Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở cơ sở vững mạnh
CTTBTG - Chi bộ là tế bào của Đảng, là nơi trực tiếp đưa đường lối, chính sách của Đảng đến với quần chúng, nhằm tuyên truyền, vận động, tập hợp, giáo dục, thuyết phục quần chúng thực hiện đường lối, chính sách của Đảng. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “chi bộ là gốc rễ của Đảng”, “là đồn lũy chiến đấu của Đảng ở trong quần chúng”, “là cầu nối giữa Đảng và quần chúng ”, “chi bộ tốt thì mọi việc đều tốt ”, “chi bộ mạnh tức là Đảng mạnh”.
Tỉnh Hà Giang có 15 Đảng bộ trực thuộc. Tính đến tháng 1.2023 , toàn tỉnh có 844 tổ chức cơ sở đảng (gồm 305 đảng bộ cơ sở, 539 chi bộ cơ sở); có 3.743 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở; tổng số đảng viên là 73.551 đồng chí; trong đó, đảng viên chính thức là 70.555 đồng chí, đảng viên dự bị là 2.996 đồng chí.
Tập huấn kỹ năng điều hành sinh hoạt chi bộ cho Công an huyện Mèo Vạc |
Sinh hoạt chi bộ là một chế độ đã được quy định trong Điều lệ Đảng, chi bộ sinh hoạt định kỳ mỗi tháng một lần hoặc đột xuất khi cần. Việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ là nhiệm vụ quan trọng nhằm nâng cao chất lượng chi bộ và là nhân tố quyết định vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, giúp đảng viên nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng và thực hiện chức năng lãnh đạo, giáo dục của chi bộ.
Theo Hướng dẫn số 09-HD/TW ngày 12/03/2012 của Ban Tổ chức Trung ương; Chỉ thị số 12-CT/TU, ngày 13/9/2021của BTV Tỉnh ủy và Hướng dẫn số 01-HD/BTCTU, ngày 12/10/2021 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy Hà Giang, nội dung sinh hoạt chi bộ hàng tháng gồm :
Thứ nhất, thông qua tình hình thời sự nổi bật trong nước, quốc tế và của địa phương, cơ quan, đơn vị ; phổ biến, quán triệt những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên (nội dung thông tin cần chọn lọc phù họp, thiết thực). Nhận xét tình hình tư tưởng của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; những vấn đề tư tưởng chi bộ cần quan tâm.
Thứ hai, đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ của chi bộ tháng trước (nêu rõ những việc làm được, chưa được, nguyên nhân); tình hình đảng viên thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và của Nhà nước, nghị quyết, chỉ thị của cấp ủy cấp trên và nhiệm vụ được chi bộ phân công.
Thứ ba, đánh giá việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức ,phong cách Hồ Chí Minh của đảng viên, quần chúng thuộc phạm vi lãnh đạo của chi bộ; biểu dương những đảng viên tiền phong gương mẫu, có việc làm cụ thể, thiết thực về học tập và làm theo tư tưởng , đạo đức , phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời, giáo dục, giúp đỡ những đảng viên có sai phạm (nếu có).
Thứ tư, thông báo ý kiến của đảng viên, quần chúng về sự lãnh đạo của chi bộ và vai trò tiền phong gương mẫu của đảng viên (nếu có) để chi bộ có biện pháp phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, kịp thời ngăn chặn, đấu tranh với những biểu hiện quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Thứ năm, đề ra một số nhiệm vụ cụ thể, thiết thực, bức xúc trước mắt để thực hiện trong tháng tới theo chức năng, nhiệm vụ của chi bộ và sự chỉ đạo của cấp ủy cấp trên; đồng thời, phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên thực hiện.
Thứ sáu, chi bộ thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến về các nội dung trên.Trong quá trình thảo luận, đồng chí chủ trì cần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của đảng viên và gợi ý những nội dung quan trọng để đảng viên tham gia thảo luận, thể hiện chính kiến của mình. Khi có những vấn đề cần biểu quyết mà đang có ý kiến khác nhau, chi bộ cần trao đổi kỹ trước khi biểu quyết.
