Một số nội dung mới trong chủ trương của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn
CTTBTG - Sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5-8-2008 của Hội nghị Trung ương 7 khóa X “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn”, bên cạnh những thành tựu to lớn đạt được, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đang có một số khó khăn, thách thức cần được quan tâm giải quyết. Trước bối cảnh đó, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Bài viết phân tích một số nội dung chủ yếu về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Nghị quyết.
Việt Nam phát triển nông nghiệp thông minh với việc chọn lọc các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao - Ảnh: vnanet.vn
1. Quan điểm, mục tiêu phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Nghị quyết 19-NQ/TW ngày 16-6-2022 của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII đã xác định một số quan điểm chủ yếu:
Một là, Nghị quyết khẳng định mối quan hệ mật thiết, không thể tách rời giữa ba thành tố nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong một chỉnh thể thống nhất. Trong đó, nông dân là chủ thể, nông nghiệp là nền tảng, nông thôn là địa bàn. Mục tiêu hướng tới là xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh. Điều này vừa phù hợp với mục tiêu của Đảng, nguyện vọng của nông dân và bối cảnh thời đại hiện nay. Nghị quyết tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò rất quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cụ thể là, nông nghiệp, nông dân, nông thôn: “là cơ sở, lực lượng to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”(1). Đây là quan điểm xuyên suốt, thể hiện quan điểm, sự quan tâm của Đảng ta với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nghị quyết cũng khẳng định ưu tiên nguồn lực của đất nước cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Bảo đảm phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền của đất nước, giữa nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ.
Hai là, Nghị quyết xác định nông dân là chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
Điểm mới của Nghị quyết 19-NQ/TW lần này là đã cụ thể hóa những yêu cầu năng lực, phẩm chất của nông dân trong giai đoạn hiện nay như: “có tinh thần yêu nước, đoàn kết, tự chủ, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, khát vọng xây dựng quê hương, đất nước; có trình độ tổ chức sản xuất tiên tiến, nếp sống văn minh, trách nhiệm xã hội, tôn trọng pháp luật, bảo vệ môi trường”(2). Đây là những phẩm chất, giá trị con người Việt Nam hiện nay thể hiện rõ nội hàm khái niệm “nông dân văn minh”. Các giá trị này vừa có sự kế thừa truyền thống, vừa bổ sung, phát triển các năng lực, phẩm chất mới phù hợp với bối cảnh thời đại. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn, lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.
Ba là, căn cứ vào lợi thế cạnh tranh, những thuận lợi do tự nhiên, lịch sử mang lại, nhu cầu phát triển của đất nước, khu vực và thế giới, Nghị quyết khẳng định: “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế”(3).
Thực tế đã chứng minh, ở những thời điểm khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu, nông nghiệp thực sự đóng vai trò trụ đỡ của nền kinh tế. Trong những năm tới, phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường trong và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, môi trường sinh thái, khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; tổ chức sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đây là sự cụ thể hóa nội hàm của khái niệm “nông nghiệp sinh thái”.
Bốn là, về quan điểm xây dựng nông thôn hiện đại, Nghị quyết nêu: “xây dựng nông thôn Việt Nam hiện đại, phồn vinh, hạnh phúc, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, môi trường xanh - sạch - đẹp; đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Phát triển nông thôn hiện đại phải gắn với không gian di sản văn hóa, giá trị văn minh lúa nước, bản sắc văn hóa dân tộc cao đẹp”(4). Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội nông thôn phát triển hài hòa, đồng bộ giữa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ; bảo đảm quốc phòng, an ninh, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là tại các địa bàn trọng điểm chiến lược; chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an toàn cho cuộc sống người dân và sản xuất.
Quan điểm này vừa là yêu cầu, vừa là mục tiêu của phát triển nông thôn Việt Nam. Do vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, Việt Nam chịu ảnh hưởng sâu sắc của biến đổi khí hậu, do vậy, xây dựng nông thôn mới đòi hỏi gắn với các yêu cầu phòng, chống thiên tai.
Năm là, Nghị quyết 19-NQ/TW khẳng định quan điểm phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân và cư dân nông thôn là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong đó, đề cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
Nghị quyết 19-NQ/TW xác định mục tiêu đến năm 2030: “nông dân và người dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu. Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh”(5).
