A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Quan điểm của Hồ Chí Minh về đấu tranh ngoại giao với Mỹ - nền tảng định hướng cho thắng lợi trên bàn đàm phán hội nghị Paris

CTTBTG - Hiệp định Paris là thành tựu xuất sắc của ngoại giao Việt Nam trong cuộc đấu trí quyết liệt với ngoại giao Mỹ. Đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, những quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh ngoại giao với Mỹ đóng vai trò nền tảng định hướng cho thắng lợi trên bàn đàm phán Paris.

Quan điểm của Hồ Chí Minh về đấu tranh ngoại giao với Mỹ - nền tảng định hướng cho thắng lợi trên bàn đàm phán hội nghị Paris

Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Lễ ký Hiệp định Paris, ngày 27-01-1973 - Ảnh: Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng

Hiệp định Paris được ký ngày 27-01-1973 sau gần 5 năm đàm phán chính thức, trải qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc họp riêng cấp cao, khoảng 500 cuộc họp báo, gần 1.000 cuộc phỏng vấn và nhiều cuộc mít tinh phản đối chiến tranh, ủng hộ nhân dân Việt Nam. Đây là mốc son nổi bật trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, là thành tựu xuất sắc của nền ngoại giao còn khá non trẻ của Việt Nam trong cuộc đấu trí quyết liệt với những nhà ngoại giao dày dạn kinh nghiệm của Mỹ, từ đó tạo thế xoay chuyển lực lượng có lợi cho cách mạng Việt Nam.

Đó là thành quả chung của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân Việt Nam, trong đó, đặc biệt là đường lối đối ngoại và sự chỉ đạo đúng đắn của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trên nền tảng những quan điểm của Người về đấu tranh ngoại giao với Mỹ, kết hợp với bản lĩnh và trí tuệ của những nhà ngoại giao xuất sắc như Lê Đức Thọ, Nguyễn Duy Trinh, Xuân Thủy, Nguyễn Thị Bình, Nguyễn Cơ Thạch,... Bài viết tập trung làm rõ những quan điểm cơ bản của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đấu tranh ngoại giao với Mỹ - nền tảng định hướng, soi đường cho thắng lợi của Việt Nam trên bàn đàm phán Paris.

1. Nêu cao ý chí bất khuất, kiên định mục tiêu giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc

Độc lập, tự do, hạnh phúc là khát vọng, là mục tiêu, ngọn cờ chiến đấu của dân tộc Việt Nam. Trước các thế lực cường quyền dù hung bạo đến đâu, nhân dân ta luôn nêu cao tinh thần bất khuất, quyết tâm giải phóng dân tộc, giành độc lập, tự do, hạnh phúc. Kế thừa truyền thống quý báu đó, trong quá trình lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần khẳng định: nhân dân Việt Nam sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh để giành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc, không chấp nhận bất kỳ một sự thống trị, hay can thiệp nào từ bên ngoài làm tổn hại đến độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Khi Mỹ đưa quân trực tiếp vào tham chiến ở miền Nam Việt Nam, đồng thời leo thang đánh phá miền Bắc, nhiều người tiến bộ trên thế giới lo lắng về việc liệu Việt Nam có thể đương đầu với bộ máy chiến tranh hiện đại, khổng lồ của Mỹ hay không; tâm lý “ngại Mỹ”, thậm chí là “sợ Mỹ” xuất hiện ở nhiều người. Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng Trung ương Đảng nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ, từ đó lan tỏa ý chí và niềm tin chiến thắng đến toàn Đảng, toàn quân và toàn dân.

