A- A A+ | Chia sẻ bài viết lên facebook Chia sẻ bài viết lên twitter Chia sẻ bài viết lên google+ Tăng tương phản Giảm tương phản

Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị có vai trò quan trọng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch. Bài viết nhận diện một số quan điểm sai trái, thù địch, từ đó xác định phương hướng, nội dung trong nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Lễ khai giảng các lớp cao cấp lý luận chính trị năm 2021 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Ảnh: hcma.vn

1. Nhận diện các quan điểm sai trái, thù địch chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng

Quan điểm sai trái là sự xuyên tạc, bóp méo sự thật, dẫn đến sự nghi ngờ, không tin tưởng và hiểu sai quan điểm chính thống. Quan điểm thù địch là những quan điểm có chủ đích đi ngược lại và đối lập quan điểm chính thống(1). Hiện nay, các quan điểm sai trái, thù địch diễn biến rất phức tạp, nhưng có thể tổng quát trên một số phương diện sau:

Một là, phủ nhận các luận điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh

Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trong và ngoài nước tung ra các luận điệu như: chủ nghĩa Mác - Lênin đến nay đã lỗi thời, chỉ đúng đắn trong điều kiện Cách mạng công nghiệp lần thứ nhất (động cơ hơi nước), với nền sản xuất dựa trên máy móc cơ khí, còn hiện nay, nhân loại đã chuyển mình sang Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên chủ nghĩa Mác - Lênin không còn phù hợp. Chúng cho rằng, đó là học thuyết ngoại lai, bắt nguồn từ phương Tây, không phù hợp với Việt Nam. Chúng phủ định các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin, trong đó có học thuyết về hình thái kinh tế - xã hội, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác, bác bỏ thời kỳ quá độ lên CNXH, coi thời kỳ quá độ đi lên CNXH ở Việt Nam là phi thực tế. 

Các thế lực thù địch, phản động tập trung tấn công tư tưởng Hồ Chí Minh trên nhiều phương diện. Chúng xuyên tạc rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh không có tư tưởng của riêng mình hoặc tư tưởng của Người không được coi là một hệ thống. Chúng đưa ra luận điệu tư tưởng Hồ Chí Minh chỉ là tư tưởng về cách mạng giải phóng dân tộc, không có tư tưởng về đấu tranh giai cấp, về cách mạng XHCN, không mang bản chất mácxít, thậm chí đối lập với chủ nghĩa Mác - Lênin; rằng, Hồ Chí Minh là người dân tộc chủ nghĩa, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm phương tiện; đưa chủ nghĩa Mác - Lênin vào Việt Nam là một sai lầm lịch sử.

Hai là, xuyên tạc, phủ định các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước

Về con đường đi lên CNXH, các thế lực thù địch tìm mọi cách phủ nhận mục tiêu, lý tưởng, con đường đi lên CNXH, phê phán CNXH hiện thực, công khai ca ngợi con đường TBCN; đồng nhất và quy chụp những hạn chế, yếu kém của CNXH hiện thực hay những sai lầm, hạn chế của một số đảng cộng sản để minh chứng cho sự sai lầm của học thuyết Mác - Lênin. Từ đó, chúng ca ngợi mô hình CNXH dân chủ là mô hình phát triển phù hợp với thế giới đương đại, vừa tích hợp được những mặt mạnh của chủ nghĩa tư bản với mặt mạnh của CNXH. Một số ý kiến cho rằng, những nước đi theo con đường TBCN, mặc dù có những bất cập nhất định, nhưng tốc độ phát triển kinh tế nhanh, những vấn đề xã hội, môi trường thường được giải quyết tốt hơn các nước đi theo CNXH. 

Về Đảng cầm quyền, các thế lực thù địch tìm cách bác bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng được ghi trong Điều 4 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam. Chúng cho rằng: “Đảng Cộng sản Việt Nam có nhiều sai lầm trong quá khứ, dù quá khứ có làm được một số việc thì bây giờ chuyển sang thời kỳ mới, Đảng đã hết vai trò lịch sử, không còn đủ sức để lãnh đạo đất nước”(2). Chúng lập luận rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo Nhà nước và toàn xã hội theo chế độ đảng trị, “thể chế Việt Nam hiện nay là không phù hợp với chuẩn mực quốc tế. Chế độ một Đảng lãnh đạo, độc quyền là trái với nguyên tắc nhà nước pháp quyền”; “Hiến pháp của Việt Nam là không chính danh, chỉ là Điều lệ của Đảng Cộng sản Việt Nam độc tài, toàn trị”(3).