Đối với nội dung sinh hoạt theo chuyên đề, ít nhất mỗi quý một lần, chi bộ chọn một trong những vấn đề sau để sinh hoạt chuyên đề: Các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo hướng dẫn của Trung ương và cấp ủy cấp trên; giải pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh hoặc củng cố, khắc phục cơ sở yếu kém; các giải pháp xây dựng nông thôn mới, việc xây dựng thôn (xóm, tổ dân phố…), khu phố (khu dân cư...) văn hóa; biện pháp giúp đỡ đảng viên nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và các tệ nạn xã hội ở địa phương, cơ quan, đơn vị; công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và tạo nguồn phát triển đảng viên; công tác quản lý và phân công công tác cho đảng viên; phương pháp tự nghiên cứu, học tập để không ngừng nâng cao trình độ kiến thức cho cán bộ đảng viên…
Tính lãnh đạo của sinh hoạt đảng bộ, chi bộ thể hiện trong sinh hoạt đảng viên phải bàn bạc, thảo luận một cách dân chủ những vấn đề cần giải quyết và ra được quyết nghị về những hoạt động của chi bộ. Tính lãnh đạo thể hiện:
- Định hướng được những hoạt động chủ yếu của địa phương, đơn vị trên các mặt kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội, bảo đảm cho đơn vị phát triển trong một thời gian nhất định cũng như giải quyết kịp thời những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn.
- Chỉ rõ trách nhiệm, quyền hạn của từng tổ chức, từng cán bộ, đảng viên.
- Chỉ rõ chủ trương, biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ về chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm lãnh đạo đơn vị thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị.
Để đảm bảo tính lãnh đạo của sinh hoạt, chi bộ, cần thực hiện nghiêm chỉnh nguyên tắc tập trung dân chủ, mở rộng dân chủ trong sinh hoạt Đảng phải đi liền với tăng cường sự lãnh đạo tập trung thống nhất.
Tính giáo dục của sinh hoạt đảng bộ, chi bộ thể hiện qua mỗi kỳ sinh hoạt đảng bộ, chi bộ; trình độ mọi mặt của đảng viên dần được nâng lên, ngày càng nhận thức sâu sắc hơn đường lối, chính sách của đảng, mỗi đảng viên có thêm những kiến thức mới bổ ích, những kinh nghiệm thiết thực trong hoạt động thực tiễn. Qua mỗi kỳ sinh hoạt, người đảng viên tự nhận thấy vững vàng hơn trong công tác. Tính giáo dục của sinh hoạt đảng bộ, chi bộ còn được thể hiện ở việc nêu gương điển hình tiên tiến, gương đảng viên tiên phong gương mẫu và phê bình những sai lầm, khuyết điểm của chi bộ, tổ chức đảng và của đảng viên.
Tính chiến đấu của sinh hoạt đảng bộ, chi bộ thể hiện ở việc sinh hoạt đảng bộ, chi bộ phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng ưu điểm, thành tựu, phê phán nghiêm khắc những sai lầm, khuyết điểm của đảng ủy, chi ủy, đảng bộ, chi bộ và từng cán bộ, đảng viên và đề ra được biện pháp phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm. Chế độ tự phê bình và phê bình trên tinh thần thẳng thắn, trung thực, khách quan, công tâm và trên tình đồng chí, tôn trọng lẫn nhau giữa những người cộng sản. Cần tránh tình trạng né tránh, nể nang, lựa chiều khi phê bình và tình trạng đoàn kết một chiều.
Tóm lại, muốn sinh hoạt đảng bộ, chi bộ đạt chất lượng tốt cần đảm bảo ba tính chất: Tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu, ngoài ra cần chú ý đến tình đồng chí, thương yêu, tôn trọng lẫn nhau, giúp đỡ tận tình, tạo điều kiện để mỗi đảng viên giải quyết những khó khăn, vươn lên trong công tác và trong đời sống. Sinh hoạt đảng bộ, chi bộ ở cơ sở có vai trò rất quan trọng đối với việc nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ và đường lối, nghị quyết, chương trình của tổ chức đảng cấp trên.