Trả lời phỏng vấn của báo Acahata (Nhật Bản) vào đầu tháng 4-1965, Người nêu rõ: đánh đuổi quân xâm lược Mỹ để giữ làng, giữ nước, giành quyền quyết định công việc nội bộ là quyền chính đáng của nhân dân miền Nam; chống lại và làm thất bại những hành động xâm lược của đế quốc Mỹ để bảo vệ độc lập dân tộc, bảo vệ quyền sống là quyền thiêng liêng của mỗi người dân Việt Nam ở miền Bắc cũng như miền Nam. Người khẳng định: “Bọn đế quốc Mỹ dù có hành động điên cuồng liều lĩnh đến đâu, cũng không thể nào ngăn cản nổi nhân dân Việt Nam tiếp tục cuộc chiến đấu yêu nước cho đến thắng lợi cuối cùng”(1).

Trước sự đe dọa của những kẻ hiếu chiến trong chính quyền Mỹ rằng sẽ đưa miền Bắc trở lại thời kỳ đồ đá nếu không chấp thuận các điều kiện đàm phán của Mỹ, trong Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước ngày 17-7-1966, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giônxơn và bè lũ phải biết rằng: Chúng có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam. Chúng có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng... Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”(2).

Trong Thư trả lời Tổng thống Mỹ R.Níchxơn ngày 25-8-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định quyết tâm của nhân dân Việt Nam: “Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ, để bảo vệ Tổ quốc và các quyền dân tộc thiêng liêng của mình”(3).

Với những quan điểm trên, Hồ Chí Minh không chỉ gửi đến chính giới Mỹ thông điệp về ý chí sắt đá, quyết tâm giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, mà còn truyền đến quân và dân hai miền Nam - Bắc ý chí quyết chiến, quyết thắng, tạo thành nguồn sức mạnh tinh thần to lớn động viên, thúc đẩy toàn Đảng, toàn quân và toàn dân vượt mọi gian khổ, hy sinh, đi đến thắng lợi cuối cùng.

2. Nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong đấu tranh ngoại giao

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều diễn biến phức tạp, mang lại cả thuận lợi và khó khăn. Trong đó, nổi lên sự mâu thuẫn trong quan điểm, đường lối, thậm chí dẫn đến xung đột ở biên giới giữa Liên Xô và Trung Quốc. Cả hai nước đều muốn nhận được sự ủng hộ của Việt Nam để phản đối phía bên kia. Trong khi đó, chủ nghĩa đế quốc tăng cường chống phá quyết liệt. Mỹ triệt để lợi dụng mâu thuẫn Xô - Trung để thực hiện những toan tính ở Đông Dương và Đông Nam Á.

Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng nhất quán chủ trương kêu gọi hai Đảng, hai Nhà nước Liên Xô - Trung Quốc dừng công kích lẫn nhau, tìm cách giải quyết bất đồng thông qua đàm phán, đồng thời khẳng định Việt Nam phải nêu cao đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ.

Tháng 3-1965, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với phương châm “Phải ra sức tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân cả thế giới, trước hết là Trung Quốc, Liên Xô, các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước Á, Phi và Mỹ latinh”(4), Hội nghị Trung ương 11 khóa III nhấn mạnh: “cần ra sức xây dựng tư tưởng phấn khởi và tin tưởng, quyết chiến quyết thắng đế quốc Mỹ và tay sai,..., tinh thần tự lực cánh sinh cao; chống tư tưởng sợ Mỹ, đánh giá địch quá cao, hoặc chủ quan khinh địch, tư tưởng hoang mang, dao động, cầu an, tư tưởng muốn đàm phán khi chưa có điều kiện có lợi, muốn kết thúc chiến tranh với bất cứ giá nào, tư tưởng ỷ lại vào sự giúp đỡ của nước ngoài và không tin vào sức mình”(5).

Tinh thần trên tiếp tục được khẳng định tại Hội nghị Trung ương 12 khóa III (tháng 12-1965): “Trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, chúng ta cần nắm vững phương châm dựa vào sức mình là chính, nhưng đồng thời chúng ta hết sức tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ và viện trợ quốc tế, vì đó là một nhân tố quan trọng góp phần quyết định vào thắng lợi của nhân dân ta”(6).

Trước những gợi ý của lãnh đạo một số nước XHCN về việc cần đàm phán với Mỹ, trên cơ sở phân tích sâu sắc tình hình thế giới cũng như trong nước, đặc biệt là tình hình chiến trường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thẳng thắn từ chối việc đàm phán khi điều kiện chưa chín muồi. Người nêu rõ: “Chưa phải lúc thăm dò thương lượng. Điều kiện chưa chín muồi. Chúng tôi đã có kinh nghiệm với thực dân Pháp”(7), “Thời cơ chưa tới... Các đồng chí cứ nói với Mỹ rằng Mỹ hãy rút khỏi Việt Nam”(8).

Tiếp tục tinh thần độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường đó, tại Hội nghị Trung ương 13 khóa III (tháng 01-1967), Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Mỗi Đảng đều có vị trí riêng, có chủ trương riêng, ta phải tìm mọi cách nhất trí trong phe ta, nhưng ta phải giữ độc lập”(9). Quán triệt ý kiến chỉ đạo của Người, Hội nghị Trung ương 13 khóa III xác định: “cần đề phòng xu hướng coi nhẹ đấu tranh ngoại giao, không thấy hết sự cần thiết phải có sách lược linh hoạt, đúng đắn, nhằm tranh thủ dư luận rộng rãi trên thế giới, phân hóa và cô lập cao độ kẻ thù, tăng cường lực lượng của ta, tạo thêm điều kiện giành thắng lợi cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước của dân tộc”(10).

Những năm tháng trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn luôn trăn trở và căn dặn Đảng ta phải nêu cao tinh thần đoàn kết với Đảng, Nhà nước hai nước Liên Xô, Trung Quốc; đồng thời phải thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường trong bối cảnh quốc tế đầy những diễn biến phức tạp, sôi động.

3. Cảnh giác, nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, giành thắng lợi từng bước để đi đến thắng lợi cuối cùng

Ngay từ khi Hiệp định Giơnevơ sắp được ký kết, tại Hội nghị Trung ương 6 khóa II (tháng 7-1954), Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã sớm chỉ ra: “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới, và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ”(11).

Khi Mỹ đổ quân trực tiếp tham chiến ở miền Nam Việt Nam, tiến hành đánh phá ra miền Bắc, đồng thời rêu rao “chiến dịch tìm kiếm hòa bình”, tại Hội nghị Trung ương 12 khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng xác định: “Công tác ngoại giao của ta lúc này chủ yếu là nhằm tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ mạnh mẽ hơn nữa của phe xã hội chủ nghĩa và của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân cả nước ta”(12). Bởi lẽ, lúc này “đế quốc Mỹ tuy lúng túng, bị động về quân sự và chính trị, nhưng chúng còn ngoan cố, đang âm mưu tăng cường và mở rộng chiến tranh xâm lược nước ta. Do đó, lúc này chưa có điều kiện chín muồi cho một giải pháp chính trị về vấn đề Việt Nam. Chỉ khi nào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ bị đè bẹp (tác giả nhấn mạnh), những mục tiêu độc lập, hòa bình, dân chủ, trung lập của nhân dân miền Nam được bảo đảm thì ta mới có thể thương lượng để giải quyết vấn đề Việt Nam”(13).

Đến Hội nghị Trung ương 13 khóa III, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng tiếp tục nêu rõ: “Nhận rõ âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ và thái độ ngoan cố của chúng: chừng nào bọn xâm lược Mỹ chưa bị thất bại thật nặng nề thì chúng chưa chịu từ bỏ dã tâm xâm lược và còn đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam và tăng cường chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc”(14).

Đây thực sự là những quan điểm chỉ đạo hết sức quan trọng để Hội nghị Paris được mở ra đúng thời điểm sau khi quân Mỹ bị giáng đòn choáng váng, ý chí xâm lược của Mỹ bị lung lay trước những đợt tấn công và nổi dậy của quân dân miền Nam vào Tết Mậu Thân và trong năm 1968, buộc phải xuống thang, chấp nhận đàm phán với Việt Nam.