Về kinh tế thị trường định hướng XHCN, các thế lực thù địch cho rằng, đường lối phát triển kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là chắp vá, không tưởng. Chúng phủ nhận mối quan hệ giữa kinh tế thị trường và định hướng XHCN; phủ nhận vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước.

Về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân, chúng cho rằng, sự sụp đổ của mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu đã chứng minh sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã kết thúc. Ở thời đại ngày nay, trong nền sản xuất hiện đại đã sử dụng nhiều rôbốt - người máy, tự động hóa, người công nhân được tuyển dụng và sử dụng rất ít, cho nên học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác, học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân không còn phù hợp nữa. Chúng cho rằng, trong xã hội hiện đại, nhà tư bản không còn bóc lột sức lao động của giai cấp công nhân; giai cấp công nhân không còn vai trò trong nền sản xuất hiện đại mà chính tầng lớp trí thức mới là người quyết định vận mệnh tương lai của nhân loại.

Về vấn đề dân chủ, nhân quyền, các thế lực thù địch tìm cách tuyên truyền, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền, vi phạm chính sách tự do tôn giáo, đàn áp tôn giáo... 

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, chúng cho rằng, quân đội và công an chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước và an ninh, trật tự xã hội, không nên bị chi phối bởi chính trị; không phải là lực lượng bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; cần phi chính trị hóa quân đội và công an. 

Ba là, phủ định các giá trị lịch sử của dân tộc và những thành quả của cách mạng Việt Nam

Các thế lực thù địch tìm cách phủ nhận tất yếu lịch sử và tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, đánh đồng những chiến sĩ cách mạng hy sinh vì chính nghĩa với những kẻ làm tay sai, bán nước. Chúng xuyên tạc lịch sử cách mạng, cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Đảng và nhân dân Việt Nam là sai lầm, gây đổ máu; đi theo con đường TBCN thì đã không phải thực hiện chiến tranh.

Cùng với việc phủ nhận những thành quả mà Đảng và nhân dân Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong 35 năm đổi mới, chúng phê phán đường lối phát triển của Việt Nam lấy kinh tế nhà nước là chủ đạo là đã tập trung vào khu vực kinh tế kém hiệu quả, khó tránh khỏi tụt hậu. Lợi dụng kết quả cuộc đấu tranh chống tham nhũng do Đảng tiến hành, chúng xuyên tạc, bóp méo, vu khống, suy diễn cho rằng, đó là cuộc “thanh toán phe phái”, “trả thù cá nhân” vì “lợi ích nhóm”... Từ đó, chúng gieo rắc những hoài nghi trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. 

Bốn là, xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên 

Có thể nhận diện những thông tin xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu cán bộ, đảng viên ở một số nội dung như: xuyên tạc về tình hình sức khỏe; thêu dệt bí mật đời tư; bình phẩm, phán xét về trình độ, năng lực; xuyên tạc nhân phẩm, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên.

Năm là, xuyên tạc, bóp méo các sự kiện phức tạp, nhạy cảm

Các thế lực thù địch tìm cách xuyên tạc, bóp méo những chủ trương, chính sách, văn bản ký kết của Việt Nam với một số nước để kích động, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta; làm giảm niềm tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước; lợi dụng các sự kiện nhạy cảm, nhất là các sự kiện liên quan đến các vấn đề phân định biên giới, lãnh thổ, tranh chấp Biển Đông, những vấn đề liên quan đến đầu tư, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh… để kích động gây mất ổn định chính trị, xã hội. 

Có thể thấy, các quan điểm sai trái, thù địch thể hiện rất đa dạng, phức tạp, với mức độ thường xuyên, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhằm mục đích làm lung lay nền tảng tư tưởng, suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng, từ đó xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. 

2. Xác định nội dung nghiên cứu, giảng dạy lý luận chính trị góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng 

Theo tinh thần Nghị quyết số 35-NQ/TW của Bộ Chính trị, khái niệm bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là rất rộng, toàn diện, bao gồm 05 nội dung, trong đó trước hết là bảo vệ Đảng, Cương lĩnh chính trị, đường lối của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trở thành nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, trong đó có những người tham gia công tác nghiên cứu, tuyên truyền, giảng dạy LLCT. Thực tế cho thấy, hoạt động nghiên cứu, giảng dạy LLCT đã tham gia và tác động vào tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đối tượng tác động trực tiếp của công tác nghiên cứu, giảng dạy LLCT là đội ngũ cán bộ của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, thanh niên, sinh viên. Do đó, nhiệm vụ nghiên cứu, giảng dạy LLCT góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới càng trở nên quan trọng. 