Những năm qua, việc nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ luôn được chú trọng và đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Trong sinh hoạt, nội dung được chuẩn bị và có sự tham gia ý kiến, thống nhất trong chi ủy và gắn sinh hoạt tư tưởng với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp trên, đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của chi bộ, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm của tập thể chi bộ, chi ủy và cá nhân đảng viên với nhiệm vụ được phân công.
Mỗi kỳ sinh hoạt hàng tháng, bí thư chi bộ thông tin tình hình thời sự nổi bật trong nước, quốc tế và của địa phương để báo cáo, qua đó góp phần rèn luyện về khả năng tổng hợp, nắm bắt thông tin, khả năng diễn đạt trước tập thể, trau dồi kiến thức nâng cao khả năng tư duy cho đảng viên. Bên cạnh đó, các chi bộ còn phổ biến, quán triệt những chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên; nhận xét tình hình tư tưởng của đảng viên, những vấn đề tư tưởng mà chi bộ cần quan tâm, qua đó để trao đổi, động viên, giải quyết những tâm tư, tình cảm của đảng viên.
Việc đánh giá nhiệm vụ của chi bộ và nhiệm vụ của đảng viên tháng trước được thực hiện nghiêm túc, trong đánh giá đã làm rõ những ưu điểm, khuyết điểm, tìm ra nguyên nhân để chỉ đạo giải quyết. Biểu dương những đảng viên có việc làm cụ thể, thiết thực; đồng thời giáo dục, giúp đỡ, góp ý những đảng viên chưa thực hiện nghiêm túc tinh thần tự phê bình, phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII,XIII). Phân công công tác cụ thể cho đảng viên, trong đó giao mỗi đảng viên thực hiện số lượng công việc, thời gian phải hoàn thành. Các chi bộ có hồ sơ, đảng viên có sổ ghi chép đầy đủ theo quy định. Phân công 1 đồng chí phụ trách uy ban kiểm tra hàng tháng lựa chọn ngẫu nhiên 2 đến 3 đồng chí đảng viên để thực hiện theo dõi, giám sát trong tháng, đến kỳ họp chi bộ tháng sau báo cáo kết quả cho chi bộ để có những uốn nắn kịp thời.
Phần thảo luận đã phát huy dân chủ tạo nên hầu hết đảng viên tham gia phát biểu; những ý kiến phù hợp được chi bộ ghi nhận đưa vào kết luận, những ý kiến trái chiều được chi bộ giải thích làm rõ từng vấn đề; không áp đặt chủ quan một chiều. Sau phần thảo luận, đồng chí bí thư tóm tắt ý kiến phát biểu và kết luận, những nội dung quan trọng thì chi bộ ban hành nghị quyết để chỉ đạo thực hiện.
Trong sinh hoạt chi bộ có 1 số chi bộ phân công đảng viên kể chuyện về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.Việc ghi chép biên bản hội nghị được hầu hết các chi bộ coi trọng.
Về phía đảng viên luôn chấp hành tốt quy định về thời gian sinh hoạt chi bộ, về việc ghi chép sổ tay rèn luyện đảng viên, cũng như việc đóng đảng phí theo quy định. Trong sinh hoạt chi bộ tất cả các đảng viên đều tập trung nêu cao tinh thần dân chủ tự phê bình và phê bình một cách nghiêm túc, đóng góp xây dựng dự thảo nghị quyết tháng, năm của chi bộ. Việc đánh giá, chấm điểm sinh hoạt chi bộ hàng tháng đều đảm bảo dân chủ, chặt chẽ, chính vì thế sự đoàn kết trong các chi bộ luôn giữ vững. Đa số cán bộ, đảng viên có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, có ý thức phục vụ nhân dân, được nhân dân tin tưởng.
Hạn chế: Chất lượng sinh hoạt có nâng lên nhưng qua kiểm tra, theo dõi, nắm bắt nhận thấy tinh thần trách nhiệm của đảng viên trong đấu tranh tự phê bình và phê bình chưa cao, còn có tình trạng đảng viên thờ ơ không quan tâm tới công việc của chi bộ, dự họp nhưng không thảo luận, không có ý kiến, nhất là đảng viên trẻ còn rụt rè, e ngại trong đóng góp ý kiến. Vẫn còn xảy ra tình trạng bằng mặt nhưng ko bằng lòng, biểu quyết chạy theo số đông (chính vì vậy, còn xảy ra đơn thư vượt cấp, mạo danh, nặc danh).
Ở một số chi bộ cơ quan, thời gian sinh hoạt không bảo đảm, thường là kết hợp sau cuộc họp của chuyên môn rồi tranh thủ họp chi bộ. Trong sinh hoạt đảng đôi lúc còn nặng về hình thức, liệt kê công việc, tháng trước đưa xuống tháng sau, sinh hoạt chuyên đề theo từng quý chưa thực hiện đầy đủ.
Chi ủy đôi lúc chưa tổ chức họp trước để chuẩn bị nội dung sinh hoạt; đảng viên không dự thảo những nội dung sẽ được đưa thảo luận trong sinh hoạt chi bộ nên sinh hoạt dàn trải, thiếu trọng tâm, đôi lúc lê thê, thiếu thiết thực nên chất lượng sinh hoạt chưa cao; nội dung sinh hoạt vẫn còn nặng bàn về công tác lãnh đạo chuyên môn; hình thức sinh hoạt còn đơn điệu, ít được đổi mới.
Nội dung sinh hoạt nghèo nàn, đơn điệu, còn mang tính sự vụ, chủ yếu thiên về nhiệm vụ chuyên môn. Đôi lúc còn đồng nhất giữa nội dung họp chi bộ với họp cơ quan, nên thường sa vào đánh giá kết quả thực hiện công tác chuyên môn của cơ quan, đơn vị mà chưa chú trọng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên cũng như việc kiểm tra, giám sát đảng viên trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị. Việc đấu tranh tự phê bình và phê bình có chi bộ còn yếu, nhiều vấn đề trọng tâm, bức xúc đưa ra nhưng không được bàn luận kỹ, kết luật rõ ràng...
Đôi lúc đồng chí bí thư còn chưa linh hoạt, chưa kịp thời định hướng nội dung sinh hoạt, chưa gợi mở vấn đề để đảng viên tham gia phát biểu hoặc chỉ định ý kiến phát biểu.
Những hạn chế trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do chi ủy, nhất là bí thư chi bộ kiêm nhiệm nhiều việc nên thời gian dành cho công tác đảng hạn chế. Nguyên nhân chủ quan là do nhiều bí thư chi bộ còn đơn giản trong sinh hoạt chi bộ, nặng về công tác chuyên môn hơn công tác đảng; chưa nghiên cứu sâu về nguyên tắc của Đảng và chưa dành thời gian đầu tư suy nghĩ, tìm các biện pháp để đổi mới nội dung, nâng cao chất lượng sinh hoạt. Công tác kiểm tra, giám sát, định hướng nội dung sinh hoạt của cấp ủy cấp trên trực tiếp đối với chi bộ chưa thường xuyên nên chi bộ sinh hoạt có tính chất chiếu lệ. Đảng viên trẻ ngại va chạm, cũng như trình độ lý luận, kinh nghiệm thực tiễn còn hạn chế ít có ý kiến và chưa được quan tâm của chi ủy.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, góp phần xây dựng tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên ở cơ sở, cần tập trung chỉ đạo và thực hiện tốt một số nội dung chính sau đây :
Một là, tiếp tục quán triệt và thực hiện Chỉ thị thị số 12-CT/TU, ngày 13/9/2021 của BTV Tỉnh ủy và hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương, của Ban Tổ chức Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Duy trì tốt nề nếp sinh hoạt chi bộ, tránh họp chi bộ sau giờ làm việc. Chú trọng sinh hoạt chuyên đề; gắn sinh hoạt chi bộ với thực hiện nhiệm vụ chính trị. Khi cần thiết nên tổ chức các buổi trao đổi, thảo luận đối với những chủ trương lớn về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên do cấp trên chỉ đạo. Đảng ủy viên phân công phụ trách phải thường xuyên tham gia họp chi bộ.