Nhận rõ đối phương là một nước lớn, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm nêu quan điểm phải kiên quyết đánh Mỹ, nhưng đồng thời cũng sẵn sàng để cho Mỹ rút quân trong danh dự. Tại Hội nghị Bộ Chính trị tháng 3-1965, khi nhận định về các âm mưu, thủ đoạn của Mỹ, Người chỉ rõ: “Lúc nào nó muốn đi ra, tạo điều kiện cho nó ra đi, đừng làm nhục nó”(15).

Đồng thời, với tầm nhìn chiến lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh sớm chỉ ra rằng, Mỹ chắc chắn sẽ thua, nhưng sẽ không chịu thua ngay, mà sẽ từng bước xuống thang và chúng ta phải biết giành thắng lợi từng bước. Năm 1967, trong chuyến thăm Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân, Người dự báo: “Sớm muộn gì đế quốc Mỹ cũng đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua nó mới chịu thua... Phải dự kiến trước mọi tình huống càng sớm càng tốt, để có thời gian suy nghĩ, chuẩn bị. Nhớ là trước khi thua ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ đã hủy diệt Bình Nhưỡng. Ở Việt Nam, Mỹ sẽ nhất định thua. Nhưng nó chỉ thua sau khi thua trên bầu trời Hà Nội”(16).

Tháng 3-1966, tại Đại hội thi đua bảo đảm giao thông vận tải quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, Người nhấn mạnh: “Mỹ thua thì nó xấu hổ lắm. Nó tức mình lắm. Bởi vì nó đã thua ở Trung Quốc, thua ở Triều Tiên, bây giờ mà thua ở Việt Nam nữa, nó mất mặt, xấu hổ. Vì thế cho đến phút cuối cùng nó cắn, nó cố cắn rồi nó thua nữa”(17).

Thực tiễn lịch sử đã chứng minh những dự báo trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là hoàn toàn chính xác. Phải đến khi bị đánh bại trong cuộc tập kích chiến lược đường không vào Hà Nội và Hải Phòng 12 ngày đêm cuối năm 1972, trước một “Điện Biên Phủ trên không” hào hùng, Mỹ mới chịu chính thức ký Hiệp định Paris.

4. Nêu cao tinh thần chính nghĩa, tranh thủ sự ủng hộ của dư luận tiến bộ trên thế giới

Đối mặt với kẻ địch có tiềm lực kinh tế, quân sự khổng lồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: phải phát huy cao độ sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đồng thời mở rộng, thực hiện đoàn kết quốc tế, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để tạo thành nguồn lực tổng hợp. Chính vì vậy, Người đã chỉ đạo các hoạt động đối ngoại trên cả ba phương diện là ngoại giao nhà nước, đối ngoại Đảng và đối ngoại nhân dân để nêu cao cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, tố cáo bản chất hiếu chiến, xâm lược của đế quốc Mỹ, tranh thủ sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân Mỹ: “Vấn đề mở rộng và tăng cường mặt trận nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ xâm lược, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam là một vấn đề có tầm quan trọng rất lớn. Mặt trận đó phải tập hợp được tất cả các lực lượng tiến bộ trên thế giới và lấy các nước trong phe xã hội chủ nghĩa làm chỗ dựa vững chắc”(18).