Trong giai đoạn hiện nay, công tác nghiên cứu, giảng dạy LLCT cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục nghiên cứu sâu sắc, toàn diện để làm rõ hơn các giá trị cốt lõi, sức sống trường tồn không thể phủ nhận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh đối với sự phát triển của xã hội loài người và của Việt Nam

Giá trị và sức sống trường tồn của chủ nghĩa Mác - Lênin thể hiện ở những nguyên lý cơ bản, các quy luật phổ biến giúp con người có được cách thức, con đường đúng đắn để có thể nhận thức và cải tạo thế giới, thúc đẩy xã hội loài người phát triển ngày càng hoàn thiện và văn minh hơn. Đây là nội dung quan trọng hàng đầu trong nghiên cứu, giảng dạy LLCT. Tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để khẳng định giá trị và sức sống của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh chính là bảo vệ các căn cứ khoa học, đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, góp phần bảo vệ tư tưởng của Đảng, bởi “Đảng lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động”(4). Trên cơ sở đó, Đảng xác định: “nắm vững bản chất khoa học và cách mạng, phương pháp luận, nguyên lý cơ bản, những giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đó là khâu “đột phá” của toàn bộ sự nghiệp đổi mới và là phương châm vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong công cuộc đổi mới”(5). Do đó, đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận của Đảng, trước hết, không gì khác hơn là bảo vệ đến cùng những giá trị tư tưởng, lý luận mà C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh đã dày công nghiên cứu, đúc kết và kiểm nghiệm từ thực tiễn. 

Hai là, không ngừng tổng kết thực tiễn, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong bối cảnh mới

Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lý. Chỉ có tổng kết thực tiễn mới kiểm chứng được sự đúng - sai của tư tưởng, lý luận. Tư tưởng, lý luận bao giờ cũng được khái quát và phản ánh từ thực tiễn. Hệ thống lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống mở, luôn cần được tổng kết thực tiễn để hoàn thiện và phát triển. Để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, những người nghiên cứu, giảng dạy LLCT phải coi trọng tổng kết thực tiễn, qua đó kịp thời phát hiện để góp phần bổ sung, hoàn thiện và phát triển tư tưởng, lý luận của Đảng trong điều kiện mới. Nhiệm vụ của công tác nghiên cứu, giảng dạy LLCT là “đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách”(6).

Ba là, nghiên cứu, phân tích, chứng minh sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh của Đảng trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH

Thực tiễn phong phú, sinh động của cách mạng Việt Nam kể từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập đến nay đã minh chứng: sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng, lập nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam. Đúng như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định trong Diễn văn kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng: ở Việt Nam, không có một lực lượng chính trị nào khác, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ bản lĩnh, trí tuệ, kinh nghiệm, uy tín và khả năng lãnh đạo đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đưa sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”(7).

Để có được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử trong 35 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã có những bước đi dũng cảm về nhận thức, sự đổi mới mạnh mẽ về chính sách kinh tế - xã hội. Đó là bước chuyển quyết liệt từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu, bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN; từ một nhà nước theo mô hình chuyên chính vô sản, sang xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; từ một đất nước gần như chỉ quan hệ trong khối XHCN sang một đất nước mở cửa hội nhập quốc tế toàn diện về kinh tế, chính trị, ngoại giao, văn hóa… Thực tế cho thấy, Đảng đã kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin và đổi mới mạnh mẽ để đưa đất nước không ngừng tiến lên theo mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Do đó, việc nghiên cứu, phân tích, làm rõ sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng CNXH là nội dung quan trọng, góp phần đấu tranh chống các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Bốn là, nghiên cứu, phân tích sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước để tham gia bổ sung, hoàn thiện, phát triển cho phù hợp với thực tiễn đất nước

Trên cơ sở nền tảng tư tưởng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng đã đề ra đường lối, chủ trương, Nhà nước hoạch định chính sách, pháp luật để định hướng, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, bảo đảm cho đất nước phát triển đúng hướng và có hiệu quả. Tuy nhiên, thực tiễn lại rất sinh động và luôn luôn vận động, biến đổi. Mọi đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật có thể đúng trong giai đoạn này, thời điểm này, nhưng có thể là bất cập ở giai đoạn khác, thời điểm khác. Cho nên, phải thường xuyên nghiên cứu, phân tích thực tiễn nhằm phát hiện những bất cập để kịp thời bổ sung, điều chỉnh sát hợp với tình hình thực tế. Đây là nội dung rất cụ thể của công tác nghiên cứu, giảng dạy LLCT. Đảng nhấn mạnh một trong những yêu cầu của việc nghiên cứu, giảng dạy LLCT là “chú trọng tới những nội dung phù hợp tình hình mới và yêu cầu cụ thể của từng địa phương, vùng, miền; vừa bổ sung kiến thức, vừa giải đáp những vấn đề thực tiễn mới đặt ra(8). Phương châm giáo dục chính trị là “khoa học, thực tiễn, sáng tạo và hiện đại”(9), phù hợp với từng đối tượng và chú trọng đến chất lượng, hiệu quả.