Nghị quyết cũng xác định một số mục tiêu cụ thể như: tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp đạt bình quân 3%/năm, năng suất lao động ngành nông nghiệp tăng bình quân 5,5 - 6%/năm; tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn đạt bình quân trên 10%/năm; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng gấp 2,5 đến 3 lần so với năm 2020...
Về tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết xác định: “nông dân và người dân nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, có thu nhập cao. Nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có giá trị gia tăng cao, gắn kết chặt chẽ với thị trường trong và ngoài nước, công nghiệp chế biến và bảo quản nông sản hiện đại, xuất khẩu nông sản nhiều loại hàng đầu thế giới. Nông thôn hiện đại, có điều kiện sống tiệm cận với đô thị, môi trường sống xanh, sạch, đẹp, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm vững chắc”(6). Nghị quyết Hội nghị đã cụ thể hóa quan điểm Đại hội XIII về mục tiêu phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
2. Nhiệm vụ, giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
Để đạt mục tiêu trên, Nghị quyết đã đề ra một số nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như:
Một là, nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Trong đó, tập trung thực hiện một số giải pháp cụ thể:
(1) Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, trình độ, học vấn cho nông dân và cư dân nông thôn có đủ năng lực ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm.
(2) Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang làm việc ở khu vực phi nông nghiệp; thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập, thu hút lao động có trình độ cao về làm việc ở nông thôn.
(3) Bảo đảm quyền làm chủ của nông dân và người dân sống ở nông thôn theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Phát huy các truyền thống tốt đẹp của nông dân, nông thôn Việt Nam như: đoàn kết, tình làng nghĩa xóm, tương thân, tương ái... đẩy mạnh phong trào nông dân khởi nghiệp, thi đua sản xuất kinh doanh, cùng nhau làm giàu, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới. Xây dựng gia đình hạnh phúc, cộng đồng dân cư vững mạnh, tham gia quản lý xã hội, bảo vệ tài nguyên môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn.
(4) Hỗ trợ nông dân và cư dân nông thôn nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh, tạo việc làm ổn định, tiếp cận các nguồn lực, tiến bộ khoa học công nghệ, chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, ứng dụng công nghệ tiên tiến, đáp ứng yêu cầu cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
(5) Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao... ở nông thôn; thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách: bình đẳng giới, bảo hiểm với nông nghiệp, nông dân; triển khai hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, ưu tiên nguồn lực đầu tư với những vùng đặc biệt khó khăn(7).
Hai là, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng. Một số giải pháp cụ thể như:
(1) Cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng thực chất, hiệu quả, khai thác và phát huy lợi thế nền nông nghiệp nhiệt đới.
(2) Đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung, quy mô lớn, bảo đảm an toàn thực phẩm dựa trên nền tảng ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa, gắn kết chặt chẽ giữa nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, dịch vụ.
(3) Khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn, giảm hiệu ứng nhà kính.
(4) Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới kết cấu hạ tầng sản xuất nông nghiệp, ưu tiên công trình dự án phục vụ cơ cấu lại nông nghiệp, ứng phó với biến đổi khí hậu.
(5) Phát triển công nghiệp sản xuất giống, thiết bị, vật tư nông nghiệp; tổ chức lại, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất ở nông thôn phù hợp với kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng. Nghị quyết cũng nêu giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp(8)...
Ba là, xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Nghị quyết nêu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, vì lợi ích của người dân. Một số giải pháp cụ thể như:
(1) Hoàn thiện bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, bổ sung, cụ thể hóa tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới cấp thôn, bản.
(2) Quy hoạch kiến trúc nông thôn (nhà ở, công trình công cộng...) phù hợp với truyền thống văn hóa, cảnh quan môi trường nông thôn, thích ứng với biến đổi khí hậu.
(3) Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, các vùng, miền; kết hợp phát triển kinh tế - xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh. Xây dựng cảnh quan môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, văn minh, giàu bản sắc dân tộc.
(4) Xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ, hiện đại, kết nối với đô thị, nhất là hạ tầng giao thông, thông tin, văn hóa, giáo dục, y tế, nước sạch... từng bước tiệm cận với đô thị.
(5) Ưu tiên đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, tích hợp một số nội dung của các chương trình mục tiêu quốc gia trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn nâng cao đời sống nông dân(9).
