữ vững và làm giàu bản chất Đảng, tính tiên phong của Đảng, nâng cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân.

Điều này được Người phân tích trong buổi “Nói chuyện tại Phân hiệu II Trường Nguyễn Ái Quốc”, tháng 7-1955: “Gần hai năm học tập, các cô, các chú đều có tiến bộ, kẻ nhiều người ít. Dù các cô, các chú có sai lầm gì, nhưng các cô, các chú cũng nhận rõ Đảng ta là Đảng thế nào. Đảng không phải là nơi để thăng quan, tiến chức, để phát tài. Vào Đảng là để phục vụ nhân dân, phục vụ giai cấp, đảng viên phải trở thành người con hiếu thảo của Tổ quốc, của giai cấp. Đảng phải rất mạnh, rất trong sạch”(6).

Hồ Chí Minh hiểu thấu việc huấn luyện cán bộ không chỉ nâng cao trình độ mà còn qua đó góp phần khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm của họ. Bởi thực tế quá trình công tác, một bộ phận cán bộ còn non kém về lý luận, dễ sa vào kinh nghiệm chủ nghĩa. Tại Đại hội II của Đảng, tháng 2-1951, trong Báo cáo chính trị, Người chỉ rõ điều trên và luận giải sự cần thiết phải học tập, nâng cao trình độ lý luận: “Vì việc học tập chủ nghĩa còn kém, cho nên tư tưởng của nhiều cán bộ và đảng viên chưa thuần thục, trình độ lý luận còn non nớt. Do đó, trong khi thi hành chính sách của Đảng và của Chính phủ, đã xảy ra những khuynh hướng sai lầm hoặc "tả" hoặc "hữu" (…) Công tác tổ chức cũng còn kém, cho nên nhiều khi không đảm bảo được việc thi hành đúng chính sách của Đảng và của Chính phủ. Vì vậy, học tập chủ nghĩa, dùi mài tư tưởng, nâng cao lý luận, chỉnh đốn tổ chức - là những việc cần kíp của Đảng”(7).

Thứ ba, định hướng nội dung cốt lõi trong huấn luyện cán bộ

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ phát triển toàn diện, vừa có đức, vừa có tài, đủ sức gánh vác trọng trách nặng nề trước nhân dân và dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định nội dung chương trình huấn luyện cán bộ phải bao gồm cả về chuyên môn, nghề nghiệp; về chính trị, văn hóa, lý luận; về đạo đức cách mạng.

Bên cạnh đó, công tác huấn luyện còn nhằm cập nhật, bổ sung kiến thức mới, kỹ năng công tác, năng lực thực hành, nâng cao hiểu biết về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, và còn “đả thông tư tưởng” cho người học. Đây là điều quan trọng trong huấn luyện cán bộ vì “Học tập xong, mỗi người sẽ đi công tác. Nếu tư tưởng không thông thì công tác kém hiệu quả”(8).

Đặc biệt, trong nội dung trang bị cho người học ở các khóa huấn luyện, thì cốt lõi và quan trọng nhất là học tập lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Theo Người, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin là: “Khoa học về các quy luật phát triển của tự nhiên và xã hội; khoa học về cách mạng của quần chúng bị áp bức và bị bóc lột; khoa học về thắng lợi của chủ nghĩa xã hội ở tất cả các nước; khoa học về xây dựng chủ nghĩa cộng sản”(9). Trong Diễn văn khai mạc Lớp học lý luận khóa I Trường Nguyễn Ái Quốc, Người căn dặn “phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta”(10). Đồng thời “phải học chủ nghĩa Mác - Lênin để phân tích và giải quyết các vấn đề cụ thể của cách mạng nước ta, cho hợp với điều kiện đặc biệt của nước ta”(11).

Thứ tư, xác định phương châm, phương pháp huấn luyện cán bộ đúng đắn

Theo Hồ Chí Minh, huấn luyện cán bộ phải kết hợp nhiều phương pháp, như: giữa đào tạo tập trung theo trường lớp với bồi dưỡng thường xuyên ở cơ quan, đơn vị; học đi đôi với hành, lý luận gắn với thực tiễn.

Hồ Chí Minh luôn yêu cầu người học phải biết áp dụng lý luận vào thực tiễn, coi đây là phương châm cơ bản nhất. Lý luận và thực tiễn phải luôn luôn đi đôi, tránh tuyệt đối hóa một trong hai mặt đó, vì thực tiễn không có lý luận hướng dẫn thì thành thực tiễn mù quáng. Lý luận mà không liên hệ với thực tiễn là lý luận suông. Cho nên, trong huấn luyện, học phải đi đôi với hành, học tập lý luận là cốt để áp dụng vào thực tế. Người giải thích cụ thể, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hành: “Khi học tập lý luận thì nhằm mục đích học để vận dụng chứ không phải học lý luận vì lý luận, hoặc vì tạo cho mình một cái vốn lý luận để sau này đưa ra mặc cả với Đảng. Tất cả những động cơ học tập không đúng đắn đều phải tẩy trừ cho sạch. Không phải học để thuộc lòng từng câu từng chữ, đem kinh nghiệm của các nước anh em áp dụng một cách máy móc”(12). Người còn nêu rõ: Đối với người cán bộ, việc học tập lý luận không phải nhằm biến mình thành những người lý luận suông, mà nhằm làm thế nào cho công tác tốt hơn, nghĩa là phải học tập tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin; học tập lập trường, quan điểm và phương pháp của cách mạng Mác - Lênin để áp dụng lập trường, quan điểm và phương pháp ấy mà giải quyết cho tốt những vấn đề thực tế trong công tác cách mạng của chúng ta. Vì vậy, cán bộ khi tham dự lớp huấn luyện thì phải: “thành khẩn học tập, thật thà tự phê bình và phê bình, hấp thụ thêm kinh nghiệm và đạo đức cách mạng”(13).

Trong phương châm, phương pháp huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh đề cao “việc học lấy tự học làm cốt”; học trong nhà trường, học trong sách vở, học trong nhân dân và học lẫn nhau, thi đua học tốt, rèn luyện tốt, cầu tiến bộ. Trong Bài nói chuyện trong buổi khai mạc lớp chỉnh huấn cán bộ đảng, dân, chính ở cơ quan trung ương (6-2-1953), Người nhấn mạnh: “Đảng cố gắng tập trung anh chị em đến đây, vậy phải thi đua, thái độ phải thành thực cầu tiến bộ, cần phải đoàn kết. Lúc kết thúc lớp học phải thành một người mới, tiến bộ nhiều. Tức là mỗi người thi đua học tập, tiến bộ, kiểm thảo cho kết quả. Học xong trở về cơ quan giúp đỡ anh em nhờ đó mà tiến bộ để giúp cho công việc kháng chiến, giúp cho công việc kiến quốc”(14).

Thứ năm, định hướng cho học viên có thái độ học tập đúng đắn

Đối với cán bộ tham gia học tập, Hồ Chí Minh yêu cầu phải có thái độ đúng đắn. Trước hết, cán bộ phải tự nguyện, tự giác, xem công tác học tập là một nhiệm vụ mà người cán bộ cách mạng phải hoàn thành; phải nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của học tập lý luận. Trong khi học tập, cán bộ phải đem những điều học được để phân tích và giải quyết các vấn đề thực tế trong công tác; phải “đào sâu suy nghĩ”, “khiêm tốn, thật thà”, “cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết. Kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”; phải “nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng”, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải nêu cao bản lĩnh, “Phải bảo vệ chân lý, phải có nguyên tắc tính, không được ba phải, điều hòa”. Đồng thời, phải nêu cao tình thương yêu đồng chí, đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau học tập, mạnh dạn phê bình và thật thà tự phê bình; “phải dần dần xây dựng thái độ học tập đó thành một tác phong thường xuyên trong quá trình học tập”(15), càng tiến bộ càng phải học tập, nếu không công việc sẽ gạt lại mình phía sau, như thế sẽ là thoái bộ, lạc hậu.

Thứ sáu, xây dựng đội ngũ giảng viên kiểu mẫu

Là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, người khai sinh nền giáo dục Việt Nam hiện đại và hội nhập, trong tư tưởng và thực tiễn chỉ đạo công tác huấn luyện cán bộ, Hồ Chí Minh rất coi trọng và quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ giảng viên - người thầy. Người nói “nếu không có thầy giáo thì không có giáo dục”. Đội ngũ này phải được xây dựng đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng, có đạo đức và năng lực chuyên môn cao và phải làm “kiểu mẫu về mọi mặt: tư tưởng, đạo đức, lối làm việc”(16).

Kế thừa và phát triển quan điểm của V.I.Lênin: “Học, học nữa, học mãi”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở “Người huấn luyện nào tự cho mình là biết đủ cả rồi, thì người đó là dốt nhất”. Do đó, phải xây dựng đội ngũ những người thầy giáo xứng đáng với “công việc gốc của Đảng”; phải là những người yêu nghề, hết lòng vì sự nghiệp huấn luyện cán bộ cách mạng của Đảng. Và “muốn đạt được mục đích cao quý của học tập, huấn luyện thì “Người huấn luyện phải học thêm mãi thì mới làm được công việc huấn luyện của mình”(17); phải thường xuyên tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, phương pháp sư phạm, thực sự là tấm gương sáng về mọi mặt cho người học noi theo.

3. Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc – Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nỗ lực thực hiện tầm nhìn chiến lược của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ lên tầm cao mới

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển (1949 - 2024), thấu triệt sâu sắc huấn thị thiêng liêng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về huấn luyện cán bộ, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh không ngừng đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; đã đào tạo hàng trăm nghìn cán bộ trung, cao cấp của Đảng từ Trung ương đến địa phương, có trình độ lý luận, năng lực tổ chức thực tiễn, có bản lĩnh và phẩm chất, đáp ứng kịp thời và có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng.

Ra đời khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đang ở giai đoạn gay go, ác liệt, giữa căn cứ địa Việt Bắc, trong điều kiện vô cùng khó khăn nhưng thầy và trò Nhà trường đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt mọi gian khó, góp phần nâng cao trình độ lý luận chính trị, củng cố quan điểm, lập trường, trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng của cán bộ. Những thành tựu đó đã mở đầu Trang sử vàng truyền thống vẻ vang của Trường Đảng Trung ương, tạo tiền đề vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ trong các giai đoạn sau.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà đặt ra những yêu cầu mới đối với đội ngũ cán bộ. Ngay khi chuyển từ Việt Bắc về Hà Nội, Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc tiếp tục mở các lớp chỉnh huấn và bồi dưỡng lý luận cho cán bộ. Công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ không bị gián đoạn. Với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, đoàn kết phấn đấu, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 43.075 cán bộ các ngành, các mặt trận và địa phương, góp phần quan trọng vào thắng lợi của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam.

Sau đại thắng mùa Xuân năm 1975, đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Trước nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tăng lên nhanh chóng, để đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới, được sự chỉ đạo của Đảng, Học viện đã mở nhiều hệ lớp khác nhau, cung cấp cán bộ cho Đảng trên cả nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986 đến nay, bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến phức tạp, nhiều nhiệm vụ mới đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ làm công tác lý luận. Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Trường Đảng Trung ương, Học viện đã tích cực, chủ động đổi mới mạnh mẽ nội dung, chương trình, phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mở nhiều hệ lớp như: đại học chính trị; cao cấp lý luận chính trị (hệ tập trung, không tập trung, hoàn chỉnh kiến thức); bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ các ngành; phương pháp giảng dạy tích cực, hiện đại; đào tạo giảng viên tư tưởng Hồ Chí Minh; hoàn chỉnh kiến thức đại học; bồi dưỡng cán bộ theo chức danh, vị trí việc làm; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ nguồn Trung ương; bồi dưỡng cán bộ quy hoạch lãnh đạo, quản lý của các tỉnh ủy, thành ủy…Bên cạnh đó, Học viện còn mở nhiều lớp đào tạo cao cấp lý luận chính trị, bồi dưỡng các chuyên ngành cho cán bộ nước bạn Lào.

Kết quả đạt được từ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ 75 năm qua, nhất là trong 10 năm (2014-2024) của Học viện đã đóng góp quan trọng vào xây dựng đội ngũ cán bộ của Đảng và hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng của Đảng và dân tộc. Những thành tựu nội bật và những kinh nghiệm quý đã đúc kết được là tiền đề quan trọng để thực hiện ngày càng có hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ - nhiệm vụ chính trị ưu tiên hàng đầu của Học viện và là “công việc gốc” của Đảng.

Như vậy, những chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần thăm Trường Đảng Trung ương đã được các thế hệ thầy và trò Nhà trường khắc ghi và thấm nhuần sâu sắc, biến thành hành động tự giác và thiết thực, tạo ra nhiều thành tựu đáng tự hào, tô thắm bảng vàng thành tích của Học viện Chính trị quốc gia vinh dự mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

_________________

(1), (2), (3), (5), (9), (10), (11), (12), (15) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.11, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.91-92, 93, 95, 90-94, 95, 95, 95-96, 95, 98-99.

(4), (16), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Sđd, tr.208, 356, 356.

(6), (14) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Sđd, tr. 67, 60.

(7), (13) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.7, Sđd, tr.32-33, 415.

(8) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.10, Sđd, tr.67.

GS, TS LÊ VĂN LỢI
Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị
Thống kê truy cập
Hôm nay : 154
Hôm qua : 3.168
Tháng 09 : 60.882
Năm 2024 : 794.290