Năm là, nghiên cứu tính hệ thống và có chiều sâu những học thuyết chính trị tư sản, tìm hiểu thực tiễn quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại để đối chiếu, so sánh, tìm ra căn cứ đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch

Trong mọi thời điểm cách mạng, Đảng nhấn mạnh phải “tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị”(10). Trong quá trình hình thành và phát triển hệ thống tư tưởng lý luận của mình, các lãnh tụ C.Mác, Ph.Ăngghen, V.I.Lênin và Hồ Chí Minh luôn tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc, thấu đáo các học thuyết của các nhà tư tưởng tư sản, thực tiễn xã hội tư bản, để từ đó phát hiện ra những hạn chế, bất cập; trên cơ sở đó có giải pháp vừa đấu tranh, phê phán, vừa bổ sung, khái quát những tư tưởng, quan điểm mới mang tính cách mạng và khoa học. V.I.Lênin từng đưa ra một định nghĩa đầy tính thực tiễn về CNXH như sau: “Dùng cả hai tay mà lấy những cái tốt nhất của nước ngoài: Chính quyền Xô viết + trật tự ở đường sắt Phổ + kỹ thuật và cách tổ chức các tơ-rớt ở Mỹ + ngành giáo dục quốc dân Mỹ etc. etc. + + = ∑ = chủ nghĩa xã hội”(11). Nhận định của V.I.Lênin cách đây gần 100 năm vẫn còn nguyên giá trị phương pháp luận, hơn thế nữa, là dự báo cho tính chất khoa học và bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin so với các học thuyết khác.

Trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay, công tác nghiên cứu, giảng dạy LLCT sẽ không thể đạt hiệu quả cao nếu chỉ hiểu mơ hồ, hiểu không chắc chắn về chủ nghĩa tư bản và các học thuyết chính trị tư sản hiện đại. Nghiên cứu, tìm hiểu các học thuyết chính trị tư sản, tìm hiểu thực tiễn quá trình phát triển của chủ nghĩa tư bản hiện đại để đối chiếu, so sánh, tìm ra căn cứ để đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch là hướng đi hiệu quả góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

Những nội dung nghiên cứu, giảng dạy LLCT nêu trên cần được tiến hành nghiêm túc, đồng bộ để không chỉ bổ sung, làm phong phú thêm lý luận, mà còn đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, góp phần bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng.

TS NGUYỄN ĐÌNH QUỲNH

Học viện Chính trị khu vực I

__________________

(1) Nguyễn Viết Thông: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về luận cứ phê phán các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, 2021, http://hdll.vn/vi/nghien-cuu-trao-doi/mot-so-van-de-ly-luan-va-thuc-tien-ve-luan-cu-phe-phan-cac-quan-diem-sai-trai-thu-dich-bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang.html.

(2) Ban Tuyên giáo Trung ương: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017, tr.51.

(3) Cục Tuyên huấn: Phòng, chống âm mưu, thủ đoạn tuyên truyền chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch (sách chuyên khảo), Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2019, tr.33.

(4) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.88.

(5) Mạch Quang Thắng (Chủ biên): Một số vấn đề lý luận chính trị ở Việt Nam, Nxb Tổng hợp, thành phố Hồ Chí Minh, 2017, tr.14.

(6), (9), (10) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.182, 183, 183.

(7) Nguyễn Phú Trọng: Bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng, 2020, https://baoquocte.vn/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-le-ky-niem-90-nam-ngay-thanh-lap-dang-108832.html.

(8) Ban Tuyên giáo Trung ương: Hướng dẫn công tác nghiên cứu, giáo dục lý luận chính trị năm 2021, http://www.tuyengiao.vn/tu-lieu/huong-dan-chi-dao/huong-dan-cong-tac-nghien-cuu-giao-duc-ly-luan-chinh-tri-nam-2021-129745.

(11) V.I.Lênin: Toàn tập, t.36, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.684.

Các bài viết khác


Nguồn: Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí MInh
Thống kê truy cập
Hôm nay : 1.038
Hôm qua : 3.657
Tháng 05 : 66.394
Năm 2024 : 365.808