Hai là, chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ phải chuẩn bị kỹ nội dung sinh hoạt chi bộ, đồng thời thông báo trước nội dung, thời gian địa điểm cho đảng viên biết để chủ động bố trí thời gian dự sinh hoạt và chuẩn bị ý kiến phát biển. Chi ủy cần xác định và chọn những việc cụ thể thiết yếu liên quan đến thực hiện nhiệm vụ chính trị của chi bộ và quyền lợi của đảng viên, quần chúng để đưa ra thảo luận, bàn biện pháp giải quyết. Kịp thời biểu dương, động viên những đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; nhắc nhở, giúp đỡ những đảng viên còn có mặt hạn chế, khuyết điểm.
Ba là, nội dung sinh hoạt chi bộ gắn với công tác chuyên môn, nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, địa phương. Tổ chức sinh hoạt nghiêm túc, phương pháp sinh hoạt mềm dẻo, linh hoạt. Các buổi sinh hoạt chi bộ phải nhất thiết bố trí thư ký để ghi chép trung thực, đầy đủ ý kiến thảo luận của đảng viên và kết luận của đồng chí chủ trì; cuối buổi phải thông qua nghị quyết hoặc ý kiến kết luận của đồng chí chủ trì, thư ký phải ký vào sổ ghi biên bản cuộc họp chi bộ. Đối với các buổi sinh hoạt chuyên đề, cấp ủy chi bộ cần nghiên cứu chọn chuyên đề phù hợp, sát với tình hình thực tế của chi bộ, tạo sự phong phú, lôi cuốn, tránh đơn điệu trong sinh hoạt.
Bốn là, phát huy tính dân chủ trong sinh hoạt đảng; giữ vững nguyên tắc tập trung dân chủ, tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình. Để thực sự phát huy dân chủ trong sinh hoạt chi bộ thì bí thư chi bộ phải rất linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành; chủ trì các cuộc họp cần có tác phong cởi mở, chân thành, dân chủ, nhưng cần phải quyết đoán, có chính kiến rõ ràng. Trong thảo luận phải thật sự phát huy dân chủ, tạo được không khí đoàn kết, thẳng thắn để các đảng viên thể hiện hết ý kiến của mình , phát huy tinh thần tiên phong “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám đương đầu với khó khăn, thử thách”, trước khi biểu quyết chung của chi bộ. Từ dự kiến công việc đến phân công công tác cho đảng viên phải được phân tích kỹ lưỡng, có lý, có tình và phải được thảo luận một cách dân chủ. Những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng và động viên, khuyến khích, tiếp thu một cách cầu thị. Cần bình tĩnh lắng nghe những ý kiến trái chiều và phải được thảo luận rất kỹ trong chi bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ nhưng phải bảo đảm quyền được bảo lưu của cá nhân.
Năm là, mỗi đảng viên phải nâng cao ý thức trách nhiệm, học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện và giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thực hiện tốt 4 nhiệm vụ đảng viên và nhiệm vụ cụ thể do cấp trên và chi bộ giao. Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy, đặc biệt là bí thư chi bộ; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác đảng, cách thức điều hành sinh hoạt chi bộ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy cấp trên về chấp hành chế độ sinh hoạt chi bộ. Kịp thời biểu dương những chi bộ tiêu biểu, giới thiệu kinh nghiệm của các chi bộ khác, uốn nắn những lệch lạc trong sinh hoạt, trên cơ sở đó có biện pháp chỉ đạo sát thực, hiệu quả.
Tóm lại, nâng cao chất lượng sinh hoạt của chi bộ là một nội dung quan trọng không thể thiếu trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, XII,XIII), bởi sinh hoạt chi bộ đạt chất lượng cao sẽ góp phần làm cho chi bộ mạnh. Chi bộ mạnh thì sẽ có nhiều đảng viên tốt. Có nhiều chi bộ mạnh, nhiều đảng viên tốt thì vị trí, vai trò, năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng ngày càng được nâng cao, Đảng sẽ làm tròn sứ mệnh lịch sử cao cả của một Đảng cầm quyền.
Lưu Đình Phát – Phó trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy