A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nối tiếp truyền thống vẻ vang ngành Tuyên giáo của Đảng (01/8/1930 – 01/8/2022)

CTTBTG-Cách đây 92 năm, ngày 1/8/1930 Ban cổ động và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam đã cho xuất bản tài liệu “Ngày quốc tế đỏ 1/8”. Đây là tài liệu duy nhất và sớm nhất còn lưu lại cho đến nay đề rõ: Ban Cổ động và tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam ấn hành. Tài liệu này khi được phát hành đã gây được dư luận rất lớn trong xã hội đương thời và có sức cổ vũ to lớn đối với quần chúng công nông nước ta đứng lên đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, bảo vệ Liên bang Xô viết, ủng hộ phong trào giải phóng dân tộc.

Từ ngày 1/8 đến tháng 10/1930, trong cả nước đã nổ ra hàng trăm cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân ta chống chiến tranh đế quốc. Ở một số nơi, hưởng ứng lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Việt Nam, binh lính đã không bắn vào quần chúng khi bị đưa đi đàn áp các cuộc biểu tình mít tinh của nhân dân. Kể từ đó ngày 1/8 trở thành một mốc lớn trong lịch sử đấu tranh cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đánh dấu một hoạt động rất có ý nghĩa trong công tác tư tưởng – văn hoá của Đảng. Xuất phát từ sự kiện có ý nghĩa chính trị to lớn đó, năm 2000, Thường vụ Bộ Chính trị Trung ương Đảng khoá VIII đã quyết định lấy ngày 1/8 hàng năm là ngày truyền thống công tác tư tưởng – Văn hóa của Đảng, nay là Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo.

          Ngay từ khi mới thành lập, Đảng ta đã nhận thức được rằng: Công tác tư tưởng có tầm quan trọng hàng đầu, là bộ phận hợp thành chủ yếu trong toàn bộ hoạt động của Đảng. Trong các cuộc đấu tranh chống khủng bố, bảo vệ Đảng sau cao trào Xô Viết-Nghệ Tĩnh, công tác tư tưởng đã góp phần xác định đúng đắn nhiệm vụ chính trị lúc này là ổn định tư tưởng, củng cố lại niềm tin và lý tưởng cách mạng, đấu tranh chống tư tưởng bi quan, giao động, củng cố lại tổ chức, bảo tồn lực lượng, bảo vệ Đảng và phát động quần chúng tiếp tục đấu tranh chống địch khủng bố. Khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp thẳng tay đàn áp cách mạng Đông Dương. Công tác tư tưởng đã kịp thời truyền đạt nhận định và chủ trưởng của Đảng, đưa ra những khẩu hiệu sát hợp để hướng dẫn tư tưởng và hành động của quần chúng; đấu tranh sắc bén với các tư tưởng tự ty, nô lệ, phục Nhật, sợ Nhật; chống các khuynh hướng sai lầm, rụt rè, do dự, muốn lợi dụng Nhật cũng như nóng vội, manh động.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1945 - 1975), công tác tư tưởng đã tập trung tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ vừa kháng chiến vừa kiến quốc; tập trung tố cáo tội ác thực dân Pháp, nâng cao lòng căm thù giặc của nhân dân ta; xây dựng ý chí quyết tâm kháng chiến không ngại hy sinh, gian khổ, phê phán những khuynh hướng lệch lạc như: Bi quan, giao động, ngại hy sinh…; động viên nhân dân miền Bắc ra sức khôi phục và phát triển kinh tế, ra sức xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa, đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, chi viện đắc lực sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam; khơi dậy và cổ vũ mạnh mẽ các phong trào thi đua “Gió Đại phong”, “ Mỗi người làm việc bằng hai”, “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, động viên lớp lớp thanh niên tòng quân đánh giặc. Ở miền Nam, Công tác tư tưởng đã đi sâu phát động, bồi dưỡng lòng yêu nước nồng nàn, lòng dũng cảm và đức hy sinh cao thượng tạo nên sức mạnh miền Nam thành đồng Tổ quốc, vùng dậy đồng khởi, đánh bại các cuộc chiến tranh đặc biệt, chiến tranh cục bộ, Việt Nam hoá chiến tranh, tạo nên kỳ tích Tổng tiến công Mậu Thân 1968, Tổng tiến công mùa Xuân 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất non sông thu về một mối.

          Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, tổ quốc thống nhất và thực hiện đường lối đổi mới của Đảng (1975 - 2022), công tác tư tưởng tập trung động viên các tầng lớp nhân dân khắc phục khó khăn, quyết tâm vượt qua thử thách, tiếp tục khơi dậy sự sáng tạo của mọi ngành, mọi địa phương, mọi người tạo nên sức mạnh tổng hợp của đất nước vượt qua thách thức lập nên những thành tựu quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của đất nước, như lời Tổng Bí thư đã nhấn mạnh tại Đại hội XIII của Đảng: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

          Đối với tỉnh Hà Giang, là một tỉnh miền núi, biên giới cực bắc của Tổ quốc. Ngày 25/12/1945, nhân dân mới giành được chính quyền, Đảng bộ mới thành lập. Tháng 3/1947, Đảng bộ tỉnh quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ do đồng chí Nguyễn Chí Kim làm Trưởng Ban. Sự ra đời của Ban Tuyên huấn Tỉnh uỷ đánh dấu một bước phát triển mới của Đảng bộ tỉnh nói chung và công tác tuyên truyền nói riêng. Từ đây công tác tuyên truyền của Đảng bộ tỉnh đã có một bộ phận chuyên trách làm nhiệm vụ tuyên truyền cổ động chủ trương, đường lối kháng chiến chống Pháp của Đảng, động viên mọi tầng lớp xã hội tích cực tham gia cuộc kháng chiến, quyết tâm giải phóng dân tộc. Đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước hiện nay, công tác tuyên giáo của tỉnh đã thực hiện tốt các nhiệm vụ trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng trong công tác xây dựng Đảng; tập trung vào việc tuyên truyền, quán triệt, học tập các Nghị quyết của Đảng; tham mưu giúp cấp uỷ chỉ đạo công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên; tham gia vào công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, công tác văn hóa, khoa giáo, lịch sử Đảng.

Phát huy kết quả đạt được, ngành Tuyên giáo Hà Giang tiếp tục đề ra các nhiệm vụ trọng tâm tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2022

Gần 2 năm vừa qua, bám sát Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 về nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng: Đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tăng cường đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; chủ động ngăn chặn, phản bác các thông tin, quan điểm xuyên tạc, sai trái, thù địch. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện tốt, hiệu quả Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang…. Cùng với đó, trước yêu cầu nhiệm vụ tình hình mới, ngành Tuyên giáo tỉnh Hà Giang đã tiếp tục có nhiều đổi mới, cách làm sáng tạo; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là Nghị quyết Đại hội của Đảng và Nghị quyết Đại hội của Đảng bộ tỉnh. Triển khai sâu rộng công tác tuyên truyền với nhiều hình thức, chú trọng việc chuyển đổi số. Việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về nêu gương được đẩy mạnh, từng bước đi vào chiều sâu. Việc học tập, quán triệt nghị quyết của Đảng được tăng cường tổ chức theo hình thức trực tuyến, qua đó mở rộng đối tượng, kịp thời, hiệu quả. Công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, nhất là sơ kết, tổng kết các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng được chú trọng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên được thực hiện thường xuyên. Những kết quả đạt được của ngành Tuyên giáo góp phần quan trọng vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị của tỉnh trong thời kỳ đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Nối tiếp truyền thống và phát huy kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo Hà Giang tiếp tục nỗ lực, phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ trong công tác xây dựng Đảng và các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, trọng tâm là mục tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra: Phấn đấu xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về du lịch, thương mại, dịch vụ và nông nghiệp đặc trưng hàng hóa; đến năm 2030 là tỉnh có kinh tế - xã hội phát triển khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc; đến năm 2045 là tỉnh có kinh tế - xã hội trung bình khá của cả nước./.

 


Tác giả: Nguyễn Yến
Thống kê truy cập
Hôm nay : 2.372
Hôm qua : 2.961
Tháng 07 : 8.156
Năm 2024 : 513.502