Khi đưa quân vào xâm lược miền Nam và dùng không quân, hải quân đánh phá miền Bắc, chính giới Mỹ đồng thời tỏ ra “thiện chí hòa bình”, kêu gọi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đàm phán, mà thực chất là muốn đàm phán trên thế mạnh, ép Việt Nam chấp nhận theo những điều kiện do Mỹ đặt ra. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tuyên bố trước các chính khách và báo giới quốc tế: “Gần đây, bọn đế quốc Mỹ đưa ra những luận điệu giả dối về “hòa bình” và “thương lượng”. Nhân dân thế giới đều đã biết rõ bản chất xâm lược và gây chiến của đế quốc Mỹ... Muốn giải quyết vấn đề Nam Việt Nam, trước hết Mỹ phải rút ra khỏi miền Nam, để nhân dân Nam Việt Nam quyết định lấy công việc của mình và Mỹ phải đình chỉ những cuộc tiến công khiêu khích nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Thực hiện được những điều cơ bản đó sẽ tạo điều kiện thuận lợi để đi đến một hội nghị như kiểu Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Đó là cách giải quyết hợp tình hợp lý, có lợi cho hòa bình và có lợi cho nhân dân Mỹ”(19).

Trong các cuộc tiếp xúc quốc tế, Người gửi đi thông điệp đầy thiện chí: “Chúng tôi sẵn sàng trải thảm đỏ và rắc hoa cho Mỹ rút”(20) và “chúng tôi sẵn lòng đem nhạc và hoa tiễn họ”(21).

Đối với nhân dân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ quan điểm: “Nhân dân Việt Nam không bao giờ lầm lẫn nhân dân Mỹ yêu chuộng công lý với những Chính phủ Mỹ đã phạm nhiều tội ác đối với nhân dân Việt Nam chúng tôi từ mười năm nay... nhân dân Mỹ cũng là nạn nhân của đế quốc Mỹ, các bạn hãy cùng nhân dân Việt Nam đấu tranh quyết liệt chống bọn quân phiệt hiếu chiến và xâm lược ở nước các bạn. Hãy đòi chấm dứt ngay cuộc chiến tranh bẩn thỉu ở miền Nam Việt Nam!”(22).

Những quan điểm trên đã giúp dư luận thế giới hiểu rõ về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, từ đó tranh thủ được sự ủng hộ rộng rãi của nhân dân tiến bộ trên thế giới đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Đó cũng là một nhân tố quan trọng góp phần buộc chính giới Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán ở Paris và ký kết Hiệp định, rút quân về nước.

Nửa thế kỷ đã trôi qua từ ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27-01-1973 – 27-01-2023). Đây thực sự là thắng lợi xuất sắc của nền ngoại giao Việt Nam, đã góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”, tạo tiền đề để quân dân cả nước tiến lên “đánh cho ngụy nhào”. Đó là kết quả tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó tư tưởng Hồ Chí Minh nói chung, những quan điểm của Người về đấu tranh ngoại giao với Mỹ nói riêng, là nền tảng định hướng cho việc hoạch định và thực hiện thắng lợi chủ trương, đường lối của Đảng về đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán Paris.

_________________

(1), (19), (22) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.14, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.527, 527-528, 328-332.

(2), (3), (17) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t.15, tr.131, 602, 72.

(4), (5), (6), (12), (13), (18) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.26, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.110, 114, 640, 649, 649, 641.

(7), (8), (20), (21) Lưu Văn Lợi - Nguyễn Anh Vũ: Tiếp xúc bí mật Việt Nam - Hoa Kỳ trước Hội nghị Paris, Viện Quan hệ quốc tế, 1990, tr.135, 135, 84, 206.

(9) Biên bản Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa III), lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

(10), (14) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.28, tr.178-179, 178.

(11) ĐCSVN: Văn kiện Đảng toàn tập, t.15, Sđd, tr.172.

(15) Biên bản họp Bộ Chính trị, lưu tại Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.

(16) Hồ Chí Minh - Biên niên sự kiện và tư liệu quân sự, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 1990, tr.203.

PGS, TS LÝ VIỆT QUANG

Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng,

Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


Nguồn: Tạp chí Lý luận Chính trị
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.367
Hôm qua : 3.474
Tháng 03 : 82.857
Năm 2024 : 181.523