Bốn là, hoàn thiện thể chế, chính sách về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Một số giải pháp cụ thể:
(1) Hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai theo hướng quản lý, sử dụng bền vững, hiệu quả, thúc đẩy tích tụ, tập trung, sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp; khắc phục tình trạng bỏ hoang, sử dụng kém hiệu quả, làm thoái hóa đất; bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi theo đúng quy định của Hiến pháp và pháp luật.
(2) Đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đầu tư, tăng đầu tư từ ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp, nông thôn. Mục tiêu cụ thể là tăng đầu tư giai đoạn 2021-2030 ít nhất gấp hai lần so với giai đoạn 2011-2020.
(3) Hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ tín dụng cho các hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng của hộ nông dân. Xây dựng chính sách đủ mạnh để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn(10).
Năm là, tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn. Một số giải pháp cụ thể:
(1) Nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường... làm cho khoa học công nghệ thực sự trở thành động lực chính phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.
(2) Hỗ trợ thành lập các vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp, quỹ đầu tư đổi mới sáng tạo, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nông nghiệp, nông thôn.
(3) Thúc đẩy các mô hình liên kết giữa các viện, trường, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân.
(4) Đào tạo, nâng cao kỹ năng nghề trong nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ mới. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ cao, công nghệ mới.
(5) Mở rộng hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại, nhất là công nghệ chế biến, bảo quản, công nghệ giống, môi trường, tái sử dụng phụ phẩm (tuần hoàn). Tăng cường các biện pháp ứng phó với biển đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, phòng, chống dịch bệnh, ô nhiễm môi trường(11).
Sáu là, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường nông thôn, nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai. Một số giải pháp cụ thể như:
(1) Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, chuyển mạnh sang mô hình tăng trưởng xanh.
(2) Quy hoạch, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên nước, bảo vệ quỹ đất nông nghiệp.
(3) Cập nhật các kịch bản biến đổi khí hậu, chủ động phòng chống thiên tai(12).
Bảy là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội ở nông thôn. Một số giải pháp cụ thể:
(1) Tăng cường vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
(2) Phát huy quyền làm chủ, tạo điều kiện để người dân ở cơ sở thực sự đóng vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; tham gia giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh.
(3) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp, các tổ chức tự quản cộng đồng tham gia phát triển nông nghiệp, nông thôn, chăm lo đời sống nông dân(13).
Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 19-NQ/TW có một số điểm mới về nhiệm vụ, giải pháp như:
(1) Các giải pháp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn gắn với ba đột phá chiến lược mà các đại hội Đảng gần đây đặt ra (hoàn thiện thể chế, phát triển nguồn nhân lực, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng)(14). Ba đột phá này đã được vận dụng linh hoạt vào phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay.
(2) Văn kiện Đại hội XIII của Đảng coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là một trong những động lực chủ yếu phát triển đất nước hiện nay. Nghị quyết 19-NQ/TW cụ thể hóa vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân phải dựa trên chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ cao. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay.
(3) Xuyên suốt Nghị quyết 19-NQ/TW là tư tưởng gắn kết giữa truyền thống với hiện tại, quá khứ - hiện tại - tương lai trong phát hiện nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển nông nghiệp, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam, xây dựng nông thôn mới phải kế thừa các giá trị truyền thống dân tộc, bổ sung các giá trị mới phù hợp với yêu cầu thời đại.
(4) Để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhanh, bền vững, ngoài phát huy nội lực, phải coi trọng việc tranh thủ các nguồn lực, vốn, thị trường, khoa học công nghệ từ bên ngoài, đây là yếu tố do thời đại tạo ra.
(5) Nghị quyết 19-NQ/TW đặt nông dân ở vị trí chủ thể, trung tâm, lấy nâng cao năng lực, vị thế của nông dân và người dân sống ở nông thôn làm tiền đề để phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.
(6) Nhìn tổng thể, Nghị quyết 19-NQ/TW “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” gắn với Nghị quyết 18-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”; Nghị quyết 20-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới” tạo ra một hệ thống chính sách đồng bộ, toàn diện cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
_________________
(1), (2), (3), (4), (5), (6) ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.93, 94, 94, 95, 96-97, 98-99.
(7), (8), (9), (10), (11), (12), (13) Xem ĐCSVN: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr.99-101, 102-106, 108-110, 110-113, 113-115, 115-116, 118-120.
(14) Xem: ĐCSVN: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t.I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.203-204.
TS NGUYỄN VĂN QUYẾT
Viện Chủ nghĩa xã hội khoa học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh